Câu chuyện về chỗ đứng tại phiên toà

FB Ngô Anh Tuấn

15-4-2018

Ông Nguyễn Văn Túc trước tòa. Ảnh: internet

Sơ đồ bố trí phòng xử án đã có quy định rất cụ thể bằng văn bản pháp lý; ai ngồi ở vị trí nào đã có quy định rõ ràng (Xem Thông tư 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của TAND Tối cao, có hiệu lực từ 01/01/2018). Theo quy định, đứng sau bục khai báo của bị cáo, đó là nơi duy nhất dành cho bị cáo, những người không liên quan, không được đứng đó, trừ khi luật sư muốn tiếp cận, trao đổi với bị cáo trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, trong một số phiên xử hình sự, đặc biệt là xử những người bất đồng chính kiến, chỗ đứng của bị cáo lại có sự tham gia của rất nhiều người khác, đó là các đồng chí cảnh sát tư pháp, điều này là không phù hợp.

Việc tham gia của lực lượng cảnh sát tư pháp để bảo vệ trật tự là cần thiết để có một phiên toà được diễn ra an toàn, đúng kế hoạch. Dẫu vậy, nếu không bố trí vị trí của họ một cách hợp lý theo đúng quy định sẽ gây nên sự phản cảm đối với xã hội và không đảm bảo được quyền được suy đoán vô tội của bị cáo. Trong vụ án xét xử ông Nguyễn Văn Túc, người bị VKSND tỉnh Thái Bình khởi tố về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, tôi đã đấu tranh rất nhiều về việc này.

Trong phiên toà nêu trên, ngay khi phần thẩm tra lý lịch, luôn có 4 đồng chí cảnh sát tư pháp đứng vây quanh bị cáo – tôi không đồng ý và có ý kiến ngay với chủ tọa phiên toà để đề nghị những người này về đúng vị trí của mình, trả lại nơi cho bị cáo. Lý giải cho việc làm của mình, ông Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã trao đổi với tôi là do sáng nay, huyết áp của bị cáo tăng lên 190 nên cần người đứng cạnh để đỡ. Tôi hiểu và cảm ơn sự quan tâm của ông nhưng vẫn không đồng tình với cách lý giải ấy và đề nghị các đồng chí cứ về chỗ của mình, nếu bị cáo yếu, có thể cho ông ngồi để trả lời; bản thân bị cáo không có khả năng gây mất trật tự phiên tòa. Tôi còn nêu thêm, việc cảnh sát vây quanh bị cáo còn gây phản cảm với truyền thông trong nước và quốc tế khi mà rất nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới sự kiện này. Cuối cùng, thẩm phán chủ tọa phiên toà đã quyết định bố trí ghế ngồi cho bị cáo và mời các đồng chí cảnh sát tư pháp về đúng vị trí của mình. Trong suốt phần còn lại của phiên xử, vị trí ấy được giữ nguyên và trật tự phiên toà vẫn được đảm bảo.

Việc chỗ đứng, nơi ngồi tưởng như đơn giản nhưng nó cần được đảm bảo để tôn trọng quyền của người được đưa ra xét xử. Chúng ta không nên/không được phép làm xấu hơn tình trạng của bị cáo trước khi xét xử. Không ai được xem là có tội trước khi có bản án có hiệu lực của pháp luật – đó là nguyên tắc cơ bản mà Hiến pháp Việt Nam quy định – Chúng ta, dù bất kỳ ai cũng cần phải tôn trọng nguyên tác ấy…

Hình ảnh minh hoạ tại phiên tòa ngày 10/4/2018 trước và sau khi có ý kiến của luật sư.

Bình Luận từ Facebook