Hoàng Mai
31-1-2018
“Tôi không hiểu”, anh Thảo tuyên bố. Mặc dù giọng của anh nghe nghèn nghẹt qua điện thoại, nỗi thất vọng trong ấy không thể nhầm lẩn được. “Thế giới đang dần dần loại bỏ than đá. Việt Nam thì đang dần dần đầu tư thêm”.
Huệ Thảo sống tại Tân An, Long An, gần địa điểm sẽ xây dựng Long An-I, nhà máy điện 1320MW chạy bằng năng lượng than dự kiến xây xong vào năm 2020 và đi vào sử dụng năm 2024. Mặc dù anh chưa bao giờ sống gần các nhà máy nhiệt điện, Thảo đã đọc các bài báo trực tuyến về tác động môi trường của nó. Anh cũng biết tới những thảm họa môi trường gần đây ở Việt Nam như vụ ô nhiễm xung quanh nhà máy điện Vĩnh Tân, Bình Thuận.
15.166 Chữ ký # Stop LongAn
Giống như 15.166 người khác, Thảo đã ký vào đơn kiến nghị “Stop Long An”, một đơn kiến nghị điện tử trên wakeitup.net do một nhóm hoạt động về môi trường và biến đổi khí hậu ẩn danh thực hiện nhằm ngăn chặn các dự án này cũng như Long An-II, 1600MW.
“Stop Long An” là chiến dịch phản đối lại nhà máy điện than đầu tiên giành được sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy ở Việt Nam. Những người ký tên vào bản kiến nghị này đến từ Long An, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trên khắp đất nước đã tập trung để thể hiện ý kiến vì sự lo sợ của họ.
Anh Hải Cao, một người dân của thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi rất buồn và sợ”. “Khi các nhà máy nhiệt than đi vào hoạt động tại Long An. Nó sẽ tạo ra ô nhiễm và ảnh hưởng đến các vấn đề sức khoẻ. Bệnh lý về da và bệnh phổi sẽ không thể tránh khỏi. Chúng tôi đã biết về điều này vì nó đã xảy ra ở các nơi khác trước đây”. Anh Cao cũng lo lắng về những ảnh hưởng của các chất thải độc hại từ nhà máy ra không khí, đất và hệ thống nước xung quanh. “Nó sẽ dẫn đến sự ngộ độc kim loại nặng và ảnh hưởng của nó đối với hoa màu và gia súc, gia cầm”, anh nói. “Để tôi và con cái của tôi có cơ hội sống.”
Chị Võ Thị Sương, sống gần Vĩnh Tân suy nghĩ, “Cần phải ngăn ngừa thảm hoạ môi trường và không để nó xảy ra với các nơi khác như Vĩnh Tân được. Người dân ở Tuy Phong, Bình Thuận đã và đang phải chịu đựng những gì do nhà máy nhiệt than gây ra: bệnh phổi, viêm mũi, viêm xoang chiếm 50% dân số.”
“Stop Long An” bắt đầu vào tháng 5 năm 2017 và đạt được hơn 15.000 chữ ký trong vòng hai tháng. Để hỗ trợ chiến dịch này, các tổ chức hoạt động vì môi trường như Change VN và 350.org cũng đồng loạt thực hiện sự phản đối thông qua các dịch truyền thông xã hội.
Nếu dự án Long An-I được xây dựng tại Cần Giuộc, nó sẽ ảnh hưởng đến một triệu người sống trong vùng lân cận từ quận 1,7,8 và Nhà Bè của Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm hoạt động kinh tế chủ yếu và thành phố đông dân nhất Việt Nam. Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, và từng cho ý kiến phản đối với dự án trên.
Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin chính thống cũng đã phản ánh mạnh mẽ về nỗi lo của người dân. Phóng viên Sơn Lâm, báo Tuổi Trẻ, một trong những phóng viên phản ánh thông tin về dự án nhà máy nhiệt điện tại Cần Giuộc, Long An cho biết việc thông báo cho mọi người biết về nhà máy nhiệt điện ngay từ giai đoạn đầu xây dựng là một nghĩa vụ phải làm. “Thông thường, mọi người không bày tỏ mối quan tâm cho đến khi một nhà máy điện đã hoạt động và gây ô nhiễm tồi tệ cho môi trường của họ. Tuy nhiên, những hệ lụy từ các nhà máy điện than tại Bình Thuận, Trà Vinh, … được báo chí mổ sẽ đã tạo nên ý thức cho người dân trong vùng dự án. ” Theo anh ấy, các nhà báo đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tình cảm của người dân tới chính phủ. “Tôi đã liên lạc với chính quyền thành phố Long An và họ thực sự thông cảm với mối quan tâm của người dân. Tuy nhiên, họ không phải là người ra quyết định cuối cùng”, Lâm nói. Các dự án nhiệt điện vẫn đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên, tức là các cuộc thảo luận giữa chính phủ và nhà đầu tư tiềm năng; mặc dù Bộ Công thương đã chấp thuận, đến nay vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin nào mới về các dự án này.”
Bản kiến nghị Stop Long An đang trên đường gửi tới Daewoo E&C, KEXIM và KEPCO, là những nhà đầu tư Hàn Quốc chịu trách nhiệm cho dự án này theo hợp đồng BOT với chính phủ Việt Nam. Mặc dù Tree Hugger* muốn gửi bản kiến nghị đến Bộ Công Thương cũng như UBND Long An và Thành phố Hồ Chí Minh, họ đã quyết định không làm thế vì những lo ngại về sự an toàn cho bản thân.
Rốt cuộc dự án điện than tại Long An rốt cuộc có được xây hay không, vẫn đang là một câu hỏi lớn của những người dân, và rất có thể của cả chính những người có trách nhiệm thực hiện dự án.
Dấu Chấm Hỏi Lớn
Theo ông Trương Phương Luu thuộc Công ty Tư vấn Kỹ thuật Điện 3 (EVNPECC3), cơ quan tư vấn chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công ty điện quốc doanh đã tạm ngừng việc triển khai các dự án như thế này. “Chúng tôi đang đưa ra các giải pháp tốt hơn”, ông Phương nói, và từ chối đi sâu vào chi tiết.
Tree Hugger, người tạo ra ban kiến nghị Stop Long An cho rằng sự tạm ngưng không xác định của các ban nghành và chính phủ có thể được xem như một dấu hiệu tích cực. “Với sự lên tiếng của các phương tiện truyền thông chính thống, có thể chính phủ đã xem đơn thỉnh nguyện trên mạng; họ khá cảnh giác với các hoạt động từ các tổ chức bảo vệ môi trường và báo chí.”
Trong khi đó, bà Thới từ tổ chức Change.vn cho rằng những tín hiệu này cho thấy có khả năng các nhóm bảo vệ môi trường tại Hàn Quốc đã có động thái tác động đến KEXIM, Daewoo và KEPCO, yêu cầu họ xem xét lại các dự án gây hại cho môi trường ở các nước khác. Vì EVN chỉ có đủ vốn để thực hiện khoảng một phần tư các dự án, những nhà đầu tư nước ngoài mới thực sự là lực đẩy cho sự phát triển của ngành điện than tại Việt Nam. Bà Thới giải thích: “Các nước Châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc – họ muốn phát triển bền vững trong nước, nhưng lại không ngần ngại đầu tư vào các nhà máy chạy bằng than ở các nước đang phát triển. Việt Nam vẫn còn mong muốn đầu tư năng lượng giá rẻ.”
Kể từ khi KEPCO và tập đoàn Nhật Bản Marubeni giành được dự án đấu thầu quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cho một nhà máy khai thác than quy mô lớn vào năm 2008, EVN ngày càng áp dụng nhiều hơn hình thức BOT và các nhà sản xuất điện độc lập khác. Theo Kế hoạch tổng thể Điện VII từ 2016-2020 đã sữa đổi với tầm nhìn đến năm 2030, có 22.000MW trong số 90.000 MW điện của Việt Nam sẽ đến từ mười sáu dự án điện BOT mới, mà đa số là nhà máy điện than.
Dẫn đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài là Hàn Quốc, với số vốn đầu tư đăng ký 55,6 tỷ USD, trong khi Nhật đứng thứ hai với 45,9 tỷ USD. Động cơ của họ rất đơn giản; 51% tất cả các khoản đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam là từ các ngân hàng xuất nhập khẩu với lãi suất huy động vốn cao, cung cấp các khoản vay dài hạn cho các đơn vị ở các nước khác. Theo báo cáo gần đây của Hội đồng Quốc phòng về Tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam là một trong ba nước nhận tài trợ dự án than hàng đầu của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sơ Đồ Điện VII trong Bối Cảnh Thị Trường Thay đổi
Trong khi đó, trên toàn cầu, phong trào rút vốn đã tăng đà khị các ngân hàng thương mại như Bank of America, Citigroup, Natixis và Wells Fargo cố gắng loại bỏ than đá khỏi cấu trúc tài chính của họ do sợ bị kẹt vốn khi chi phí xây dựng lớn hơn so với tiềm năng tạo ra doanh thu. Các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than có nhiều nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt trong trường hợp các dự báo nhu cầu năng lượng của chính phủ không chính xác dẫn đến tình trạng dư thừa. Tuy nhiên, những ngân hàng đại chúng như KEXIM và JCIB vẫn còn quan tâm đến lợi nhuận đến từ các hợp đồng xây dựng, cung cấp thiết bị và công nghệ, vì không phải họ mà là chính phủ các nước tiếp nhận phải chịu đựng những hậu quả về môi trường và xã hội mà các dự án này có khả năng xảy ra.
