50 năm sự kiện tắm máu Thành Huế – Điều gì đã xảy ra?

FB Mạnh Kim

1-1-2018

Nạn nhân của vụ thảm sát Mậu Thân 1968. Ảnh: Tạp chí LIFE

Trong bài viết trên chuyên san “Indochina Chronicle” số 33 đăng ngày 24-6-1974, Gareth Porter thuộc Đại học Cornell đã cố chứng minh rằng sự kiện thảm sát Mậu Thân 1968 là màn tuyên truyền của VNCH lẫn Mỹ. Tuy nhiên, những gì Porter đưa ra là không chính xác và có nhiều chi tiết mâu thuẫn. Sự kiện thảm sát thường dân tại Huế là có thực, một bi kịch khủng khiếp có thực, một câu chuyện đầy nước mắt bi ai và oan ức với những nhân chứng có thực.

Đó là chiến dịch khủng bố kinh khủng nhất lịch sử chiến tranh Việt Nam. Dường như tất cả căn tính ác độc nhất của con người đều hiện ra trong những ngày tang thương này. Một cuộc “tìm diệt” và tàn sát ghê rợn bao trùm toàn bộ thành phố cổ kính, bình lặng và hiền lành. Dường như mọi người đều trở thành sát thủ vô tri và mọi người khác đều trở thành nạn nhân. Trong quyển “A House in Hue” ấn hành 1968, Omar Eby thuật lại lời kể một nhóm nhân viên thiện nguyện thuộc hệ Tin Lành Mennonite, khi lẩn trốn, đã thấy một số người Mỹ trong đó có một nhà nông học thuộc Cơ quan phát triển quốc tế, bị trói ngoặc trên đường ra “pháp trường”.

Năm 1971, trong quyển “Tet!”, ký giả Don Oberdorfer cũng thuật nhiều chi tiết kinh khủng. Stephen Miller, một nhân viên ngoại giao đoàn Hoa Kỳ (lúc đó) 28 tuổi, đã bị lôi ra khỏi căn nhà người bạn Việt Nam và bị xử tử trên một cánh đồng. Các bác sĩ người Đức Raimund Discher, Alois Alteköster; cùng vợ chồng Horst-Günther Krainick – đều dạy tại một trường y – cũng bị giết tương tự. Hai cha cố Pháp, Urbain và Guy, cũng bị thấy dẫn đi. Thi thể cha Urbain sau đó được tìm thấy, với tay lẫn chân bị trói chặt trước khi bị chôn sống. Thi thể cha Guy có một viên đạn cắm sau đầu, nằm chết cong queo trong một huyệt mộ cùng 18 nạn nhân khác. Linh mục Bửu Đồng, một người hiền lành nho nhã nổi tiếng đất cố đô, cũng bị giết. Xác của ông được tìm thấy vào 22 tháng sau, cùng 300 thi thể khác.

Trong cuộc phỏng vấn Đài truyền hình WGBH vào tháng 3-1981, Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời:

“Tôi xin nói tất cả vấn đề khách quan. Cái thứ nhất, là nói riêng về những người bị giết thì trong số đó hiển nhiên là có những người do du kích, do quân đội cách mạng, do phải thi hành bản án tử hình đối với những kẻ mà khi chúng tôi vào nhà để gọi họ ra thì họ bắn đến cùng. Họ bắn đến độ những người chiến sĩ của chúng tôi đã phải bị thương và những người đó thì phải giết tại chỗ. Đấy, trong trường hợp đó, có một viên phó tỉnh trưởng của Huế. Nó trên lầu nó bắn xuống đến cùng, không đầu hàng. Chỉ có, như vậy là chỉ có một ít trường hợp thôi. Còn một số những trường hợp khác thì chính nhân dân đã căm thù quá lâu… Và đến khi mà cách mạng bùng lên, họ được như là lấy lại cái thế của người mạnh thì họ đi tìm những kẻ đó để trừ, như là trừ những cái con rắn độc mà từ lâu nay, nếu còn sống, thì nó sẽ tiếp tục nó gây tội ác trong chiến tranh… Như vậy là cái giá đó, tôi nghĩ là, nó nhẹ. Nếu ai đã từng theo dõi cuộc chiến tranh thì sẽ thấy từng cái món nợ đó là rất nhẹ. Nó rất gọi là công bằng” (…)

Ai là “những cái con rắn độc”? Các bác sĩ người Đức, nhà nông học người Mỹ hay các vị cha đạo người Pháp? Hay là ông Phạm Văn Tường, nhân viên gác cổng bán thời gian cho Phòng thông tin Huế? Khi bị “phát hiện”, ông Tường, như mọi người dân hoảng hốt chạy lánh chiến sự, đang trốn cùng đứa con gái 3 tuổi, con trai 5 tuổi và hai đứa cháu. Cả nhà ông đều bị bắn sạch. Một trường hợp khác: vào ngày thứ năm sau khi chiếm Huế, Việt Cộng “lùa” khoảng 400 đàn ông và thanh niên đến Nhà thờ Phú Cam. Vài người trong số đó đã nằm trong danh sách “có nợ máu với nhân dân”. Họ được nhìn thấy dẫn đi về hướng Nam. Sau đó, thi thể họ chất đống tại Khe Đá Mài… Một số sách, trong đó có “America in Vietnam” (ấn hành 1980) của Gunther Lewy và “Giap” (1993) của Peter MacDonald, đều trích dẫn một tài liệu của Việt Cộng bị tịch thu được đã “thống kê thành tích” việc “trừ khử 1.892 nhân viên chính quyền, 38 cảnh sát và 790 tên ác ôn”. Ai trong số những người bị giết tại Khe Đá Mài nằm trong bảng thống kê này, và ai “ác ôn”, ai vô tội?

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói:

“Sau này, trong năm 75, 76, 77, chúng tôi đi làm thủy lợi đó, làm dẫn nước sông Hương đó, tôi đã đào lên những cái nấm mồ mà trong đó gọi là “thảm sát Mậu Thân” thì đầy những người đội mũ tai bèo và mặc áo quần quân giải phóng. Thì đấy là cái sự, tôi nói rằng đấy là cái, cái gọi là cái ranh mãnh của thực dân mới. Nó bắn một mũi tên và được hai mục tiêu. Cái thứ nhất là che giấu tất cả những tội ác mà nó đã làm. Và cái thứ hai, nó đổ tất cả những cái đó cho quân đội cách mạng” (…)

Ở góc nhìn khác, cũng thấy một điều, có “tất cả những tội ác mà nó đã làm” cũng đã được che giấu. Hãy tua lại một đoạn phim tài liệu gần đây:

“Đầu tháng 3, hai tuần sau khi chiếm được Huế, thiếu úy Phil Gioia thuộc Sư đoàn 82 Không Vận đã dẫn trung đội mình dọc bờ sông Hương để tìm vũ khí địch có thể chôn lại sau khi rút lui. Trung sĩ Reuben Torres thấy một vật thò lên khỏi mặt cát. Đó là một cái khuỷu tay. “Bọn tôi nghĩ chắc đây là một cái huyệt” – Phil Gioia kể – “mà địch chôn người chết của họ sau khi rút lui khỏi Huế. Trung sĩ Torres nói, “ta đào chỗ này lên xem”. Chúng tôi thấy thi thể đầu tiên là một phụ nữ, mặc áo trắng, quần đen, hai tay bị trói ngoặc ra sau và bị bắn vào gáy. Bên cạnh là đứa bé, con bà ấy, cũng bị bắn. Thi thể tiếp theo cũng là một phụ nữ. Lúc đó thì đã rõ, đây không phải là xác quân Bắc Việt hay Việt Cộng” (The Vietnam War-Ken Burns, tập 6, xem từ phút 58:14).

Những phụ nữ này, cùng con cái họ, có nằm trong “thành phần” mà “nhân dân đã căm thù quá lâu”? Vì sao họ bị giết? Họ có tội gì? Đây không phải là cái chết giữa những người cầm súng ở hai bên chiến tuyến mà là sự giết chóc thường dân. Một cuộc thảm sát man rợ và tàn ác. “Cái giá” mà Huế phải trả trong Mậu Thân không hề “nhẹ” và rất không “công bằng”. Nó là tội ác chống lại loài người và những kẻ gây ra phải gọi là tội phạm chiến tranh. Nó cũng chẳng thể gọi là “điều đương nhiên… đã tự động để mà cái lòng căm thù đã đẩy cái mức đó”, như lời Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nó là một cuộc say sưa giết chóc có hệ thống và có tổ chức.

Kỳ sau: Ai tham gia và ai chịu trách nhiệm?

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây