Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
18-12-2017
Phiên tòa xét xử ông trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018 và khả năng những người ra lệnh hay cầm đầu vụ bắt cóc bị truy nã quốc tế?
Một số nhân viên mật vụ tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đến Đức từ trước, hơn 2 tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, họ đi trong phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg.
Nhật báo TAZ số ra ngày hôm nay, thứ Hai 18/12/2017 có đăng một bài phỏng vấn bà Schlagenhauf, luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh. Nữ luật sư Schlagenhauf đã tiết lộ nhiều chi tiết mới, trong đó đặc biệt bà cho biết, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra đầu năm tới vào ngày 10/01/2018 và ông Martin Patzelt Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức thuộc đảng SPD (đảng Dân chủ Xã hội Đức) sẽ có mặt tại Việt Nam để tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Đức đang nỗ lực cho một quan sát viên thứ hai được tham dự phiên tòa, có lẽ đó là một nữ Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức thuộc đảng Linke (đảng Cánh Tả). Nhưng hiện nay Hà Nội chưa đồng ý quan sát viên thứ hai này.
Bà luật sư Schlagenhauf cho biết thêm, cho đến giờ phút này chỉ còn không đầy 1 tháng phiên tòa xét xử sắp diễn ra, nhưng những luật sư của Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa nhìn thấy hồ sơ vụ án, mà cũng chưa thấy bản cáo trạng đâu cả.
Ngoài Trung tướng Đường Minh Hưng có lẽ còn có một nhân vật cao cấp thứ hai
Trả phỏng vấn báo TAZ, luật sư Schlagenhauf nói rằng, theo hiểu biết của tôi một số nhân viên mật vụ tham gia vụ bắt cóc Trịnh XuânThanh đã đến Đức từ trước, hơn 2 tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, họ đi trong phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Đức tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg. Có những bằng chứng cho thấy, những người này đã tiếp xúc mật thiết vớì 2 nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin mà sau vụ bắt cóc 2 nhân viên này đã bị phía Đức trục xuất về nước.
Bà luật sư cho biết, nguyên văn như sau: “Đã có những bằng chứng cho thấy trước khi vụ bắt cóc xảy ra, có ít nhất một sĩ quan cao cấp của cơ quan an ninh đến Berlin“. Đây là một tiết lộ quan trọng nhất trong bài phỏng vấn này. Theo đó, Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an – có lẽ không phải là nhân vật cao cấp duy nhất từ Việt Nam đã đích thân bay sang Berlin một tuần trước đó để trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hình như còn có một nhân vật cao cấp thứ hai. Tin này cũng trùng hợp với tin của tờ Süddeutsche Zeitung, nhật báo có uy tín và lớn nhất nước Đức, số ra ngày 07/12/2017.
Theo bài viết trên tờ Süddeutsche Zeitung, Trung tướng Đường Minh Hưng trú ngụ ở khách sạn “Berlin, Berlin” còn nhân vật thứ hai thì ở khách sạn “Sylter Hof” cách đó vài trăm mét. Cho đến nay các nhân viên điều tra của Đức vẫn chưa xác định được nhân vật “bí hiểm” này là ai, chỉ biết nhân vật này ở chung với 2 người Việt Nam khác cùng một phòng trong khách sạn “Sylter Hof”, căn phòng này do đại tá Nguyễn Đức Thoa đặt chỗ.
Được biết, trên bề nổi Nguyễn Đức Thoa là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, nhưng nhiệm vụ thật sự ông là đại tá đảm trách về tình báo Việt Nam tại Đức. Sau vụ bắt cóc đại tá Nguyễn Đức Thoa là người đầu tiên bị phía Đức trục xuất về Việt Nam.
Trở lại nhân vật “bí hiểm” này, nhật báo Süddeutsche Zeitung cho biết, khi bị bắt cóc không những có một vài nhân chứng trong thấy và báo động cho cảnh sát, mà cả mắt kính râm và điện thoại Iphone 7 của Trịnh Xuân Thanh được cảnh sát tìm thấy ở hiện trường.
Sau khi bắt cóc, Trịnh Xuân Thanh cùng với tình nhân Đỗ Minh Phương bị chở thẳng về nhốt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và tại đây một nữ nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin đặt mua 3 vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23.07.2017. Đây là hãng máy bay Trung Quốc, máy bay cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin lúc 19 giờ 40 bay về Hà Nội ngang qua Bắc Kinh và Seoul (thủ đô Nam Hàn).
Trên máy bay ngoài cô Đỗ Minh Phương 26 tuổi (trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cô bị dùng để “chim mồi”) còn có 2 người đi kèm theo, áp tải cô về Việt Nam. Một người là nam nhân viên của Đại sứ quán (công việc chính thức của nhân viên này là lo công việc hành chính cho Đại sứ quán) còn người kia cũng là một người đàn ông Việt Nam nhưng tên họ trên giấy tờ của người này là mới xuất hiện lần đầu tiên trên nước Đức. Các nhân viên điều tra Đức nghi ngờ rằng, người này chính là nhân vật “bí hiểm” trú ngụ ở Hotel “Sylter Hof” nói trên.
Khả năng những người ra lệnh hay cầm đầu vụ bắt cóc sẽ bị truy nã quốc tế?
Được biết hồi thập niên 90 bà luật sư Schlagenhauf cùng với những luật sư Tây Ban Nha đã thành công trong một thủ tục pháp lý yêu cầu tòa án Tây Ban Nha ra lệnh truy nã quốc tế nhà độc tài Chile. Sau đó vào năm 1998 cựu tổng thống Pinochet đã bị bắt ở Luân Đôn theo lệnh truy nã quốc tế này.
Về vụ bắt cóc Trịnh XuânThanh bà luật sư Schlagenhauf nói rằng, quyết định có truy nã quốc tế những người ra lệnh hay cầm đầu vụ bắt cóc hay không là nằm ở cơ quan điều tra, đó là Tổng công tố viện Liên bang Đức. “Dĩ nhiên tôi hoan nghênh một lệnh truy nã quốc tế như thế“, bà Schlagenhauf nói, “để tất cả những người tham gia vụ phạm pháp nghiêm trọng này phải chịu trách nhiệm trước tòa án“.
Tình trạng hiện nay của Trịnh Xuân Thanh
Bà luật sư Schlagenhauf cũng cho biết về tình trạng hiện nay của Trịnh Xuân Thanh, bà nói: “Ông Thanh hiện đang bị giam ở trại giam B14, ông ở chung phòng với 2 nam tù nhân khác. Thân nhân, gia đình không được vào thăm ông, đây là một điều thông thường ở Việt Nam. Nhưng thông thường gia đình được phép tiếp tế thức ăn và quần áo cho tù nhân, tuy nhiên thân chủ của tôi đôi khi bị cắt đứt cái quyền này. Họ muốn gây thêm áp lực để thân chủ tôi thú tội“.
Nhật báo Süddeutsche Zeitung đưa tin, khi bị bắt cóc áp tải về Việt Nam công an nói với gia đình Trịnh Xuân Thanh rằng ông Thanh được trú ngụ trong một căn phòng ấm cúng, có cả máy điều hòa không khí. Và gia đình ông Thanh cho biết, từ trong tù Trịnh Xuân Thanh có viết một bức thư gửi về gia đình. Trong thư ông Thanh khuyên cha mẹ ông giữ bình tỉnh. Ông khuyên con ông hãy mạnh mẽ. Còn vợ ông hiện đang cư ngụ ở Berlin thì ông Thanh khuyên cẩn thận đừng đi ra đường một mình.
Những câu hỏi của luật sư phải trình trước và khi tiếp xúc với thân chủ công an luôn luôn ở bên cạnh
Bà luật sư Schlagenhauf nói rằng những luật sư Việt Nam làm việc trong những điều kiện rất khó khăn. Ngay từ đầu gia đình ông Thanh đã mời 4 luật sư để bào chữa và bảo vệ quyền lợi cho Trịnh Xuân Thanh, nhưng mãi đến tháng 10 chỉ có duy nhất 1 trong số 4 Luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa (theo tìm hiểu của người viết bài, có lẽ đó là nữ luật sư Trần Hồng Phúc của văn phòng luật sư Nguyễn Chiến và là luật sư đầu tiên được vào gặp Trịnh Xuân Thanh trong nhà tù). Mới đây, trung tuần tháng 12 này luật sư Lê Văn Thiệp là luật sư thứ hai được cấp giấy chứng nhận bào chữa. Sau cuộc phỏng vấn trên, bà luật sư Schlagenhauf nhận được tin từ đồng nghiệp ở Việt Nam cho biết một luật sư thứ ba (cũng của văn phòng luật sư Nguyễn Chiến) mới vừa nhận được giấy chứng nhận bào chữa.
Như vậy cho đến nay, theo lời bà luật sư Schlagenhauf, đã có tổng cộng 3 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh, đó là nữ luật sư Trần Hồng Phúc (văn phòng luật sư Nguyễn Chiến), luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng Luật sư Toàn Cầu) và một luật sư thứ ba (văn phòng luật sư Nguyễn Chiến).
Bà Schlagenhauf nhấn mạnh rằng hơn 2 tháng sau khi bị bắt giam một luật sư mới được cho phép vào gặp thân chủ của mình và là người duy nhất được nhìn thấy Trịnh Xuân Thanh kể từ khi ông bị bắt cóc. Những câu hỏi của luật sư phải trình trước cho công an xem và trong cuộc nói chuyện với thân chủ công an luôn luôn ở bên cạnh.
Để kết thúc bài viết này xin trích nguyên văn câu trả lời phỏng vấn của bà luật sư Schlagenhauf: “Theo nhận định của tôi, bản án đã được định trước từ lâu. Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã công khai kết tội Trịnh Xuân Thanh. Đó là một sự kết án trước. Nhưng chính phủ Việt Nam cũng biết rằng một bản án tử hình có thể sẽ làm trầm trọng hơn cuộc xung đột ngoại giao với nước Đức“.