Những vụ án chính trị không xét xử — Phần 1: Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á

Hàn Vĩnh Diệp

10-12-2017

Ở Đà Lạt – Lâm Đồng có những vụ án chính trị mờ ám, những cơ quan có trách nhiệm đã coi thường tính mạng của công dân, chà đạp lên Luật pháp. Tuy các vụ án này đã diễn ra từ lâu, nhưng vẫn gây nên sự bức xúc trong dư luận quần chúng Đà Lạt – Lâm Đồng, và nỗi oan ức chưa giải tỏa được của gia đình các nạn nhân.

Những người có trách nhiệm ở địa phương và Trung ương cho rằng, “chuyện cũ không nên bới lại”. Việc vi phạm nhân quyền sao lại là chuyện cũ, cho qua dễ dàng như vậy? Điển hình của các vụ án chính trị ấy là vụ nhà báo – nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á và vụ sát hại công dân Huỳnh Thị Tuyết Anh.  

Phần 1: Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Á

Những năm 1959 – 1967, ông Bùi Á là phóng viên nhiếp ảnh của báo Nhân Dân. Ông là một trong ba phóng viên ảnh hàng đầu của Tòa báo, được Ban Biên tập đặc cử theo dõi phản ánh hoạt động của chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đầu năm 1968 ông được phái vào công tác ở chiến trường Quảng Trị – Thừa Thiên. Sau giải phóng, năm 1976, ông về công tác ở Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Lâm Đồng. Vợ, con ông sinh sống ở Đà Lạt.

Nhà báo Bùi Á. Ảnh: Huỳnh Dũng Nhân

Năm 1985 ông nghỉ hưu. Tuy nghỉ công tác, nhưng ông vẫn say mê hoạt động báo chí, nghệ thuật. Ông tham gia cộng tác với báo địa phương và nhiều tờ báo lớn ở Trung ương, hội viên Hội Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1987 một “tai bay vạ gió” ập xuống đầu ông, người gây ra tai họa cho ông là lãnh đạo cơ quan công an Lâm Đồng lúc bấy giờ.

Ngày 11 tháng 02 năm 1987, ông Bùi Á cùng nhà sư Thích Viên Thức – trụ trì chùa Lâm Tì Ni ở phường 4 Đà Lạt về Nha Trang dự lễ cúng giỗ chú ông Bùi Á kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và sáng tác. Hai ông nghỉ lại nhà sáng tác của Bộ Văn hóa – Thông tin.

Nhà sư Viên Thức là nhà sư “tự do”. Ông chuyên tâm tu hành không tham gia tổ chức giáo hội Việt Nam cũng như các tổ chức giáo hội khác. Ông cũng là một nghệ sĩ có danh ở Đà Lạt – Lâm Đồng. Tranh thủy mạc và thư pháp (chữ Hán, Việt) của ông được khách du lịch trong ngoài nước rất yêu thích, hâm mộ. Đi Nha Trang, hai ông có giấy giới thiệu của Hội văn nghệ Lâm Đồng và chính quyền phường 4 Đà Lạt.

Sáng sớm ngày 15/02/1987 hai ông ra bãi biển du lịch Hòn Chồng – Nha Trang chụp ảnh sinh hoạt trên biển (ngư dân kéo lưới, phơi cá; bà con lấy đá san hô …), sau đó định ra Hòn Đỏ thăm chùa vãn cảnh. Hòn Đỏ cách bờ khoảng 100 mét, thủy triều xuống có thể đi bộ ra. Bấy giờ thủy triều đang lên. Sư Viên Thức nhờ một chú tiểu ngoài Hòn Đỏ đưa chiếc thuyền thúng vào đón hai ông. Khi sư Viên Thức ngồi trên thuyền thúng để ông Bùi Á chụp ảnh kỷ niệm thì hai công an mặc thường phục đến, không cần hỏi han, xem xét giấy tờ gì cả, còng tay hai ông đưa về trại tạm giam của công an khu vực bờ biển, lúc ấy là 9 giờ 30.

Ông Bùi Á yêu cầu gặp lãnh đạo công an Phú Khánh (Phú yên – Khánh Hòa) Nha Trang, lần nào cũng chỉ được trả lời “Hãy ráng đợi”. Ông yêu cầu báo cho người thân và nhà sáng tác Bộ Văn hóa biết và đưa cơm nước tiếp tế, cũng không được đáp ứng, cả ngày hôm ấy hai ông già bị bỏ đói khát. Gần tối công an Phú Khánh đến vu cho hai ông tội “vi phạm quy chế biên phòng, “có âm mưu vượt biển”.

Quy chế biên phòng là cái gì? Ông Bùi Á chụp ảnh sinh hoạt, bãi biển du lịch, không hề có biển cấm chụp ảnh, sao gọi là vi phạm quy chế biên phòng? Hai ông lão nặng hơn 120kg ngồi trên chiếc thuyền thúng do một chú tiểu hơn 10 tuổi dắt mà lại dám vượt biển ra khơi? Hai ông cãi, không ký vào biên bản, nhưng vẫn bị áp giải ra xe tù, tống vào xà lim trại giam Nha Trang, mọi tư trang bị tịch thu, ở đây, ông Bùi Á nhiều lần yêu cầu gặp người có trách nhiệm của cơ quan công an, người thân và phụ trách nhà sáng tác Bộ Văn hóa, và lần nào cũng chỉ một câu “ráng chờ” kèm theo lời chửi tục tằn của công an viên. Bốn ngày sau, 18/02/1987, công an Lâm Đồng xuống áp giải hai ông về Đà Lạt và bị tống vào xà lim, quần áo phong phanh nhưng phải nằm ngay trên nền xà lim xi măng lạnh lẽo suốt hơn hai tháng trời.

Ông Bùi Á tiếp tục đòi gặp mặt ông Vũ Linh, giám đốc sở công an Lâm Đồng, đòi xem lệnh bắt giữ của các cơ quan tư pháp. Nhưng vẫn im lặng! Ngày 24 tháng 4 năm 1987, một công an viên tuồn vào cửa ô xà lim lệnh tạm giam với tội danh: “vi phạm quy chế biên phòng, xâm phạm trái phép vào khu vực cấm của bờ biển chụp ảnh và lên thuyền ra khơi trái phép, bị đồn biên phòng 372 bắt quả tang,” cùng lệnh tạm giam của cơ quan công an này là quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng của Thành ủy Đà Lạt. Thật gian giảo, điêu ngoa, đổi trắng thay đen hết chỗ nói!

Mãi đến sáng ngày 19/5/1987 (chủ tâm hay vô tình người ta chọn đúng vào ngày này để hỏi cung một người con trung thành của Bác Hồ kính yêu, người luôn có mặt bên cạnh Bác Hồ khi Người đi công tác, thăm nhân dân và gần 20 năm trước đã tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ tại nhà lao Đà Nẵng khiến kẻ thù cả thành phố biển rúng động, khiếp sợ!), ông Bùi Á mới được gọi đi lấy cung. Thẩm viên buộc ông tự thuật lại toàn bộ quá trình công tác và tội lỗi đã mắc phải – lần nào, ông Bùi Á cũng đều trả lời: “Quá trình công tác của ông đã khai rõ ràng hiện do ban tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng giữ; còn tội thì ông và cả sư Viên Thức không có tội. Tất cả lời buộc tội đều là vu khống trắng trợn của những kẻ có ý đồ ám hại ông, bất chấp mọi quy định của Nhà nước. Vật chứng vẫn còn phim máy ảnh của ông đang trong tay công an!”

Nhà sư Thích Viên Thức thì bình thản trả lời: “Tôi hoàn toàn vô tội. Tôi là người tu hành ngoài đời hay trong tù, tôi cũng tu tâm niệm Phật. Cho ăn uống cũng được, không cho cũng không sao. Muốn giam giữ bao lâu tùy chính quyền”.

Chiều 20/5/1987 ông Bùi Á được chuyển từ xà lim ra phòng giam bên ngoài. Ngày 09/6/1987 ông Bùi Á được thả theo lệnh tạm tha của giám đốc công an Lâm Đồng với điều kiện phải làm giấy cam đoan: “Sau khi được thả thì không được tiết lộ những vấn đề thuộc về bí mật trại giam (!?)” Ông Bùi Á không làm giấy cam đoan phi lý và cũng không nhận lệnh tạm tha, vì, ông nói và yêu cầu ghi vào biên bản: Ông không có tội nên không việc gì phải tha, mà cơ quan công an phải trả tự do cho ông và giải thích rõ vì sao bắt và giam giữ ông? Nếu ông có tội cứ đưa ra Tòa án xét xử!

Như vậy, bỗng dưng, ông Bùi Á được công an Lâm Đồng cho ở tù đúng 114 ngày – trong đó có 95 ngày giam cầm xiềng xích trong xà lim tối tăm, lạnh lẽo. Nhà sư Thích Viên Thức, hơn tháng sau cũng được thả với điều kiện như ông Bùi Á. Nhà sư không chấp nhận, lẳng lặng xách áo cà sa về chùa Lâm Tì Ni. Người ta gây áp lực với giáo hội không cho nhà sư trụ trì và buộc phải rời khỏi chùa. Nhà sư đã xin một ít vật liệu che một cái chái bên hè chùa để ở và tu hành. Ngày 14/9/1987, Thành ủy Đà Lạt có quyết định khôi phục quyền sinh hoạt Đảng của ông Bùi Á tính từ ngày tạm bắt (có nghĩa là ông không bị gián đoạn sinh hoạt Đảng).

Một ngày trong tù bằng một ngàn ngày tự do. 114 ngày tù oan ức của ông Bùi Á có lẽ đau đớn bằng cả ngàn vạn ngày. Điều hết sức oái oăm là lần bị tù tội này lại chính do những người đồng chí của ông giam giữ, hành hạ trong nhà tù của chế độ XHCN mà ông và vợ ông (bà Sâm vợ ông Bùi Á là cơ sở cách mạng ở Huế và Đà Lạt trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ) đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, máu và nước mắt cùng đồng đội, đồng chí chiến đấu để giành giữ suốt hơn 30 năm!

Ông Bùi Á sinh trưởng ở Huế. Năm 1940 đi học và làm nghề nhiếp ảnh ở Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang. Tháng 4/1944 tham gia hoạt động bí mật dưới “lốt gia đình Phật tử yêu nước” trong Mặt trận Việt Minh Nha Trang – Khánh Hòa do các ông Hồ Văn Cang, sau cách mạng tháng 8 làm chủ tịch huyện Vĩnh Xương (Khánh Hòa) và Tôn Thất Vĩ (Nguyễn Minh Vĩ) chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Sau đó ông Vĩ ra làm ủy viên UBKCHC Liên khu V, ông Hồ Văn Cang làm chủ tịch tỉnh (ông Bùi Á được BTC Trung ương Đảng công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa).

Tháng 8/1945 tham gia cướp chính quyền ở thành phố Nha Trang, làm công tác thông tin tuyên truyền. Năm 1946 gia nhập giải phóng quân, chức vụ Trung đội trưởng, chiến đấu chống quân Anh – Nhật. Thời kỳ hoạt động bí mật, ông bị Nhật bắt giam ba tháng (tháng 8 – 11/1944). Năm 1947 ông bị thương nặng phải chuyển về Huế. Bình phục, ông về công tác ở phòng tình báo thuộc E 101. Tháng 8/1947 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương. Năm 1952 trong một trận vây lùng, ông bị Pháp bắt, sau đó đày ra đảo Phú Quốc đến 1954 được trao trả ra miền Bắc, tham gia cải cách ruộng đất đến 1956 về làm phóng viên ảnh báo Nhân dân.

Thời kỳ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, ông có thời gian làm phóng viên thường trú của báo Nhân dân ở tuyến lửa Vĩnh Linh – Quảng Bình. Đầu năm 1968 được tòa báo Nhân dân cử làm phóng viên thường trú ở chiến trường Trị Thiên. Tháng 8/1968 ông bị trực thăng Mỹ bắt khi đang hoạt động ở vùng ven Huế. Ông bị giam ở Huế, Đà Nẵng hơn năm rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973 trao trả tại Lộc Ninh và được chuyển ra Bắc. Cả hai lần ông bị Pháp – Mỹ giam giữ, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ tròn “khí tiết” của người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên cộng sản, được tổ chức Đảng trong các trại giam, nhà tù xác nhận, cho nên sau khi được trao trả đã được BTC Trung ương Đảng khôi phục sinh hoạt Đảng chính thức và công nhận thời gian sinh hoạt Đảng liên tục. Thời gian bị giam ở Phú quốc lần II ông là Đảng ủy viên Đảng ủy nhà tù chính trị của Đảo. Năm 1997 ông được nhận danh hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Khi về lại báo Nhân dân, Tổng biên tập Hoàng Tùng và Phó tổng biên tập Thép Mới không nhận chỉ vì lý do: “Bị địch bắt, lý lịch chưa xác minh rõ,” mặc dù ông vẫn đang tiếp tục sinh hoạt Đảng chính thức! Ông phải xin chuyển sang công tác ở Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1976, để hợp lý hóa gia đình, ông Bùi Á xin chuyển về công tác ở Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Lâm Đồng, cộng tác viên của báo Lâm Đồng, Thông tấn xã TW ở Lâm Đồng. Một con người kiên trinh như vậy, có bề dày nghiệp vụ và kinh nghiệm về ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật như vậy sao lại có chuyện hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ “vi phạm quy chế biên phòng, vào vùng cấm quân sự để chụp ảnh, tổ chức vượt biên trên chiếc thuyền thúng bé tẹo”!?

Dư luận Đà Lạt cho rằng: có lẽ công an Lâm Đồng – Đà Lạt thấy khách khứa ngoại quốc ra vào nhiều nơi tu hành của nhà sư Thích Viên Thức. Chủ – Khách trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh – Pháp nên nghi vấn nhà sư có liên hệ với nước ngoài” (?), ông Bùi Á kết bạn nghệ sĩ với nhà sư nên cũng có “liên quan”. Nhân chuyến đi chơi của hai ông, tạo cớ (một cớ hết sức lố bịch) bắt để khai thác! Một việc làm vi phạm hết sức nghiêm trọng Pháp luật Nhà nước XHCN, bất chấp cả nhân quyền, nhân tình, đạo lý … nhưng họ đã cố tình cho qua. Oan sai về thường phạm có thể xin lỗi, bồi thường vật chất như Nghị quyết của Ban thường vụ Quốc hội cho nạn nhân; nhưng oan sai về chính trị một cách vô lối như vụ việc ông Bùi Á – Thích Viên Thức thì bồi thường danh dự cho nạn nhân như thế nào? Dư luận của nhân dân sẽ đánh giá việc làm của cơ quan công an, Cấp ủy và chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Trung ương như thế nào??

Hai mươi năm qua ông Bùi Á kiên trì, liên tục gởi đơn, trực tiếp gặp gỡ các cơ quan tư pháp, chính quyền, cấp ủy Đảng, các đ/c Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy Đà Lạt, chủ tịch UBND Đà Lạt, Lâm Đồng, Thanh tra Nhà nước, Kiểm tra Đảng Tỉnh và Trung ương v.v… nhưng tất cả bao lần “kêu cứu” của Nhà báo – nhiếp ảnh gia lão thành cách mạng Bùi Á đều rơi vào “im lặng đáng sợ – đáng xấu hổ”. Ông Bùi Á đề nghị các Hội nhà báo, Cựu chiến binh, Hội Văn nghệ, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh … mà ông là thành viên; Chi bộ, Đảng bộ nơi ông sinh hoạt can thiệp. Các cấp Hội, Cấp ủy Đảng cơ sở đều ủng hộ ông Bùi Á và nhiều lần kiến nghị Tỉnh ủy, UBND giải quyết, và mọi tiếng nói trung thực của các tổ chức quần chúng đều không được xem xét!

Những công dân, cán bộ, đảng viên, nhà báo, văn nghệ sĩ chân thực ở Đà Lạt, Lâm Đồng không thể hiểu được tại sao lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, cơ quan Tư pháp, Công an, Ban tổ chức, Ban Kiểm tra TW Đảng, Thanh tra chính phủ … các thời kỳ dung túng, bao che cho hành động ngang ngược vi phạm Pháp luật, phá rối kỷ cương pháp chế của Nhà nước; xâm phạm thô bạo nhân quyền; thiếu nhân tính … của Ban giám đốc sở công an (thời kỳ ông Vũ linh làm giám đốc)?

Báo cáo chính trị các Đại hội ghi “Đề cao trách nhiệm của các tổ chức Đảng, Nhà nước đối với công dân (…) xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người v.v…” Liệu với chủ trương như trên, vụ án “chính trị” không xét xử – nỗi oan ức của Nhà báo – nhiếp ảnh gia lão thành cách mạng Bùi Á có được giải quyết dứt điểm, kẻ gây nên tội có được xử lý thích đáng hay không? Hay lại tiếp tục rơi vào “im lặng đáng xấu hổ”. Tuổi 90, ông Bùi Á từ giã cõi trần mang theo nỗi oan xuống tuyền đài. Con cháu trong gia đình, dòng họ vẫn ngậm ngùi oan ức mỗi khi nhắc lại tai vạ của người Cha, người Ông … đáng kính trọng.

Hàn Vĩnh Diệp, Đà Lạt, Lâm Đồng

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây