3-12-2017
Tiếp theo: Kỳ 1: Buổi trưa sau khi phiên tòa kết thúc và Kỳ 2: Trong các trụ sở
Đã đến lúc tôi cần kết thúc câu chuyện của mình để chuyển qua những vấn để quan trọng khác đang diễn ra trước mắt. Trạm hút máu BOT Cai Lậy sử dụng côn đồ và công an bắt giữ và ngang nhiên đe dọa các tài xế lái xe trả phí bằng tiền lẻ, tiền điện tiếp tục tăng mạnh để bù lỗ cho nhóm lợi ích… Rất nhiều việc bất công, phi nghĩa và khốn nạn đang diễn ra nhưng hầu hết ai cũng chọn cách im lặng cho bản thân mình, và chính tôi cũng thường xuyên như vậy.
Sau đây là kỳ cuối cùng của bài
Kỳ 3: Đối thoại trong trụ sở
– Người mặc sắc phục hỏi tôi: “Chị là thế nào với Quỳnh, đến Nha Trang để làm gì?”
– Tôi nhìn thẳng vào anh ta: “Thế anh là ai? Đến đây có việc gì?”
– “Tôi là người của cơ quan công an an ninh điều tra, chị tên là gì?” – Anh ta đáp.
– Tôi: “Tôi hỏi anh là ai? Không hỏi anh làm nghề gì?, anh tên là gì?”
– “Chị không cần biết tên tôi, chị trả lời tôi được rồi, đến đây làm gì?”
– “Anh là ai mà đòi hỏi tôi? Anh không biết cái tối thiểu trong giao tiếp là phải thế nào hay sao? Anh muốn hỏi tôi thì anh phải cho tôi biết anh là ai?”
– “Tôi là ai thì lát nữa chị sẽ biết, tôi sẽ ghi vào trong biên bản làm việc”.
– “Làm việc gì? Làm việc với ai? Vì sao phải làm việc?”
– “Vì sao phải làm việc thì chị quá rõ? Chị là Trịnh Kim Tiến đúng không?”
– “Tôi không rõ thì mới hỏi anh đây? Tại sao cướp giật, đánh đập rồi giam tôi ở đây? Anh là ai?”
– “Ai đánh chị?, chúng tôi đánh chị lúc nào? Vì sao chị bị đánh?”
– “Ai đánh tôi? anh là ai? Anh không nói thì thôi, tôi không nói thêm nữa, mệt rồi”. Tôi nhắm mắt lim dim trên ghế.
– Anh Phong an ninh đi vào: “Thế làm việc với anh nhé, em thì anh biết rồi đúng không?”
– “Anh thì biết rồi, nhưng anh kia là ai, ngồi đây làm gì? Không biết là ai thì nói anh ấy đi ra ngoài đi rồi nói chuyện tiếp”. Tôi chỉ tay về phía người an ninh không bảng tên.
– “Anh ấy cũng là người của cơ quan an ninh công an tỉnh Khánh Hoà, là trợ lý của anh, được chưa? Thế giờ làm việc nhé?”
– “Làm việc gì? Có việc gì mà làm? Điện thoại của em đâu? Anh nói về đây làm việc thì trả điện thoại cho em, điện thoại đâu?”
– “Thì cứ làm việc đi đã, làm việc xong hết rồi anh trả cho”. Anh ta lại tiếp tục lừa con bé ngây thơ như tôi.
– “Không làm việc gì hết, đàn ông nói là phải làm, đằng này lại mang tiếng là cơ quan an ninh hứa với công dân, trả điện thoại đây rồi nói chuyện tiếp”.
– “Điện thoại em trên bàn đây còn gì?” Anh ta vừa nói vừa chỉ vào cái điện thoại sam sung cùi của tôi mà họ thu giữ và tháo mất bin, còn cả điện thoại của cô Lan mà tôi cầm giúp.
– “Con ip6 bị các anh cướp lúc nãy, bỏ nó ra đây đi rồi nói chuyện tiếp, không thì thôi!” Tôi lại nhắm mắt nghỉ trên ghế.
Phong bước ra khỏi phòng, người an ninh không bảng tên ngồi nhìn tôi buồn ngủ quá nên tiếp tục nói: “Thế giờ tôi nói tên là chị chịu làm việc đúng không? Rồi, tôi tên Ngô Văn Thái được chưa?, giờ làm việc nhé?”
– “Bảng tên của anh đâu, đeo nó vào, giờ anh bảo anh tên Thái chắc gì tên Thái thật, anh bảo tên anh là A, B, C, D chẳng lẽ tôi cũng phải tin ah? Mà cái tư cách của người công an khi làm việc với dân là gì? Trang phục phải đành hoàng, lấy bảng tên ra rồi nói chuyện tiếp”.
– “Nãy thì chị hỏi tên giờ lại đòi bảng tên là sao? Bảng tên sếp chưa cấp”.
– “Thế thì đi lên nói sếp của anh cấp bảng tên đi rồi nói chuyện tiếp”.
– “Sếp đi vắng rồi, đâu phải muốn là sếp cấp đâu?”
– “Anh nói chuyện nghe buồn cười nhỉ, cơ quan an ninh điều tra mà lại nói không được cấp bảng tên, khi nào sếp anh cấp thì nói chuyện”.
– “Nhưng mà mới ra trường lên chưa được cấp, mà lát nữa ghi vào biên bản làm việc là chị thấy thôi”.
– “Thế thì anh nên về trường học lại luật đi đã rồi nói chuyện”
– Anh Phong an ninh lại đi vào, lần này có cầm theo một con ip6, bấm bấm cho tôi nhìn thấy đã mở được pass máy: “Điện thoại của em đây, số điện thoại của em là gì để anh xác nhận có phải của em không?”
– “Anh đưa máy đây em kiểm tra xem đúng máy của em không rồi em đọc cho?” Tôi giật lấy cái máy tí táy rồi cưới hí hí: “máy này không phải của em nhá, lại tính lừa nhau à?”
– Ảnh sợ mất máy nên giật lại giấu giấu “ừ thì máy của anh, nhưng số điện thoại em là số mấy rồi anh tìm máy về cho em, bên kia anh thu nhiều máy quá không biết máy nào là máy của em”.
– “Á à, đấy nhé tự nhận nhé, hôm nay cướp được bao nhiêu chiếc máy rồi, không nhớ số, có hình đại diện gia đình đấy, lấy máy ra đây”. Ớ ờ, lỡ lời nòi ra luôn là cùng cả đám, thế mà miệng cả hai an ninh mặc sắc phục cứ nhem nhẻm “không biết”, “ai cướp?”, “ai đánh”, “nay dân báo có vụ lùm xùm nên ra làm việc”, lúc tôi bắt gọi dân lên thì lảng đi.
– “Thế bây giờ em muốn thế nào thì mới chịu làm việc?”
– “Thôi được rồi, thế này nhé, em có 3 yêu cầu, giải quyết xong thì nói chuyện, không thì thôi”; “thứ nhất, trả máy cho em, thứ hai đưa em đi khám ngay lập tức vì em đang đau đây, thứ 3, đưa những thằng đánh em lúc nãy đến đây”.
– “Em nói sang sảng thế kia thì có làm sao đâu mà phải khám?”
– “Buồn cười nhỉ? Em đau anh biết được à, giờ thì không sao đâu, về nhà ba bốn ngày sau lăn quay ra đấy thì ai chịu trách nhiệm? Các anh đánh cho chết từ từ chứ có phải chết ngay đâu?”
– Chàng lại té ra ngoài, bỏ lại anh chàng không biết là ai ngồi thở dài ngao ngán. Chán quá anh ta quay ra kích công dân: “Facebook chị cũng nhiều người theo dõi quá nhỉ?”
– Tôi nhắm mắt, không nói gì, cười mỉm chi.
– Anh ta tiếp tục: “Ảo tưởng quá, chị thấy bà Quỳnh mười năm không? Sớm muộn gì cũng đến lượt chị”.
– Tôi đổi điệu cười từ mỉm cho qua nhếch mép. Chẳng lẽ tôi lại trả lời anh ta rằng tôi không biết là tôi sẽ đi tù trước hay là các anh sẽ là người bị tống vào trong đó trước? Có mỗi cái câu “ảo tưởng quá” mà anh ta cứ nhai đi nhai lại nhức cả cái đầu đang đau của tôi. Đúng lúc thấy anh chàng lôi tay và xách dép cho tôi lên xe đi ngang qua, tôi vẫy vẫy: “Mặt anh rất là dễ thương, em nhớ khuôn mặt anh rồi ấy”.
– Được phụ nữ ghi nhớ đáng lẽ phải lấy làm vui nhưng anh ấy lại tỏ vẻ khó chịu ngồi vào răn tôi rằng “lần sau còn vào Nha Trang thì cẩn thận đấy”.
– Tôi cười: “Không cẩn thận thì các anh làm gì? Lại đánh tôi à? Lần sau mấy người? Không thù oán sao phải dọa nhau ghê thế? Tôi sợ lắm, một thằng đánh đã chẳng đánh lại huống hồ cả đám đàn ông đánh hội đồng phụ nữ. Vui không? Ra đường đánh được phụ nữ về nhà có thấy hãnh diện, tự hào không?”
Nói mọi người nghe là tôi không thù oán với dân Nha Trang, nếu sau tôi ra Nha Trang có bất cứ điều gì thì tôi sẽ dọn đến công an tỉnh Khánh Hoà ở luôn, sống chết gì cũng không đi khỏi. Tôi có nằm cáng cũng sẽ nhờ người khiêng đến chứ không nằm viện đâu. Tôi chắc chắn ra đấy, còn ra nhiều, muốn thì cứ “xử” bởi vì suy cho cùng khi cởi áo ra thì các anh các chị cũng chỉ là những kẻ ăn cướp và côn đồ mạt hạng mà thôi, thậm chí côn đồ nó để mặt thật còn anh chị thì phải bịt mặt mình lại cơ.
– Sau khi gọi tôi là “cái loại này” thì anh này cũng buồn quá đi ra ngoài luôn. Không còn ai nói chuyện tôi quay ra ngồi thiền. Tôi vốn chẳng bao giờ thiền định quá ba phút, ấy vậy mà tôi hôm đó lại thiền được cả mấy tiếng đồng hồ.
– Đang thiền mơ màng thì anh Phong đi vào nói tôi bỏ chân xuống vì đây là cơ quan công quyền, bảo tôi phải tôn trọng.
– Tôi mở mắt ra bực mình: “Đánh bắt tôi về đây như thế có làm đúng không mà đòi tôi phải tôn trọng, mỏi chân, đau chân không bỏ được”.
– “Chị ăn bánh đi rồi làm việc, ngồi đây đến đêm đấy”. Anh xưng Thái nói và chỉ vào hai gói bánh FC con con trên mặt bàn.
– “Ô, ba bốn ngày mà giữ luôn cũng được, tôi đang muốn giảm cân”.
– Anh Phong tiếp, “ở đây rồi con em làm sao, ai lo cho nó rồi? làm việc rồi còn về sớm”.
– “Không cần anh quan tâm, con em có người lo, em làm mẹ em lo được con em nhé, không cần đến anh phải lo, các anh còn bắt được mẹ đơn thân như Quỳnh ngồi tù 10 năm rồi đánh bắt em vào đây được thì lo cái gì cho con em?”
Sau một hồi dụ dỗ là một hồi dùng gia đình để tôi xót xa, chẳng lẽ lại nói với các anh rằng “xưa rồi Diễm ơi, bài này tôi rõ quá”.
Cái anh chàng tự xưng ngồi cứ bấm bấm ghi âm rồi lại chụp chụp tôi, chụp sao cho thật xấu, ghi một lúc lại ngắt rồi lại bấm. Ngứa miệng, tôi nói “Bỏ cái trò ghi âm, chụp lén rồi cắt ghép bôi nhọ đi, cùng lắm lên báo của các anh chứ gì, tôi có gì để mất mà phải ngại cái đấy? Gớm!”
Cũng đến giờ phải thả tôi ra rồi, nên cứ giục tôi cuống hết cả lên. Tôi thì nhắc đi nhắc lại giải quyết ba yêu cầu trên kia.
Khoảng bốn rưỡi gì đó, họ nói với tôi thôi em lắp bin vào điện thoại rồi về đi.
– “Về thế nào được mà về, không về, trả điện thoại đây rồi về”.
– “Về đi không con em đòi dì với bà gọi cho em kia kìa”.
– “Đã bảo không về, trả điện thoại ip6 đây thì về không thì thôi. Nãy cướp được mấy chục cái ip rồi còn gì, trả điện thoại nhanh”.
– “Anh tìm điện thoại của em rồi nhưng không có số không tìm được, không ai nhận là đang cầm điện thoại của em hết” Phong nói.
– “Đừng giỡn, tiền không phải giấy đâu, trả điện thoại đây, không thì đưa một trong những cái các anh cướp được lúc nãy đây cũng được, tôi trả người ta”.
– “Điện thoại trả lại hết cho người ta rồi, có giữ nữa đâu, hay em lấy điện thoại của anh nhé?” Lại nói dối tôi tiếp đây, khi về tôi mới biết không những là điện thoại không trả một ai mà còn cướp cả giấy tờ, tiền bạc của bạn bè tôi, cướp cả sữa và bánh của cô Lan và Nấm Gấu.
– “Nghe cũng có lý, anh đưa điện thoại của anh cho em đây” tôi đáp lại sau lời đề nghị của Phong.
– Thế mà rút lại ngay, đút ngay cái điện thoại vào túi và tiếp tục nài nỉ: “Em đi về đi, không tìm được điện thoại em thật mà, để anh gọi xe đưa em về”.
– “Chúng ta hiểu nhau quá mà, đưa điện thoại trả đây, không có tiền mua điện thoại khác đâu, không nói nhiều”.
– Nói rồi mấy người họ ra ngoài bàn bạc và len lén chuồn đi khỏi đó. Một anh công an xã vào phòng: “Chị ơi, chị đi về đi, người đưa chị về đây đi mất rồi”.
– “Tôi không về, ai đưa tôi về đây thì anh gọi họ quay lại đây”.
– “Chúng tôi chỉ là xã, giờ hết giờ hành chính rồi chúng tôi phải về, chị về đi cho chúng tôi đóng cửa?”
– “Tôi không về, ai bảo các anh cho mượn trụ sở để giam giữ tôi, các anh cho mượn trụ sở thì phải có trách nhiệm với tôi, gọi mấy người kia quay lại”.
– “Sao chúng tôi dám không cho mượn được, thôi chị về đi cho chúng tôi đóng cửa?”
-Thấy mặt họ cũng tội tội nên máu thương người trong tôi lại trỗi dậy, tôi chịu đứng lên và gọi bạn bè đến đón. Thế nhưng trước khi đi tôi vẫn không quên làm một kiểu ảnh để kỷ niệm trước tấm banner tuyên truyền.
Điều làm tôi kinh tởm họ nhất trong ngày hôm đó là cả đến người già họ cũng không tha và cướp đến cả gói bánh của trẻ con không trả. Thậm chí không cần biết những người rút máy chụp hình ra là ai, chỉ cần đưa máy lên là họ lao vào đánh đập, chửi bới, cướp máy và đưa về đồn. Ngày hôm đó có rất nhiều người là người dân Nha Trang xung quanh đó, không hề quan tâm chuyện xã hội cũng đã bị họ đánh đập dã man vì dám chụp lên bộ mặt thật của cái gọi là chính quyền.