19-12-2017
Tiếp theo: Kỳ 1: Việt Nam – Quốc gia mất nước và Kỳ 2: Những kẻ cướp nước âm thầm
Ở 2 bài viết trước tôi đã cảnh báo về việc quốc gia đang nghèo nước và bị cướp nước. Trong bài viết này, tôi sẽ tiếp tục nói thêm về việc bán nước.
Bán nước không hiểu đơn thuần là bán nước (H2O) mà là bán cả những gì liên quan đến nước và khiến số lượng lẫn chất lượng nước suy thoái về lâu dài.
Ví dụ về cát. Một tài nguyên liên quan mật thiết đến nước, đi theo phù sa và lắng lại ở cát bãi bồi, hình thành cù lao hay nằm trong lòng sông, cửa biển và bãi biển. Cát bị khai thác quá độ đến mức Chính phủ phải cấm khai thác cát trên toàn quốc.
Bán cát sang nước ngoài là một dạng bán nước, theo đúng nghĩa đen bán rẻ Tổ Quốc. Singapore đã tăng được 24% diện tích quốc đảo nhờ mua cát từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khi phóng sự điều tra của Tuổi Trẻ nói được điều này thì 2 năm trước tôi đã có cảnh báo đến 1 cán bộ an ninh: Cát Tuy Hòa xây đảo Đá Chữ Thập ở Trường Sa, điều ngư dân miền Trung đã từng phản ánh về những chuyến giao dịch ngoài mốc phao số 0.
Không chỉ ở bãi Đá Chữ Thập, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington dẫn các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã mở rộng xây dựng thêm khoảng 290.000m2 trên các đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa. Câu hỏi là cát ở đâu ra?
Ở cửa biển, tại các con sông và mỏ cát trên đất, những kẻ khai thác cát vẫn hút cát công khai hoặc lén lút nhiều năm nay. Tại Nghệ An và một số nơi có vùng đá cổ có thể xay làm cát nhân tạo, tài nguyên vẫn được bán rẻ qua các quốc giaTrung Đông hay Ấn Độ. Giả sử có một luật định vì tội phản quốc cho những kẻ đứng sau “hồn nhiên” bán cát cho nước ngoài thì câu chuyện sẽ khác ngay, thay vì những án phạt cho các tài công ăn lương mang ghe đi hút cát.
Có lẽ sau tham nhũng thì bệnh quan liêu cũng là quốc nạn cần phải nghiêm trị. Đất nước không cần những công chức vô cảm với môi trường và nhân dân. Đất nước không chấp nhận những cán bộ chỉ biết đòi % để vinh thân, phì da. “Chỉ có súc vật mới quay lưng với đồng loại và chăm lo riêng cho bộ da của mình.”- Marx đã nói điều đó.
Và “hồn nhiên” bán cát cũng chính là hồn nhiên bán nước. Vì một cù lao lớn ngang với hồ Trị An (gần 300ha) tại phương Nam đã mất 5% diện tích, sụt lún 20cm chỉ là một trong vô số ví dụ về việc hút cát. Những ngôi nhà, thửa ruộng, khu vườn Nam Bộ bị thủy thần nuốt trọn có nguyên nhân chính từ nhân tai hút cát. 8 năm trước, tôi đã viết về những “cù lao bỏ chạy” vì bị khai thác cát quá độ nhưng trong con mắt và cái đầu nhiều quan chức, đó vẫn chưa là một lời cảnh bảo đủ sức nặng.
Có chăng là “thứ gì đó” đã “che mắt” họ? Và hút cát cũng chỉ là một trong những ví dụ về an ninh nguồn nước mà quốc gia này đối mặt.
Những chuyên gia hàng đầu (Tây học) mà tôi biết vẫn mong ngóng được gặp lãnh đạo Đảng và Chính phủ để trình bày hiện trạng và giải pháp về an ninh nguồn nước nói riêng và môi trường nói chung. Và chẳng có lời mời nào cho đến lúc này của những người cao nhất trong khi sự than phiền về cơ chế 1 cửa nhưng nhiều dấu và chủ nghĩa thành tích, báo cáo láo vẫn đầy rẫy.
Vẫn đang còn nhiều gian thương hồn nhiên bán nước và những cán bộ bán nước với sự giả vờ hồn nhiên cao độ mang tên “lỗi cơ chế”, “trách nhiệm tập thể”. Đảng và Nhà nước tuyên chiến với tham nhũng nhưng thực sự chưa coi tham nhũng nguồn nước, tình trạng cướp nước và bán nước đang diễn ra thì nguy cơ mất nước sẽ ngày càng hiện ra.
Chú thích: Trung Quốc xây sân bay quân sự, pháo đài và nhà ở tại bãi Đá Chữ Thập mà họ chiếm bất hợp pháp của Việt Nam. Câu hỏi là cát đá ở đâu để xây?