Đến năm 2020, 42,7% lượng cung cấp năng lượng quốc gia sẽ được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện đốt than, trong khi Việt Nam thì đang dần cạn kiệt nguồn cung cấp than cho các nhà máy này. Chi phí cũng tăng do quá trình chuyển đổi từ mỏ lộ thiên sang khai thác ngầm. Năm 2016, Việt Nam chính thức trở thành quốc gia nhập khẩu than, và trong vòng ba năm nữa, khoảng 2/3 trong số 75 tấn than cần thiết cho các nhà máy điện sẽ được nhập khẩu từ các nước khác như Indonesia, Úc và Nga. “Chúng ta không nên dựa dẫm quá nhiều vào các nước khác để cung cấp năng lượng cho Việt Nam”, Thới nói. “Chính phủ cần phải có một lập trường cứng rắn và không nên chỉ căn cứ vào mức giá thành thấp.”
Lập luận cho rằng than đá mang lại lợi ích kinh tế đang bị hoài nghi khi giá ở châu Á tăng do Trung Quốc cắt giảm khai thác và xuất khẩu trong khi nhu cầu tang lên. Theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), Việt Nam đang mất khoảng 1,27 tỷ đô la mỗi năm do giá nhập khẩu than tăng. Trong quá trình soạn thảo Sơ Đồ Điện VII, than đá rẻ vì chính phủ đã trợ giá than trong nước, giảm 40-50% so với giá thị trường. Chính sách này đã bị bãi bỏ vào tháng 7 năm 2015.
Trong khi đó, giá của một nguồn năng lượng đang giảm trên khắp thế giới – năng lượng mặt trời. Một báo cáo gần đây của GTM Research dự đoán mức giảm 27% vào năm 2022 trong giá điện mặt trời tính theo cent/ vào năm 2022 tại tất cả các khu vực trên toàn cầu. Không giống như nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tái tạo được trải đều ở nhiều quốc gia khác nhau, và việc chuyển sang sử dụng năng lượng này nhiều hơn sẽ đảm bảo cho Việt Nam không chỉ một môi trường xanh mà cả an ninh năng lượng trong những năm tới.
Năng Lượng Mặt Trời – Một Hướng Đi Mới
Vùng ĐBSCL nói chung và đặc biệt là Long An, trớ trêu thay, lại là nơi có mức độ nắng nóng đáng kể, tổng cộng khoảng 2700 giờ một năm. Chính những người dân địa phương kêu gọi chấm dứt việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Long An cũng là những người ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời. Ông Thảo nói: “Tôi nghĩ các dự án năng lượng mặt trời quy mô nhỏ ở mỗi huyện là giải pháp tốt nhất. Điều này không chỉ có lợi cho môi trường, mà còn bởi vì việc đặt các nhà máy phát điện năng lượng ở địa phương sẽ giảm chi phí xây dựng và vận chuyển điện năng.”
Các nhà máy năng lượng mặt trời có năng suất trung bình khoảng 50 đến 100MW sẽ giúp người dân địa phương tự kiểm soát được lượng cung và nhu cầu của họ. Nhà nước chỉ yêu cầu các dự án trên 1000MW phải được điều hành bởi cơ quan trung ương, do đó các dự án năng lượng mặt trời có thể được quản lý chính quyền địa phương hoặc thậm chí là tư nhân.
“Hệ thống bảng năng lượng mini và hệ thống gia đình có thể được quản lý dễ dàng. Các hệ thống càng nhỏ thì càng đơn giản trong việc quản lý”, ông Nguyễn Hải Long, Cán bộ nghiên cứu Năng lượng tái tạo tại GreenID, tổ chức phi chính phủ hàng đầu của Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng bền vững đã phát biểu. GreenID gần đây đã công bố một cuốn hướng dẫn về Quy hoạch Năng lượng Địa phương và tổ chức các hội nghị tại Đăk Lăk và An Giang, hai tỉnh tiên phong về phát triển năng lượng mặt trời ở khu vực ĐBSCL.
Việc chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời cũng có thể giải quyết được một vấn đề khác ở Việt Nam – hệ thống dẩn điện. Hiện tại, ít nhất năm nghìn người ở những ngôi làng xa xôi nhất ở Việt Nam chưa bao giờ nhìn thấy bóng đèn sáng; bất chấp những nỗ lực của chính phủ, đường dây truyền tải vẫn chưa đến được nhiều vùng núi trên toàn quốc.
Trong năm 2016, nhờ một chương trình của Change phối hợp với các nhà tài trợ tư nhân HSBC, Walmart và Vũ Phong Solar, dân làng ấp 4 Vĩnh Cửu, Đồng Nai cuối cùng đã có được nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho đèn, quạt và các thiết bị gia dụng điện tử khác. Chương trình này đã tài trợ các tấm pin mặt trời cho tất cả các hộ gia đình cũng như đèn pin mặt trời trên các con đường và trong không gian công cộng. Thời nhớ lại cảm xúc của cô khi ở trong ấp – “Lần đầu tiên nhìn thấy trẻ con có thể ra ngoài vào ban đêm và đến thăm nhà của nhau, rất là cảm động”
Hiện tại Việt nam đã nhận thức nhiều hơn về việc phát triển các nguồn năng lượng sạch. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 0,5% nguồn điện hiện, và trong Sơ Đồ Điện VII, tỉ lệ này chỉ được nâng lên khoảng 6% trong năm 2030.
Cơ Hội và Những Rào Cản
Cán bộ Nghiên cứu Than của GreenID, bà Nguyễn thị Hằng, vẫn tiếp tục vận động để thay đổi Sơ Đồ Điện VII. “Hợp đồng BOT có hiệu lực trong hai mươi năm, trong khi chúng tôi dự đoán rằng giá năng lượng tái tạo sẽ cạnh tranh hơn than trong 3-5 năm tới”. Bà nhấn mạnh rằng nếu không có gì thay đổi, người dân Việt Nam sẽ sớm phải trả thêm chi phí cho loại năng lượng chẳng những đắt tiền mà còn rất bẩn.
Tuy nhiên, đối với GreenID, Change.vn, Tree Hugger và những người hoạt động vì môi trường ở Việt Nam, vẫn còn nhiều trở ngại để vượt qua. Sự thành công tương đối của chiến dịch Stop Long An một phần là do dự án này không may được đặt quá gần thành phố Hồ Chí Minh, thành phố lớn nhất cả nước với hơn 9 triệu người dân quan tâm và dám lên triếng về vấn đề môi trường. So với người dân ở nông thôn, tiéng nói của họ có tác động mạnh mẽ hơn nhiều với chính phủ. Một điều đáng buồn là khi đọc các bình luận trên wakeitup của người ký tên dự án, có thể thấy được rằng nhiều người ký vào bản kiến nghị không phải vì ủng hộ việc loại bỏ nhiệt điện hay một sự thay đổi chính sách có ý nghĩa, mà là vì mong muốn nhà máy điện được di chuyển đến đâu đó xa nhà của họ.
Tree Hugger có vẻ do dự khi được hỏi ý kiến về sức ảnh hưởng của bản kiến nghị Stop Long An. Họ nói: “Đó là kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể đạt được trong hoàn cảnh hiện tại. Liệu có phải thực sự có 15,166 người quan tâm điều này? Tôi không nghĩ thế.” Rất nhiều những người bị ảnh hưởng tồi tệ bởi nhà máy nhiệt điện than không có điều kiện truy cập internet hay bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào.
Bà Hằng hy vọng rằng việc cải cách chính sách mà bà đang vận động cùng với GreenID sẽ thuyết phục được các nhà lập pháp thay đổi ý định. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn. “Chúng ta sẽ phải chờ Sơ Đồ Điện Lực VIII được công bố vào năm 2021” bà Hằng nói.
Trong khi đó, anh Thảo đang lo lắng khi chưa thấy sự thay đổi thực sự sau khi tham gia ký bản kiến nghị Stop Long An. “Nếu không phải lúc này thì khi nào?” anh hỏi. Thảo không muốn sử dụng điện lưới quốc gia nữa và muốn đi theo hướng năng lượng xanh; tuy nhiên, với mức lương hiện tại của anh, chi phí đầu tư của một bảng năng lượng mặt trời là không khả thi.
“Tôi không thể phản đối sự gia tăng của các nhà máy điện chạy bằng than trong khi bản thận sử dụng các thiết bị gia dụng chạy bằng năng lượng nhiệt. Nhưng không cách nào tôi có thể chi 20 triệu đồng cho một tấm pin năng lượng mặt trời ” anh bày tỏ. “Tôi phải làm gì đây?”
* Đây là biệt danh, không phải tên thật, được sử dụng để bảo vệ danh tính của nhà hoạt động môi trường.