Trung Nguyễn
7-4-2018
Thế là phiên tòa xét xử vụ án Hội Anh em dân chủ cũng đã chấm dứt, với mức án tổng cộng là 66 năm tù và 17 năm quản chế cho 6 người. Mức án trên thật ra cũng đã có thể dự đoán được sau những bản án tàn nhẫn với chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (10 năm), chị Trần Thị Nga (9 năm), anh Hoàng Bình (14 năm)… Đảng cộng sản luôn ra những bản án nặng với những ai biết liên kết lại với nhau để tạo sức mạnh. Rõ ràng một cá nhân không bao giờ có thể làm nên chuyện gì lớn lao.
Các luật sư bào chữa trong phiên tòa đã nêu lên rất nhiều điểm phi lý trong lập luận của viện kiểm sát như: lẫn lộn khái niệm giữa đảng và chính quyền, không mở băng ghi âm, không có người giám định để đối chất, không nêu ra được hành vi nào có thể dẫn tới “lật đổ chính quyền”, vi phạm trong thủ tục tố tụng khi tạm giam quá thời hạn…
Ở đây, căn cứ theo bản tốc ký diễn biến phiên tòa của luật sư Ngô Anh Tuấn, tôi chỉ muốn nói thêm về một số điểm liên quan tới Hiến pháp và luật pháp để góp thêm một tiếng nói bảo vệ chính nghĩa và công lý.
Việc lập hội là bất hợp pháp?
Quan điểm của bên công tố về quyền thành lập hội của người dân như sau: “Luật Hội chưa được thông qua nên các Hội chưa được bảo hộ, bảo vệ” và “Hiến pháp quy định công dân có quyền lập hội theo quy định của pháp luật nhưng luật hội chưa có nên việc lập hội là chưa hợp pháp”.
Ở đây, chúng ta thấy công tố viên hết sức khiên cưỡng khi cho rằng luật chưa có mà công dân làm là phạm pháp, dù điều công dân làm đã được Hiến pháp công nhận.
Theo điều 16 Hiến pháp “mọi người bình đẳng trước pháp luật”, nếu lập luận như công tố viên thì các hội do đảng cộng sản lập ra cũng đều “chưa hợp pháp” như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nhà văn, Hội sinh viên,… Vậy thì phải truy tố các thành viên của các hội này về tội “lật đổ chính quyền”?
Ở Việt Nam cũng chưa có điều luật nào cho phép người dân … đi chợ, gặp bạn bè cà phê, ăn nhậu, hát karaoke,… Vậy thì tất cả những người dân đang phạm pháp hàng ngày? Và bất cứ người dân nào cũng có thể bị bắt vì chuyện suy diễn luật pháp tùy tiện.
Ví dụ như một anh công an nhìn thấy một thanh niên đang suy nghĩ công việc kinh doanh và đang ngồi uống cà phê một mình trong quán, anh công an này có thể suy diễn là trong đầu anh thanh niên này đang “mong ước đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập”, nghĩa là có ý định “lật đổ chính quyền nhân dân” và anh này bị bắt vì không có luật nào cho phép người dân được uống cà phê một mình. Uống cà phê một mình là đang tìm cách lật đổ chính quyền.
Trong bài phát biểu đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rất rõ: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.”
Việc công tố viên công khai nói ngược lại với nguyên tắc pháp luật căn bản này trong một phiên tòa được quốc tế chú ý sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới niềm tin vào môi trường kinh doanh và pháp luật ở Việt Nam. Và điều này cũng chứng tỏ giới lãnh đạo cộng sản là những người không đáng tin cậy, không nhất quán.
Việc lập đảng cũng là bất hợp pháp
Một việc còn không được Hiến pháp công nhận là quyền tự do lập đảng. Rõ ràng là theo lập luận của công tố viên, Hiến pháp không công nhận quyền tự do lập đảng nên lập đảng là bất hợp pháp, là lật đổ chính quyền. Như vậy thì cần phải bắt hết các thành viên của đảng cộng sản vì đảng cộng sản đang “lật đổ chính quyền nhân dân”?
Tiếp nữa, không hề có luật nào cụ thể điều 4 Hiến pháp là “đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” nên việc đảng cộng sản “lãnh đạo” cũng là chưa hợp pháp. Xin mời công tố viên chỉ ra bộ luật về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản!
Chưa có luật về quyền tự do lập đảng và chưa có luật về quyền lãnh đạo của đảng cộng sản nên đảng cộng sản cũng “chưa được bảo hộ, bảo vệ”. Đó là chưa kể đảng cộng sản mới thực sự là “đe dọa tới an ninh quốc gia” chứ không phải Hội Anh em Dân chủ. Lý do là tài chính để đảng hoạt động lấy từ ngân sách nhà nước, là tiền thuế mồ hôi nước mắt của nhân dân, khiến nhân dân phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng để nuôi đảng cộng sản, gây bất công và bức xúc xã hội. Còn Hội Anh em Dân chủ chưa hề lấy một đồng thuế nào của dân.
Có tiền là bất hợp pháp?
Viện kiểm sát cũng suy diễn luật sư Nguyễn Văn Đài không có công ăn việc làm mà có tiền thì tiền đó bất hợp pháp và sung công quỹ. Đây là suy diễn hết sức nguy hiểm và có thể là tiền đề cho nạn cướp bóc lặp lại, giống như thời mới sau 1975 người cộng sản đánh tư sản ở miền Nam.
Người dân, thậm chí cả báo chí của đảng cộng sản ở trong nước, đã nêu rất nhiều trường hợp quan chức, tức là những người ở vào vị trí có thể tham nhũng, có rất nhiều tiền bạc một cách lộ liễu. Nhưng các quan chức đó đều khai là họ làm những việc mà người dân phải phì cười: buôn rượu (lậu), bán chổi đót, nuôi heo, chạy xe ôm thâu đêm,… Các quan chức đó không hề chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình mà chỉ có những lời thanh minh không thể tin được.
Vậy thì công an và viện kiểm sát nên đưa hết những quan chức có tài sản nhiều bất thường và không chứng minh được nguồn gốc vào ra tòa để cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu không làm được như vậy thì rõ ràng việc bắt bớ các thành viên của Hội Anh em Dân chủ là hành vi đàn áp bất đồng chính kiến chứ không phải như bà phát ngôn bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố là “Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm” và “Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.”
Qua ba điểm trên, hẳn mọi người cũng đã nhận ra tại sao nhà cầm quyền phải tổ chức một phiên tòa chớp nhoáng, xử sáu người mà trong vòng một ngày là xong, và không dám đối chất, không dám tranh luận với luật sư và các bị cáo mà chỉ nói cho qua chuyện để tuyên án. Lý do là các lập luận của công tố toàn là suy diễn, quy chụp, giải thích pháp luật tùy tiện, chẳng hạn như tùy tiện suy diễn là mong muốn “đa nguyên đa đảng” và “tam quyền phân lập” là “lật đổ chính quyền”, dù chẳng có luật nào cấm đa nguyên đa đảng hay cấm tam quyền phân lập.
Lời kết
Khi tham gia đấu tranh cho một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn như khẩu hiệu của chính đảng cộng sản đã tuyên bố “dân chủ, công bằng, văn minh”, tôi tin các thành viên của Hội Anh em Dân chủ đã sẵn sàng chấp nhận tù đày. Sự đàn áp của giới lãnh đạo cộng sản với các anh chị em chắc chắn không thể nào khiến người dân hoảng sợ mà đẩy lùi tiến trình lịch sử dân chủ hóa. Rõ ràng Công Lý chỉ là một diễn viên hài chứ hoàn toàn không tồn tại ở Việt Nam.
Dù nền dân chủ, pháp quyền có thể đến sau vài năm hay vài chục năm nữa, người dân Việt Nam cuối cùng chắc chắn sẽ có công lý. Hiện tại thì giới lãnh đạo cộng sản có vẻ mạnh nhưng cuối cùng nhân dân Việt Nam sẽ mạnh hơn. Đó là bài học mà rất nhiều lãnh đạo đã học được như bà cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye mới bị tuyên án 24 năm tù vì lạm quyền, cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đang ra tòa vì tội tham nhũng…
Trong một chừng mực nào đó, ngay ở Việt Nam, cựu ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Đinh La Thăng, cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh,… cũng đã “thấm nhuần”, “quán triệt” về bài học “lên voi xuống chó”.
Một ngày nào đó, những kẻ có quyền lực hiện tại sẽ phải trả lời về những hành động của mình ngày hôm nay. Đó cũng là lý do mà rất nhiều cán bộ đảng viên cộng sản đã mua quốc tịch nước ngoài, đưa con cái và tài sản ra nước ngoài.
Tôi xin cảm ơn những người vợ của những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo. Hình ảnh những người vợ trong vụ án Hội Anh em Dân chủ thực sự làm tim tôi se thắt. Sự hi sinh của các chị thật quá lớn. Nhưng lịch sử rất công bằng, rồi tất cả mọi chuyện đều sẽ được ghi nhận lại.
© Copyright Tiếng Dân
____
Tham khảo: Biên bản phiên tòa xét xử cựu luật sư Nguyễn Văn Đài và đồng phạm bị truy tố về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 BLHS 1999 (LS Ngô Anh Tuấn).