Thạch Đạt Lang
28-2-2018
Bài viết này hình thành do ngẫu hứng khi đọc bài của cô Nguyễn Thị Bích Ngà đăng trên Tiếng Dân, tựa đề Đàn bà Việt khổ. Ngoài ra còn có một động cơ phụ (6 block đầu bạc) nữa là thứ năm tuần tới, ngày 08.03.2018 là ngày Quốc Tế Phụ Nữ hay còn được một số “quý ông” Gien-tơ-men Việt Nam gọi là ngày phụ nữ vùng lên … đòi quần lại (lý do phụ nữ VN từ trước tới nay hay mặc váy?).
Bài viết này, tất nhiên không chỉ đặc biệt dành cho phụ nữ, mà còn dành cho phái nam, những người thật sự thương yêu vợ mình. Những người mang tâm thức chồng chúa vợ tôi xin đừng đọc rồi chửi bới tác giả xúi các bà làm cách mạng.
Bài viết của Bích Ngà được minh họa bằng hình ảnh một cô gái trẻ (xấu đẹp tùy người đối diện) ngồi bên cái ao, dưới một tàng cây thơ mộng, êm đềm, mặt như đang cười mà không phải cười, nhìn đống tô, đĩa, chén, đũa… mênh mông thiên địa trước mặt, chưa biết bắt đầu công việc từ đâu (cho nhanh, gọn, nhẹ, sạch sẽ…).
Tò mò tìm bài viết gốc trên FB của tác giả, đọc được khá nhiều bình luận, góp ý. Cho dù tác giả đã cố gắng diễn đạt, làm rõ thêm mục đích bài viết bằng cách thêm những ý kiến tranh luận dưới bài, nhưng đa số dường như không hiểu, hoặc hiểu không đúng, vì thế bình luận trở nên … trật đường rầy. Xin ghi lại đây một số để độc giả đọc cho “thư giãn”:
– Rất cần những bài viết như thế này để chấm dứt tư tưởng Khổng-Nho thắt chặt và làm trì trệ xã hội VN!
– Vứt mẹ nó hết đống bát xuống ao, vừa dằn mặt nhà chồng vừa không phải rửa.
– Việt Nam đang rất cần một cuộc CÁCH MẠNG XANH toàn diện.
– Thật phụ nữ Việt cơ bản là sướng nhưng mồm thì quàng quạc than vãn.
– Kết quả của 43 năm thụt lùi
– Khi đã tạo được cho mình vị trí độc lập về tài chánh, thì cả nam lẫn nữ, đều có nhiều chọn lựa trong cuộc sống. Không phải lệ thuộc ai.
– Cô gái trong hình chỉ việc vất hết đống bát đĩa xuống ao…
– Theo mình thì dù đàn ông hay phụ nữ muốn bớt khổ, thoát khổ thì chỉ có cách là học, học cách kiếm tiền. Dù là khó thay đổi văn hóa truyền thống nhưng muốn nam nữ bình đẳng thì không phải chỉ riêng đàn ông thay đổi mà cả phái nữ cũng phải thay đổi.
– Cái máy rửa bát của mình bị hỏng anh bạn người Đức của mình tức tốc mua cho mình máy rửa bát mới, chứ không để mình phải rửa bát bằng tay. Thời gian rửa bát để làm chuyện khác.
…..
Còn rất nhiều ý kiến khác nhưng tựu trung, đa số không đi vào vấn đề mà tác giả đưa ra. Ý của Bích Ngà thật ra chẳng có gì khó hiểu. Là phụ nữ, hiểu được những khổ tâm của người đồng phái về tâm, sinh lý, Bích Ngà nêu lên vấn đề với mục đích khai thông những ẩn ức mà phụ nữ phải cắn răng chịu đựng, để được tiếng là hi sinh cho chồng, con vì những nguyên nhân khác nhau.
Bản thân tác giả đã từng thú nhận, cô không thích bình đẳng với nam giới, cô chỉ thích thua. Vậy thì chuyện đòi hỏi bình đẳng nằm ở đâu khi tác giả nêu ra sự khổ cực của người phụ nữ VN? Tất nhiên vấn đề không nằm ở Nho Giáo hay Khổng Giáo mà ở hệ thống xã hội, văn hóa, nền tảng giáo dục, giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội.
Rất dễ dàng nhận thấy, mục đích chính bài viết của Bích Ngà là vấn đề đối thoại, tìm một phương thức giải quyết tốt đẹp cho cuộc sống của người phụ nữ, giải tỏa những ẩn ức tâm, sinh lý, sự khổ cực, đắng cay – họ chịu đựng từ nhiều thế kỷ qua – bằng những biện pháp, hành động thiết thực, chứ không phải bằng những ngôn từ màu mè, hoa lá, nhàm chán, rỗng tuếch với những món quà vào ngày 08.03. hàng năm.
Đối thoại là bước đầu để tìm hiểu căn nguyên vấn đề. Người phụ nữ phải có can đảm trực tiếp nêu lên vấn đề với chồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè…, nói ra những áp bức, khó khăn, trở ngại để tìm một cách giải quyết, không phải nói ra để chỉ có mục đích than vãn, tìm sự đồng cảm hay để nhận được sự an ủi, rồi tiếp tục cam chịu.
Biết được căn nguyên vấn đề là đi được bước đầu, kế tiếp là tìm phương hướng giải quyết. Đây là bước khó khăn mà phụ nữ, do bản chất yếu đuối, ít người dám nghĩ đến hay thực hiện. Chỉ có một số ít phụ nữ, hoặc có học, có hiểu biết, hoặc có đủ can đảm nhận định, phân tích những khó khăn, phức tạp trong đời sống mình phải chịu đựng.
Có được phương hướng rồi, có đủ can đảm để thực hiện đúng theo phương hướng đó hay không lại là chuyện khác. Tác giả Bích Ngà trong một phản biện của mình trên FB đã viết như sau:
“Giả dụ nếu Voi là người ngồi ôm đống chén kia, Voi sẽ ghé tai nói với chồng mình, ‘Anh, nếu em một mình rửa hết đống chén này thì em sẽ không có sức để làm việc gì cũng như làm tình trong một tháng tới. Thế nên, anh và cả nhà cần phụ giúp em cho vui, nhé!’ Voi đố ông nào từ chối được việc ngồi xuống rửa bát và hò hét cả nhà cùng phụ đấy!”.
Thật là rõ ràng, sáng hơn ban ngày. Nguyên nhân đã thấy rõ, phương cách giải quyết đã có, chỉ cần nói ra và thực hiện. Nếu chồng không giúp, cứ dằn mặt, bỏ làm việc nhà, cho ăn chay một tháng là sẽ có kết quả. Hoặc chồng sẽ thay đổi ngay thái độ, tính tình hoặc gia đình tan vỡ. Nhưng gia đình tan vỡ vẫn có cơ hội để lập lại gia đình khác êm ấm, hạnh phúc và bình đẳng hơn.
Từ chuyện nhỏ nghĩ đến chuyện lớn. Liên hệ giữa người dân với chế độ CSVN hiện nay y chang như cuộc sống vợ chồng mà chính quyền là người chồng vũ phu, tham lam, gian ác, tàn độc, chỉ thích ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc…, vợ là người dân cực khổ trăm chiều, lao động vất vả tối tăm mặt mũi, làm được đồng nào phải cống nộp, gom góp cho chồng, phần bỏ túi đi bao gái tơ, phần nhậu nhẹt, cờ bạc, vung vẩy hoang phí…
Vợ vừa lên tiếng cằn nhằn, phản đối, tỏ thái độ bất phục…, chồng lập tức giở thói côn đồ, đánh đập vợ tàn nhẫn, bắt trói, giam giữ, bỏ đói…
Vậy thì phải làm sao? Nguyên nhân đã phân tích, cách giải quyết đã có, lên tiếng đối thoại không được thì phải có biện pháp dứt khoát. Vấn đề còn lại là có làm hay không? Tất cả chỉ là một sự chọn lựa. Than vãn, khóc lóc, chửi bới, kể lể ỉ ôi, chẳng ai giúp được gì khi bản thân không đủ can đảm, ý chí thay đổi. Hàng xóm, bạn bè chẳng ai giúp đỡ được gì.