Cuối năm, những cái lò nóng hừng hực

Lò Văn Củi

8-12-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

“Lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”. Đó là câu nói của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, tổ chức ngày 31/7/2017.

Câu nói được lan truyền nhanh chóng và ai cũng ngầm hiểu “củi tươi” là gì. Là những nhân vật tai to mặt lớn trong sân khấu chính trường tham nhũng hiện tại. Cho tới nay thì, không có “cây củi tươi” nào bị túm thảy vào lò cho cháy rụi cả (*).

Nhưng giả dụ có chăng đi nữa thì đây cũng chỉ là chiêu bài nhằm lấy sự hả hê của dân chúng để che đậy hàng vạn, có thể là hàng triệu cái lò luôn rất nóng đang đốt cháy, không phải là “củi khô củi tươi” gì sất, mà là tiền ngân sách, tức tiền của dân chúng đóng thuế đóng phí… Đặc biệt là dịp cuối năm, những cái lò này càng hừng hực lửa.

Những cái lò đó là “lò chốn công quyền”. (Phải nói ngay chứ không sẽ bị chất vấn: “Cái lò đó là cái lò nào như con đường xưa em đi là con đường nào?” Và cũng để tránh câu hỏi cái lò làm bằng gì? Lò gạch, lò sắt, lò tôn…? Dân mình có tài nói lái hay lắm nhưng cũng phiền lắm, xin cũng không lái “lò chốn công quyền” nhé.)

Và làm gì ước tính tới hàng vạn hàng triệu dữ vậy? Xin thưa, tính sơ lược thôi đây:

Phường (Xã) là một cái lò. Trong lò Phường này còn chứa những cái lò: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ lão, Đoàn Thanh niên…

Lên những cái lò lớn hơn: Lò Quận (huyện). Lò này lớn hơn thì chứa nhiều lò hơn: ngoài các lò Đoàn Hội cũng nhiều hơn như có thêm Hội Văn học nghệ thuật, Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Nghiên cứu…; còn chứa các lò Phòng ban, Ban ngành,… quá xá ban ngành, các ban ngành chứa thêm các lò nhỏ trực thuộc mình, ví Đoàn thanh niên Công an, Quân đội,…  các cơ quan cấp II…;  rồi chứa thêm của Đảng, lò Đảng đâu kém gì lò Dân chính, cũng quá xá phòng ban, xin nêu vài ban ít người biết: Ban Dân vận, Ban Thi đua khen thưởng…; chưa hết đâu nhé, còn chứa các lò các Ủy ban: Ủy ban MTTQ, Ủy ban Dân số – Gia đình – Trẻ em,…

Cứ như vậy, lên cấp Tỉnh (Thành), cấp Khu vực, lên TƯ, càng lên lên cao các lò càng phình ra để chứa các lò mà ở dưới chưa có, chẳng hạn lò Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp Tỉnh (Thành), TƯ…

Đem nhân lên ở cả nước thì thử hỏi có ra con số trên hay không? Ấy là chưa nói tới cấp thôn ấp, khu phố, và các Hội trực thuộc các ban ngành đó nhé.

Dịp cuối năm là dịp tổng kết. Các lò thi nhau tổng kết cho thật hoành tráng. Ở một tổng kết sẽ thường thấy:

Ở ngoài cổng một băng rôn, cờ xí phấp phới, ở những con đường gần trụ sở còn treo mớ phướng với những khẩu hiệu đọc nghe “kêu thật to”, các phướng treo từ cổng vào tới hội trường; bên trong thì một phông sân khấu lớn, các khẩu hiệu treo trên vách đỏ rực, bông hoa rợp hội trường, nhứt là trên tượng ông Hồ, trên bụt phát biểu, trên sân khấu thì hoa chúc mừng từng lẳng từng lẳng to đùng, trên các bàn “sếp” lớn, bàn đại biểu thì một hàng lẳng hoa hoặc chậu hoa nhỏ, có khi hoa được cắm đầy phía trước sàn sân khấu hay kết thành một mảng lớn ngay lối đi lên chính giữa, đi lên sân khấu bây giờ bằng lối hai bên hông.

Các đại biều đến tham dự được chào đón ngay cổng hoặc trước hội trường, được cài nơ, cài huy hiệu cắt khắc bằng thủy tinh…

Tới phần chính của buổi tổng kết, sau phần kính thưa, kính thưa và kính thưa là phần báo cáo, tới phát biều của các lãnh đạo, rồi kết thúc.

Báo cáo thì có một ba rem sẵn từ muôn thuở, chỉ cần thay đổi số liệu. Báo cáo năm sau thành tích chắn chắn cao hơn năm trước. Đạt thành tích là nhờ đoàn kết, sáng kiến, chăm chỉ làm việc… Nhưng cũng cò những vướng mắc, yếu kém. Đừng tưởng họ không nêu yếu kém, yếu kém là do khó khăn. Chỗ này quan trọng lắm thay, khó khăn chính yếu là… tài chánh, là thiếu người, vậy là sang năm có cớ để xin thêm ngân sách, đề tuyển thêm người…

Ngân sách thì đầu năm liệt kê, kê lên cao chất ngất, rồi “đi đêm” với tài chánh để được duyệt cao ngất. Vụ này thì còn gọi một cách mỹ miều là ngoại giao giỏi. Ngoại giao chia chác hoặc ngoại giao trên bàn nhậu, bàn tiệc thì cách gì mà không giỏi.

Có một đống tiền ngân sách được duyệt nhưng trong năm chỉ chi cho làm việc cầm chừng, cuối năm hẳn sẽ dư. Sẽ trả lại chăng? Còn “khuya nhé mấy cụ”. Dư thì tính cách hợp thức hóa “xài” cho nó hết, chia chát nhau xài nè, thưởng cho nhau nè, đi du dí du lịch nè…

Xen kẽ giữa báo cáo và phát biểu là các màn ca hát, múa may. Có nơi thì “xài cây nhà là vườn”, có nơi thuê hẳn đoàn chuyên nghiệp có kịch bản có đạo diễn hẳn hoi.

Kết thúc tổng kết là màn trao bằng khen, trao thưởng, trao vật phẩm lưu niệm và liên hoan với bàn tiệc đầy ắp thức ăn cùng bia rượu.

Nhẩm sơ cũng thấy rõ một buổi tổng kết tiêu tốn biết bao nhiêu tiền, không thể ít được. Tiền trang trí, tiền bông tiền hoa, tiền in ấn, tiền làm vật phẩm, tiền chi phí múa may, rồi tiền thưởng, tiền quà cáp, quà cáp cho các vị “tai to mặt lớn” thì ôi thôi, đơn giản nhất là một cặp rượu Tây thôi đã bằng tháng lương của công nhân làm tối mặt, chứ chưa nói gì nhiều.

Chưa hết đâu. Có làm thì có “chấm mút”. “Chấm mút” ngày trước chấm mút ở đầu ngón ngay, chấm “sương sương” nhè nhẹ, nay dễ gì, “chấm mút lút ngón tay” luôn rồi. Đi mua hàng, đi đặt hàng,… bất cứ làm gì cũng kê lên gấp đôi gấp ba để mà cùng chia chác, mà vơ vét vào túi riêng từ “sếp” cho tới “lính” trơn.

“Sếp”, “sếp” nhỏ sẽ lên “sếp” lớn, “lính” sẽ lên “sếp”, như kiểu gia truyền thì cái lò không bao giờ mất đi, chỉ có ngày càng phình to thêm và càng xảo quyệt hơn.

Dịp cuối năm, một số tiền của dân chúng cong đầu đóng thuế bị những cái “lò chốn công quyền” đốt vô tội vạ, đốt không thương tiếc. Ông công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng có sống dậy cũng phải dập đầu bái lạy mà gọi bằng sư phụ. Công từ Bạc Liêu đốt tiền của mình mà còn bị chửi là ngông cuồng, thì thử hỏi những cái “lò chốn công quyền” bị chửi cho như thế nào? Không chửi cho tan nát ba đời mới là lạ.

____

(*) Ghi chú: Tác giả gửi bài viết này trước khi có tin Đinh La Thăng bị bắt.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook