Thư gửi ông Trương Tấn Sang và giới lãnh đạo cộng sản

Trung Nguyễn

10-1-2018

Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Đúng ngày mở phiên tòa xử một cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng 8/1/2018 thì ông Trương Tấn Sang viết hẳn một bài “hoành tráng” được đăng trên nhiều tờ báo trong nước. Nội dung chủ đạo của bài viết là ông điểm lại những thăng trầm một số triều đại phong kiến Việt Nam, sau đó là phần liên hệ với đảng Cộng sản, kết lại là phần “hô khẩu hiệu” cũ kỹ. Tuy nhiên, suy nghĩ một chút thì sẽ thấy nhiều điều.

Chế độ Cộng sản là chế độ phong kiến

Đầu tiên, có thể thấy rất rõ qua bài báo cũng như nhiều câu phát biểu khác của các lãnh đạo Cộng sản, đó là trong thâm tâm họ thật sự coi chế độ Cộng sản là một triều đại phong kiến. Trong bài báo, ông Sang chỉ nêu các bài học của các triều đại trước, nghe thì cũng hay nhưng ở tầm một chủ tịch nước đã từng công du nhiều quốc gia thì một bài luận văn như vậy không xứng tầm.

Tôi đoán rằng, có lẽ trình độ ngoại ngữ của ông Sang cũng ngang cơ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với câu nói “bất hủ” “Ma-dzê in Việt Nam”. Chính vì không biết ngoại ngữ nên những kiến thức các ông đọc được đều đã qua bộ lọc kiểm duyệt của chế độ mà các ông đang lãnh đạo. Từ đó, những kiến thức trong đầu các ông về thế giới và cả về đất nước Việt Nam rất lệch lạc. Các ông cũng là nạn nhân của chính chế độ do các ông góp phần tạo ra.

Ở bài viết này tôi không có ý công kích cá nhân ông Sang, mà tôi chỉ muốn qua bài viết của ông Sang để nêu bật ra được não trạng của giới cai trị Cộng sản. Thật sự họ chưa bao giờ muốn xây dựng một chế độ “của dân, do dân, vì dân”, mà chỉ muốn nói những câu bay bướm, làm một số hành động lòe loẹt để lừa mị nhân dân nhằm giữ vững ngai vàng của họ. Tuy nhiên, đôi khi họ “diễn sâu” quá nên những lời nói và hành động của họ thành kệch cỡm trong con mắt nhân dân.

Hãy thử đọc lại một số câu mà ông Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng “sính” trích dẫn như: “Sức dân như nước, đẩy thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”, hay “dân là gốc”,… Chúng ta có thể thấy họ coi dân là thứ ở dưới, là “nước” hay là “gốc” thôi, còn họ mới ăn trên ngồi trốc trên đầu dân, là “thuyền”, là “ngọn”.

Lo cho đảng cai trị chứ không phải lo cho quốc gia dân tộc

Ngay từ Tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh năm 1945 cho đến Hiến pháp 2013 hiện hành đều khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng về quyền lợi, thế nhưng giới lãnh đạo Cộng sản tự cho họ có cái quyền coi họ là nhà cai trị mà không cần qua phiếu bầu trung thực của dân. Họ phủ nhận, chà đạp lên quyền lập đảng, lập hội, ngôn luận, báo chí,… của những công dân khác, cũng y như thời phong kiến là chỉ có một vua và một tập thể các quan lại ăn theo ông vua đó. Để rồi con vua rồi lại làm vua, hay nói như thời bây giờ kiểu bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là “con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc” (thật ra là “hạnh phúc của gia tộc”).

Cả bài viết ông Sang toát lên một điều là ông lo lắng cho vận mệnh của đảng Cộng sản. Còn vận mệnh đất nước thì không thấy đâu. Chính vì lo cho “đảng ta” (chứ không phải “đảng tây” dù đảng Cộng sản theo một chủ nghĩa của phương Tây) nên ông mới tìm đọc các bài học của chế độ phong kiến.

Nếu ông Sang thật sự lo cho đất nước này, cho dân tộc này thì ông đã phải mở to mắt nhìn ra thế giới, để biết thế giới này đang ở đâu và sẽ đi về đâu.

