Quảng Bình: Quyền tự do báo chí của công dân bị xúc phạm

Bình Minh, Chiến BảoTrần Thị

27-12-2017

Vừa qua, đông đảo nhân dân và dư luận xã hội ở Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến những loạt bài phản ánh, phóng sự – Điều tra… được đăng tải trên báo giấy Người Cao tuổi, báo điện tử Ngày Mới Kinh tế Nông thôn; Tiếng Dân v.v… lên tiếng xung quanh các vụ công dân bị xâm hại nghiêm trọng quyền con người và lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của họ nói chung, gia đình người có công cách mạng nói riêng.

Vấn đề tiêu cực, trì trệ giải quyết chính sách BHXH, hưu trí cho người lao động quá tuổi nghỉ hưu; Vấn đề có dấu hiệu tiêu cực lợi ích nhóm về việc bồi thường giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A đi qua, đất đai, vườn cây của dân bị cán bộ địa phương biến thủ; sự thật công lý bị bẻ cong v.v… gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân hàng tỷ đồng mà không được thụ lý, gây bức xúc, hoài nghi trong nhân dân. Thậm chí, ngày 15 hàng tháng, công dân đến trực tiếp huyện, tỉnh đăng ký được gặp lãnh đạo để phản ánh những tiêu cực của đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất xâm hại đến lợi ích nhà nước, công dân nhưng ngồi đợi đến cuối ngày, cán bộ có mặt từ chối tiếp, từ chối đối thoại, gây phẫn nộ dư luận.

Vì vậy, hàng trăm người dân ở đây không chỉ đi khiếu nại, tố cáo đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, mà có trách nhiệm thực hiện theo tinh thần quyết liệt của Trung ương Đảng và Chính phủ “phòng, chống tiêu cực tham nhũng là không có vùng cấm”, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Cuộc đấu tranh đó với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí có bản lĩnh dám nói sự thật, viết sự thật (không kể báo nhà nước hoặc ngoài) đều được sự đồng tình cao của đông đảo nhân dân và dư luận xã hội. Đáng tiếc, đối tượng bị dân và báo chí phản ánh, nhưng không có người đứng đầu hồi âm theo Điều 39 luật báo chí, thậm chí không dám thực hiện Điều 10: Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo – Luật tố cáo 2011 mà muốn để “chìm xuồng”.  Vì vậy, Cơ quan báo chí và các công dân có quyền lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu cơ quan chức năng cấp trên cần vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm vụ việc.

Sau những loạt bài Phóng sự – Điều tra có “gai” được đăng tải nói trên, bị sức ép dư luận, Sở Thông tin – Truyền thông cùng báo điện tử Quảng Bình khẳng định: “Liên quan đến hoạt động báo chí của ông Nguyễn Minh Mẫn. Thời gian gần đây, Sở Thông tin- Truyền thông Quảng Bình nhận được thông tin về ông Mẫn tự giới thiệu là người của Báo Kinh tế nông thôn khi tiếp xúc, làm việc với một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, Sở đã có văn bản gửi Báo điện tử Kinh tế nông thôn đề nghị rà soát, xác minh thông tin về chức danh, nhiệm vụ hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện nay của ông.

Ngày 18/9/2017, Báo Kinh tế nông thôn đã phúc đáp bằng Công văn số 444/CV-KTNT về nhân sự hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Theo đó: Trước đây, ông Nguyễn Minh Mẫn là CTV của báo Kinh tế Nông thôn tại Quảng Bình. Thời gian gần đây, do hoạt động không hiệu quả và thực hiện chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí, ban biên tập yêu cầu ông Mẫn làm báo cáo nhưng chưa thực hiện. Do đó, tòa soạn không cấp giấy tờ”.

Công dân cho rằng, người lao động có chấp nhận làm việc ở đấy (có thời gian) để bên sử dụng lao động tiếp tục cấp “Giấy tờ” hoặc thôi cũng là chuyện bình thường. Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm không phải là “có giấy tờ” hoặc không, mà là nội dung đề cập của các bài viết được đăng tải có dám nói đúng sự thật không mới là điều quan trọng.

Thông tin trên, công dân Quảng Bình và ông Mẫn nói riêng phản hồi cho rằng:

Thứ nhất, Sở Thông tin – Truyền thông không hề có đề cập tin, bài nào là của ông Nguyễn Minh Mẫn đăng ở báo nào sai. Không sai, nghĩa là đúng!

Thứ hai, Sở TTTT và báo điện tử Quảng Bình thông tin chung chung rằng: “Bạn đọc phản ánh ông Nguyễn Minh Mẫn tự giới thiệu là báo Kinh tế nông thôn đến làm việc…”

Công dân khiếu nại, tố cáo và ông Mẫn có quyền chất vấn: Bạn đọc họ tên là gì, ở cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nào dễ dãi tiếp, làm việc với ông Mẫn ngày, giờ, tháng, năm nào mà “không có giấy tờ” nhưng lại được “ưu ái” cung cấp tài liệu?

Thứ ba, theo ông Mẫn, bà Thị Huyên, Nguyễn Thị Loan, Trần Thị Hảo, Nguyễn Thanh Thuyết và hàng trăm công dân TP Đồng Hới cho rằng: hồ sơ, tài liệu xung quanh việc khiếu nại, tố cáo của công dân là quá phong phú. Vậy, công dân có cơ sở để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí theo quy định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013; Điều 10, 11, 12, 13 Chương II, Luật báo chí sửa đổi 2016; Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền Liên Hiệp quốc, chứ đâu phải có “Giấy tờ” mới được nói, được viết, được phản ánh? Đề cập chính kiến của mình cho báo chí đăng tải là quyền của cơ quan báo chí và công dân, không ai có quyền ngăn cấm. Như vậy, công dân làm những công việc mà pháp luật không cấm.

Vấn đề “Giấy tờ”, dư luận và công dân cho rằng, tác giả nào không có “phương tiện” mà dám nói đúng sự thật, viết đúng sự thật, được đông đảo nhân dân quan tâm đọc mới là điều đáng trân trọng. Ngược lại, trường hợp có đầy đủ Giấy tờ, Thẻ nhà báo hẳn hoi mà không có bản lĩnh viết, hoặc không đủ kỹ năng, năng lực viết sự thật, nói sự thật thì mới là điều đáng chê trách, đáng boăn khoăn, trăn trở.

Sự thật đã rõ, công dân Quảng Bình và ông Mẫn khẳng định không sai phạm mà Sở Thông tin –Truyền thông và báo điện tử Quảng Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tùy tiện thông tin họ tên, địa chỉ cá nhân lên mạng: “không có giấy tờ” là không chỉ quá vô duyên, thiếu tôn trọng tác giả, coi thường quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, mà có dụng ý xấú, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm của họ.

Đề cập vấn đề này, không chỉ các đảng viên Hồ Thị Huyên, Đinh Văn Luận, Hồng Phương, mà có những “Sếp” công tác tại Phòng chống tham nhũng cấp tỉnh; Ban dân chủ – pháp luật; nhân dân trong tỉnh và ông Mẫn bức xúc cho rằng: như thế phải chăng là muốn cản trở, hoặc triệt tiêu quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân để bưng bít thông tin, bao che sai phạm, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ trong công cuộc đấu tranh “phòng và chống tiêu cực – tham nhũng”?

Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Nguồn ảnh: tác giả cung cấp

Tiếp tục chỉ đạo lực lượng CA xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, bất chấp luật pháp đến khống chế giữ người phụ nữ để cướp đất trục lợi mà không bị xử lý.
Chủ tịch thành phố chỉ đạo lực lượng kéo, giữ người trái pháp luật, nhằm cướp đất dân cho lợi ích nhóm, gây phẫn nộ dư luận.

 

Hành vi xâm phạm của Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh tùy tiện chỉ đạo cưỡng chế, cướp đất dân giữa thanh thiên bạch nhật rồi lấy bàn tay che “mặt trời” để bưng bít thông tin.
Bình Luận từ Facebook