Phan Hoàng Linh
17-12-2017
Wikipedia Tiếng Việt là một dự án Bách Khoa Toàn Thư cộng đồng do rất nhiều tình nguyện viên tham gia đóng góp kiến thức. Do vậy, nội dung trên đây thường được sử dụng làm một nguồn tham khảo hoặc đối tượng nghiên cứu của nhiều người dùng Internet. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn thuê hẳn người có kinh nghiệm viết Wikipedia để PR cho bài viết về hồ sơ doanh nghiệp của họ. Một doanh nghiệp có bài viết tồn tại ở Wikipedia giúp doanh nghiệp đó tăng danh tiếng của mình.
Gần 1 năm nay, theo dõi một số bài viết trên Wikipedia tiếng Việt tôi phát hiện thấy có hiện tượng đáng e ngại: Dư luận viên (DLV) tham gia soạn thảo, biên tập nội dung bài viết trên Wikipedia tiếng Việt.
Năm 2012, một bài viết có tên “Wikipedia tiếng Việt – Con dao nhiều lưỡi” được gửi đến Trang Trần Đại Quang có một đoạn mở đầu như sau: “Tôi xin gửi Ban biên tập bài viết ‘Hãy cẩn thận với Wikipedia tiếng Việt!’. Nội dung cho thấy các thành phần phản động sử dụng internet để xuyên tạc, phá hoại đất nước như thế nào. Thiết nghĩ, nhà nước ta nên xây dựng những đội ngũ được đào tạo bài bản để đưa các thông tin chính thống, các thông tin được kiểm chứng lên mạng internet“.
Vậy các Dư luận viên có dễ dàng thao túng Wikipedia Tiếng Việt ? và nội dung trên Wikipedia Tiếng Việt có dễ dàng bị biên tập theo hướng có lợi cho các chính phủ vi phạm nhân quyền hay không? Tôi nghĩ là không, Wikipedia có xây dựng nhiều quy định có thể hạn chế việc này nhưng cần phải có sự tham gia của Cộng đồng.
Những thông tin được đưa vào Wikipedia theo quy định phải là nguồn đáng tin cậy. Ví dụ, nếu là nguồn từ cơ quan thông tấn báo chí thì tờ báo đó nên là một tờ dòng chính và được đặc biệt hoan nghênh nếu đó là những cơ quan thông tấn có thị trường lớn, chẳng hạn như The Washington Post của Mỹ, The Times của Anh, hay hãng tin The Associated Press,…
Một nguyên tắc ăn bản khác của Wikipedia đó là “Thái độ trung lập”, theo đó các bài viết và các nội dung bách khoa phải được viết trên một quan điểm trung lập, thể hiện một cách công bằng và không thiên vị tất cả các quan điểm quan trọng đã được xuất bản bởi các nguồn đáng tin cậy.
Nhưng không hẳn lúc nào các quan điểm từ một nguồn đáng tin cậy đều trung lập. Do vậy, cách xử lý của Wikipedia là thể hiện các quan điểm gây tranh cãi bên cạnh nhau và cuối cùng người đọc sẽ tự đưa ra kết luận. (Chẳng hạn khi viết bài về Hitler, người viết sẽ không đi đến kết luận Hitler là “Ác” mà người viết sẽ thể hiện các quan điểm “chống đối” lẫn “bênh vực” Hitler bên cạnh nhau và người đọc sẽ tự có kết luận về Hitler. Đây chính là ‘để các dữ kiện tự nói’)
Song, không hẳn lúc nào những người viết bài cũng tuân thủ theo những nguyên tắc này. Đặc biệt là những bài có sự tham gia của Dư luận viên. Chính vì vậy, bài viết trên Wikipedia tại một thời điểm nào đó sẽ ở trong trạng thái “bút chiến”, các thành viên tham gia biên tập bài viết liên tục sửa đổi nội dung của nhau. Khi này, một ai đó cần report và kêu gọi ‘Bảo Quản Viên’ ( một người tình nguyện đã đăng ký thành viên Wikipedia tiếng Việt ít nhất là 1 năm, đã thực hiện ít nhất 3000 sửa đổi và cuối cùng được cộng đồng bầu chọn trở thành ‘Bảo Quản Viên’) đứng ra bảo quản bài viết Wikipedia bằng cách sử dụng các công cụ kỹ thuật được Wikipedia tin cậy trao quyền sử dụng như: xóa, phục hồi, đổi tên, khóa trang; cấm, mở cấm tài khoản người dùng, IP; cấp quyền truy cập cho một số thành viên và các quyền khác.
Vấn đề ở đây là “tình nguyện” và “được trả lương”. Một người có thể được trả lương để trở thành tình nguyện viên rồi trở thành Bảo Quản Viên trên Wikipedia tiếng Việt.
Bằng cách đó, các dư luận viên cấp thấp sẽ thực hiện chỉnh sửa nội dung trên Wikipedia tiếng Việt. Nếu xảy ra “bút chiến”, những Bảo quản viên được trả lương sẽ ra tay biên tập với các công cụ kỹ thuật vượt trội mà một thành viên bình thường không thể có được như: khóa trang, sửa đổi nội dung phù hợp quy định của thành viên bình thường. Trong tình huống tồi tệ nhất, những thành viên bình thường viết bài theo quan điểm ngược lại có thể bị những Bảo quản viên này “cấm tài khoản” (block) ở mức cao nhất: “vĩnh viễn” để không thể tiếp tục tham gia soạn thảo bài trên Wikipedia.
Trong tình huống này, Wikipedia cũng có các quy trình “chống án cấm” lên Hội đồng Trọng tài nhưng bị cấm vĩnh viễn thì chống án như thế nào? Hội đồng Trọng tài ở đâu? thì nội dung các trang hướng dẫn, giải thích của Wikipedia tiếng Việt không hề dễ đọc nên các thành viên thông thường không có đủ sự kiên nhẫn để theo đọc các tài liệu Wikipedia sẽ khó lòng phục hồi tài khoản của họ và sân chơi này sẽ bỏ ngỏ cho các dư luận viên. Hoặc nếu tạo mới một tài khoản khác thì tiếp tục vấp phải sự kiểm duyệt từ Bảo quản viên được trả lương kia.
Đến đây coi như bó tay chịu thua nếu bạn không có đủ thời gian và đủ sự kiên nhẫn.
Tôi cũng đã gặp một tình huống như vậyvà tôi sẽ trình bày cụ thể trường hợp của tôi và trích một số quy định phổ biến của Wikipedia Tiếng Việt để các bạn đã gặp tình huống bị “kiểm duyệt” (hoặc tương lai sẽ gặp nếu có tham gia biên tập bài trên Wikipedia tiếng Việt) tương tự tham khảo. (À, đây là cách mà tôi biết hiện tại, nếu bạn biết cách khác thì xin chia sẻ ở phần comment bên dưới)
Cách làm: 1/ Gửi email cho Hội đồng Trọng tài theo địa chỉ: wikivi-l@lists.wikimedia.org
2/ Soạn email theo mẫu sau:
Kính gửi Hội đồng Trọng tài Wikipedia tiếng Việt, Tôi tên là: Phan Hoàng Linh, tài khoản sử dụng để biên tập trên Wikipedia: Rakhoi 8x. Thông tin của tôi là như sau:
- Địa chỉ IP: vi.wikipedia.org/wiki/User_talk:45.35.119.115
- Bảo quản viên đã cấm: Alphama
- Lý do cấm: Phá hoại: vào Wikipedia chỉ 1 mục đích tuyền truyền PLC, liên tục sao chép copy vi phạm bản quyền
- Ban đầu là cấm áp dụng cho: Rakhoi 8x
- Tên tài khoản của bạn (nếu có):
- Giải thích tại sao lần cấm là không công bằng:
Tôi là một người mới sử dụng Wikipedia mặc dù đã tạo tài khoản cách đây khoảng 8 tháng. Gần đây, trong quá trình biên tập bài viết ‘Pháp Luân Công tại Việt Nam‘ tài khoản của tôi đột nhiên bị tài khoản Alphama cấm vĩnh viễn vô thời hạn vì lý do: “Phá hoại: vào Wikipedia chỉ 1 mục đích tuyền truyền PLC, liên tục sao chép copy vi phạm bản quyền”.
Vì vậy, tôi xin đưa ra lời giải thích vì sao các lý do được sử dụng để cấm tài khoản của tôi là không đúng:
Lý do thứ nhất: “Phá hoại: vào Wikipedia chỉ 1 mục đích tuyền truyền PLC”
Hiện tại tôi chưa rõ như thế nào là “không tuyên truyền Pháp Luân Công”?
– Trong quá trình biên tập bài viết ‘Pháp Luân Công tại Việt Nam’, các tin tức và dữ kiện do tôi đưa vào bài đều được sử dụng từ những nguồn đáng tin cậy từ cơ quan thông tấn báo chí dòng chính theo hướng dẫn của Wikipedia, và đều được chú thích nguồn gốc kèm trích dẫn rõ ràng.
– Trước khi bị cấm tài khoản, có một ý kiến trong phần “Thảo luận” của bài viết nói rằng việc tôi dùng từ “Sách nhiễu” để nói về những vụ sách nhiễu của Công an Việt Nam đối với một số nhóm tập Pháp Luân Công ở Việt Nam là một chiều không trung lập. Tại phần “Thảo luận” tôi đã trả lời rằng từ “sách nhiễu” được dùng trong bài không phải là quan điểm của tôi mà là thông tin được đưa bởi 2 nguồn đáng tin cậy là BBC và RFA, đồng thời tôi cũng có nói rõ nếu họ cảm thấy “không trung lập” và không đồng ý thì có thể trình bày một quan điểm ngược lại, bằng cách thể hiện cả 2 quan điểm, từ một nguồn đáng tin cậy tương tự theo hướng dẫn tại Wikipedia:Thái độ trung lập/Câu thường hỏi. Cho đến khi quan điểm của họ có thể được kiểm chứng từ một nguồn đáng tin cậy, thì quan điểm ấy sẽ không được đưa vào bài và tôi đã lùi sửa các thay đổi không có căn cứ.
Mời xem cụ thể những thảo luận tại đây (Thảo luận: Pháp Luân Công tại Việt Nam).
Tuy nhiên, tôi đã bị tài khoản Alphama gán là “vào Wikipedia chỉ 1 mục đích tuyền truyền PLC” song công việc của tôi chỉ là đưa thông tin từ những nguồn đáng tin vậy vào bài viết. Vì vậy, việc cấm tôi vì lý do này là không đúng!
– Bên cạnh đó, tôi đã tìm hiểu cẩn thận Wikipedia:Quy định cấm thành viên và lý do “vào Wikipedia chỉ 1 mục đích tuyền truyền PLC” không thuộc bất kỳ lý do nào của Wikipedia cho phép Alphama cấm thành viên.
Lý do thứ hai: “liên tục sao chép copy vi phạm bản quyền”
1/ Sau khi bị cấm vì lý do trên vào lúc 12:19 ngày 8 tháng 12 năm 2017, tại trang ‘Xem lịch sử’ sửa đổi tôi quan sát thấy tài khoản Alphama ngay lập tức tiến hành một loạt sửa đổi quan trọng ngay sau đó. Trong số rất nhiều các sửa đổi, có một sửa đổi vì bài viết trước đó “vi phạm bản quyền”. Song, sau khi kiểm tra những sửa đổi này của Alphama, tôi phát hiện 5 đoạn bị cho là sao chép copy vi phạm bản quyền và bị Alphama xóa bỏ đều là những đoạn trích dẫn được đặt cẩn thận trong các thẻ Chú thích nguồn gốc.
Có nghĩa là, không hề có sự vi phạm bản quyền trong sửa đổi này. Xin vui lòng xem các sửa đổi bị cho là “vi phạm bản quyền”: Khác biệt giữa các bản “Pháp Luân Công tại Việt Nam”.
2/ Theo những tìm hiểu của tôi tại Wikipedia:Quy định cấm thành viên, một trong những trường hợp để một tài khoản bị cấm là: LIÊN TỤC vi phạm bản quyền;
Song, đây là bài viết đầu tiên mà tôi bị cáo buộc là ‘vi phạm bản quyền’.
3/ Theo hướng dẫn tại Wikipedia:Vi phạm bản quyền, mục ‘Biện pháp với người đăng nội dung vi phạm bản quyền‘ có nói rằng:
“Nếu bạn xác định được người đã đăng lên nội dung vi phạm bản quyền, xin vui lòng thông báo cho họ biết về Điều khoản Sử dụng và các chính sách về quyền tác giả của Wikipedia. Khi một bài viết bị gắn thẻ đề nghị xóa do vi phạm bản quyền hoặc nghi ngờ có sự vi phạm bản quyền, bạn có thể báo cho người viết bài biết bằng cách thêm cú pháp {{thế:tnvpbq|chèn tên bài viết Wikipedia bị đề nghị xóa}} vào trang thảo luận cá nhân của họ.
Nếu người viết bài hoặc đóng góp phần nội dung vi phạm bản quyền đã được nhắc nhở rõ ràng về hành vi của mình mà vẫn tiếp tục tái phạm, họ cần được báo cáo lại trong trang nhắn tin cho bảo quản viên.
Những người đóng góp nào nhiều lần đăng lên các tài liệu vi phạm bản quyền bất chấp việc đã được cảnh báo, nhắc nhở một cách thích hợp có thể sẽ bị một bảo quản viên bất kỳ cấm không cho sửa đổi Wikipedia nữa để ngăn ngừa các vấn đề phát sinh sau đó. (…)“
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên tôi bị cáo buộc vi phạm bản quyền vì những trích dẫn được đặt trong thẻ Chú thích nguồn gốc và không có ai cảnh báo hay nhắc nhở tôi. Tôi đã bị cấm tài khoản vĩnh viễn vô thời hạn!
Điều đó làm tôi lo lắng rằng đã có một sự lạm dụng các quyền của quản lý để bảo vệ cho các quan điểm và thông tin có lợi cho chế độ Cộng sản. Tôi không phải là người chống cộng sản nhưng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng các quy định của Wikipedia cần phải được tôn trọng để bảo vệ sự toàn vẹn và trung lập của Wikipedia.
Bài chi tiết ‘Pháp Luân Công tại Việt Nam’ này có dấu hiệu đang là một bài phạm vào quy định về POV fork (rẽ nhánh quan điểm cá nhân) là một cố gắng lách qua quy định Thái độ trung lập bằng cách tạo một bài mới về một chủ đề đã có bài từ trước đó (‘Pháp Luân Công‘), được sử dụng để tránh hoặc để nhấn mạnh các quan điểm hoặc dữ kiện tiêu cực hay tích cực.
Tôi đã trình bày vì sao 2 lý do được sử dụng để cấm tài khoản của tôi là không hợp lý, vì vậy kính đề nghị Hội đồng Trọng tài nhanh chóng đứng ra xem xét, phân xử trường hợp này của và phục hồi tài khoản để tôi tiếp tục đóng góp kiến thức của bản thân vào Wikipedia.
Trân trọng,
Phan Hoàng Linh (Rakhoi 8x)