Nguyễn Thái Nguyên
6-12-2017
Tôi chưa có thông tin nào về việc có phải con ông Ngô Văn Dụ (nguyên UVBCT, Chủ nhiệm UBKTTW) làm chủ dự án này như ai đó nói hay không. Tất nhiên thời nay, cả mớ con ông cháu cha mượn chức quyền của bố mẹ như “mượn oai hổ” để nhảy vào thương trường nửa dơi nửa chuột gọi là định hướng XHCN để vơ vét tiền bạc của dân một cách bất chính, đã trở thành chuyện phổ biến, từ các ông bà làm đến chức BCT cho đến các ông bà trưởng phó thôn. Con ông Dụ nếu không phải ở Cai Lậy thì chắc cũng có chân ở những “tập đoàn” như FLC, là bình thường.
Tôi chỉ biết Dự án BOT Cai Lậy trên danh nghĩa do ông Nguyễn Phú Hiệp, Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 làm Giám đốc. Tuy nhiên, trên thực tế thì chủ đầu tư thực sự của BOT Cai Lậy là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty CPĐT Thương mại và Giao thông 1 Trico. Bắc Ái góp 136,5 tỷ, trong đó cổ đông lớn nhất là ông Lê Tiến Thắng chiếm 82% vốn góp của Bắc Ái nhưng “không làm chủ” mà để ông Nguyễn Phú Hiệp có 3% vốn góp làm Tổng Giám đốc. Công ty Trico góp 73,5 tỷ. Bắc Ái là công ty thành lập năm 2004 tại Vĩnh Phúc có số vốn điều lệ lúc đó là 100 tỷ. Đến 7/2017 thấy thông báo số vốn tăng lên 900 tỷ (?)… Nói tóm lại, tất cả các nhà thầu gọi là chủ đầu tư BOT Cai Lậy chỉ có vốn tự có bỏ vào công trình có dự toán đầu tư 1400 tỷ này số tiền là 210 tỷ, còn lại là vốn vay của ngân hàng.
Khi Thứ trưởng Bộ GTVT nói: “Nếu di chuyển trạm (thu phí) đi nơi khác thì phương án Tài chính sẽ đổ bể” (!) thì chúng ta có thể hình dung vì sao nó “đổ bể” và cái hậu quả đổ bể này ai là người lãnh đủ? Cả người cho vay và người đi vay ở nước ta rất có “kinh nghiệm” để xử lý vấn để đổ bể này và Chính phủ nhiệm kỳ nào thì cũng đã có truyền thống giải quyết các kiến nghị để “giãn nợ”, “khoanh nợ” và thậm chí “xóa nợ” cho hầu hết các con nợ, nếu được các bộ đồng tình trình lên, không có ai phá sản, không có ai phải ra tòa vì chuyện đổ bể kiểu này.
Nhân chuyện vay mượn này, tôi lại phải thưa dài thêm một chút về kiểu làm BOT rất Việt Nam: Tính trên toàn bộ nền kinh tế, các nhà đầu tư BOT thường chỉ bỏ ra 10-15% vốn của Dự án là đã quá nhiều, còn lại là vay Ngân hàng. Hiện nay, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, BIDV và SHB đang nắm 91% tổng dư nợ cho vay của tất cả các dự án BOT. Tính đến cuối tháng 9/2017, dư nợ của các dự án BOT và BT ngành GTVT lên đến 90.311 tỷ. Một con số không nhỏ chút nào và nó cũng như bất kỳ khoản nợ nào, rất mong manh và dễ vỡ để dồn vào túi nợ xấu… mà trách nhiệm giải quyết rốt cuộc là Chính phủ mà tiền thì đương nhiên là của dân.
Chuyện làm BOT là chủ trương đúng và không ai phản đối làm BOT, BT cả. Vấn đề làm cho dân không còn ở mức bức xúc nữa mà đến mức “lộn tiết” chính là ở chỗ cả cơ quan công quyền từ Bộ, đến tỉnh huyện và chủ đầu tư đã dựa thế làm càn, tùy tiện cả trong suốt quá trình phê duyệt dự án cho đến khi đặt trạm thu phí và mức phí. Vì thế mới gây ra tình trạng căng thẳng ở trạm thu phí Cai Lậy và nhiều trạm khác. Anh em công an cứ gọi các lái xe là “gây rối trật tự công cộng” khi đây là hành vi bất tuân dân sự một cách ôn hòa trước sự vô lý của chủ trương, chính sách và cách làm làm không đúng của cả cơ quan công quyền lẫn doanh nghiệp.
Đã có một khoảng thời gian gần 4 năm cùng ăn ở với dân, đi lại làm việc với huyện Cai Lậy (1975-1978), ít nhiều tôi cũng hiểu được cái chất anh hùng của người dân vùng trắng này. Đứng về truyền thống đấu tranh bảo vệ sinh mệnh (trước đây) và bảo vệ quyền lợi của người dân (hiện nay) thì chắc chắn dân miền Nam nói chung và Cai Lậy nói riêng có truyền thống dài dài hơn là người dân miền Bắc. “Con không khóc chẳng mẹ nào cho bú”. Nếu không có những người dũng cảm đứng mũi chịu sào để đấu tranh thì các chủ đầu tư cứ ung dung bóp nặn người dân đến những đồng bạc cuối cùng thôi. Dù mai kia, có thể công an sẽ “mời” một số lái xe đến “làm việc” rồi biết đâu họ cũng phải chịu cảnh tù đày, nhưng người dân sẽ biết ơn họ.
Nhân chuyện lình xình tại BOT Cai Lậy, tôi xin thông tin thêm để quý vị được biết về ý kiến phân tích của bạn Hữu Danh (trên PL) mong được bà con làng ta kiểm chứng. Theo Hữu Danh thì BOT Cai Lậy có 6 điều bất thường hay không bình thường:
1/ Tháng 11/2013, sau khi được PTTg Hoàng Trung Hải phê duyệt dự án đường tránh Cai Lậy 12 Km và chỉ có như thế thôi, thì 1 tháng sau, Bộ GTVT đã “bổ sung” hạng mục “tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn km 1987+560-km 2014” vào dự án BOT nói trên. Khoản “bổ sung” này không có văn bản nào thể hiện đã được Thủ tướng chấp thuận. (Xin hiểu “tăng cường mặt đường” tức là rải thêm một lớp nhựa đường kiểu như Pháp Vân-Cầu Dẽ thôi).
2/ Điểm đặt trạm thu phí được phê duyệt là km 1999+900, ngay phía trên ngã ba đoạn đường tránh. Nhưng thật ngạc nhiên, vị trí này đã được UBND tỉnh Tiền Giang duyệt cho dự án xây dựng Xưởng may mặc Tiền Giang, vì thế mới có chuyện “đặt nhầm” trạm thu phí vào vị trí 1999+300, ngay trên đường 1. (Con đường quốc lộ này đã có trước năm 1975, gọi là quốc lộ 4 chứ không phải mới xây dựng xong).
3/ Không biết ai phê duyệt, nhưng đã có 2 cây cầu biến thành 2 cái cống?
4/ Có một sự hiểu lầm khái niệm: BOT có nghĩa là Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao. Nhưng ở Cai Lậy, ngoài 12 cây số đường tránh đúng là có đủ BOT. Còn như hạng mục tăng cường mặt đường quốc lộ 1 theo kiểu “tráng men” thì Build gì? Hàng năm, tiền phí “bảo trì đường bộ thu hàng chục ngàn tỷ, Bộ GTVT dùng vào việc gì mà chỉ 300 tỷ để nâng cấp bề mặt mấy cây số đường 1 này (nếu quả là cần kíp) thì sao lại ghép vào BOT? (Đường có từ thời ông Thiệu, nay nâng cấp chút đỉnh gọi là Build được sao? Có lẽ không chỉ Cai Lậy mà còn đâu đó khác nữa cũng có kiểu “nhầm lẫn” này? Nguyễn Thái Nguyên chú thêm).
5/ BOT Cai Lậy đã thu phí trước khi dự án được nghiệm thu. (Dân mạng gọi BOT là “bốt” có lẽ rất chuẩn vì đã có thêm lực lượng công an thường trực ở đây: Nguyễn Thái Nguyên).
6/ Chất lượng đường tránh xấu, không đạt yêu cầu của dự án.
Mấy ý kiến không thuộc chuyên môn của mình, lại không có điều kiện kiểm chứng, xin gửi để tham khảo và nếu có vị nào ở phía Nam kiểm chứng được xin thông tin lại.
Ông Thể, tân BT GTVT trước đây là thứ trưởng, tay chân của 3x và con cáo Đinh La Thăng, là loại tham nhũng và lợi ích nhóm số 1. Ông Thể được 3x và Thăng cáo cấy vào một mỏ tiền các công trình cơ sở Hà tầng giao thông. Nếu 3x ở lại, Thăng cáo lên phó thủ tướng và ông Thể sẽ là làm BT. 3X duf mưu mô, nhưng bị thất thế, Không hiểu sao 3x về “làm người tử tế” nhưng ông Thể vẫn an toàn leo cao. Bây giờ quyền cao hơn, lão tiếp tục bảo kê cho các nhóm lợi ích trong ngành GTVT