LTS: Liên quan tới vụ đạo văn, ngụy khoa học của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mà TS Nguyễn Tiến Dũng đã lên tiếng trong thời gian qua, ngày 24/2/2017, ông Nguyễn Thành Nam có bài viết “phản biện” đăng trên báo VnExpress, nhưng chỉ sau vài tiếng, bài báo đã bị cắt cụt những đoạn liên quan đến chuyện vạch trần vụ đạo văn này.
Tiếng Dân đã đối chiếu và so sánh bài gốc của ông Nguyễn Thành Nam với bài đăng trên VnExpress, tô vàng những chỗ đã bị cắt bỏ, để quý độc giả nhận ra sự khác biệt giữa bản gốc và bản đăng trên báo “lề phải”.
____
Phản Biện
Nguyễn Thành Nam
24-2-2018
Khái niệm phản biện xã hội rất hay được nhắc đến gần đây và được coi là một thước đo để đánh giá mức độ dân chủ của xã hội.
Nói như ông Nguyễn Trần Bạt: “Trong mỗi một xã hội bao giờ cũng có nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Các nhóm lợi ích bao giờ cũng có nhu cầu hành động vì một mục tiêu nào đó. Nhưng trên mỗi khía cạnh hay mỗi lĩnh vực của đời sống bao giờ cũng có những cách lý giải khác nhau… Phản biện tạo ra một giai đoạn đệm cho quá trình hành động tự nhiên của các nhóm lợi ích, đó là giai đoạn thảo luận và thỏa thuận. Phản biện làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thoả thuận.”
Dân dã, ta cứ gọi là “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Gần đây ở ta có mấy vụ khá nóng.
Đầu tiên là các sự kiện liên quan đến BOT. Trên thế giới, người ta hiểu BOT là một phần mềm có thể chạy tự động trên Internet. Còn ở Việt Nam, BOT đồng nghĩa với Cai Lậy. Nhà nước giao quyền, công ty bỏ tiền làm đường rồi thu phí của dân đi qua, thu đủ thì trả lại đường cho nhà nước. Trong vụ này, dân biết rất ít, bao giờ ký hợp đồng, ai là chủ đầu tư, điều khoản thế nào, tất cả mù tịt, may ra chỉ biết tổng mức đầu tư, và vì thế cũng chẳng có gì mà bàn. Thế mà dân vẫn biết cách kiểm tra rất hay, cứ từ tốn trả từng đồng cho đến bao giờ đủ tiền phí, làm cho các trạm BOT tắc nghẽn. Mà tắc nghẽn thì công ty cũng chẳng thu được đồng nào. Thế là phải xem xét lại từ đầu. Chưa biết các nhà đầu tư tính thế nào.
Những tưởng dân chỉ quan tâm đến mấy chuyện tiền lẻ, lặt vặt, sát sườn. Hóa ra học thuật cao siêu cũng hấp dẫn dân không kém.
Đến hẹn lại lên, Hội đồng công nhận Giáo sư nhà nước công bố 1.226 nhà khoa học đạt chuẩn giáo sư và phó giáo sư năm 2017. Trong không khí hồ hởi phấn khởi của ngành khoa học nước nhà, tự nhiên có người dân cắc cớ hỏi: “Sao nhiều thế, năm 2016 chỉ có 702?” Nhiều thì sao, miễn là đủ điều kiện. Nhưng “dân” không thỏa mãn. Biết xong thì phải bàn. Thế là lại thêm mấy dân nữa ùa vào soi, hóa ra nhiều là vì đây là đợt “vét” cuối cùng của Quyết định 174. Vì lo nhỡ năm sau thay đổi, điều kiện khó khăn hơn, nên các ứng viên tranh thủ nộp hồ sơ cho “chuyến tàu cuối” mang tên quyết định 174 (chữ của giáo sư Trần Văn Nhung).
Chữ “vét” được báo chí nêu ra, khiến người dân nghe “đã” thấy vấn đề, giống như vét nồi, vét đĩa. Ai chủ trì công cuộc “vét” này? Chủ tịch Hội đồng, đương nhiên rồi, còn ai vào đây nữa. Thế là dân ùa vào soi các hồ sơ. Cũng hay là thời đại này, hồ sơ lý lịch, học ở đâu, làm gì, viết báo gì, soi ra gần như được hết.
Chủ tịch bị những người soi cáo buộc: Một là chưa phải giáo sư đã làm Chủ tịch hội đồng công nhận Giáo sư. Hai là tự ký phong giáo sư cho chính mình với tư cách Chủ tịch. Ba là mấy bài báo khoa học của Chủ tịch đăng ở một tạp chí mà họ nghi ngờ tư cách khoa học.
Cáo buộc đầu tiền thì có vẻ không phải lỗi của ông Chủ tịch. Phải ai đó quyết định mới được ngồi lên ghế chứ. Cáo buộc thứ hai, với cá nhân tôi, thực ra chẳng là “phốt”. Bản thân tôi cũng đã ký khen thưởng, kỷ luật chính mình vài lần. Đây là ông Chủ tịch ký cho ông giáo sư mà. Tuy 2 ông là một, nhưng thân phận khác nhau.
Riêng cáo buộc thứ ba là chỗ cho dân tha hồ thể hiện quyền kiểm tra, đánh giá. Một người dân, mặc dù đang sống ở hải ngoại, dùng nhuyễn xạ ảnh (phần mềm soi) rồi cho rằng các bài báo của ông Chủ tịch mắc kha khá lỗi chính tả, nghiên cứu khá hời hợt, lại còn “tự đạo văn” của chính mình. Vị dân này chính thức gửi bản phân tích 10 trang của mình lên mạng và báo chí, tạo nên một làn sóng các vị khác xông vào bàn tán và kiểm tra tiếp. Chuyện đang diễn ra vô cùng kịch tính, cũng chưa rõ Chủ tịch sẽ trả lời ra sao.
Tuy cả hai sự việc đều chưa kết thúc, nhưng thực sự là những ví dụ sinh động về phản biện xã hội.
Mặc dù khởi phát một cách ngoài ý muốn, cả hai đã dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề đạo đức, kinh tế, chính trị, tài chính, xã hội, tập hợp được đông đảo giới tri thức và người dân trong và ngoài nước. Nó thể hiện rằng “dân” ta đã trưởng thành nhanh chóng.
Tôi tin là những cuộc thảo luận rộng rãi như vậy, sẽ dẫn đến những dịch chuyển quan trọng trong cách ra quyết định của những người có quyền lợi liên quan trong những vấn đề quốc gia đại sự từ nay về sau.
____
Bài gốc đã được tác giả Nguyễn Thành Nam đăng trên Facebook cá nhân của ông. Còn đây là link bài viết đăng trên báo VnExpress: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/phan-bien-3714931.html
cái xứ xã nghia naỳ nó thế, gao cứu đói cho dân bị bão lụt chúng nó còn bứt xén, rút ruột huống chi bài báo. nó là bản chất của CS và luôn là bản chất.