Hào khí La Thăng và những “bài học sâu sắc”

Nguyễn Hoa Lư

18-12-2017

Ông Thăng thời còn quyền lực, hét ra lửa. Ảnh: internet

1. Viết về anh Thăng lúc này, rất dễ tự biến mình thành con chuột nhắt trong mắt thiên hạ, mon men đến trước chuồng hổ xám mà ba hoa thiên địa và chém gió tứ tung.

Có nghệ sĩ kia, người xưa nay mình vốn rất trọng, sau vài giờ anh Thăng xộ khám thì nhảy lên phây kể chuyện anh Thăng mời đến bàn chuyện tổ chức đêm nhạc cho thân phụ. Anh Thăng chưa dứt lời, nghệ sĩ đã đập bàn, trừng mắt, phủi áo ra về. Đọc xong, mình mất vía, không dám kết bạn với một kẻ coi hùm xám như nai tơ, xem phú quý như rơm cỏ ấy nữa.

Nói vậy mà lòng vẫn nghĩ đến anh Thăng. Mấy hôm nay, những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu tràn về Hà Nội, mình chạnh lòng nghĩ về anh, từ đỉnh cao quyền lực xuống nằm co ro trên nền xi măng lạnh của trại lao, chắc anh thao thức mà trằn trọc năm canh giấc chẳng lành.

Thực sự thì mình đã từng ngông cuồng múa bút luận về anh Thăng, thời anh đang hô hào dân chúng Sài Gòn “trở lại vị trí số một[1]với lý luận đơn giản, rằng thắng thằng Mỹ được thì không gì là không thể! Rồi sau thấy anh đưa sáng kiến bắn pháo hoa cuối tuần, để bà con xả trét sau một tuần lao động vất vả[2]. Mấy hôm sau lại nghe anh hào hứng phủ dụ các bác sĩ phấn đấu rước về cho thành phố cái giải Nobel y học[3]. Sự lãng mạn cách mạng của anh Thăng quả thật cổ kim khó ai bì kịp.

Bây giờ thì anh đang nằm trên nền xà lim lạnh của “nhà lao huyền thoại”- chữ của nhà báo Trương Duy Nhất. Lạ là đám báo chí quốc doanh lại nhất loạt quay sang xỉa xói và kết tội anh. Thời cuộc đổi thay, hóa ra đám lề trái lại có tình có nghĩa. Họ động lòng thương anh, nhiều kẻ hùng hồn chê trách những kẻ bỏ rơi anh, nói anh chỉ là nạn nhân trong những cuộc thư hùng giữa các bố già!

Mình đọc báo đảng, nghe những lời vàng ngọc của cụ tổng, rằng “với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, công tâm, nghiêm túc, TƯ đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng. Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Đinh La Thăng mà đối với tất cả chúng ta[4]. Bài học sâu sắc mà cụ tổng đau đớn phát ra, không biết có động được các đồng chí của cụ hay không nhưng mình thì nhất mực tin tưởng. Mình bắt đầu bằng bài học của anh Thăng với đám nhà thầu Trung Quốc.

2. Ngày trước, xem trên báo chí, nhìn hình anh Thăng với nhát chém đầy uy lực trước đám nhà thầu Trung Quốc thì con tim mình rạo rực hả hê không để đâu cho hết. Anh Thăng đã ghi điểm trong đám dân chúng vốn ghét cay ghét đắng đám đại Hán và mối mặc cảm nhược tiểu dồn nén trong lòng.

Giờ mở youtube, xem kỹ cảnh anh Thăng tay chém gió lia lịa, miệng xối xả mắng nhiếc phía đối tác, mình lại nghĩ khác. Trong thiên hạ có cái dũng của thánh nhân và cái dũng của kẻ thất phu. Những thánh nhân đại dũng, gặp những việc phi thường cũng không kinh động, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận dữ. Trái lại kẻ thất phu vừa gặp nhục đã tuốt gươm trừng mắt, vươn mình xốc đánh, luôn miệng hô hoán trảm trảm!

Anh Thăng đã thể hiện hoàn hảo cái dũng của một kẻ thất phu ít học. Đó là cách xử sự vụt chạc, nông cạn, để cho sự giận dữ làm mờ lý trí. Anh liên tục “đuổi hết”, “đuổi toàn bộ”, “thay thế”… Anh Thăng trở thành hình ảnh sinh động minh họa cho câu nhân gian thường nói, chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng, hay văn vẻ hơn, “Chưa đánh được người mặt đỏ như vang/ Đánh được người rồi mắt vàng như nghệ”.

Mình kính cẩn khêu to ngọn đèn Mã Khắc Tư đang leo lét cháy, thành tâm mở trang sách bị mối xông gần hết của đồng chí I Lích Vladimia, với niềm khắc khoải cầu thầy học đạo của ông Ké. Tuy vậy “bài học sâu sắc” mà cụ tổng khản tiếng kêu gào, mình tìm đỏ con mắt mà không được!

3. Chẳng ngờ, bài học không ở đâu xa, của cha ông để lại, bài học cũ, đã 600 năm trước. Ấy là những bức thư mà Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi trao đổi với các tướng Bắc triều trong những năm chống giặc Minh. Không phải chỗ ngựa hý quân reo, tên bay đạn lạc, máu chảy đầu rơi ở chốn sa trường. Những bức thư trong ‘Quân trung từ mệnh tập” có sức mạnh của cuộc đấu trí mềm dẻo, không khoan nhượng với “chư vị Tổng binh Thiên triều, những Sơn Thọ, Phương Chính, Vương Thông, Liễu Thăng… Những bài học ông cha để lại trong đó kể ra không xiết.

Chỉ xin dẫn ra đây bức thư cho Vương Thông “Tri phủ Thanh Hóa lê Lợi kính cẩn gửi thư đến quan Tổng binh Vương đại nhân”.

Thư mở đầu bằng việc dẫn ra một chân lý của muôn đời. “Tôi nghe: múc đi một gáo nước, biển cả không vì thế mà vơi; đổ thêm một gáo nước, biển cả không vì thế mà đầy. người dùng binh giỏi không lấy một sự thắng nhỏ mà mừng, không vì sự thua to mà sợ.

Tiếp đến, Nguyễn Trãi phân tích thực tế của cuộc chiến, tương quan lực lượng của hai bên rồi nhắc nhở “Thế mà ông không hề thấy thế mà lo, lại còn tự dương vây nói mẽ, có khác gì lửa rực bén cháy cột nhà mà chim én làm tổ trên nóc còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng nực cười lắm ru!

Lại tiếp tục phân tích tình hình thực tế và tiếp tục nhắc “Nay ông vẫn ngày ngày đợi cứu mà nói phao lên là viện binh sắp đến, thì có khác gì trong mộng nói chuyện nằm mộng không? Lại càng đáng cười lắm vậy!

Lại tiếp tục đưa ra những phân tích khách quan, chỉ ra bi đát của “đối tác” rồi xoa dịu bằng những lời lẽ ôn hòa: “Tổng binh đại nhân thực là có lòng thành tâm, chỉ vì bọn họ Phương, họ Mã làm mê hoặc nên mới ra như thế”.

Từ đó Nguyễn Trãi tính dùm đại nhân giải pháp: “Nay nếu ngài biết theo lời ước cũ mà lập tức rút quân… vừa thoát khỏi sự binh đao của hai nước…như thế thì không những lưu danh hậu thế…” Lại tiếp tục răn “Nhược bằng cứ mê muội cố chấp theo thói thường, tối tăm trong kiến thức tầm thường, dẫu có khư khư giữ cái khí tiết nhỏ mọn của hạng Trương Tuần, Hứa Viễn… thì thật vô ích.”

Sau cùng với tư cách của những “kẻ trượng phu phải làm việc đàng hoàng” đưa ra lời tuyên chiến với phong thái ung dung. “Ngài muốn đánh thủy, thì hãy bày hết chiến thuyền trên sông để quyết tử chiến, muốn đánh bộ thì hãy xuất hết binh mã ra đồng rộng để quyết sống mái. Không nên chúi mũi ở xó thành, thậm thụt vào ra, cướp giật củi cỏ, cho thế là đắc sách”. Kết thúc bức thư là sự khinh miệt, tận cùng của khinh miệt: “Đó là việc làm của bọn đàn bà, không phải là việc làm của bậc đại trượng phu vậy.

Một bức thư ngắn nhưng có sức công phá khủng khiếp. Những phân tích và nhận định đồn dập, sắc bén, khinh mạn ào ào cuồn cuộn như gió dồn sóng dập. Những trí tuệ lớn lãnh đạo cuộc chiến tranh tạo nên một kết cục thật ngoạn mục. “Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền/ Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa/ Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.”

Bài học của cha ông lớn lao và sâu sắc đến vậy, thực đáng tiếc cho một một kẻ tư lệnh ngành, tiến sĩ Đinh La Thăng không chịu học hành đến nơi đến chốn.

4. Anh Thăng vào xà lim ngày 8 tháng 12, bốn ngày sau, báo Lao Động “dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông, 4 lần lùi tiến độ, dân thủ đô chán ngán”, tổng mức đầu tư, tính sơ sơ, tăng lên 300 triệu tiền Trump và cái ngày cắt băng khánh thành thì vẫn mù mịt như đường tới thiên đường. Anh Thăng, đường đường là một tư lệnh, trong tay nắm trăm vạn hùng binh. Mấy nhà thầu kia, bất quá cũng coi như đám giang hồ chuyên nghề cào mặt, ăn vạ. Là một dạng Chí Phèo.

A, nhắc đến anh Chí! Không thể không nói đến cụ Bá. Anh Chí nằm lăn ra trước nhà kêu gào, đòi mạng đổi mạng. Ấy vậy cụ bá chỉ cười nhạt. Cụ đến bên vỗ về, ân cần mời vô nhà, lại còn bảo anh Chí là chỗ họ hàng kia đấy. Hóa ra anh Thăng, đạo đức cách mạng chói ngời đến đâu chưa biết nhưng cái tài dẫn dụ, thuyết phục, biến kẻ đối đầu thành tay chân cho mình thì anh Thăng bao giờ mới đủ tư cách ngang tầm cụ bá Kiến. Mà cụ bá cũng chỉ leo được cái chức chánh tổng, ngồi trên đầu “vài ngàn suất đinh”. Chẳng như anh Thăng, đường hoàng bước vào mà ngồi ở ghế cao nhất của một thành phố cả chục triệu dân, năng động nhất Đại Việt!

5. Xem vậy thì bài học sâu sắc nhất trong câu chuyện của anh Thăng là sự nghiệp sắp xếp, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, sao cho “đúng quy trình”, sao cho “vừa hồng vừa chuyên”, sao cho “một lòng một dạ làm người đày tớ của nhân dân”. Tất cả những nhiệm vụ cao cả đó, đảng ta là vô địch, là giỏi nhất thế giới. Khỏi bàn!

_____

[1] Đinh La Thăng và “khát vọng số một”

[2] Bí thư Đinh La Thăng: TP.HCM xem xét đề xuất bắn pháo hoa dịp cuối tuần

[3] Bí thư Đinh La Thăng: TP.HCM quyết tâm có giải Nobel y học

[4] Tổng bí thư: Kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng là bài học sâu sắc

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giặc Minh, giặc Minh !
    Thì ra dân tộc ta đã từng có một kẻ thù là giặc Minh .
    Và tổ tiên ta đã quét sạch được chúng đi .
    Đó là hồng phúc của đất nước này .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây