Chuyện về “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ – Phần 2

Lê Hồng Hà

12-4-2018

Mời đọc phần 1

Út “trọc”. Ảnh: internet

Các công ty luôn “như hình với bóng” với Thái Sơn trong các liên danh đầu tư:

1. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh được thành lập từ năm 2005, có trụ sở tại 35-37 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh; do Vũ Thị Hoan (sinh năm 1985), có hộ khẩu tại phường Bình An, Quận 2, Tp.HCM, làm Chủ tịch HĐQT. Vốn điều lệ hiện là 1.800 tỷ đồng.

Yên Khánh góp mặt ở loạt các dự án BOT như dự án cầu Hạc Trì, Yên Khánh hợp tác cùng Cienco 1 để đầu tư xây dựng dự án cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng. Công ty Yên Khánh còn là cổ đông chiến lược của Cienco1 với 28,28% tỷ lệ sở hữu.

2. Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình, thành lập từ năm 2002. Trụ sở Địa chỉ: 20 Lê Lợi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Đinh Ngọc Hùng, sinh năm 1982, có hộ khẩu thường trú tại Yên Khánh – Ninh Bình.

Cơ cấu cổ đông (đến ngày 18/06/2015): Với tỷ lệ nắm giữ: Đinh Ngọc Hùng 26% (57.200 cổ phần); Đinh Ngọc Liên 45% (99.000 cổ phần); Vũ Thị Hoa (em ruột Vũ Thị Hoan TGĐ cty Yên Khánh) 29% (63.800 cổ phần).

3. Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, thành lập năm 2005. Trụ sở : số 362/14, Đường Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch HĐQT của công ty là Trần Tuấn Lộc, sinh 1983 quên Nam Đàn, Nghệ an. Tháng 7/2017, công ty đã nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Với Cienco 4, quyền chi phối đã thuộc về Tuấn Lộc. Cuối năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã thoái toàn bộ 35% cổ phần tại Cienco 4 cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Sau giao dịch này, Công ty Tuấn Lộc sở hữu 51,5% cổ phần của Cienco 4. Tuấn Lộc còn là cổ đông lớn nắm giữ 2,89% CII B&R –một công ty hạ tầng khác.

Tháng 3/2015, liên danh Tuấn Lộc – Yên Khánh – BMT – Thắng Lợi – Hoàng An – CII B&R, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là thành viên đứng đầu liên danh (tất cả các thành viên trong liên danh đều là doanh nghiệp tư nhân) đã trúng chỉ định thầu Dự án cao tốc Trung Lương có tổng vốn đầu tư lên đến gần 15.000 tỷ.

Điều đáng quan tâm là các dự án ngàn tỷ giao thông đường bộ, cầu… trên cả nước đều rơi vào tay các công ty này. Các công ty mà khi thành lập các ông bà chủ tuổi mới ngoài… 20(!)

Trở lại câu chuyện Út Trọc.

Út Trọc và Vũ Nhôm có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều không măc áo lính, không được đào tạo vả rèn luyện trong LLVT, mà nghiễm nhiên đeo lon… thượng tá. Phía sau họ là “bóng dáng” của các quan chức, cả trung cấp và cao cấp.

Ai bao che, dung túng cho Út và Vũ sẽ dần được “bóc băng”. Cả hai móc nối, hình thành “nhóm lợi ích” hòng chiếm đoạt công sản, tài nguyên quốc gia. Lợi dụng sơ hở trong chính sách để thâu tóm dự án, mua bán trái phép, chia chác đặc quyền đặc lợi có giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Dùng tiền để mua chuộc, câu kết ăn chia với những kẻ có chức quyền. Tiền bạc và tham vọng quyền lực đã gắn “nhóm lợi ích” trở thành công cụ và “chống lưng” nhau. Mượn văn bản và các cú phone của kẻ quyền lực cao cấp để làm “lá bùa” đe doạ và chiếm đoạt. Cả Út Trọc và Vũ Nhôm đều là những tay “mafia”.

Cả hai lợi dụng danh dự, uy tín của quân đội và công an để “làm mưa làm gió” từ nam ra bắc, lấy đó làm “khiên” che chắn cho hoạt động sai trái, lũng đoạn kinh tế, phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của chính sách xây dựng kinh tế, tổ chức cán bộ.

Đó là hành vi bất chấp pháp luật, phá vỡ những giá trị đạo đức cơ bản trong thương trường và nền tảng luật pháp. Chúng lũng đoạn chính trị, âm mưu “phe nhóm” hòng can dự chính trường…

Ngày 11/10/2017, bế mạc HNTW 6 khoá 12, Tổng Bí thư nói: “Đề nghị từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa!”

Đến đây, những ai đã “chống lưng” cho Út Trọc và Vũ Nhôm, chia chác tiền bạc và tham vọng quyền lực, đi ngược với lợi ích của nhà nước và nhân dân nên sớm tự giác “gột rửa” trước khi tổ chức và cơ quan quản lý “gột rửa” giúp mình.

Bình Luận từ Facebook