Mùa Giáng Sinh năm ấy

Lò Văn Củi

24-12-2017

Cô Tư Sồn thiệt là điệu nghệ. Hổm rày cô mở toàn nhạc Giáng Sinh, từ du dương, buồn tình, cho tới nhộn nhịp… Hết Bài Thánh Ca Buồn (Nguyễn Vũ), Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang), cho tới Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời (thơ Nhất Tuấn, nhạc Phạm Duy),… dĩ nhiên phải có Tiếng Chuông Ngân (Jingle Bells – James S. Pierrpont). Cô Tư còn văn minh như… Tây, mở luôn nhiều bài nhạc nước ngoài rôn rả cho trọn mùa Giáng Sinh kéo dài tới tết Tây, chắc chắn không thể thiếu Happy New Year (ABBA). Ngồi nhâm nhi ly cà phê, phì phà vài ngụm khói trong cái không khí se se lạnh quả là hợp tình hợp lý.

Nghe tới một bài rất nổi tiếng, anh Bảy Thọt hỏi ông Ba Hu:

– Ông Ba biết bài hát này hông ta?

Ông Hai Xích lô hứ một tiếng:

– Thằng Bảy mày cà khịa hoài, ông Ba hồi xưa từ rừng, từ bưng ra thì xin tha cho ổng đi. Ờ, mà mày biết hông, nói nghe thử coi, hay chỉ giỏi xóc đòn gánh người khác.

Anh Bảy cười hề hề:

– Biết chút đỉnh ông Hai ui. Đây là bài “Một Lát Sau Là Chết Mệt” á.

Ông Hai trợn mắt:

– Bài gì nghe kỳ vậy mậy, mần chi mà chết mệt, mần suốt đêm hả? Ông Hai cười khà khà, và hỏi ông Thầy giáo: Thằng này nói có đúng hông ông Thầy?

Ông Thầy cười nhẹ:

– Dạ, nó biết nhiều, biết có khi rành còn hơn tui. Chú Bảy nói đàng hoàng chút coi.

Anh Bảy phà một hơi thuốc:

– Dạ, là bài Last Christmas của ông George Michael thuộc nhóm Wham.

Ông Thầy gục gật:

– À, ra đây là nhạc phẩm Mùa Giáng Sinh Năm Ấy.

Trầm ngâm một hồi ông Thầy kể:

– Bài này ra đời năm 1984. Nghe lại thì đúng trùng hợp thiệt, khác nội dung chút thôi, làm tui nhớ lại ngay mùa ấy. Số là hồi đó tui bị cho đi dạy cấp hai, đệ nhị cấp hồi xưa á. Rồi một ngày phải ra quyết định chẳng đặng đừng, phải đuổi gần một nửa lớp, 22 em học sinh. Lý do lý sự… cùn rằng đã có thông báo trước, hai ngày 24 và 25 tức lễ Giáng Sinh thì thi học kỳ 1, thiệt tình thì đây là chiêu trò bần tiện, buộc các em phải học bài, phải tới lớp để thi, và em nào mà vắng mặt sẽ bị đuổi học. Ngỡ hù dọa, các em sẽ theo học hơn, nhưng đâu có đùa giỡn với tín ngưỡng, ngày lễ trọng đại nhứt mà, vậy là các em nghỉ hàng loạt, ra sao thì ra.

Sau khi nghe thông báo đuổi học, lại ngỡ các em sẽ ăn năn hối hận, làm đơn làm từ xin học lại, xin thi lại, cũng làm gì có, một em đứng dậy hỏi và nói: “Thầy đuổi tụi em hả? Cảm ơn Thầy! Học hành làm gì chán lắm rồi, bị bắt đi chứ ai thèm, học tào lao không chứ có gì hay, nhồi nhét lịch sử thắng trận, bắn giết ầm ầm ham lắm sao Thầy? Thôi nghỉ tụi bây, được nghỉ khỏe quá tụi bây. Vậy là 22 em đồng loạt đứng dậy, ào ào chạy ra khỏi lớp rất là… hân hoan…

Anh Năm Ba gác an ủi:

– Ông Thầy có lỗi gì đâu, áy náy chi cho mệt.

Ông Thầy giáo cười:

– Biết là vậy nhưng cũng buồn. Mình thì vì cơm áo phải lo cho gần chục đứa em nheo nhóc, buộc phải đứng trên bục giảng chứ chẳng biết làm nghề gì khác, phải theo mấy chiêu trò bần tiện thì mình cũng bần. Nhưng chưa hết, lại phải gánh tiếp chiêu bần tiện nữa. Lúc này người ta vận động đi học mà, đuổi học hết trơn thì ăn nói làm sao. Nên đổ xuống đầu thầy cô giáo, tự tiện làm sai, cấp trên nói không có chính sách này, bởi họ thông báo miệng mà, làm gì có cái văn bản chính quy nào đâu. Không chỉ mình lớp tui, còn nhiều lớp và nhiều nơi tương tự. Thầy cô giáo một lần nữa phải đi xin lỗi, vận động để các em đi học. Nỗi ê chề nào hơn!

Ông Hai lắc đầu:

– Đúng là ê chề mà chẳng phải lỗi mình. Đúng là họ nghĩ chiêu trò bần tiện thiệt, đã bần cón điêu ngoa xảo trá, miệng lưỡi lắc léo, lươn lẹo hết biết. Không có thông báo yêu cầu ông nội thầy cô cũng không dám làm.

Ai nấy đồng tình. Anh Bảy Thọt nói:

– Dạ, ông Thầy nhắc mới nhớ nữa. Hồi đó trong lớp cũng hay có mấy đứa bị đuổi hoài. Mấy đứa này có đạo Thiên Chúa á. Mà theo đạo bị cấm đoán kinh khủng, cấm tiệt chuyện đi lễ nhà thờ, nên phải rón rén lén lút, nữa đêm nửa hôm mấy đứa phải đi lễ, tới lớp thì bị ngủ gục, không thuộc bài thì bị đuổi ngay thôi.

Anh Năm Ba gác thêm vô:

– Mấy ông nhà ta vô thần, không có thần thánh gì hết trơn, nên bắt mọi người đều phải vậy, không chỉ cấm đạo Công giáo đâu, đạo Phật cũng vậy, chẳng có cúng kiếng gì ráo trọi hết nhé, ngay cả cúng tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên cũng phải lén lút. Ngày trước các chùa che chở cho không biết bao nhiêu, thành sự rồi thì quay mặt 180 độ luôn. Thêm những chiêu trò bần tiện áp vô cho con nít nữa, như là chỉ ra đứa nào đi nhà thờ, soi mói đứa nào thắp nhang lạy khi nhà có cúng kiếng để được thành tích, để được xếp loại đạo đức tốt… Thiệt tình, chỉ dạy ngay cho lứa tuổi tuổi thơ hồn nhiên phải biết đấu tố, cay cú lẫn nhau. Lúc này phân biệt Xóm Chùa, Xóm Đạo kinh thiên, gặp nhau là chửi bới hà rầm: “Chúa Jesu đánh đu gãy cẳng”, “Ông Phật là ông có tật”… Mấy ông cấp bự mà cũng như đứa con nít, xài chiêu âm binh cô hồn, và khuyến khích thù hằn từ trong trứng nước, ngoài miệng thì ra rả là hòa giải hòa hợp dân tộc.

Anh Bảy Thọt nói:

– Nhưng tín ngưỡng thiêng liêng, làm cách nào chăng nữa cũng không thể cấm đoán nổi. Ngặt cái, lạ lùng là chính mấy ổng lén lút đi coi bói, đi xin thầy xin quẻ, cúng kiếng, trấn yểm…

Ai nấy lắc đầu ngao ngán. Ông Hai Xích lô thắc mắc:

– Ờ, mà nhớ thêm thời điểm này, cả thập niên chứ không ít, chừng năm năm sau thập niên 75 và năm năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có tình trạng vận động đi học bình dân học vụ, còn gọi là xóa mù, già trẻ lớn bé gì cũng phải học nếu chưa biết chữ. Vậy người ta bắt học làm chi ta, sao không để mù luôn cho dễ bề cai trị?

Ông Ba Hu đặng lên tiếng:

– Vận động cho đi học để biết đọc, biết viết thôi, đặng để đọc báo, đọc quy định, văn bản,… của nhà nước ban hành, để thực hiện theo đó.

Ông Hai gật gù:

– À thì ra là vậy, chứ có tốt lành gì cho cam, bắt học để nhồi nhét ý của phe ta, lúc này bế quan tỏa cảng thì làm gì khai sáng, văn hóa phẩm của chế độ cũ thì là văn hóa phẩm đồi trụy, bị tiêu hủy sạch bóng rồi hen.

Anh Bảy Thọt nhún vai:

– Ông Ba dám làm lộ bí mật quốc gia nghen.

Ông Ba cười hihi:

– Kêu công an bắt tao đi. Bắt tao cũng nói à, tầm bậy tao nói tầm bậy chớ.

Anh Bày gục gật:

– Được, được, được lắm ông Ba, vậy cho dân nhờ.

Anh Năm Ba gác tiếp lời:

– Cũng đã được nhờ, bây giờ đỡ quá rồi đó. Qua một thời lao đao. Chuẩn bị đi chơi Giáng Sinh thôi. Nhộn nhịp vui chơi khắp nẻo khắp chốn, đạo nào cũng thoải mái tham gia.

Anh Bảy Thọt nhăn mặt:

– Ông chắc anh Năm ơi. Nè hén vẫn đây đó kiếm mọi chiêu để cướp đất của nhà thờ, của chùa, đây đó vẫn lập những hội cờ đỏ, hội dư luận viên… để kích động, để đả phá các khu giáo dân, các thánh đường, để chia rẽ, mà ta thấy nhan nhản đó thôi. Chẳng qua họ biết không thể dập tắt tín ngưỡng thiêng liêng nên thay đổi chiêu trò, làm trong bóng tối mà thôi, lẹo lưỡi là nghề của chàng mà. Và các ông lớn miệng vẫn vô thần, nhưng cũng tìm thầy tìm bà để xin trấm ểm, xin bùa chú,… đó thôi.

Ông Thầy thở hắc, kết lại cuộc cà phê buổi sáng Giáng Sinh:

– Mùa Giáng Sinh Năm Ấy buồn, tới năm nay… vẫn còn buồn. Buồn cho dân ta!

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giáo sinh khoá 1 và 2 Cao đẳng sư phạm Đà Nẵng chắc còn nhớ tối 24/12/1977 Trường CĐSP tập trung hết tất cả giáo sinh lên cơ sở Hoà Khánh (nay là ĐHSP) để học tập chính trị, để cho giáo sinh không đi nhà thờ!

Comments are closed.