“Nghề gia truyền”

Lò Văn Củi

21-1-2018

Anh Năm Ba gác vốn gốc miền Trung, nên khi nghe nói đã khởi công xây dựng cầu Đà Rằng thì anh mừng lắm. Anh xởi lởi:

– Phải vậy chớ, có cây cầu ngon lành cho bà con cô bác nhờ.

Bà con cô bác tứ xứ vui mừng chung với anh Năm. Vui thì có vui, nhưng ông Thầy giáo cũng kèm thở dài. Ông Hai Xích lô hỏi:

– Sao thở ông Thầy?

Ông Thầy đáp:

– Xây cầu thì tốt quá. Nhưng xây cầu to lớn, đẹp đẽ thế nào chưa biết, mà trước mắt đã thấy làm cái lễ mà theo cách nói bây giờ là thiệt hoành tráng. Nào dựng nhà bạt, nào làm phong sân khấu; nào làm hàng loạt các bụt để một loạt các ông đứng nhấn chuông, lý ra chỉ một ông lớn nhứt nhấn chuông phát lịnh là xong; nào dựng các pano to đùng; nào cờ xí, nào bông hoa,…

Ngẫm các ông cán bộ nước ta không dễ từ bỏ được thói phô trương, cứ phải có hình ảnh của mình thiệt hoành tráng lưu giữ lại, các ông cứ sợ hình ảnh của mình không được dân ghi nhớ, và phải lên báo chí lên đài truyền hình rầm rộ,… Thiệt tình, càng làm lố dân chúng càng ghét.

Rồi tốn cả đống tiền. Mà có phải giàu có gì cho cam. Sao không mạnh dạn ngắt các khoảng phô trương này để không còn tình trạng như lời anh Việt Anh nói trên báo Thanh Niên trong vụ “Sập cầu Long Kiểng ở TP.HCM: Nhân Chứng nhớ lại tiếng kêu cứu của tài xế”: “Cây cầu này liên tục kẹt vào cao điểm sáng và chiều, do diện tích mặt cầu quá hẹp. Nhiều hôm lượng xe chạy lên cầu quá lớn khiến giữa cầu lún xuống như cái võng, ai cũng lo sợ. Người dân chúng tôi mong một câu cầu mới để an toàn đi lại nhưng bao năm qua vẫn chưa được thực hiện”. Ngay ở một thành phố lớn còn vậy thì thử hỏi các nơi xa xôi còn bao nhiêu cây cầu như vậy?

Làm như vậy thì được phong Thánh trong lòng dân ấy chứ.

Nhưng các ông không làm. Các ông lại làm thêm cái nghề: “nghề tinh tướng”. Phô trương thì thấy hà rầm, không bao giờ giảm đi mà còn ngày một càng “phất lên”. “Nghề tinh tướng” như thể là “nghề gia truyền”.

Cái “nghề này” không chỉ “đốt” tiền của trong chốc lát mà nó còn ảnh hưởng tới tư tưởng người ta. Đó là tư tưởng ăn xổi ở thì. Thực hiện một chương trình trang trí khởi công, khai trương, khánh thành,… khá dễ dàng, trong một thời gian ngắn thì nhận được một số tiền kha khá nếu không muốn nói là nhiều, thì ai mà không ham, ai mà không chầu chực để có được. Ăn xổi ở thì nó lây lan và còn tạo ra sự chụp giựt, lây lan và chụp giựt trong mọi lãnh vực. Chưa nói tới, có làm mới có kê, có ăn,…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khởi công cầu Đà Rằng. Ảnh Đức Huy/ báo TN
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên… hoành tráng. Ảnh: internet
Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu tại lễ khởi công, trên bụt đầy bông hoa. Ảnh: báo SGGP

Bà con cô bác nghe ông Thầy nói chí phải. Anh Bảy Thọt cười hi hi:

– Có một “nghề gia truyền” của các ông cán bộ nữa đó ông Thầy.

– “Nghề” chi, “nghề chi” Bảy? Ông Hai Xích lô hỏi tới.

– Dạ, là “nghề nói chữ”, “nói chữ lãng nhách”.

Ông Hai cười ha ha:

– Đúng rồi, đúng rồi. Chẳng hạn như ông Thủ tướng vừa nói cô gái đẹp thì có ông Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói leo: “Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp. Chúng ta phải lựa chọn những bàn tay tinh túy nhất, chứ không phải là ai cũng cho vào.”

Bà con cô bác cười theo ha ha. Anh Bảy tiếp:

– Tương tự như vậy. Ông Tổng nói lò nói củi, củi tươi củi khô, lò nóng lò lạnh, thì có ông được ví như đệ tử ông Tổng là ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra TƯ, cũng nói: “Ở bên dưới bắt đầu ấm lên nhưng chưa nhiều lắm”. Ông nói tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2017.

Ông Hai gục gật:

– Đúng là “nghề gia truyền”.

Anh Năm Ba gác nói thêm:

– Có lẽ “nghề ăn nhậu” sưu tầm kiểu lạ của các ông cán bộ cũng là “nghề gia truyền”. Sưu tầm rượu ngâm các loại thú vật, các loại thuốc quí hiếm, ngâm mật gấu, tay gấu, ngâm hổ nguyên con, ngâm rắn hổ mang,… sưu tầm cao lương mỹ vị,…

Ông Hai vỗ tay cái bét:

– Ha ha, sưu tầm con gái đẹp nữa.

Tới đây thì hết giờ tán dóc buổi sáng sau trận cười nức nẻ. Còn thời gian thì không biết còn bao nhiêu “nghề gia truyền” của các ông cán bộ nữa đây.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook