LTS: Để có thêm thông tin về vụ sát hại cô Huỳnh Thị Tuyết Anh, cũng như hung thủ đã giết chết cô gái trẻ này, chẳng những không bị truy tố, mà còn leo lên tới cái chức Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, kính mời quý độc giả đọc lại bài viết: 42 năm, ở bên phía “triệu người vui” của tác giả Hoàng Thy Ban Mai, đăng trên Tiếng Dân ngày 24-5-2017. Tác giả là người đã từng sống ở Đà Lạt vào thời điểm cô Tuyết Anh bị giết hại.
_____
Hàn Vĩnh Diệp
10-12-2017
Vụ sát hại bà Huỳnh Thị Tuyết Anh đã qua nhiều năm, nhưng trong tâm thức những người dân lương thiện ở Đà Lạt vẫn còn nhiều bức bối, phẫn nộ.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Anh sinh trưởng trong một gia đình yêu nước. Cha thoát ly tham gia kháng chiến chống Pháp – Mỹ. Hai chị em và mẹ bà là cơ sở bí mật của Thị ủy Đà Lạt thuộc hệ do đ/c Huỳnh Đôn – Thường vụ Thị ủy Đà Lạt phụ trách. Sau chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968, cơ sở bị lộ, ba mẹ con bà được tổ chức bố trí thoát ly vào căn cứ (2/1969), tham gia công tác ở cơ quan Thị ủy Đà Lạt. Bà Tuyết Anh phụ trách công tác tài vụ.
Ngày 25/12/1973, sau khi để lại một lá thư trình bày rõ lý do cùng toàn bộ sổ sách, tài sản, bà trở về thành Đà Lạt. Người yêu của bà là ông Huỳnh Xuân Trường – cán bộ phụ trách phong trào học sinh sinh viên Đà Lạt, đội trưởng đội công tác Tây Bắc Đà Lạt đã bố trí cho bà về Thành an toàn. Do vụ việc này mà ông Trường đã bị triệu hồi về căn cứ, chịu án kỷ luật khai trừ đảng tịch. Sau giải phóng, ông Trường không được sử dụng đúng năng lực của ông và chết trong nỗi niềm ấm ức.
Sau khi bà Tuyết Anh ra đi, Ban an ninh trực thuộc Thị ủy Đà Lạt báo cáo lên cấp trên Huỳnh Thị Tuyết Anh là gián điệp mang mật danh Hoàng Thị Ngân và ra lệnh truy sát. Nguyên ngày 4/6/1968 Bộ Nội vụ có điện mật (số 43) cho Ban an ninh Đà Lạt báo trong các cơ sở của Thị ủy có hai điệp viên của địch mang mật danh là Hoàng Thị Ngân và Nguyễn Ba Rơ (hay Rỡ). Việc xác định bà Huỳnh Thị Tuyết Anh là điệp viên Hoàng Thị Ngân là ý đồ chủ quan của người phụ trách an ninh Đà Lạt, hoàn toàn không có chứng lý rõ ràng, cụ thể gì cả và cũng không phải là ý kiến tập thể của lãnh đạo Thị ủy Đà Lạt, Tỉnh ủy Tuyên Đức.
Ngày 1 tháng 4 năm 1975 Đà Lạt – Tuyên Đức giải phóng. Cũng như bao người dân Đà Lạt khác, bà Tuyết Anh hân hoan chào đón thành phố quê hương được giải phóng. Mặc dù trong thời gian trở về Thành không làm việc cho địch, không làm gì có hại cho cách mạng, nhưng bà Tuyết Anh vẫn chấp hành nghiêm chỉnh quy định trình diện của chính quyền quân quản. Bảy ngày sau giải phóng, thừa hành mật lệnh của cấp trên, ông đội trưởng đội công tác Tây Bắc của Thị ủy Đà Lạt đã bố trí hai người bạn gái của bà Tuyết Anh rủ bà đi chơi tạo điều kiện thuận lợi để hạ sát.
Ngay thời điểm ấy, dư luận Đà Lạt đã đặt vấn đề: Có đúng bà Huỳnh Thị Tuyết Anh là điệp báo Hoàng Thị Ngân không? Và nếu quả bà là điệp báo lợi hại được địch cài vào hàng ngũ ta thì tại sao bà đã ra trình diện lại không bắt để “khai thác” các đầu mối, đường dây điệp báo của địch, nhất là đường dây ngầm địch có thể cài lại cho kế hoạch hậu chiến? Nếu bà có tội ác với nhân dân, với cách mạng thì đã có Pháp luật Nhà nước ta xem xét, định tội trạng, định hình phạt thích đáng chứ sao chỉ một thường vụ Thị ủy phụ trách an ninh lại có quyền ra lệnh giết hại không cần xét xử? (cũng ngay trên địa bàn Đà Lạt, Phạm Ngọc Châu tên đầu hàng phản bội, nhận làm tay sai cho địch “chui sâu leo cao” đến chức Thường vụ Thị ủy – Chánh văn phòng Thị ủy, nắm toàn bộ bí mật của Thị ủy Đà Lạt trong suốt gần 20 năm … vẫn chưa đến mức phải chịu hình phạt tử hình kia mà!!)
Một người dân bình thường cũng có thể thấy điều hết sức đơn giản: Nếu là gián điệp, ba mẹ con bà Tuyết Anh đã “luồn” được vào cơ quan Thị ủy Đà Lạt, bà phụ trách công tác tài vụ, em gái (cô Trang) làm điện đài, mẹ làm cấp dưỡng tuy không nắm giữ những chức vụ chủ chốt nhưng là môi trường thuận lợi để thu thập tin tức nội bộ cho nên dù khó khăn gian khổ bao nhiêu, bà cũng không “dại gì rời bỏ vị trí và địa bàn hoạt động”? Nếu là gián điệp, có nợ máu với dân, với cách mạng, những ngày đầu giải phóng Đà Lạt sao bà không rời thành phố cùng dòng người di tản? Điều kiện của bà lúc bấy giờ “di tản, vượt biên” không phải là khó khăn gì! Bà ở lại (như lời bà tâm sự với bạn bè) vì quyến luyến với Đà Lạt, vì nghĩa tình với gia đình và người yêu, vì nghĩ rằng với tội “đào ngũ”, nhưng không làm gì có hại cho cách mạng trong thời gian về Thành chắc Đảng, Nhà nước sẽ khoan hồng!!?
Vì sao bà Huỳnh Thị Tuyết Anh rời bỏ hàng ngũ cách mạng? Vì sao ông Vũ Linh, thường vụ Thị ủy phụ trách an ninh vu cho bà là điệp báo và tự ra lệnh truy sát? Căn cứ vào những tư liệu còn lưu lại của gia đình bà Tuyết Anh; vào bức thư bà để lại cho cơ quan Thị ủy khi ra đi; vào những hiểu biết của những bạn hữu thân tín của bà … chúng ta có thể thấy lý do bà Tuyết Anh rời bỏ hàng ngũ trở về Thành cũng khá đơn giản, không có gì là rắc rối, phức tạp lắm: là một thanh niên học sinh sinh viên trí thức yêu nước lúc bấy giờ “mẫu người lý tưởng” mà họ tôn sùng, tín niệm là các chú, các bác cán bộ lãnh đạo cách mạng. Nhưng khi trực tiếp tiếp xúc, giao hảo với các chú, các bác ấy trong công tác, sinh hoạt cô gặp phải những đối xử không lành mạnh (có thể như ngày nay người ta gọi là sự quấy rối tình dục), nên “thần tượng lý tưởng” đổ sụp, có thể chính sự hẫng hụt, đổ vỡ này đã khiến cô buộc phải dứt áo ra đi!!
Việc vu vạ bà Huỳnh Thị Tuyết Anh là điệp báo Hoàng Thị Ngân và ám hại bà, có thể có mấy lý do sau:
– Bảo toàn được “tấm áo đạo đức” của người cán bộ lãnh đạo cách mạng với công chúng.
– Che dấu cho một điệp báo Hoàng Thị Ngân đích thực đang hoạt động trong cơ quan Thị ủy (theo các đồng chí hoạt động tình báo, mật danh có lót chữ thị chưa hẳn là nữ!)
Trước sức ép của gia đình bà Tuyết Anh và công luận Đà Lạt, năm 1989 Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có kết luận: “Huỳnh Thị Tuyết Anh nguyên là cán bộ kinh tài của thành phố Đà Lạt trong kháng chiến chống Mỹ, không phải là điệp viên Hoàng Thị Ngân” (Công văn số 80/CV-TC ngày 28/9/1989 của Ban tổ chức tỉnh ủy và số 257/CV-UB ngày 04/10/1989 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Với các văn bản pháp lý trên, sự thật đã lộ ra được một nửa: Huỳnh Thị Tuyết Anh không phải là điệp báo Hoàng Thị Ngân, vậy điệp viên Hoàng Thị Ngân thực sự là kẻ nào? Kẻ ấy có “leo cao chui sâu” vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước Đà Lạt, Lâm Đồng? Điều đáng tiếc là lãnh đạo Đảng, chính quyền Tỉnh đã không dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm giết hại bà Huỳnh Thị Tuyết Anh mà đổ trách nhiệm cho cấp dưới: “Việc giết Huỳnh Thị Tuyết Anh ngày 7/4/1975, sau khi thành phố Đà Lạt giải phóng là việc làm không đúng của cán bộ cơ sở”. (!?) (Điều 2 của các công văn trên) nếu là hành động vô kỷ luật của cán bộ cơ sở, vậy những cán bộ cơ sở ấy đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa?
Có người nói: “Chuyện đã lùi vào quá khứ, không nên bới ra nữa”! “Hãy quên những cái đau lòng của quá khứ, hãy cho nó vào dĩ vãng …” (kết luận của đ/c Nguyễn Văn Chi – BT Trung ương Đảng, CN UBKT TW tại Hội nghị BTVTU lần thứ 15 khóa 7). Đây là sinh mạng của một con người sao lại có chuyện cũ – mới. Vả lại, việc giết hại này không phải là vụ ngộ sát hoặc thanh toán nhau vì tư thù cá nhân mà là một âm mưu chính trị có tổ chức. Công luận có quyền đặt dấu hỏi vì sao những người đang nắm quyền lực trong Đảng, chính quyền thành phố, tỉnh lại khỏa lấp, bao che cho những kẻ gây ra vụ án này, phải chăng cũng là những người cùng một phe cánh với chúng?
____
Mời xem lại: Phần 1: Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á