Ý nghĩa của khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Xin thưa với ông Sang là thế giới này đã và đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, mọi thứ đều kết nối internet và tự động hóa. Để sinh tồn và cạnh tranh trong thế giới này thì mọi dân tộc đều phải sáng tạo. Muốn con người sáng tạo thì nền giáo dục phải có tự do học thuật, sách báo phải được tự do xuất bản, con người phải được tự do ngôn luận… Không có tự do thì không có sáng tạo. Và chỉ có nhà nước pháp quyền, dân chủ với tam quyền phân lập mới bảo đảm được tự do.

Tại sao ông Hồ Chí Minh lại nêu ra câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”? Đó là theo một quy luật đơn giản, cái gì càng hiếm thì càng quý. Ở Việt Nam không có “độc lập” và không có “tự do” nên “độc lập”, “tự do” là cái quý nhất.

Câu khẩu hiệu trên của ông Hồ vẫn được treo trên các phòng họp, hội nghị,… để nhắc nhở người dân Việt Nam là không có “độc lập” và “tự do” cho họ đâu. Số phận của họ là làm nô lệ vĩnh viễn cho giới lãnh đạo Cộng sản cai trị “quang vinh muôn năm”.

Thực vậy, đảng Cộng sản của ông Sang hủy diệt tính sáng tạo bằng cách bóp nghẹt tự do.

Sao cứ tự lừa dối nhau?

Thưa ông Sang, từng là một học sinh, tôi đã chứng kiến cảnh các bạn tôi phải chép nguyên xi văn mẫu mới được điểm cao. Bản thân tôi hồi học cấp 1, mỗi khi kết bài luôn phải có một dòng kiểu như “Em xin hứa làm con ngoan trò giỏi để khỏi phụ lòng Bác Hồ kính yêu”.

Còn bây giờ trong bài viết của ông vào năm 2018, phần kết bài ông viết “Nhân dân luôn đứng bên cạnh Ðảng [Cộng sản], đồng lòng đi theo Ðảng [Cộng sản] bằng cả lý trí và trái tim…” y như bao văn kiện, diễn văn khác của đảng Cộng sản, tôi thấy rất buồn cười vì chẳng có bất kỳ bằng chứng gì để chứng minh cho nhận định của ông.

Liệu ông có thể cho tôi biết đã có cuộc trưng cầu dân ý nào đồng ý với Hiến pháp do giới lãnh đạo Cộng sản tự ban hành, trong đó tự ban quyền lực cho mình không? Liệu đã có cuộc trưng cầu dân ý nào cho thấy người dân Việt Nam đồng ý cho đảng Cộng sản cai trị đất nước mãi mãi hay không? Bản thân ông cũng đang tự lừa dối mình, tự lừa dối cái đảng của mình.

Các anh em trong Lực lượng 47, Binh đoàn tác chiến không gian mạng, hay dư luận viên thử trả lời câu hỏi này của tôi thay ông Trương Tấn Sang được không?

Chống tham nhũng là ta tự đánh ta

Rất tiếc là vào thời đại internet và mạng xã hội, đảng viên Cộng sản cũng như người dân đã có những trang bị và công nghệ tuyệt vời với giá rẻ để có thể tự nâng cao nhận thức. Những lừa dối đó đã bị phơi bày trên internet. Chính ông Võ Văn Thưởng là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương còn phải thừa nhận là đảng viên Cộng sản thích vào mạng đọc tin “xấu, độc”, cũng có nghĩa là họ không tin vào báo cáo láo của cấp trên nữa.

Nếu một ngày nào đó, bài viết này của tôi – một “phó thường dân” được đăng trên các báo trong nước để phản hồi bài viết của một nguyên chủ tịch nước – thì may ra lúc đó mới bắt đầu có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do học thuật, là nền tảng để đất nước cất cánh bay xa (còn lúc đó đảng Cộng sản của ông bay đi đâu thì tôi không biết).

Những thiết chế quan trọng nhất để bảo đảm tự do và bình đẳng giữa mọi người, hạn chế tối đa tham nhũng như mong muốn của ông Sang là “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên đa đảng”. Thế nhưng, đảng Cộng sản của ông lại đi ngăn cấm đảng viên đòi hỏi những điều trên. Cũng có nghĩa là giới lãnh đạo Cộng sản không bao giờ muốn thực tâm chống tham nhũng (chẳng phải ông Tổng Bí thư Trọng đã tuyên bố là “chống tham nhũng là ta tự đánh ta” đấy ư).

Chế độ Cộng sản còn tệ hơn chế độ phong kiến

Người dân Việt Nam nào chịu khó đọc tin tức mỗi ngày thì đều có thể kể ra vô số vụ tham nhũng, cướp của, bắt người trái phép nhưng cán bộ quan chức thì không hề phải vô “lò” thiêu tham nhũng của ông Trọng.

Ví dụ ngay như việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, Sài Gòn mới xin từ chức. Trong đơn xin từ chức vì lý do không hoàn thành việc dọn dẹp lề đường, ông Hải nêu rõ là ông không đấu nổi với nhóm lợi ích khổng lồ của các nhà hàng, quán nhậu,… “và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó”. Bản thân ông Hải và gia đình ông cũng bị đe dọa tính mạng. Ông Tổng bí thư Trọng với quyền lực cao nhất nước có dám thử dẹp vỉa hè ở quận 1 không?

Khi quyền lực chính trị kết hợp với quyền lực kinh tế và xã hội đen như trong đơn ông Hải chỉ ra thì nhà nước đó là nhà nước mafia, đó là chế độ chính trị mà những kẻ cướp nắm quyền cai trị đa số nhân dân. Thực sự nó còn tệ hơn cả thời phong kiến.

Thời phong kiến vua còn đặt một cái trống ở ngoài sân, bất kỳ ai có chuyện oan ức đều có thể gõ trống kêu oan. Ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa “rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam” (lời của ông Tổng Bí thư Trọng), người dân gửi đơn kêu oan ròng rã mấy chục năm trời nhưng không có ai giải quyết. Xuống đường biểu tình mong được lắng nghe thì bị “công an nhân dân” đánh cho thừa sống thiếu chết. Cứ hỏi bà con ở Dương Nội, Văn Giang, Đồng Tâm, Đắk Nông,… thì biết.

Ngay những ngày cuối năm vừa rồi, bà con dân oan bị cướp đất ở quận 2 đã đến căng băng rôn biểu tình ở đường Trương Định, quận 3, Sài Gòn, là trụ sở của Sở Xây dựng. Công an, dân phòng đứng vây xung quanh còn đông hơn dân. Đất quận 2 bây giờ lên giá quá nên phải cướp thôi!

Không ai thoát khỏi luật nhân quả

Nhìn cảnh ông Đinh La Thăng một thời huy hoàng, bây giờ bị chính các “đồng chí” của mình còng tay đưa ra tòa, ta có thể thấy quả báo đến nhanh như thế nào. Ông Thăng là người chịu trách nhiệm chính trong việc phá chùa Liên Trì của thầy Thích Không Tánh. Người Cộng sản vô thần, không tin nhân quả, thì cũng nên tìm hiểu thêm về luật nhân quả của nhà Phật để sớm quay đầu về với nhân dân. Đừng làm “người tử tế” chỉ sau khi đã về hưu như ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng!

Hãy nhìn những người đấu tranh dân chủ ra tòa, ở tù, và trở về trong sự thương mến của nhân dân, và hãy nhìn những quan tham phải ra tòa trong sự dè bỉu của nhân dân để các ông bà đang lãnh đạo đảng Cộng sản biết nên chọn con đường nào để về với nhân dân.

Nếu không thì rồi sẽ đến một ngày không xa, hình ảnh Đinh La Thăng hiện tại chính là hình ảnh các ông bà đang lãnh đạo đảng Cộng sản và đang cai trị quốc gia.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bình luận: Cho dù thể chế thế nào, mang tên hay ho mĩ miều gì đó, nếu thừa nhận người dân Có Quyền (mà tối thiểu nhất là những quyền tự do hội họp, quyền phản biện, biểu tình) thì xã hội đó là xã hội công dân. Còn nếu, người dân chỉ Được Quyền, thì, xã hội đó chỉ là xã hội thần dân mà thôi, chẳng cần phải bàn cãi gì nhiều!

  2. Từ kép chính trên sân khấu tuồng , tư Sang trở thành anh cầm cờ chạy hiệu , cố cương lên ca một khúc trước khi lùi vào hậu trường chăng ?

  3. Mấy nhà báo gia nô của chủ tịt như Huy San, Nguyễn Công Khế… sao lại viết bài cho chủ tịt dốt thế!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây