Tác giả: Daniel Gros
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm
Lời Người Dịch: Hung đồ Hán hoá dân Việt và xâm chiếm biển Đông của Trung Quốc là một thảm hoạ cho Việt Nam. Chính sách viện trợ phát triển của Trung Quốc cho châu Phi không hỗ trợ cho một khuôn mẫu dân chủ, kinh tế thị trường tự do và tinh thần trọng pháp, nên triển vọng dân chủ hoá và phát triển tiêu tan.
Trung Quốc đã hưởng lợi nhất trong thời kỳ toàn cầu hoá vì tận dụng các nguyên tắc tự do trong luật mậu dịch quốc tế để xuất cảng. Điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ luật lệ khi đạt vị thế hàng đầu trong nền kinh tế quốc tế.
Daniel Gros tỏ ra bi quan về tương lai của hệ thống mậu dịch đa phương mà WTO xây dựng và cộng đồng quốc tế tuân thủ; thực hiện Trung Quốc mộng làm suy sụp cơ chế WTO trong khi Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật Bản chưa có một đối sách thích hợp, tình huống bi quan nhất này sẽ là đại hoạ cho thế giới vì mơ ước hoà bình thông qua mậu dịch (peace through trade) chỉ còn là tương lai của ảo ảnh.
***
Hiện nay dường như có ít người ủng hộ việc tự do mậu dịch. Mặc dù các khối lượng mậu dịch thực tế đang hồi phục từ cuộc suy trầm sau khủng hoảng và giảm giá các thương phẩm, “toàn cầu hóa” ngày càng trở nên gây nhiều tranh luận, như nó được nêu ra trong cuộc bầu cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông hứa huỷ bỏ các thỏa thuận quốc tế và trở nên cứng rắn với các đối tác thương mại. Điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của hệ thống mậu dịch dựa trên các luật lệ?
Cách đây 60 năm, khi hệ thống mậu dịch toàn cầu dựa trên luật lệ hiện hành được hình thành, Hoa Kỳ là “siêu cường” kinh tế duy nhất trên thế giới, có được sự chế ngự không thể tranh cãi trong ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến nhất của thời đại. Với đủ quyền lực để áp đặt các luật lệ, và sự thống trị đủ để có thể tích lũy được nhiều lợi ích nhất, Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò của người “bá chủ thiện tâm” và đã làm vai trò này.
Khi Nhật Bản và châu Âu hồi phục sau Đệ II Thế chiến – và Châu Âu đạt được thêm sự thúc đẩy trong việc hội nhập kinh tế, Hoa kỳ bắt đầu mất đi vị thế tiên phong. Từ những thập niên 1970 và 1980, Hoa Kỳ cũng chia sẻ với châu Âu về quyền lực trong các nghị sự kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cà hai thường chấp nhận phương sách hợp tác vì Hoa Kỳ và Châu Âu chia sẻ rất nhiều lợi ích chung.
Chỉ đến khi nhập khẩu bắt đầu áp đảo số lượng ngày càng tăng của các ngành công nghiệp ở Mỹ, gây ra tình trạng thâm hụt ngoại thương lớn lao và liên tục, chính sách mậu dịch của Mỹ đã trở nên phòng thủ hơn, tạo ra rạn nứt với nhiều đối tác của Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu giá trị của hệ thống mậu dịch tự do đa phương và ủng hộ việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995 như là người kế nhiệm cho Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).
Việc tạo ra cơ quan WTO là một bước tiến quan trọng, nó không chỉ đề cập đến thuế quan mà còn là các rào cản thương mại khác, bao gồm các rào cản gián tiếp phát sinh từ các quy định trong nước. Do tính phức tạp trong việc đánh giá các quy định trong nước có thể cản trở mậu dịch như thế nào, đặc biệt khi đánh giá liệu thuế suất đã được áp dụng đúng hay không, WTO cần có cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, với các thành viên đồng ý cơ chế trọng tài có hiệu lực ràng buộc. Hệ thống đã vận hành, bởi vì các thành viên thừa nhận sự hợp pháp của các cơ chế tài phán độc lập, ngay đôi khi họ đưa ra những phán quyết không phù hợp về mặt chính trị.
Tuy nhiên, sự công nhận này ngày càng trở nên bị nghi ngờ. Chúng ta hãy xem xét đến loại nền kinh tế sẽ hỗ trợ một hệ thống dựa trên các luật lệ. Sau Đệ II Thế chiến, Hoa Kỳ ủng hộ một hệ thống như vậy, bởi vì nó là đặc điểm kinh tế tối thượng không thể xáo trộn. Một hệ thống dựa trên luật lệ cởi mở sẽ rất hấp dẫn trong một thế giới chỉ bao gồm các nước nhỏ, không nước nào trong số họ có thể hy vọng đạt được bằng cách dựa vào sức mạnh kinh tế tương đối của mình.
Các vấn đề trở nên phức tạp hơn khi nền kinh tế toàn cầu bao gồm một số nhỏ các nền kinh tế có quy mô tương tự, lớn hơn các nền kinh tế nhỏ từ ví dụ trước, nhưng một mình nó không đủ để thống trị toàn hệ thống. Đó là kịch bản của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman đề ra trong năm 1989 trong một bài báo về chủ thuyết song phương. Trong bài này ông đã báo cáo rằng, một thế giới bao gồm ba khối mậu dịch lớn tạo thành nhóm liên kết tồi tệ nhất cho mậu dịch, vì khi thiếu sự hợp tác rõ ràng giữa ba khối này sẽ dẫn tới tăng các rào cản mậu dịch.
Thật là không may khi đây chính là tình huống mà nền kinh tế toàn cầu gặp phải hiện nay. Có ba nền kinh tế chiếm ưu thế hoặc các khối mậu dịch – Trung Quốc, Liên minh châu Âu, và Hoa Kỳ – với khối lượng mậu dịch tương tự nhau (xuất khẩu cộng với nhập khẩu) khoảng 4 nghìn tỷ đô la cho mỗi khối. (Cách đây 25 năm, Nhật Bản là một cường quốc, nhưng hiện nay có một khối lượng mậu dịch kém hơn). Các nền kinh tế G3 cộng chung lại chiếm 40% mậu dịch thế giới và 45% GDP toàn cầu.
Với quyền lực kinh tế được phân phối theo cách này, sự hợp tác rõ ràng của cả ba thành viên là rất quan trọng. Tuy nhiên, có những lý do thuyết phục khiến họ dè dặt trong việc theo đuổi hợp tác.
Thậm chí nếu Trump không phải là tổng thống, hệ thống mậu dịch toàn cầu hiện nay sẽ gây ra những vấn đề cho Mỹ, mà chính sách thương mại của Mỹ từ lâu đã tập trung vào mặt hàng chế biến. (Thương mại trong sản phẩm nguyên liệu luôn luôn là tương đối tự do, thương mại trong nông phẩm thường được coi là đặc biệt, và do đó không tuân theo các quy tắc như nguyên tắc “quốc gia hưởng quy chế tối huệ quốc” áp dụng cho các nhà sản xuất).
Bởi vì Hoa Kỳ hiện đang tự túc về năng lượng, nên cần phải xuất khẩu hàng hoá chế biến ít hơn các nước công nghiệp hóa mà không có nguồn năng lượng nội địa. Hàng năm, xuất khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ hiện nay chỉ khoảng 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm – so với cả Liên minh Châu Âu và Trung Quốc là thấp hơn đáng kể, xuất khẩu gần gấp đôi lượng hàng sản xuất, mặc dù là các nền kinh tế nhỏ hơn.
Chắc chắn một điều là Trump không thể khởi động một cuộc chiến tranh mậu dịch dứt khoát, bởi vì bất kỳ khoản thuế nào của Mỹ sẽ gây tổn hại đến lợi ích của các đại doanh nghiệp của Mỹ, mà vốn dĩ họ đã có một khối lượng đầu tư khổng lồ vào các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, không một doanh nghiệp cá nhân nào cũng sẵn sàng từ bỏ nhiều nguồn vốn chính trị để bảo vệ hệ thống dựa trên luật lệ, bởi vì nó sẽ phải chịu tổn thất, trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ chia nhau các lợi ích. Chuyện cũng tương tự đối với các khối mậu dịch G3: nếu Liên Âu sử dụng nguồn vốn chính trị để ngăn Mỹ không phá hoại các cơ chế của WTO, thì Trung Quốc (và phần còn lại của thế giới) sẽ gặt hái được nhiều thành quả nhất.
Năng động này sẽ cùng đi theo một hướng giải thích tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa có hành động cụ thể gì để củng cố cho cơ chế này, cho dù họ tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên các luật lệ.
Sự kín đáo của họ có thể được tăng cường theo giả định rằng: trong thế hệ hiện tại, đất nước họ sẽ thống trị nền kinh tế toàn cầu; vào thời điểm đó, họ không còn muốn bị ràng buộc bởi các quy tắc của ai nữa.
Việc này không giúp ích gì khi Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã trao quyền lực nhiều hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, tất cả các đại doanh nghiệp hiện nay phải chấp nhận có các đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Hội đồng Quản trị của họ. Thật khó để biết làm thế nào một quyền lực kinh tế thống trị do độc đảng chi phối – nhất là với một sự kiểm soát rộng lớn như vậy – sẽ chấp nhận tính ưu việt của các quy tắc và thủ tục quốc tế đối với các cân nhắc trong nước.
Thế giới cần chuẩn bị cho sự xói mòn của hệ thống mậu dịch dựa trên luật lệ được ghi nhận trong tổ chức WTO, đó là một kết luận rõ ràng.
***
Daniel Gros là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Chính sách châu Âu, có trụ sở đặt tại Brussels. Ông đã làm việc cho Qũy Tiên tệ Quốc Tế, Cố vấn Kinh tế cho Ủy Ban Liên Âu, Quốc Hội châu Âu, Thủ tướng Pháp và Bộ Tài Chính. Ông là Biên tập viên cho Tạp chí Economie Internationale và International Finance.
Nguyên tác: Whither the Multilateral Trading System?