16-2-2018
Ngày 17-2-1979: Có thể khép lại quá khứ, hướng tới tương lai gì đó, nhưng không được quên những ngày này, không được quên những người này.
Sau đây là 29 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979 mà tôi thống kê được từ 10 năm trước. Có thể còn nhiều hơn. Đó là những người anh dũng nhất trong cuộc chiến đấu. Và còn rất nhiều, rất nhiều các liệt sĩ ngã xuống trên biên giới phía Bắc mà nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt. Và còn rất nhiều, rất nhiều liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ biên giới Tây Nam. Và còn các liệt sĩ bảo vệ Trường Sa. Và còn các liệt sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 nữa…
Có thể gác lại quá khứ, hướng tới tương lai gì đó, nhưng không bao giờ được quên những ngày này, không được quên những người này, không bao giờ được quên xương máu.
Những ngày ấy, nhà thơ Thanh Thảo đã viết bài thơ này.
TỔ QUỐC
vệt nắng mỏng trước sân mái gà cục tác
con tôi ngủ trong nôi văng vẳng tiếng còi tàu
bữa cơm gia đình tôi trộn bắp trộn sắn bảy mươi phần trăm
mùa xuân những cơn bão hung hãn bất ngờ ập tới
trầm tĩnh như rừng kia như biển kia
Tổ Quốc tôi đứng lên trước bầy xâm lăng phương bắc
những dãy núi cong cánh cung những nỏ thần khủng khiếp
lại tung hàng loạt mũi tên xuyên ngực quân thù
ải Nam Quan ngọn khói xưa Nguyễn Trãi nuốt nước mắt quay về
mười năm nằm gai nếm mật
hẽm Chi Lăng lầm lì sông Kỳ Cùng bốc cháy
pháo đã giăng từ ngàn vạn điểm cao
quân di chuyển những dòng sông chảy ngược
mây uy nghi Yên Tử thuở nào
còn in dáng Trần Nhân Tông mắt dõi về phương bắc
tính nước cờ ung dung trên cao
sông Kỳ Cùng những tảng đá lên hơi
đùa với mặt trời trong nước
tôi chỉ đến tắm một lần nhưng đó là Tổ Quốc
chảy lặng thầm suốt cuộc đời tôi
những câu lượn câu sli đêm chợ Kỳ Lừa
chén rượu nồng thơm sắc màu thổ cẩm
vó ngựa gõ dòn lâng lâng sương khuya
khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai
anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi
khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới
một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng
phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất
phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ Quốc
quả đạn rời nòng trong chớp mắt
xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa
anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt
gương mặt dịu lành như Tổ Quốc chúng ta
2-1979
THANH THẢO
Anh hùng liệt sĩ NGUYỄN XUÂN KIM
Anh Nguyễn Xuân Kim sinh năm 1952, quê ở xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Anh Kim đã hy sinh ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh vệ quốc, ngày 17 tháng 2 năm 1979, tại mặt trận phía Bắc, khi anh mới 27 tuổi. Khi đó anh là thượng sĩ, quyền đại đội trưởng đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 192 bộ đội địa phương Hoàng Liên Sơn, Quân Khu 2.
Tháng 2 năm 1979, đơn vị anh được giao nhiệm vụ giữ chốt Cốc San ở huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Ngày 17 tháng 2, quân xâm lược Trung Quốc cho một tiểu đoàn có pháo binh, xe tăng yểm trợ, chia làm nhiều mũi, từ nhiều hướng đánh phá ác liệt vào trận địa của ta, Nguyễn Xuân Kim vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị, chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt nhiều tên địch. Anh bị thương lần thứ nhất, tự băng bó, tiếp tục chiến đấu. Bị thương lần thứ hai, anh bị ngất, khi tỉnh lại anh tiếp tục chỉ huy đơn vị, tổ chức lực lượng đánh vào sườn và phía sau lưng địch. Bị thương lần thứ ba, do vết thương quá nặng, bị ngất nhiều lần, nhưng mỗi lần tỉnh lại anh vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi thấy địch đến gần, anh mang hết sức còn lại, gượng dậy, dùng lựu đạn, tiểu liên AK đánh thẳng vào đội hình địch. Trong trận chiến đấu này, đơn vị anh đã bẻ gẫy 8 đợt tiến công của địch, diệt trên 200 tên, riêng anh diệt 60 tên xâm lược. Anh đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Nguyễn Xuân Kim được thưởng một Huân chương quân công hạng III, một Huân chương chiến công hạng II, 2 lần được tặng Danh hiệu dũng sĩ. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ PHẠM XUÂN HUÂN
Anh Phạm Xuân Huân sinh năm 1948, quê ở xã Việt Hoà, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương. Hy sinh ngày 28 tháng 2 năm 1979 tại biên giới phía Bắc, lúc 31 tuổi, khi đó anh là trung uý, đại đội trưởng đại đội 10, tiểu đoàn 6, trung đoàn 148, sư đoàn 316 Quân khu 2.
Tháng 2 năm 1979, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, anh Huân chỉ huy đơn vị diệt 250 tên xâm lược, riêng anh diệt 45 tên.
Ngày 22 tháng 2 năm 1979, địch huy động số quân khá đông, có pháo binh yểm trợ, đánh phá vào trận địa của đơn vị, Phạm Xuân Huân vẫn bình tĩnh, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, vừa đánh địch phía chính diện, vừa đánh bên sườn và sau lưng, đơn vị anh đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh lui nhiều đợt tiến công, giữ vững trận địa
Đến ngày 23 tháng 2 năm 1979, địch huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ, đánh vào trận địa của anh, Phạm Xuân Huân đã bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, giành giật từng mét giao thông hào, từng công sự chiến đấu. Khi hết đạn, anh đã dùng dao găm đánh giáp lá cà. Trong trận này, anh diệt 45 tên xâm lược.
Ngày 28 tháng 2 năm 1979, sau nhiều lần thất bại nặng nề, địch huy động một lực lượng lớn, chia làm nhiều hướng, nhiều mũi đánh vào trận địa ta. Anh Huân đã chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt từ sáng đến chiều, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch và anh dũng hy sinh, sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Anh Huân được tặng thưởng 1 Huân chương quân công hạng III, 3 Huân chương chiến công hạng III. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, Phạm Xuân Huân đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ ĐỖ CHU BỈ
Anh Đỗ Chu Bỉ sinh năm 1952, quê ở xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hy sinh ngày 1 tháng 3 năm 1979, khi mới 27 tuổi. Trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, anh ở đại đội 6 công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 1 tháng 3 năm 1979, Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300m, cách đồn biên phòng Hoành Mô 400m. Ở vị trí quan trọng như vậy, để chiếm vị trí chốt A1, địch đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ. Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình của địch, hàng chục tên bị tiêu diệt, sau đó tiếp tục đánh bại hàng chục lần tiến công của địch. Bị thất bại nặng nề, chúng lùi lại cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa, khi pháo chuyển làn, bộ binh lại ào ạt xông lên. Lần này chúng chiếm được giao thông hào bên phải chốt, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội dùng lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, đẩy địch ra khỏi chiến hào.
Sau thất bại của 2 lần tiến công, địch tăng viện một tiểu đoàn, chia thành 2 mũi: Một mũi đánh đồn biên phòng Hoành Mô, một mũi đánh chốt A1. Đỗ Chu Bỉ chỉ huy cả đơn vị đánh địch cả hai hướng, diệt 20 tên. Anh bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh tổ chức đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Địch liên tiếp phản công, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu và đã hy sinh tại mặt trận.
Với thành tích chiến đấu liên tục, ngoan cường, dũng cảm, anh cùng đơn vị lập công xuất sắc, được truy tặng Huân chương chiên công hạng nhất và thăng quân hàm trung uý.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, Đỗ Chu Bỉ được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ PHAN BÁ MẠNH
Anh Phan Bá Mạnh sinh năm 1952,quê xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Nhập ngũ năm 1972. Khi hy sinh anh là trung uý, đại đội trưởng C10, D3, E2, F3, QĐ14, QK1.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979, Phan Bá Mạnh đã nêu cao tinh thần dũng cảm, chỉ huy mưu trí linh hoạt, dù địch đông đến mấy cũng kiên quyết chiến đấu. Đơn vị anh diệt hàng trăm tên địch, đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn quân xâm lược. Quá trình chiến đấu anh đã dùng 4 loại súng AK, trung liên, B-40, M-79 diệt 35 tên địch.
Ngày 20-2, địch chiếm đồi Chậu Cảnh, chúng dùng hoả lực mạnh bắn chặn ta rất ác liệt. Anh chỉ huy đơn vị tiến công hướng chủ yếu của tiểu đoàn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt đội hình địch, diệt gần 100 tên, thu 8 súng và 1 máy thông tin vô tuyến điện.
Ngày 23-2, địch bắn pháo dữ dội để yểm trợ bộ binh chúng tiến công trận địa của đại đội Phan Bá Mạnh. Anh đã bình tĩnh chờ địch đến gần mới cho đơn vị đồng loạt nổ súng diệt hết lớp địch này đến lớp địch khác, đánh bại nhiều đợt tiến công của chúng. Riêng anh diệt 20 tên địch.
Ngày 27-2, địch cho 1 tiểu đoàn được pháo binh yểm trợ tiến công vào chốt đồi phía nam Bản Phân. Phan Bá Mạnh chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm diệt gần 100 tên, đánh lui nhiều đợt tiến công. Riêng anh diệt 10 tên địch. Phan Bá Mạnh đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với kẻ thù.
Anh đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3. Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Phan Bá Mạnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Anh hùng liệt sĩ PHẠM NGỌC YỂNG
Anh Phạm Ngọc Yểng sinh năm 1953, dân tộc Kinh. Quê xã Việt Hoà, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Nhập ngũ tháng 8-1971. Khi hy sinh anh là trung uý, chính trị viên C2, D4, E12, F3, QĐ14, QK1.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, đại đội của Phạm Ngọc Yểng được giao nhiệm vụ chốt giữ đồi Thâm Mô. Địch muốn chiếm Đồng Đăng phải chiếm được đồi này nên chúng dùng pháo bắn phá rất ác liệt và hàng chục lần cho bộ binh với số lượng đông chia làm nhiều mũi tấn công lên chốt.
Phạm Ngọc Yểng động viên mọi người kiên quyết giữ chốt, chiến đấu dũng cảm, giành giật quyết liệt với địch từng mỏm đồi, từng hầm hào, công sự. Từ ngày 17 đến ngày 26-2, anh cùng đại đội trưởng chỉ huy đơn vị diệt hơn 800 tên địch. Riêng anh dùng AK, M-79 diệt hàng chục tên.
Ngày 19 và 20-2, thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hoả lực và bộ binh có xe tăng yểm trợ liên tiếp mở những đợt tiến công lên chốt. Khu vực chốt có 6 mỏm núi, địch chiếm được 5, Phạm Ngọc Yểng vẫn bình tĩnh động viên mọi người kiên quyết chiến đấu. Đơn vị diệt hàng trăm tên, giữ vững mỏm đồi thứ 6. Riêng anh diệt 10 tên địch.
Ngày 26-2, địch lại dùng pháo binh bắn phá dữ dội và cho bộ binh tiến công lên chốt. Sau khi diệt được một số địch thì hết đạn, 2 tên địch xông đến bắt. Phạm Ngọc Yểng đã dũng cảm vật lộn với 2 tên địch, được 1 chiến sĩ đến hỗ trợ, anh và người chiến sĩ đã quật chết 2 tên địch. Sau đó anh tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh.
Anh đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3. Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Phạm Ngọc Yểng được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Anh hùng liệt sĩ TRẦN NGỌC SƠN
Anh Trần Ngọc Sơn sinh năm 1958, quê phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhập ngũ tháng 5-1978. Khi hy sinh anh mới 21 tuổi, là binh nhất, tiểu đội phó C16 công binh, E12, F3, QĐ14, QK1.
Ngày 17-2-1979, địch được pháo binh yểm trợ bắn phá dữ dội vào trận địa ta, sau đó dùng lực lượng bộ binh tiến công chiếm trận địa chốt của đại đội. Trần Ngọc Sơn chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, biết cơ động, nghi binh lừa địch, chờ quân địch đến gần mới nổ súng, khi dùng lựu đạn, khi dùng tiểu liên bắn. Anh bị thương vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu, đến khi chỉ còn 1 quả lựu đạn, Trần Ngọc Sơn dũng cảm chờ địch đến gần mới ném vào giữa đội hình địch. Trận này anh đã diệt 70 tên địch và anh dũng hy sinh.
Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Trần Ngọc Sơn được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Quân công hạng 3.
Anh hùng liệt sĩ PHAN ĐÌNH LINH
Anh Phan Đình Linh sinh năm 1953, quê xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 8-1971. Khi hy sinh anh là trung uý, học viên trường Sĩ quan chính trị, thực tập tại C10, D6, E677, F346, QK1.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, Phan Đình Linh là học viên trường sĩ quan chính trị đi thực tế ở đơn vị cơ sở. Nhưng anh đã nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy mưu trí, linh hoạt, chỗ nào khó khăn, nguy hiểm đều có mặt, kịp thời động viên đơn vị giữ vững quyết tâm, kiên quyết đánh địch.
Ngày 19-2-1979, địch cho lực lượng lớn đánh phá ác liệt và tấn công vào đội hình của đơn vị. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt hơn. Đến 10 giờ địch đã chiếm được một số đoạn giao thông hào. Đại đội chỉ còn 4 người, đạn dược ít dần. Phan Đình Linh chỉ huy đơn vị bám sát địch, cướp súng địch đánh địch. Khi hết đạn anh dùng lưỡi lê đâm chết 1 tên. 1 tên khác xông đến, anh khôn khéo quật ngã tên này. Địch ném lựu đạn về phía anh, Phan Đình Linh nhặt ném trả lại, diệt nhiều tên, buộc chúng phải lui về phía sau. Trận này anh diệt hàng chục tên địch và đã anh dũng hy sinh ngay trên trận địa.
Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Phan Đình Linh được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Quân công hạng 3.
Anh hùng liệt sĩ TRẦN TRỌNG THƯỜNG
Anh Trần Trọng Thường sinh năm 1958, quê xã Thanh Sơn, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng. Nhập ngũ tháng 6-1977. Khi hy sinh anh là hạ sĩ, tiểu đội trưởng C51, D5, E12, F3, QĐ14, QK1.
Trong đợt chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, Trần Trọng Thường chiến đấu ở tây bắc Đồng Đăng (Lạng Sơn). Mặc dù lực lượng địch đông được pháo bắn yểm trợ đánh phá ác liệt, Trần Trọng Thường đã bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng, diệt 7 tên, chỉ huy tiểu đội diệt nhiều địch.
Từ ngày 25 đến 28-2, địch sử dụng lực lượng lớn đánh phá vào khu vực trận địa của đơn vị. Trần Trọng Thường động viên tiểu đội giữ vững quyết tâm đánh địch. Riêng anh diệt 39 tên, thu 1 súng, cùng tiểu đội diệt nhiều tên khác.
Ngày 2-3-1979, sau khi diệt một số địch thì súng hết đạn, địch xông đến, anh dùng báng súng đập chết 1 tên.
Ngày 3-3-1979, trong lúc đang dẫn đầu một bộ phận tiến công vào đội hình địch thì anh bị trúng đạn và anh dũng hy sinh.
Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Trần Trọng Thường được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng 3.
Anh hùng liệt sĩ HOÀNG QUÝ NAM
Anh Hoàng Quý Nam sinh năm 1950, quê xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Nhập ngũ tháng 1-1973. Khi hy sinh anh là thiếu uý, đại đội trưởng C42, D4, E12, F3, QĐ14, QK1.
Từ ngày 17 đến 25-2-1979, Hoàng Quý Nam chiến đấu ở khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn). Anh đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, chỉ huy đơn vị đánh địch diệt hơn 400 tên, phá hủy 6 xe quân sự, 3 xe tăng. Riêng anh diệt 2 xe tăng và hàng chục tên địch.
Từ ngày 17 đến 19-2, tuy bị mất liên lạc với tiểu đoàn, Hoàng Quý Nam vẫn chỉ huy đơn vị kiên quyết bám trụ pháo đài sát thị trấn Đồng Đăng, đánh địch quyết liệt, giành giật với địch từng công sự, hầm hào, đẩy lùi hàng chục đợt tiến công. Đơn vị anh đã diệt hơn 300 tên, riêng anh diệt 2 xe tăng và hơn chục tên địch.
Ngày 20-2, địch thấy lực lượng ta ít nên dùng pháo bắn phá ác liệt và cho xe tăng, bộ binh ồ ạt tấn công. Chúng dùng bộc phá phá sập cửa hâm, vây quanh gọi hàng. Hoàng Quý Nam chiến đấu kiên cường, bị thương vẫn không rời trận địa.
Ngày 23-2-1979, địch lại mở liên tiếp nhiều đợt tiến công vào trận địa ta. Anh chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, diệt gần 100 tên, đánh lui nhiều đợt xung phong. Anh đã anh dũng hy sinh trong khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu.
Anh được tặng danh hiệu Dũng sĩ giữ nước. Ngày 20-12-1979, liệt sĩ Hoàng Quý Nam được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương Quân công hạng 3.
Anh hùng liệt sĩ LÊ ĐÌNH CHINH
Anh Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán tại nông trường Sông âm, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh mới 19 tuổi, là thượng sĩ, tiểu đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt gây chiến tranh biên giới Tây Nam. Anh đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an minh biên giới của Tổ quốc.
Ngày 26 tháng 8 năm 1978, hàng chục tên côn đồ đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không đánh gục hàng chục tên côn đồ góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở biên giới.
Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh. Ngày 31 tháng 10 năm 1978, liệt sĩ Lê Đình Chinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ ĐỖ SỸ HỌA
Anh Đỗ Sĩ Họa sinh năm 1946, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng. Khi hy sinh anh là thượng úy, phó đồn trưởng Đồn 209, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh.
Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công, bị thương, sức khỏe giảm sút anh vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công, đồn trưởng đi công tác xa. Đỗ Sĩ Họa đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện. Đồn và các chốt bị pháo và cối của địch bắn cấp tập. Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, anh đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên. Phát hiện hỏa lực lợi hại của ta ở Đồi Quế, địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Các chiến sĩ chốt trên Đồi Quế ngoan cường chiến đấu, diệt nhiều tên địch. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế đã bị địch chiếm giữ. Quyết giành lại, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế. Địch vừa ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa kêu gọi ta đầu hàng. Đỗ Sĩ Họa trả lời: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết”.
Đi tới từng ụ súng, anh động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa.
Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa.
Đồn 209 được đề nghị tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Anh được truy tặng cấp hàm thượng úy và 1 Huân chương Quân công hạng Ba.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ LỘC VIỄN TÀI
Anh Lộc Viễn Tài sinh năm 1940, dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Khi hy sinh anh là thượng úy, đồn trưởng Đồn 155, Công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên.
Lộc Viễn Tài là cán bộ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giữ vững được trận địa bảo vệ được dân.
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược dồn dập bắn pháo, cối dọn đường, rồi thúc quân ồ ạt tấn công Đồn 155 . Lộc Viễn Tài bình tĩnh quan sát địch, đồng thời đi sát động viên từng chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Chỉ huy mũi chính diện, anh trực tiếp bắn đại liên vào đội hình địch. Phát hiện ba tên chỉ huy của địch, Lộc Viễn Tài đã lệnh cho cối bắn trúng, diệt chúng. Đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 100 tên, tạo điều kiện cho 2 tổ chốt diệt gần 100 tên nữa.
Bị thiệt hại nặng, địch cho bộ binh lui rạ để củng cố đội hình, đồng thời cho pháo bắn cấp tập vào trận địa ta. Nhưng khi bộ binh địch lại xông lên, chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 155 đánh bật ra.
Ngày 5 tháng 3 năm 1979, địch tập trung lực lượng quyết chiếm Đồn 155 và cao điểm 1379 của ta. Với thủ đoạn cho pháo bắn suốt một tiếng đồng hồ, sau đó dùng bộ binh chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công, nhưng địch vẫn bị đánh bật ra. Địch phải tăng quân. Lợi dụng sương mù, Lộc Viễn Tài đã tổ chức lúc lượng phục kích, đánh dồn địch vào hầm chông, bãi mìn gài sẵn, diệt nhiều tên, buộc địch phải thu quân, củng cố đội hình, rồi mở đợt tiến công mới. Lộc Viễn Tài chỉ huy một tổ chặn đánh địch từ xa, chia cắt đội hình địch ra, tiêu diệt nhiều tên. Quân địch quá đông, đạn sắp hết, anh lệnh cho hai chiến sĩ rút lui, còn mình dùng những viên đạn cuối cùng ghìm chân địch, bảo vệ đồng đội. Trong tay còn hai quả lựu đạn, Lộc Viễn Tài chờ địch đến gần, anh giật nụ xòe, ném vào đội hình địch, diệt thêm gần chục tên và đã anh dũng hy sinh.
Tính chung trong các trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, riêng Lộc Viễn Tài đã diệt 91 tên. Anh được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Lộc Viễn Tài được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ NÔNG VĂN GIÁP
Anh Nông Văn Giáp sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh lạng Sơn. Khi hy sinh anh là trung úy, đồn phó Đồn 191, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn..
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Chúng dùng pháo bắn cấp tập vào đồn sau đó cho bộ binh địch xông lên. Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 100 tên. Dùng chiến thuật biển người, vừa tấn công chính diện, địch vừa đánh tạt sườn vào trận địa ta. Phát hiện sớm mưu đồ của địch, anh chỉ huy đơn vị chiến đấu linh hoạt, cơ động, ngay từ đầu đã diệt được cụm thông tin, chỉ huy và hai tên thổi kèn. Đội hình địch rối loạn, chúng không dám xông lên, buộc lui quân, tổ chức đợt tấn công mới.
Địch lại cho nhiều tốp, nhiều toán, có hỏa lực yểm trợ, liên tục tấn công. Anh nhảy lên khỏi chiến hào, hô to: Xung phong ! Các chiến sĩ theo người chỉ huy bật dậy, kiên quyết phản kích, đẩy địch xuống chân đồi. Anh bị thương nặng.
Địch lại hò nhau xông lên. Xạ thủ trung liên bị thương. Anh Giáp cố lê người đến thay thế, dùng sức còn lại bắn mãnh liệt vào đội hình địch, diệt nhiều tên, cùng đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng và anh dũng hy sinh.
Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Nông Văn Giáp được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ NGUYỄN VŨ TRÁNG
Anh Nguyễn Vũ Tráng sinh năm 1948, quê ở xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Khi hy sinh anh là trung úy, chính trị viên phó Đồn 1, công an nhân dân vũ trang Lai Châu.
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược bắn hàng ngàn quả pháo, rồi cho bộ binh ồ ạt tấn công Đồn biên phòng số 1 của ta. Theo phương án đã được xây dựng và luyện tập, đồng chí chỉ huy mũi chính diện, chặn bước tiến của địch. Ngay loạt đạn đầu, đơn vị đã diệt nhiều tên, địch hoảng hốt lui quân củng cố đội hình, lại xông lên. Nguyễn Vũ Tráng đã mưu trí dùng đá ném về phía địch, địch lầm tưởng là lựu đạn, chúng dạt ra, chiến sĩ ta có điều kiện lắp đạn tiếp tục chiến đấu.
Địch hò hét xông lên, Nguyễn Vũ Tráng quét 4 loạt súng, diệt 30 tên, cùng đồng đội diệt hàng trăm tên, đẩy lùi 15 đợt tiến công của chúng.
Ngày 6 tháng 3 năm 1979, lợi dụng sương mù, địch cho nhiều mũi tấn công vào đồn và Đại đội 5 của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu. Hiệp đồng chặt chẽ với Đại đội 5, Nguyễn Vũ Tráng chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt tiêu diệt 150 tên. Thấy khẩu 12,7 ly của chốt bạn bị hỏng hóc, anh đã băng qua lưới đạn của địch đến sửa chữa súng cho đồng đội. Bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Vũ Tráng vẫn ngoan cường chỉ huy đơn vị chiến đấu.
Khi có lệnh lùi về phía sau, anh xin ở lại cản giặc. Thấy chỉ còn một mình đồng chí, địch hò hét xông lên. Nguyễn Vũ Tráng dùng lựu đạn và súng AK đánh trả địch, diệt nhiều tên nữa và anh dũng hy sinh.
Nguyễn Vũ Tráng được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ NGUYỄN ĐÌNH THUẦN
Anh Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Khi hy sinh anh là trung úy đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Nguyễn Đình Thuần đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ngày 28 tháng 11 năm 1977, bị thương vào đùi, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi trận đánh kết thúc. Về trạm xá điều trị, vết thương chưa lành hẳn, anh đã xin trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu góp phần cùng đơn vị lập công xuất sắc.
Năm 1978, Nguyễn Đình Thuần cùng đơn vị chuyển ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 25 tháng 8 năm 1978, anh đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị bằng tay không đánh đuổi bọn côn đồ gây rối ở cửa khẩu Hữu Nghị.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, một trung đoàn quân xâm lược có xe tăng và pháo yểm trợ, tấn công vào trận địa của đơn vị do đồng chí phụ trách. Hướng chính diện địch có 2 tiểu đoàn. Anh lệnh cho cối và hỏa lực của đơn vị bắn tập trung vào đội hình địch, đẩy lùi đợt tấn công của chúng, 8 chiếc xe tăng địch đang xông lên ở hướng trái. Anh chỉ huy các chiến sĩ dùng súng B40 vận động đón đánh, diệt 3 chiếc, bọn còn lại hoảng sợ tháo chạy. Bị thương gãy nát cánh tay, anh tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu, đẩy lùi đợt tấn công mới của địch. Lần thứ hai, anh bị thương vào đùi quân y muốn đưa anh về tuyến sau nhưng anh không chịu.
Địch lại ồ ạt xông lên hết đợt này đến đợt khác. Nguyễn Đình Thuần tiếp tục chỉ huy đơn vị đẩy lùi ba đợt tấn công nữa của địch. Nhưng anh lại bị thương vào bụng. Quân y vừa băng bó vừa chuẩn bị đưa anh về tuyến sau. Nguyễn Đình Thuần lại không chịu, anh gắng gượng dùng súng AK diệt thêm một số tên địch nữa và anh dũng hy sinh.
Nguyễn Đình Thuần được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ VÕ ĐẠI HUỆ
Anh Võ Đại Huệ sinh năm 1952, quê ở xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Khi hy sinh đồng chí là trung úy, đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16, Công an nhân dân vũ trang.
Sáng 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược cho pháo các cỡ bắn cấp tập, rồi dùng bộ binh có xe tăng yểm trợ ồ ạt tấn công vào khu vực Mường Khương. Do chuẩn bị trước, sẵn sàng thế trận bảo vệ Tổ quốc, anh đã chỉ huy đơn vị đánh trả địch quyết liệt, làm cho bộ binh địch không phối hợp được với xe tăng của chúng, phải ùn lại. Võ Đại Huệ lệnh cho hỏa lực bắn chính xác vào đội hình địch, đồng thời trực tiếp chỉ huy một tổ dùng B40 chặn đánh xe tăng ở ngã ba Mạn Tuyển, diệt liên tiếp 2 chiếc. Nhiều chiếc khác xông vào phía Mường Khương. Anh dẫn tổ B40 chạy tắt đường, đón đánh. Chiếc đi đầu bị bắn cháy. Nhiều chiếc sau ùn lại. Võ Đại Huệ trực tiếp bắn cháy 4 chiếc nữa.
Sáng ngày 18 tháng 2 năm 1979, được pháo yểm trợ, địch cho lực lượng chia thành ba mũi tấn công lên núi Na Khuy. Võ Đại Huệ mưu trí và dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh bật địch xuống, giữ vững trận địa. Cuộc chiến đấu ác hệt kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Bị thương vào tay, nhưng anh vẫn bình tĩnh chỉ huy và động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu, diệt nhiều địch, giữ vững trận địa. 11 đợt tấn công của địch đã bị đẩy lùi. Đơn vị đã diệt 300 tên địch. Riêng anh đã diệt 48 tên, trong đó có tên chỉ huy xe tăng.
Chiều ngày 18 tháng 2 năm 1979, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Võ Đại Huệ chỉ huy đơn vị phá vòng vây dày đặc của địch, di chuyển đến vị trí mới, anh đã anh dũng hy sinh.
Võ Đại Huệ được truy thăng cấp hàm trung úy và truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Võ Đại Huệ được Nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ NGUYỄN VĂN HIỀN
Anh Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1950, quê ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Nhập ngũ năm 1969. Khi hy sinh anh là thiếu úy, cán bộ Đồn 33, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu.
Sáng ngày 1 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược có xe tăng, pháo yểm trợ, ồ ạt tấn công Đồn biên phòng 33, Lai Châu, Nguyễn Văn Hiền chỉ huy một phân đội dũng cảm chặn đánh địch ở mũi chính diện. Dưới sự chỉ huy của anh, phân đội đã đẩy lùi 15 đợt tấn công hên tiếp của địch, diệt hàng trăm tên, bắn cháy 2 xe tăng. Riêng anh diệt 40 tên.
Địch tăng quân, ồ ạt tấn công. Nguyễn Văn Hiền chỉ huy đơn vị ngoan cường chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Bị thương vào tay, đồng chí tự băng bó, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Lần thứ ba, bị thương gãy cả hai chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vi trí, tiếp tục động viên chiến sĩ phản kích địch quyết liệt. Địch dùng chiến thuật biển người ào lên hết đợt này đến đợt khác. Đạn sắp hết, anh lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau, tiếp tục chiến đấu. Một mình ở lại ghìm chân địch và anh dũng hy sinh.
Nguyễn Văn Hiền được truy tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ QUÁCH VĂN RẠNG
Anh Quách Văn Rạng sinh năm 1956, dân tộc Mường, quê ở xã Thành Công, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh anh là trung sĩ, trung đội phó, Đồn 125, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Quách Văn Rạng đã có nhiều công lao trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và xây dựng thế trận bảo vệ Tổ quốc ngay ở tuyến đầu do Đồn 125 phụ trách.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược có xe tăng và pháo yểm trợ tấn công vào Đồn biên phòng 125 và khu vực thị xã Lào Cai. Thực hiện quyết tâm chiến đấu của đồn, Quách Văn Rạng đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa đầu cầu (bên bờ sông Nậm Thi). Chiều hôm đó, anh dẫn hai chiến sĩ vượt khỏi chiến hào tiến đánh xe tăng địch ở khu vực dốc Máng Nước, thị xã Lào Cai, bắn cháy 2 xe tăng của địch, diệt nhiều tên.
Khi đơn vị di chuyển trận địa, tổ Quách Văn Rạng xung phong ở lại chiến đấu chặn địch và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 5 ngày đêm trong vòng vây của địch, anh cùng đồng đội tìm đường về đơn vị phối hợp chiến đấu. Trong một trận chiến đấu, một chiến sĩ bị lạc, một chiến sĩ bị thương nặng. Quách Văn Rạng vừa cõng đồng đội vừa mang vũ khí gồm B40, AK và lựu đạn luồn lách trong rừng. Địch phát hiện, chúng xông đến quá đông. Anh đưa chiến sĩ bị thương vào chỗ khuất ẩn nấp, nói: “Không thể để cả hai người cùng sa vào tay giặc”, rồi nhạy ra, đánh lạc hướng địch. Địch bâu đến. Chúng hò nhau bắt sống. Quách Văn Rạng ném hai quả lựu đạn cuối cùng, diệt nhiều tên, nhưng anh không thoát khỏi trước bọn lính đông đặc. Bị địch bắt, chúng tra tấn dã man, ép anh chỉ đường về vị trì mới của đơn vị. Quách Văn Rạng giữ tròn khí tiết, quyết không khai. Địch đã giết hại anh ngay tại trận. Ở nơi ẩn nấp, người đồng đội bị thương đã chứng kiến hành động quả cảm của Quách Văn Rạng.
Trong hơn 5 ngày đêm liên tục chiến đấu, riêng Quách Văn Rạng đã lập công xuất sắc và quên mình để cứu đồng đội.
Quách Văn Rạng đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Quách Văn Rạng đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sĩ LÊ MINH TRƯỜNG
Anh Lê Minh Trường sinh năm 1960, dân tộc Kinh, quệ ở phố Sơn Tây, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Khi hy sinh đồng chí là binh nhất, chiến sĩ Đại đội 5, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn.
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, bộ binh xâm lược có pháo và xe tăng yểm trợ, ồ ạt tấn công vào hướng trận địa của Đại đội 5. Lê Minh Trường cùng đồng đội xông ra, chiếm lĩnh pháo đài Đồng Đăng, đánh trả địch quyết liệt. Thấy 8 xe tăng địch dẫn bộ binh xông lên, anh dùng B40 tiếp cận mục tiêu, bắn cháy chiếc đi đầu. Những chiếc khác hoảng loạn tháo chạy. Lê Minh Trường đã góp phần tích cực cùng đơn vị bẻ gãy đợt tấn công ồ ạt của địch.
Sau khi củng cố đội hình, địch lại xông lên. Anh nhằm thẳng chiếc xe tăng đi đầu, bóp cò. Nhưng quả đạn B40 lần này không nổ. Lê Minh Trường đã nảy ra cách đánh khác: cùng một lúc giật tất cả giây cháy chậm của vài quả lựu đạn rồi tung vào xích xe tăng làm cho xích xe địch hỏng. Địch trong xe lóp ngóp chui ra, anh dùng AK tiêu diệt. Những chiếc đi sau không dám tiến lên nữa. Nhưng bộ binh địch vẫn xông lên. Anh cùng đồng đội bình tĩnh chiến đấu diệt hàng chục tên. Địch cho một bộ phận luồn sâu vào phía sau trận địa ta, đánh tạt sườn hòng chia cắt đội hình của Đại đội 5. Không sợ nguy hiểm, Lê Minh Trường đã di chuyển linh hoạt, kịp thời chặn địch, góp phần tích cực cùng đồng đội giữ vững pháo đài Đồng Đăng. Lần này anh bị thương, nhưng tự băng bó, rồi tiếp tục chiến đấu cho đến lúc anh dũng hy sinh.
Lê Minh Trường được truy tặng 1 Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Lê Minh Trường được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ ĐỖ DUY PHÚ
Anh Đỗ Duy Phú sinh năm 1958, dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, nhập ngũ tháng 5 năm 1978. Khi hy sinh anh là binh nhất, chiến sĩ trinh sát, đại đội 20, trung đoàn 124, sư đoàn 345, Quân khu 2.
Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược tháng 2 năm 1979, Đỗ Duy Phú đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, luôn bám sát địch, theo dõi nắm tình hình được kịp thời, báo cáo lên cấp trên được chính xác.
Đặc biệt, ngày 28 tháng 2 năm 1979, đài quan sát của Đỗ Duy Phú bố trí trên điểm cao 598, 433 (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). Địch nhiều lần tổ chức lực lượng đánh phá ác liệt hòng chiếm bằng được 2 điểm cao này. Anh cùng tổ vừa làm nhiệm vụ nắm địch, báo cáo kịp thời, chính xác cho pháo binh của ta bần chính xác vào đội hình địch, vừa dùng súng bộ binh đánh địch. Đỗ Duy Phú bị thương lần thứ nhất vào vai, anh vẫn kiên quyết chiến đấu. Bị thương lần thứ 2, máu chảy ướt đầm áo, sau khi được băng bó, anh vẫn không rời trận địa, tiếp tục chiến đấu dùng lựu đạn, súng AK đánh vào đội hình địch. Quá trình chiến đấu, Đỗ Duy Phú động viên mọi người kiên quyết đánh địch đến cùng. Kết quả trận này Đỗ Duy Phú đã diệt hơn 100 tên xâm lược. Anh đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đỗ Duy Phú đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng ba.Ngày 20 tháng 12 năm 1979, liệt sỹ Đỗ Duy Phú được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ NGUYỄN VĂN NHÂM
Anh Nguyễn Văn Nhâm sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Khi hy sinh anh là trung uý, đại đội trưởng đại đội 3, tiểu đoàn 2, bộ đội địa phương huyện Sình Hồ, Lai Châu.
Từ năm 1965 đến 1975, Nguyễn Văn Nhâm chiến đấu 32 trận ở chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, địch có pháo yểm trợ đánh phá ác liệt và mở nhiều đợt tấn công hòng chiếm điểm cao 1262 (Sình Hồ, Lai Châu). Nguyễn Văn Nhâm chỉ huy đơn vị đánh địch quyết liệt ở phía trước, đồng thời tổ chức lực lượng xuất kích đánh vào sườn, giành giật từng công sự, hầm hào suốt từ sáng đến chiều. Quá trình chiến đấu, anh luôn đi sát động viên mọi người giữ vững quyết tâm, kiên quyết bảo vệ trận địa. Nguyễn Văn Nhâm bị thương vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu. Hành động của anh đã động viên cổ vũ mọi người noi theo. Nhiều anh em bị thương vào chân vẫn ngồi tại chỗ nạp đạn, bị thương tay phải vẫn dùng tay trái bắn hoặc ném lựu đạn. Kết quả đơn vị Nguyễn Văn Nhâm đã diệt 100 tên. Anh diệt nhiều tên và đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 20 tháng 12 năm 1979, liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ TRẦN XUÂN VỊNH
Anh Trần Xuân Vịnh sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Đức Lập, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi hy sinh anh là chuẩn uý, trung đội trưởng, đại đội 10, tiểu đoàn 3, trung đoàn 193 bộ đội địa phương tỉnh Lai Châu.
Trong cuộc chiến đấu tháng 2 năm 1979, Trần Xuân Vịnh đã nêu cao tinh thần chiến đấu, chỉ huy trung đội mưu trí, linh hoạt, kiên quyết đánh trả địch, giữ vững trận địa. Ngày 28 tháng 2 năm 1979, địch có pháo binh yểm trợ tấn công vào trận địa chốt của trung đội, đồng chí đi sát từng người, động viên cổ vũ quyết tâm cho đơn vị, chờ địch đến gần mới nổ súng, giành giật với địch từng đoạn giao thông hào, đánh bất nhiều đợt tấn công của địch. Đến chiều, đơn vị hết đạn, Trần Xuân Vịnh dẫn đầu đơn vị dũng cảm dùng lưỡi lê, báng súng diệt địch. Kết quả trận này, đơn vị Trần Xuân Vịnh đã diệt 100 tên, thu nhiều vũ khí, đẩy lùi các đợt tiến công của chúng, giữ vững trận địa. Riêng anh diệt 10 tên và đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1979, liệt sỹ Trần Xuân Vịnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ ĐẶNG VĂN KHOAN
Anh Đặng Văn Khoan sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh anh là chiến sĩ công an huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Sau khi tốt nghiệp trường hạ sĩ quan công an, Đặng Văn Khoan được phân công công tác tại công an huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn). Là cán bộ trinh sát phụ trách xã anh đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, lặn lội tới từng bản làng xa xôi xây dựng cơ sở, vận động quần chúng. Đặng Văn Khoan đã làm rõ nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác chống gián điệp, biệt kích, thám báo xâm nhập. Đặng Văn Khoan đã phát hiện, bắt giữ 4 tên phản động âm mưu móc nối với bọn xâm lược để gây bạo loạn, bắt 1 tên thám báo đang ẩn nấp trong nhà 1 phần tử xấu.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, địch ồ ạt đưa quân đánh chiếm địa bàn do anh phụ trách, anh đã dũng cảm chiến đấu góp phần chặn đứng nhiều đợt tấn công của địch, bắn chết 2 tên, bắn bị thương 2 tên khác. Trước tình thế hiểm nghèo, mặc dù bị thương nặng ở ngực, nhưng khi tính mạng đồng bào bị đe doạ, Đặng Văn Khoan đã dũng cảm bật nắp hầm bí mật tiêu diệt tên lính phiên dịch. Do địch quá đông, anh đã anh dũng hy sinh.
Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất. Ngày 13 tháng 8 năm 1980, liệt sỹ Đặng Văn Khoan được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ HOÀNG VĂN TRAI
Anh Hoàng Văn Trai sinh năm 1959, dân tộc Nùng, quê ở xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Khi hy sinh anh là tiểu đội trưởng, tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ cơ động, công an Lạng Sơn.
Sau khi học trường công an Cao Lạng, Hoàng Văn Trai được giao nhiệm vụ công tác ở huyện Bảo Lạc và Quảng Hà. Mặc dù gặp nhiều bỡ ngỡ, địa bàn mới lạ, khó khăn, hiểm trở, anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi chiến tranh biên giới sắp nổ ra, anh được điều về tiểu đoàn cảnh sát bảo vệ cơ động, được đề bạt tiểu đội trưởng.
Sáng 17 tháng 2 năm 1979, khi địch tiến công vào khu vực Đồng Đăng, anh đã nhanh chóng chỉ huy tiểu đội bố trí đưa dân đi sơ tán, di chuyển và bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân về nơi an toàn. Ngày 18 tháng 2 năm 1979, Hoàng Văn Trai đã cùng đồng đội bám chốt đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch. Riêng anh diệt 11 tên, bắn bị thương nhiều tên khác. Khi bị thương ở chân, anh vẫn bám trụ và yêu cầu đồng đội “Hãy cắt chân tôi đi cho đỡ vướng” để tiếp tục chiến đấu. Do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh ngay tại chiến hào.
Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất.Ngày 13 tháng 8 năm 1980, liệt sỹ Hoàng Văn Trai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ NGUYỄN HỒNG CAO
Nguyễn Hồng Cao sinh năm 1962, dân tộc Tày, quê ở xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Tuyên, nhập ngũ tháng 2 năm 1982. Khi hy sinh anh là trung sĩ, trung đội phó, đại đội 1 bộ binh, tiểu đoàn 3, bộ đội địa phương tỉnh Hà Tuyên, Quân khu 2.
Nguyền Hồng Cao rất chịu khó đi sâu học tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phấn đấu rèn luyện về mọi mặt, trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đội phó. Trong chiến đấu anh luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác hệt thế nào cũng tích cực đánh địch. Gần 1 năm chỉ huy trung đội chốt giữ trận địa ở hướng chủ yếu của đại đội trên điểm cao 1250 (huyện Yên Minh, Hà Tuyên), mặc dù hàng ngày pháo địch bắn phá vào khu vực đơn vị, bộ binh địch luôn luôn áp sát, Nguyễn Hồng Cao đi sát từng chiến sĩ kiểm tra, hướng dẫn mọi người trong trung đội, tổ chức tuần tra canh gác chặt chẽ, nắm chắc mọi tình hình hoạt động của địch, báo cáo kịp thời giúp cho trên chỉ huy, chỉ đạo được chính xác, hạn chế được nhiều thiệt hại cho đơn vị.
Từ ngày 2 đến ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch bắn hàng vạn đạn pháo cối vào khu vực điểm cao 1250. Có ngày chúng bắn hơn 1.000 quả và dùng bộ binh tấn công lên trận địa của ta. Nguyễn Hồng Cao bình tĩnh chờ địch đến gần mới nổ súng, đẩy lùi các đợt tấn công của chúng. Đơn vị Nguyễn Hồng Cao diệt nhiều tên, giữ vững trận địa.
Ngày 30 tháng 4 năm 1984, địch lợi dụng sương mù, dùng nhiều loại pháo bấn dữ dội vào trận địa và cho bộ binh mở nhiều đợt tấn công ác liệt vào trận địa ta. Anh bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, có bộ phận bắn thẳng vào đội hình tấn công của địch, có bộ phận xuất kích đánh vào sườn, vào phía sau địch, diệt nhiều tên, đẩy lùi 6 đợt tấn công của chúng, giữ vững trận địa. Riêng Nguyễn Hồng Cao diệt hơn 40 tên. Anh đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất.
Ngày 29 tháng 8 năm 1985, liệt sỹ Nguyễn Hồng Cao được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ NGUYỄN VIẾT NINH
Anh Nguyễn Viết Ninh sinh năm 1962, dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Vĩnh Phú, nhập ngũ tháng 9 năm 1980. Khi hy sinh anh là trung đội trưởng bộ binh, đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 876, Quân khu 2.
Tháng 4 năm 1983, Nguyễn Viết Ninh được bổ sung đi chiến đấu ở biên giới Hà Tuyên, đồng chí động viên cả tiểu đội hăng hái lên đường, tới đích đúng thời gian quy định.
Trận ngày 12 tháng 7 năm 1984, Nguyễn Viết Ninh chỉ huy tiểu đội diệt hàng chục tên xâm lược, giữ vững trận địa.
Trong đợt chiến đấu từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Nình chỉ huy trung đội chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Dù khó khăn ác liệt thế nào, địch đông gấp nhiều lần, có hỏa lực mạnh anh vẫn bình tĩnh dũng cảm, xông xáo đi đầu đơn vị trong các lần phản kích bám sát địch để diệt địch.
Ngày 16 tháng 1 năm 1985, Nguyễn Viết Ninh bị thương lần thứ nhất vào tay trái, vẫn chiến đấu diệt nhiều tên; lần thứ hai vào bụng, vẫn không rời trận địa tiếp tục chiến đấu, và đi lại trên trận địa thu nhặt súng, lựu đạn của đồng đội bị thương vong, đi sát động viên cổ vũ mọi người kiên quyết đánh địch, giữ vững trận địa.
5 giờ sáng ngày 18 tháng 1 năm 1985, địch dùng nhiều loại pháo bắn ác liệt và cho bộ binh đông gấp nhiều lần mở nhiều đợt tiến công vào trận địa trung đội anh. Mặc dù vết thương trước còn rất đau, ngay phút đầu của trận đánh, Nguyễn Viết Ninh bị 3 viên đạn vào ngực, bụng và chân, anh em định đưa về phía sau. Thấy trước tình huống ác liệt anh kiên quyết ở lại tiếp tục chỉ huy trung đội chiến đấu đến gần trưa, đánh lui 6 lần phản kích của địch, diệt hàng trăm tên. Bọn địch bị thiệt hại nặng phải rút, đơn vị Nguyễn Viết Ninh giữ vững trận địa. Vì vết thương quá nặng, anh Nguyễn Viết Ninh đã hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.
Ngày 29 tháng 8 năm 1985, liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ LÊ TRẦN MẪN
Anh Lê Trần Mẫn sinh năm 1961, dân tộc Kinh, quê ở xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 3 năm 1979. Khi hy sinh anh là thượng sĩ, y tá, đại đội 7 bộ binh, tiểu đoàn 5, trung đoàn 153, sư đoàn 356, Quân khu 2.
Lê Trần Mẫn luôn nêu cao tinh thần tích cực tận tụy công tác, có nhiều biện pháp tích cực tổ chức phòng tránh bệnh cho đơn vị. Mỗi khi đơn vị có người ốm đau, anh rất tận tình chăm sóc, được anh em yêu mến.
Trong đợt chiến đấu ở Vị Xuyên từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1 năm 1985, sau khi bắn hàng nghìn đạn pháo, địch liên tiếp tổ chức tấn công vào điểm cao 685. Sau mỗi lần thất bại, địch lại tăng quân và bắn phá dữ dội hơn. Đơn vị bị thương vong nhiều, Lê Trần Mẫn kịp thời lên thay thế chỉ huy đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào. Có ngày đánh lui 7 đợt tấn công của chúng.
Ngày 24 tháng 12 năm 1985, thấy đơn vị anh còn ít người, chúng càng tập trung hỏa lực và quân đông mở 8 đợt tấn công lên chốt. Sau khi cùng 3 người khác diệt hơn 100 tên địch, thì đạn gần hết. Thấy địch cắm cờ lên điểm chốt, Lê Trần Mẫn chỉ huy 3 chiến sĩ tập trung hỏa lực diệt địch tại đây và nhổ được cờ của chúng. Anh bị thương nặng và đã anh dũng hy sinh tại điểm cao 685.
Lê Trần Mẫn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công. Ngày 29 tháng 8 năm 1985, liệt sỹ Lê Trần Mẫn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ HOÀNG HỮU CHUYÊN
Anh Hoàng Hữu Chuyên sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ tháng 4 năm 1970. Khi hy sinh anh là đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ binh, trung đoàn 174, sư đoàn 316, Quân đoàn 29, Quân khu 2.
Hoàng Hữu Chuyên đã tham gia 5 chiến dịch lớn, chiến đấu 32 trận, 6 lần bị thương, Sau khi chữa khỏi, mặc dù sức khỏe giảm nhiều, trên cho về phía sau, anh đều tha thiết xin ở lại đơn vị chiến đấu.
Đặc biệt trận chiến đấu ngày 12 tháng 7 năm 1984 ở điểm cao 233 Hà Tuyên. Địch ở thế có lợi, có hỏa lực mạnh bắn ác. liệt ngăn chặn đường tiến quân của ta, Hoàng Hữu Chuyên bình tĩnh, xông xáo chỉ huy tiều đoàn nhanh chóng đánh nhanh, đánh mạnh, kiên quyết tấn công tiêu diệt địch. Kết quả chỉ sau 20 phút, đơn vị đã đánh chiếm được mục tiêu và diệt hàng trăm tên. Địch tập trung hỏa lực bắn hàng ngàn đạn pháo và nhiều loại súng, đồng thời tổ chức lực lượng mở nhiều đợt tấn công, hòng đánh chiếm lại trận địa. Hoàng Hữu Chuyên nêu cao tinh thần dũng cảm bình tĩnh chỉ huy linh hoạt, mưu trí tiêu diệt địch ở từng đoạn giao thông hào, công sự đánh bật các đợt tấn công của chúng. Anh đã anh dũng hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng ba và được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì. Ngày 29 tháng 8 năm 1985, liệt sỹ Hoàng Hữu Chuyên được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng liệt sỹ NGUYỄN BÁ LẠI
Anh Nguyễn Bá Lại sinh năm 1949, dân tộc Kinh, quê ở thôn Quảng Nạp, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Khi hy sinh là, trưởng phòng kỹ thuật, trung đội trưởng tự vệ đoàn địa chất 305, liên đoàn địa chất 3, tổng cục mỏ và địa chất.
Từ năm 1972 đến 1979, Nguyễn Bá Lại sống và làm việc ở đoàn địa chất 305 vùng biên giới. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, địch cho pháo bắn dồn dập và dùng lực lượng lớn vượt 2 cầu phao bắc qua sông Hồng, chiếm các điểm cao và bao vây khu vực đoàn bộ đoàn địa chất 305. Trung đội Nguyễn Bá Lại chiến đấu ở hướng chính diện của địch tấn công từ Sulí Sin Quyền. Nguyễn Bá Lại đã diệt 7 tên, thu 1 súng AK. Trung đội của anh đã đánh lui 7 đợt tiến công của địch. Địch dùng cối bắn cấp tập rồi ồ ạt xông lên điểm chốt của ta. Nguyễn Bá Lại nhảy lên khỏi hầm dùng AK bắn vào đội hình địch. Noi gương anh, nhiều anh em trong hầm cũng đứng lên chiến đấu. Bất ngờ 1 tên địch vào cách hầm 2m, trên tay cầm quả lựu đạn đang xì khói. Nguyễn Bá Lại nổ súng bắn nó ngã gục, quả lựu đạn văng vào trong hầm. Anh lập tức nằm đè lên quả lựu đạn, nhận sự hy sinh về mình để cứu sống 6 đồng đội trong hầm. Nguyễn Bá Lại đã cùng đơn vị bẻ gãy tất cả các đợt tiến công của địch, diệt nhiều tên, bảo vệ an toàn tài liệu địa chất và hơn 300 cụ già, cháu nhỏ.
Anh được truy tặng Huân chương chiến công hạng ba.Ngày 29 tháng 1 năm 1996, liệt sỹ Nguyễn Bá Lại được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.