Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh: Vầng trăng ai đắp nên bờ (phần 1 và 2)

LTS: Đây là bài viết của ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng, cựu Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI, cựu phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông Minh giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khóa VII, nhiệm kỳ 2004–2009 và khóa VIII, nhiệm kỳ năm 2011–2016.

____

FB Minh Trần

10-12-2017

Ông Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Nguồn: FB của tác giả.

Phần 1- Ngược dòng thời gian

Sau khi chia tách, thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương vào năm 1997, anh Nguyễn Bá Thanh Chủ tịch UBND thành phố dẫn nhiều đoàn đi tham quan học tập tại một số thành phố lớn ở nước ngoài, đặc biệt anh rất quan tâm đến nước Úc, trong đó có 02 công trình nổi tiếng với kiến trúc đôi: lấn biển xây dựng quần thể Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House) và Cầu Cảng (Harbour Bridge). Tháng 9 năm 2000 anh Thanh đưa ra ý tưởng xây dựng Cầu Thuận Phước, lấn biển xây dựng khu đô thị Đa Phước trong đó có khu quần thể nhà hát lớn của thành phố và chỉ đạo các đơn vị có liên quan làm các thủ tục để kêu gọi xúc tiến đầu tư.

Trong khoảng từ năm 2001 đến năm 2005 có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu dự án Khu đô thị Đa Phước nhưng qua nhiều lần thương thảo đến tháng 5 năm 2005 thành phố mới chọn được nhà đầu tư và ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty First Key Agents Limited (Singapore) liên doanh với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Bình Minh (Hà Nội) về việc phát triển dự án này với tên gọi: “Khu phức hợp đô thị – sân Golf Đa Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng”. Đơn giá chuyển quyền sử dụng đất 300.000 đ/m2, thành phố bỏ tiền xây dựng kè, đắp đất tạo mặt bằng 181 ha.

Nhà đầu tư cũng đã thể hiện quyết tâm, nhanh chóng bỏ tiền làm qui hoạch với hình dạng khu đất là hình chữ nhật (chứ không phải hình vành trăng khuyết như bây giờ) với đầy đủ nội dung theo hướng hiện đại. Tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư vào dự án quá lớn, gặp phải nhiều rủi ro do thiên tai bão lụt, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng cũng khó nên nhà đầu tư bỏ đi, không thực hiện dự án. Niềm vui của thành phố mới vừa chớm nở thì bị đứt gánh nửa chừng!

____

Phần 2- Thua keo này bày keo khác

12-12-2017

Cũng cần nói rõ thêm, sau khi có chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng Công ty First Key Agents Limited (Singapor) đã chỉ định Công ty P&Z Development Pte Ltd- Singapore triển khai dự án. Các sở, ban, ngành của thành phố xem đây là một dự án lớn, quan trọng nên vào cuộc rất nhanh.

Ngày 15/5/2005 Văn phòng UBND thành phố có Thông báo số 97/TB-VP về việc kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Tuấn Anh trong vấn đề triển khai dự án Khu đô thị mới Đa Phước thì trong vòng 20 ngày, ngày 6/6/2005 Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định số: 4649/QĐ-UB về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết Tổng mặt bằng xây dựng Khu đô thị- Sân Golf Đa Phước thuộc quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng theo đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng và Công ty P&Z Development Pte Ltd- Singapore với hồ sơ quy hoạch do Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng lập có tổng diện tích nghiên cứu là 203 ha. Tiếc rằng sự việc không được thuận lợi nên dự án không được triển khai.

Vào khoảng cuối tháng 7 năm 2006, tôi vừa nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND thành phố thay anh Hoàng Tuấn Anh nhận nhiệm vụ mới thì gần hai tháng sau, ngày 01/10/2006 bão Xangsane (bão số 6) với sức gió rất mạnh đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, sóng đánh dữ dội gây hư hại nặng bờ biển và đường Liên chiểu- Thuận phước, giá đất ở khu vực này giảm sút nghiêm trọng. Trước đó, vào ngày 18 tháng 5 năm 2006 cơn bão Chanchu tuy không vào đất liền nhưng đã gây ra một thảm họa lớn trên biển đông, gần 150 ngư dân của Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bị chết và mất tích. Nỗi đau chồng chất, cảnh vật điêu tàn, thiệt hại quá lớn.

Đà Nẵng vừa trãi qua một cuộc chống đỡ không cân sức với thiên nhiên nhưng đồng thời lúc này còn phải chống đỡ với cơn bão lòng dai dẵng đang làm rối ren nội bộ, nguy hiểm khôn cùng. Nếu nhìn sâu một chút thì mới thấy được hình ảnh ảm đạm của thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ. Ba yếu tố tạo nên thành công : Thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng nay thì Thiên bất thời, địa cũng bất lợi, nhân thì bất hòa.

Anh Nguyễn Bá Thanh lúc này là Bí thư thành ủy vừa đi công tác ở nước ngoài về đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 6, trong đó chú ý khẩn trương sữa chửa đường Liên chiểu- Thuận phước tạo cảnh quan để tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án Khu đô thị Đa Phước với tinh thần “ Thua keo này bày keo khác ”. Tính cách của anh Bá Thanh là vậy đấy. Buổi họp kết thúc sớm, mọi người ra về, tôi còn ngồi lại với anh Thanh để bàn một số việc nữa. Vừa mới đây thôi, trong cuộc họp anh đã phát biểu chỉ đạo, khí thế hào hùng lắm, hăng hái lắm, bây giờ chỉ còn lại hai người tôi thấy rõ trong anh một nỗi buồn man mác, khó chia xẻ cùng anh…!

P/s: Những người có liên quan – Khi tôi lên làm CT UBND TP, anh Phùng Tấn Viết GĐ Sở KHĐT về làm PCT UBNDTP, anh Huỳnh Đức Thơ CT UBND quận NHS về làm GĐ Sở KHĐT, anh Nguyễn Ngọc Tuấn đang làm GĐ sở Xây Dựng.

Phần 3- Một bên đất, một bên nước – những thầy bói không mang kính đen (sẽ viết tiếp vào tuần đến).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Để mở được con đường dọc biển Sơn Trà, NBT đã phải chia chát với Phùng Quang Thanh như thế nào và ông TVM khi làm Chủ tịch có nhúng chàm không? Sao phải để đến khi chính phủ thanh tra mới đi “ thanh minh thanh nga” nhỉ!

Leave a Reply to Lê Vân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây