Mần Thơ và Mần mướn

Lò Văn Củi

2-3-2018

Ông Hai Xích lô hỏi anh Bảy Thọt:

– Bữa nay có mần gì hông Bảy, hổng mần thì lai rai ba sợi chơi?

Anh Bảy làm điệu bộ khệnh khạng:

– Dạ, giỡn chơi hoài ông Hai, bữa nào chứ nữa nay sao quởn được, bữa nay ngày “dất ư nà” quan trọng à nghen.

– Ngày chi mà dữ vậy bây?

– Ông Hai hông biết sao ta? Ái chà, cũng đúng, tại ông Hai hổng phải người “thần tượng” anh “dây Cót” mà.

Anh Năm Ba gác cười hi hi:

– Ý chú Bảy nói là anh dây Thiều hen. Dây nào cũng là dây, dây Thiều cũng là dây, dây Cót cũng là dây. Ảnh lên dây cót cái ót thành thử nước ta lên hương “cường quốc thơ” luôn, lấy ngày Tết Nguyên Tiêu làm tiêu điểm như xưa, nhưng “cường quốc” thì hội hè hoành tráng hơn nhiều, có tiền thuế dân đóng lo gì, xin xài thoải mái.

– À, à… tao có biết, có nghe. Cha nội này làm chủ cái Hội Nhà Văn…g mà, tao đọc là nhà quăng đó. Vậy bây có mần được bài nào hông?

Anh Bảy ngưỡng cổ:

– Sao hông ông Hai. Nghe đứa con của “cường quốc” mần nè:

Ngày ôm vợ thấy hồn giựt thót

Thương con… bồ đầu hẻm đứng chờ sương

Bà con cô bác cười rần rần. Ông Hai Xích lô “phê phán”:

– Cái thằng, mần thơ hiện thực dữ. Rảnh quá ôm vợ ban ngày luôn. Cũng có lãng mạn y như lãng… xet, ôm vợ lại nhớ tới con bồ “gà móng đỏ”, tội ghê, đứng chờ “sương” cả ban ngày. Ê, nhưng có điều này nên tránh:

Làm thơ phải tránh vần ồn

Kẻo không lại đụng cái… hồn chị em.

Bây cứ xài hồn hồn, chồn chồn là hổng được. Chẳng hạn như vầy coi sao đặng:

Thu Vân khen ngợi Thu Bồn

Thu Bồn cảm động vuốt… vai Thu Vân.

Bà con cô bác cười rần rần thêm đợt nữa. Lắng lắng xuống, anh Năm chề môi:

– Ê, chơi mà chôm thơ nghen, chôm của cha nội “nhà thơ” Trần Anh Trang.

Thơ Trần Anh Trang. Ảnh: Intenet

Anh Bảy giãy nãy:

– Chôm đâu mà chôm, có mấy chữ giống thôi mà. Chỉ là “mượn ý của nhà thơ thần sầu”, nhà thơ thuộc thể loại:

Nhà thơ ở cạnh nhà… thờ

Khi nhà thơ chết nhà thờ… tắt tiếng chuông

“Tắt nghẹn” luôn á. À, nhưng bây giờ mà sợ gì chôm, người ta chôm hà rầm. Hỏi ông Thầy thử coi, đúng hông ông Thầy?

Ông Thầy gật gù:

– Đúng đúng, chôm như chôm chôm Long Khánh vô mùa. Ngay cả những tập thơ được chấm giải của hội này hội kia, hội lớn không á cũng bị phát hiện là chôm. Có lẽ học tập tư tưởng chôm của “sư tổ”, “sư tổ” từng chôm rất nhiều, như chôm bài thơ Lương Châu Từ của nhà thơ lừng lẫy Vương Hàn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, 
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

“Sư tổ” sửa chút chút coi như thành của mình và đề tặng tướng “đàn anh” Trần Canh:

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm, tỳ bà  mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

Bà con gục gật theo ông Thầy. Anh Bảy nói tiếp:

– “Sư tổ” còn cổ súy:

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Nên nhiều “đệ tử” nối gót, mà không chỉ thép, xung phong, mà còn phải khát máu, phải giết chóc không gớm tay, như kiểu “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”, “Thề phanh thây uống máu quân thù” (nguyên thủy của câu: Đường vinh quang xây xác quân thù – trong bài Quốc ca của Văn Cao), và thờ ngoại bang…:

Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ.
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong.
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!

(Tố Hữu)

… Giết chúng bay là tội chúng bay làm. 
Những tội ác chúng bay gieo nay đã mọc
Thành súng ống, thành gươm dao, thành gậy gộc,
Thành cát bay đá chạy, thành mưa giông,
Thành sấm vang, thành bão táp đùng đùng!
Giết! Sẽ giết! Chết! Chúng bay sẽ chết!…

“Xác thù là xác nhồi phân ruộng, 
“Máu thù là máu rửa quân nhu.
“Sao này là sao đưa hạnh phúc,
“Đỏ này là đỏ diệt quân thù!”.

(Xuân Diệu)

Đó, còn hàng hàng bài như vậy đó. Cho nên đồng bào ta ngã xuống vì… đồng ta không biết là bao nhiêu mà kể, và các anh chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa bị “phỏng dái” hết, miền Nam bị giải phóng thôi.

Bà con cô bác cám cảnh! Anh Bảy tiếp tục với phần vui hơn để phá bớt u uất:

– À, thơ còn dự báo rất hay nữa nghen, nè:

… Buôn đi vài thúng cá

Năm bảy ký mực khô…

Dự báo hay ghê hông, dự báo thời bao cấp khó khăn, các quan ta sẽ buôn lậu, từ từ buôn càng dữ, từ từ càng tham, bài thơ giữ lại chữ “ăn” thì nói tham nhũng: “Ăn đi vài tấn cá. Vài trăm ký mực khô”, xã hội đủ thứ bầy hầy ra…

Anh Năm cười hi hi:

– Chú Bảy chơi mà chế rồi nói xấu nghen, chế từ bài Con cá, chột nưa của ông Tố Hữu:

… Ăn đi vài con cá

Năm bảy cái chột nưa…

Anh bảy gật đầu rồi lắc đầu:

– Đúng là chế từ bài đó. Chế từ quan tham, quan buôn lậu. Bà con ta đồn hổng… lầm đâu. Và hế bởi, họ nói và làm ngược nhau, chế lại là đúng chóc. Thôi, còn nhiều nhiều lắm, hát bài các anh bộ đội chế rồi “dọt” đi mần, bà con cô bác sưu tầm thêm: “Tiến về Sài Gòn chúng ta cùng húp nước nắm (hay húp cháo trắng). Ôi ! quan tham uýt ki, ngồi nhịp giò nhai thịt bò… đế quốc Mỹ…”

Bà con cô bác cười hà hà. Chàng Tân Sinh viên cũng nói:

– Con cũng “dọt”, con đi mần đây.

– Chà bây có việc rồi ha. Mần gì bây?

– Dạ, mần thơ…

– Ui, ngon ta, mần trong hội của anh dây Cót luôn.

– Dạ, hổng dám. Con người miền Trung, Phú Yên, Bình Định đồ á, kêu mần thơ (thuê) là mần mướn á. Con đi… phụ hồ.

Ông Hai Xích lô trợn mắt:

– Trời! tưởng mần gì đúng chuyên môn chứ. Thôi, hai thằng bây “dọt” lẹ đi, mệt với tụi bây quá.

Ông Hai ra vẻ cự nự, nhưng bà con cô bác cười hì hì, thông cảm lắm lắm.

Bình Luận từ Facebook