Lấy an ninh để khóa miệng dân

Phạm Trần

6-12-2017

Quyền được thông tin và tiếp cận thông tin của dân nóng lên vào dịp cuối năm 2017 khi Quốc hội thảo luận keo đầu “tại tổ” về Dự luật “an ninh mạng” của Bộ Công An đệ trình.

Nhưng “tại tổ” là gì? Đó là những cuộc họp thu gọn, phần lớn quy tụ những người có hiểu biết chuyên môn trong số các Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên ý kiến nêu lên tại các cuộc họp thu gọn này, chưa hẳn sẽ được chấp thuận tại phiên họp khoáng đại dự trù vào giữa năm 2018. Nhưng Dự luật dài 6 Chương, 64 Điều đã gây tranh cãi vì có nội dung cướp đi quyền của dân được tự do giao lưu trên mạng điện tử gồm Internet, Facebook, Google và các diễn đàn xã hội.

Quan trọng và cường điệu hơn là Dự luật còn buộc các hãng nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng như Facebook và Goggle phải “đặt máy chủ điều hành” ở Việt Nam để cho nhà nước Việt Nam kiểm soát.

Một số Đại biểu đã nói ràng buộc như thế là “không khả thi” và chắc chắn các hãng cung cấp dịch vụ sẽ “không chấp nhận”. Hơn nữa đòi hỏi này còn trái với những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, World Trade Oganization) và “Thương mại tự do Việt Nam-EU (European Union).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì: “Trong cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.” (Thời bào Kinh tế Việt Nam, 13/11/2017).

Như vậy, theo VCCI, quy định đòi các công ty cung cấp dịch vụ trên mạng nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam.

Ngoài ra, Dự luật này cũng quy định: “Lực lượng bảo vệ an ninh mạng” được giao cho: “Lực lượng An ninh mạng thuộc Bộ Công an; lực lượng Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng; lực lượng An toàn thông tin mạng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; lực lượng Cơ yếu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được huy động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu.”

Một khía cạnh quan trọng khác là những người viết luật “An ninh mạng” của Bộ Công an đã không phân biệt được sự khác biệt giữa “bảo vệ an ninh mạng” với “bảo vệ an ninh quốc gia”. Họ đã lồng ghép chồng chéo hai quan niệm vào nhau chỉ cốt để có quyền tuyệt đồi để “khoá mồm dân” mỗi khi họ không đồng ý với quyền được bảy tỏ và lên tiếng của dân.

Không những thế, nhiều điều trong Dự thảo lại “ngồi lên đầu” hay “thọc gậy bánh xe” vào các Điều đã có trong Luật “an toàn thông tin mạng” số:86/2015/QH13, ban hành ngày 19/11/2015.

Theo Quy định của “an toàn thông tin mạng” thì: “Luật này quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.”

Vậy ai phải thi hành, Điều 2. Đối tượng áp dụng viết: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam.”

TẠI SAO PHẢI THÊM LUẬT?

Sự thể Bộ Công an lại phải nhọc công dựng thêm hàng rào mới chỉ cốt bảo vệ đảng bằng mọi giá qua chiêu bài “bảo vệ an ninh” đã gây tranh luận và thắc mắc từ dân gian cho đến Quốc hội.

Theo báo Lao Động ngày 12/11/2017 thì: “Đại diện Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) – bà Trần Thị Kim Phượng – cho rằng: “Thực tế, trong Luật An ninh mạng có một số khái niệm và một số quy định chưa rõ ràng giữa hai khái niệm an ninh mạng và an toàn an ninh mạng.

Ví dụ như, trong đó có nội dung quy định về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có những phần cần có sự tách bạch rõ ràng hơn đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia đã quy định trong luật an toàn thông tin mạng.”

Thứ hai là, một số nội dung liên quan tới quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng, cung cấp sản phẩm an toàn thông tin mạng đã được quy định trong luật an toàn thông tin mạng hiện cũng được điều chỉnh trong luật an ninh mạng. Tức là sẽ có những doanh nghiệp chịu tác động của cả hai luật.” (Lao Động, 12/11/2017)

Tuy nhiên tại phiên họp ngày 1/09/2017 của Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, đã bảo vệ sự cần thiết phải có thêm Luật An ninh mạng.

Ông nói: “Luật An toàn thông tin mạng mới được ban hành, nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ các vấn đề đặt ra về bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua, áp lực với công tác của lực lượng công an là rất lớn, không chỉ có tấn công mạng, xuyên tạc, nói xấu, vu khống… trên không gian mạng, mà còn liên quan đến hoạt động của tội phạm hình sự như giết người, đe dọa giết người, lừa đảo trên hệ thống trực tuyến. Do đó, việc ban hành luật An ninh mạng là rất cấp thiết”.

Nghe qua thì có vẻ có lý, nhưng đọc thêm mới thấy âm mưu đứng phía sau những lý do “nghe được” ấy.

Ông Lê Qúy Vương nói: “ Cơ quan trình đã đưa ra nhiều điểm để chứng minh cho sự cần thiết của việc ban hành luật. Đó là nhằm phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên mạng của các thế lực phản động. Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các đợt tấn công mạng, khủng bố mạng, phòng, chống chiến tranh mạng.”

MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU

Trước khi bàn thêm, hãy đọc cho biết Bộ Công an muốn cái gì khi viết ra Dự luật quái gở này?

Điều 1. Viết: “Luật này quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Điều 2. Đối tượng áp dụng: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Họ lý luận them rằng: “An ninh mạng quốc gia là một bộ phận không thể tách rời của an ninh quốc gia; bao gồm sự bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm mọi thông tin và hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trật tự, an toàn xã hội.”

Tất nhiên bất kỳ nước nào cũng có quyền bảo vệ an ninh và có bổn phận bảo vệ “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trật tự, an toàn xã hội.”

Nhưng từ nhiều năm qua, nhà nước CSVN đã nhân danh độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia để ngăn chặn, đàn áp và cướp đi quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của dân.

Lý do vì các quyền cơ bản được ghi trong Điều 25 Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã đeo hai mặt nạ. Mặt trước thì “có quyền”, nhưng mặt sau thì bị cướp mất bởi cái đuôi “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Nguyên văn Điều 25 viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Do đó, hầu hết các Luật được viết ra để thi hành Hiến pháp chỉ để xóa đi những gì được công nhận trong Hiến pháp. Luật “Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 “, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là một tỷ dụ.

Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong “Nhận định”, phổ biến ngày 01/06/2017 đã chỉ trích : “Bộ luật mới “có những bước thụt lùi”, “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” và ẩn chứa cách nhìn các tôn giáo “như những lực lượng đối kháng”.

Bởi vì Điều 24 Hiến pháp đã viết:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Tuyệt nhiên không có chỗ nào trong Điều 24 buộc công dân phải thi hành quyên tự do tín ngưỡng, tôn giáo “theo quy định của pháp luật”. Do đó, việc nhà nước và Quốc hội bịa ra Luật để gây khó khăn cho việc hành đạo và giữ đạo là trái Hiến pháp.

Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi thấy Luật “an toàn thông tin mạng” mới ra đời năm 2015, nay lại vẽ thêm ra luật “An ninh mạng” cũng chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là “bịt miệng dân” và củng cố độc tài tòan trị.

Cũng nên biết, Việt Nam còn có Bộ Luật Hình sự số 15/1999/QH10 do Quốc hội thông qua ngày 21/12/1999.

Nhà nước CSVN đã lạm dụng tính mơ hồ và áp đặt tùy tiện của 2 Điều 79 và 88 của luật này để đàn áp và bỏ tù nhiều Nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền và thực thi quyền tự do ngôn luận của mình qua Internet, Google, Facebook và các mạng xã hội.

Nguyên văn Điều 79 như sau:

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;

Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Trong khi Điều 88 quy định về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”

Như vậy rõ ràng là nhà nước CSVN đã tìm mọi cách để đàn áp dân và vi phạm nghiêm trọng quyền con người của mỗi công dân Việt Nam bằng cách vẽ ra đủ thứ Luật để “trừng phạt dân”.

Có vô số điều và chữ nghĩa khác nhìn vào sẽ ngứa con mắt và đọc lên nghe rát lỗ tai đã được Bộ Công an viết trong Dự thảo Luật An ninh mạng, nhưng hãy bình tĩnh để xem Bộ này muốn bảo vệ và cấm cái gì?

Nói về bảo vệ, Điều 6 quy định các “Biện pháp bảo vệ an ninh mạng” cho phép nhà nước tự động can thiệp để : “Ngăn chặn, ngừng cung cấp thông tin mạng trong một khu vực, thời gian nhất định khi có dấu hiệu gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh;
Ngăn chặn việc truyền tải thông tin; truy cập, xóa, thay đổi thông tin trái pháp luật trên không gian mạng.”

Sau đó, còn được tự ý : “Thu thập dữ liệu điện tử liên quan tới hoạt động vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân; Phong tỏa, gây trở ngại cho hoạt động của hệ thống thông tin; ngăn chặn khả năng sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; định vị vị trí trên không gian mạng của đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.”

Cuối cùng là : “Đình chỉ hoạt động khi có căn cứ xác định hoạt động trên không gian mạng có dấu hiệu gây nguy hại cho an ninh quốc gia; tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động, thu hồi tên miền đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật.”

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Điều 7 viết:

  1. Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
  2. Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
  3. Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu.
  4. Tấn công mạng.
  5. Khủng bố mạng.

Điều 8 quy định việc “xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng” với các đối tượng gồm:

Tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Nhưng có ai biết “lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” gồm những hành động như thế nào, có bao nhiêu lĩnh vực bị chi phối và có ranh giới nào cho “an ninh quốc gia” không?

Thế còn điều gọi là “trật tự an toàn xã hội” có mơ hồ không? Một vụ đánh lộn giữa đường gây mất trật tự và làm tắc nghẽo giao thông khác với một cuộc biểu tình của dân oan đi khiếu kiện tìm công lý như thế nào?

Thắc mắc vu vơ này, rất may đã được “bạch hoá” bằng những dụng ý xấu trong Chương II nói về điều được gọi là “Bảo vệ an ninh mạng- Phòng ngừa, đấu tranh với họat động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia”.

Điều 9 quy định việc “Xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng” bao gồm :

Kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng là hành vi sử dụng không gian mạng đăng tải, truyền đưa, vận động, kêu gọi người dân tham gia tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự.

Các biện pháp xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng:

a) Yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết;

b) Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin;

c) Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin;

d) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng.”

Tất cả những quy định trên chỉ có mục đích duy nhất là “không cho thông tin và kêu gọi tập hợp để bầy tỏ nguyện vọng và quyền được nói” của công dân. Trong Điều 10, khi quy định việc “Xử lý thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng Luật này cho phép:

Nhà nước xây dựng không gian mạng lành mạnh; thực thi chính sách quản lý, ngăn chặn đăng tải, hiển thị, gỡ bỏ và xử lý trách nhiệm của người đăng tải thông tin chống Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm nhục, vu khống, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.

Nội dung thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng:

a) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;

b) Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

c) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

d) Gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước;

đ) Truyền bá tư tưởng phản động;

e) Xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc;

g) Bịa đặt hoặc lan truyền, tán phát những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc làm nhục, vu khống tổ chức, cá nhân;

h) Hướng dẫn, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật;

i) Thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Xử lý thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng:

a) Yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết;

b) Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin;

c) Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin;

d) Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng không được soạn thảo, đăng tải, lưu trữ, tán phát thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Cơ quan chủ quản hệ thống thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hiển thị và xóa bỏ thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn việc lan truyền thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.”

XỬ LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM

Về các biện pháp xử lý, Điều 22 quy định: “ Xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, cho phép:

1. Nhà nước áp dụng các biện pháp kỹ thuật và các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật để xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng:

a) Thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn là thông tin tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân.

b) Thông tin trên không gian mạng có nội dung phá rối an ninh là thông tin tuyên truyền, kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, lôi kéo tụ tập đông người gây rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân hoặc gây mất ổn định về an ninh trật tự.

c) Thông tin trên không gian mạng có nội dung gây rối trật tự công cộng là thông tin xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc xâm phạm đến sở hữu mà địa điểm diễn ra, dự kiến diễn ra là nơi công cộng.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống:

a) Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục là thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;

b) Thông tin trên không gian mạng có nội dung vu khống là thông tin sai sự thật được soạn thảo, phát tán, đăng tải trên không gian mạng nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

a) Thông tin có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Thông tin có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Thông tin gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước;

d) Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

Hành vi soạn thảo, đăng tải, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”

Vậy đối với những Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm gì với khách hàng và nhà nước?

Hãy đọc một khúc của Điều 47:

1. Trong triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng

đ) Không cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, hỗ trợ kỹ thuật, quảng cáo, hỗ trợ thanh toán cho các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thông tin sai sự thật, vu khống trên không gian mạng.”

Tới Điều 51 nói về “Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông”, thì Bộ này có nhiệm vụ:

b) Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, cơ quan chủ quản trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử loại bỏ thông tin có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

c) Yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nước ngoài chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam, đăng ký kinh doanh và đặt máy chủ chứa dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. 

Như vậy, tất cả những ngăn cấm và biện pháp trừng phạt của Dự Luật An Ninh Mạng chẳng qua chỉ nhằm trao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Thông tin và Truyền thông quyền được tự do xâm phạm an ninh cá nhân, cướp đi quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và quyền đòi công lý bị nhà nước chà đạp của công dân.

Do đó, nếu Dự luật “An ninh mạng” được Quốc hội chấp thuận trong năm 2018 thì Việt Nam sẽ là quốc gia muốn quay ngược thời gian để trở về thời “ăn lông ở lỗ”, và là kẻ thù của nhân loại tiến bộ. Nước Việt Nam Cộng sản, tuy mang danh độc lập, nhưng sau 31 năm “đổi mới” (1986-2017) vẫn là một trong số quốc gia còn lạc hậu và người dân vẫn nghèo nàn và chậm tiến nhất thế giới.

Nếu chẳng may họ phải đeo thêm cái tròng “An ninh mạng” vào cổ và miệng bị khóa ở Thế kỷ tin học và hội nhập tòan cầu thì hình ảnh này có đeo mặt mo vào mặt Lãnh đạo không?

Bình Luận từ Facebook