50 năm chiến cuộc Tết Mậu Thân: Nhìn lại bước ngoặt chiến tranh để giải ảo ngụy sử (phần 1)

Đỗ Kim Thêm

31-1-2018

31.1.1968 – 31.1.2018: Kỷ niệm 50 năm chiến cuộc Tết Mậu Thân – Nhìn lại bước ngoặt chiến tranh để giải ảo ngụy sử.

Tóm lược

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đại bại quân sự của ĐCSVN, vì khả năng chiến đấu tinh nhuệ của QLVNCH chưa bị tiêu hao và toàn thể dân chúng miền Nam không một lòng ủng hộ, nhưng nó đã tạo ra các thắng lợi chính trị tại Hoa Kỳ và công luận thế giới thành một bước ngoặt chiến lược trong chiến tranh Việt Nam.

Với quyết định việc tấn công này, ĐCSVN đã lừa dối đồng bào miền Bắc về ý nghĩa đấu tranh và thực trạng của miền Nam để buộc họ phải hy sinh xương máu cho Đảng. Vi phạm hưu chiến để gây bao đau thương tang tóc cho nhân dân miền Nam không phải là sự lựa chọn sáng suốt để ĐCSVN thực hiện sứ mệnh lịch sử mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động miền Bắc giao phó.

50 năm trước, MTGPMN tháo chạy nhưng hô hào là chiến thắng và nạn nhân chiến cuộc được trao tặng 8 chữ vàng “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. 50 năm sau, bản chất không thay đổi, ĐCSVN lại tự tuyên dương chiến thắng, quên đi bao tổn thất nặng nề và những sai lầm gây tội ác thảm sát. Với những nghịch lý bi đát này, ngụy sử đã không được sáng tỏ mà còn làm trầm trọng hơn.

Thảm sát Xuân Mậu thân là một vết nhơ trong lịch sử của đất nước: Đó là lý do chính đáng để chúng ta không tham gia mừng lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân mà tưởng niệm cho những người quá cố của hai miền vì cái chết oan uổng là do các quyết định hiếu chiến, liều lĩnh, thiếu hiểu biết và vô nhân đạo của ĐCSVN trước lương tâm, công luận và lịch sử.

***

Bối cảnh

Trong tinh thần “Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ”, Quân Dân Cán Chính miền Nam đón Tết Mậu Thân vào ngày 31 tháng Giêng 1968 và hy vọng có được những ngày hưu chiến an lành.

Khi cả Sài Gòn còn say ngủ, không ai ngờ, hai chiếc xe hơi mang theo Đội Biệt Động 11 do Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ đạo gồm 17 người dừng trước của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ lúc 2 giờ 45 khuya. Chỉ một giây sau họ làm nổ một lổ lớn của bức tường an ninh rồi đột nhập vào trong khuôn viên và thi nhau bắn xối xã trong không khí tinh sương vắng lạnh. Bị tấn công bất ngờ, đội canh phòng Mỹ-Việt chạy tán loạn. Thừa thế, các cảm tử quân chạy lên các tầng một, hai và ba của Toà Đại Sứ và lục soát tứ tung. 20 phút sau lực lượng quân cảnh Mỹ mới phản ứng kịp và kêu trực thăng tới tiếp viện. Sáu tiếng đồng hồ sau, cuộc đột kích chấm dứt và quân cảnh Mỹ làm chủ được tình thế với năm người thiệt mạng, gây cho tất cả các du kích quân tử trận trừ tên đội trưởng bị bắt. Một phần văn phòng của Toà Đại Sứ bị thiệt hại nặng.

Không phải Toà Đại Sứ là địa điểm duy nhất, mà còn Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, Phi trường Tân Sơn Nhất, các cơ quan dân sự cuả chính phủ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) và các cơ quan quân sự Việt Mỹ khác tại Sài Gòn cũng bị khoảng hơn 4000 binh sĩ khác thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPNM) và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN) tấn công. Với một lực lượng 100 tiểu đoàn, ước khoảng 84.000 quân, họ tấn công năm trong số sáu thành phố lớn, 36 tỉnh lỵ trong số 44 tỉnh và các cứ điểm khác của VNCH cùng trong dịp này.

Từ du kích chuyển sang toàn diện, chiến cuộc Tết Mậu Thân cực kỳ đẩm máu làm hoang mang giao động cho toàn dân miền Nam và nước Mỹ và trở thành một trang sử mới của chiến tranh. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày biến cố tang thương này, bài viết sau đây sẽ trình bày khái quát những diễn tiến trên chiến trường Việt Nam và các tác động chuyển biến cho chính trường và công luận Mỹ với hy vọng sẽ là một đóng góp khiêm tốn trong tinh thần giải ảo ngụy sử cho thế hệ hậu chiến.

Giai đoạn chuẩn bị

Tống tiến công, Tổng khởi nghĩa hay Tổng công kích là cách gọi chính thức của giới lãnh đạo MTGPMN từ khi thành lập vào năm 1960. Họ nghĩ đến một chiến lược đấu tranh du kích để giải phóng dân tộc theo binh pháp cổ điển của Mao Trạch Đông: từ rừng núi tiến về nông thôn rồi lấy nông thôn bao vây thành thị.

Để đạt mục tiêu này, MTGPMN đã lập nhiều mạng lưới nội tuyến và các toán biệt động thành để tấn công lẻ tẻ vào các thành phố và thủ tiêu các viên chức của VNCH, mà thí dụ điển hình là họ ám sát tỉnh trưởng Vĩnh Long năm 1960 và bắt tỉnh trưởng Phước Thành đem ra đấu tố giữa chợ và treo cổ năm 1961 nhằm gây tiếng vang. Tình trạng an ninh nông thôn tại một vài nơi bắt đầu suy yếu trong khi chính quyền miền Nam đang xây dựng cơ cấu hành chính phôi thai.

Sau khi một số tướng lãnh của VNCH đảo chính chính phủ Ngô Đình Diệm, Bộ Chính trị Đảng Lao Động Việt Nam có một cuộc họp vào Tháng Mười hai năm 1963 tại Hà Nội và nhận định là Cách Mạng 1963 và các xáo trộn nội chính liên tục sau đó là một thuận lợi to lớn và tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng. Đến tháng Chín năm 1964, họ chủ trương là phải tiếp tục mở rộng sự kiểm soát tại vùng nông thôn và chuẩn bị tổng khởi nghĩa mà các đô thị sẽ trở thành trọng điểm. Diễn biến chiến trường không thuận lợi như Hà Nội mong đợi.

Từ năm 1965, khi các lực lượng của Quân đội Hoa Kỳ được trang bị tối tân và yểm trợ bằng bằng hỏa lực không quân và hải quân hùng hậu, trận địa chiến theo quy mô kiểu Mỹ khởi đầu lan rộng khắp miền Nam. Trong hai năm 1966 và 1967 các lực lượng Mỹ-Việt thành công trên khắp các chiến trường và kiểm soát được nhiều vùng nông thôn hơn.

Vào cuối năm 1967, quân số Mỹ lên đến 486.000. Quân đội Mỹ và các lực lượng Đồng Minh khác sử dụng gần 500.000 quân đã bẻ gẩy các cuộc tấn công của Cộng Sản. Với chiến lược vừa truy tầm và tận diệt của Hoa Kỳ và QLVNCH làm cho MTGPMN tổn thất nặng nề. QLVNCH yểm trợ 54 tiểu đoàn cho 555 toán cán bộ Xây Dựng Nông Thôn (XDNT) bình định và cải tổ dần từng thôn ấp. Trong khi MTGPNM càng khó khăn chiêu dụ thêm các du kích quân tham gia, thì Mỹ không kích tại miền Bắc gây trở ngại cho việc tiếp tế vũ khí và đạn dược.

Trước tình hình này, giới lãnh đạo MTGPMN không còn hy vọng về một cuộc tổng nổi dậy mà phải đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi. Tháng 6 năm 1967, Tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam và Tư lệnh chiến trường miền Nam, được triệu tập ra Hà Nội để chung quyết về một binh pháp mới cho chiến trường để mong lật ngược tình thế.

Theo Tướng Thanh, miền Nam không thể áp dụng sách lược của Mao Trạch Đông, vì các tỉnh miền duyên hải trù phú đông dân kéo dài đến tận miền Đông hiểm trở, chỉ có vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long là có địa hình giống với Trung Quốc. Một cuộc tấn công vào các thành thị miền Nam chỉ khả thi khi dân chúng nội thành hưởng ứng nổi dậy làm cho chính quyền Tổng thống Thiệu sụp đổ; một chính phủ liên hiệp thành hình sau đó sẽ không còn làm người Mỹ có đủ lý do biện minh về sự cam kết của họ. Mỹ không thể mang ảo tưởng chiến thắng bằng quân sự và phải lo chuyện rút quân.

Để đúc kết về một binh pháp cho năm 1968, Bí Thư thứ Nhất Lê Duẩn của Đảng Lao Động Việt Nam đi đến quyết định là ”chuyển hướng tiến công vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Mỹ không còn con đường nào khác, …Mỹ phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị … Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam.”

Trong khi họp, tướng Thanh bị đột tử đầy bí ẩn tại Quân y viện 108 ngày 6 tháng Bảy năm 1967. Có nhiều suy đoán về cái chềt này là tướng Thanh bị không kích của B.52 ở vùng Mỏ Vẹt, hoặc bị thanh toán nội bộ vì những sai lầm về binh pháp gây tổn thất nặng nề trong các trận Đức Cơ, An Khê, Pleimei, Ia Drang, Sa Thầy, Tây Ninh trong hai năm 1965 và 1966 hoặc vì quá chén tiệc tùng mà bị suy máu cơ tim.

Để thay cho tướng Thanh chuẩn bị tổng công kích, Hà Nội quyết định đưa Tướng Võ nguyên Giáp, người hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh QĐNDVN, đảm nhiệm tư lệnh chiến trường miền Nam; phụ tá cho tướng Giáp là Hoàng Văn Thái nắm toàn bộ lực lượng vũ trang năm tỉnh phía Nam Trung bộ và toàn miền Nam và Vũ Nam Long nắm Đặc khu Trị-Thiên. Phạm Hùng làm Tân Bí thư cho Trung Ương Cục miền Nam.

Giai đoạn thực hiện

Công tác nội thành

Ngay từ đầu muà Thu 1967, MTGPMN đã cho các toán nội tuyến chuyển vô số vũ khí và đạn dược vào các cơ sở nội thành tại miền Nam. Vì các cơ quan an ninh quân sự cũng như dân sự của VNCH đã không kiểm soát được các hoạt động nội tuyến này và tệ nạn móc ngoặc đã làm cho việc vận chuyển vào các thành phố rất an toàn.

Trận Khe Sanh

Diễn tiến

Khe Sanh cách biên giới Lào 20 cây số, là một khu vực hiểm trở gần khu phi quân sự và đường mòn Hồ Chi Minh, có địa hình lòng chảo giống như Điện Biên Phủ. Từ năm 1962, Khe Sanh được Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh Hoa Kỳ sử dụng làm nơi xuất phát các phi vụ thám thính đất Làọ. Đến năm 1967, có hai Trung Đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ và Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân của VNCH đồn trú với khoảng 6.000 quân, họ có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của QĐNDVN. Khi vây chặt Khe Sanh vào giữa năm 1967, QĐNDVN có một vài giao tranh nhỏ nhằm gây lạc hướng cho đối phương, đúng theo chiến thuật nghi binh của tướng Giáp.

Ngày 21 tháng Giêng năm 1968, QĐNDVN cho di chuyển hai sư đoàn 304 và 325 chính quy, khoàng 17.500 quân, tấn công Khe Sanh bằng hoả lực pháo binh nặng nề làm cho kho đạn bị hoàn toàn thiêu hủy và gây thiệt hại trầm trọng các công sự phòng thủ của Mỹ. Trước nguy cơ thất thủ như Điện Biên Phủ, Tướng William C. Westmoreland huy động thêm 15.000 binh sĩ giải cứu và ra lệnh tăng cường kiểm soát các tuyến đường thâm nhập Khe Sanh. Sau đó, tổng số binh sĩ Mỹ-Việt phòng thủ lên đến 50.000.

Trước hoả lực pháo binh dồn dập của đối phương, Tổng Thống Lyndon B. Johnson, từ Toà Bạch Ốc, cam đoan với các binh sĩ đang bị vây là sẽ yểm trợ tối đa và gia tăng các cuộc không kích các khu vực chung quanh Khe Sanh. Ông ra lệnh cho Tướng Earle G. Wheeler, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, phải giử Khe Sanh bằng mọi giá vì ông không muốn thất bại như trận Điện Biên Phủ. Cho đến cuối tháng tư, Johnson đã ra lệnh ném trên 100.000 tấn bom xuống quanh Khe Sanh, một khối lượng bom lớn nhất lên trên một khu vực khỏ bé, gây tác hại lâu dài nhất về môi trường.

Trước các phản pháo liên tục của Mỹ, các binh sĩ của QĐNDVN phải tuần tự rút khỏi Khe Sanh, nhưng từ cứ điểm bên kia biên giới Lào họ tiếp tục pháo kích. Từ tháng Sáu năm 1968, họ không còn khả năng uy hiếp như trước, sau khi toàn bộ đã bị đánh đuổi ra khỏi Khe Sanh. Cuối cùng, ngày 6 tháng Bảy năm 1968 lính Mỹ rời Khe Sanh mà chỉ còn hành quân lưu động và tiếp tục ném bom. Khe Sanh thành vùng oanh kích tự do vì không còn giá trị phòng thủ chiến lược. Đến năm 1971, căn cứ Khe Sanh mới được QLVNCH sử dụng lại.

Tống kết thành tích

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, Khe Sanh là một trận giao chiến ác liệt với cấp số sư đoàn, hoả lực pháo binh hùng hậu, thiết giáp tối tân và không kích quy mô nhất. Nhưng cho đến nay, không ai có thể kiểm chứng được là ai thắng và ai thua, mà các giải mật về sau cũng không thể soi sáng. Sở dĩ có nhiều lý giải khác biệt là vì hai phe xem tuyên truyền chính trị vẫn là quan trọng hơn quân sự.

Về ý nghiã chiến thắng được phe thắng cuộc ca ngợi trân Khe Sanh “mốc son chói ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trong khi phía Mỹ cho tới nay cũng cho là “chiến thắng vang dội của quân đội Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam”.

Về chiến thuật, phe thắng cuộc cho rằng Tướng Giáp dồn lính Mỹ vào Khe Sanh để có thể tấn công các vùng khác, cùng lúc tạo một chiến thắng như Điện Biên và buộc Hoa Kỳ phải đầu hàng. Trong khi Tướng Westmoreland cho là đã tương kế tựu kế để tiêu diệt đối phương, vì Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện hơn Pháp để phòng thủ và tiếp tế cho Khe Sanh trong lâu dài làm cho đối phương đã không chiếm nổi mà còn bị tử vong nặng nề.

Nhưng các con số thương vong của hai phiá là không chính xác. Phe thắng cuộc dựa vào ước tính sau 170 ngày chiến đấu, nên đã “loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 tên địch, bắn rơi 480 máy bay, 120 xe quân sự, thu và phá hủy hàng trăm khẩu pháo” trong khi Hoa Kỳ nói là sau 77 ngày trực chiến đã đã giết tới 15 nghìn người.

Còn tiếp…

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây