Thể Thao vs Thể Chế

Nghĩa Bùi

28-1-2018

Một trong những truyền thống của người Mỹ là đội vô địch quốc gia (chuyên nghiệp hay đại học) thường được mời đi thăm toà Bạch Ốc—không phải để yết kiến Tổng Thống mà là một hình thức tuyên dương khá đặc thù. Các buổi gặp mặt này thường được tổ chức vài tuần sau khi giải đấu kết thúc, và cũng là cơ hội để TT Mỹ lấy le với dân ghiền thể thao vì ông ta thừa biết có (thiếu gì) người hâm mộ các cầu thủ này hơn mình nhiều!

Hình trên là đội bóng rổ nhà nghề San Antonio Spurs chụp chung với tổng thống Obama vào tháng 1/2015, sau khi San Antonio đoạt cúp NBA lần thứ năm trong mùa banh 2014. Nhân dịp này thủ quân của đội Spurs đã trao tặng ông Obama chiếc áo danh dự số 1, mang tên POTUS (President Of The United States: Tổng thống Hoa Kỳ). Kết thúc phần nói chuyện, sau khi đã châm chọc các cầu thủ San Antonio—một số đã “có tí tuổi” không thua gì mình, ông Obama đùa: “Nếu các bạn cần bí kíp để thắng back-to-back (hai mùa liên tiếp), các bạn biết tìm tôi ở đâu!” Quan khách vỗ tay cười rần rần.

Năm ngoái (2017), đội vô địch bóng rổ Golden State Warriors đã từ chối thăm Bạch Cung sau khi ông Trump tung ra một số tweet lên án các cầu thủ football NFL biểu tình phản đối cảnh sát kỳ thị dân da màu (99% cầu thủ bóng rổ là da đen). Để trả đũa, ông Trump cho hay ông đã rút lại lời mời nên đội Warriors khỏi đến Hoa Thịnh Đốn làm chi cho mất công!

Từ những thập niên 1930-40, thể thao Mỹ đã có nhiều dấu ấn quan trọng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng của người da đen. Tại Thế Vận Hội 1936 ở Berlin, Jesse Owens đã đoạt bốn huy chương vàng môn điền kinh trước sự kinh ngạc và tức tối của tên kỳ thị chủng tộc khét tiếng Adolf Hitler. Nhưng thời đó Owens dễ gì được mời vào Bạch Cung để bắt tay tổng thống.

Jackie Robinson là người da đen đầu tiên được mướn chơi cho đội bóng chày chuyên nghiệp Major League Baseball vào năm 1947. Thuở ấy luật pháp Mỹ vẫn còn phân chia chủng tộc (segregated). Người da đen không được ăn chung, uống chung với người da trắng. Trên xe bus người da đen phải ngồi ghế sau. Trường học, nhà hàng, khách sạn… tất cả đều phân cách “white/colored” (trắng/màu).

Mặc dù là một siêu sao của đội Brooklyn Dodgers, Robinson vẫn phải chịu đựng sự kỳ thị từ khán giả da trắng, nhất là những khi chơi trên sân đối phương. Nhưng nhờ vào tinh thần và ý chí sắt thép, Robinson đã vượt qua được tất cả và mở đường cho các lực sĩ da đen đi sau mình. Ông cũng đóng góp rất nhiều cho phong trào đấu tranh đòi dân quyền (Civil Rights Movement) trong thập niên 1950-60.

Ngày nay, khi nước Mỹ đã có một tổng thống da đen, cũng như đa số các lực sĩ chuyên nghiệp trong các bộ môn hái ra tiền cho các ông chủ Mỹ trắng (football, basketball, baseball) đều là da đen, chuyện một số lực sĩ vẫn còn bị lên án bởi họ tranh đấu cho dân quyền là một sự sỉ nhục không hề nhỏ. Nhưng nó cũng giúp chúng ta hiểu rằng trong bất cứ thời điểm và chính thể nào, xã hội văn minh luôn cần đến những cá nhân quả cảm dám lên tiếng chống lại cái xấu, cái sai. Và thể thao là một phương tiện hết sức quan trọng trong cuộc chiến dài lâu đó.

Bình Luận từ Facebook