LTS: Dưới đây là bản dịch bài báo ra ngày 30/11/2017 của đài DEUTSCHE WELLE (Làn sóng Đức) về việc đảng Cộng sản VN kết án hai blogger người Việt chỉ vài ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
DEUTSCHE WELLE là đài phát thanh, truyền hình đối ngoại nhà nước của Đức, phát sóng khắp thế giới bằng 30 thứ tiếng, cung cấp tin tức qua chương trình truyền hình, phát thanh và thông tin trên internet.
____
Linh Quang biên dịch
30-11-2017
Trước cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam, đảng CSVN có những hành động cứng rắn đối với các blogger. Họ lại tiếp tục chính sách của những năm qua.
Hai vụ được đem ra xét xử liên tiếp trong một thời gian ngắn cho thấy một sự thật về Việt Nam. Từ nhiều năm, chính phủ Việt Nam đã ngăn chận quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, mặc dù trong Hiến pháp năm 2003 các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và quyền tự do tiếp cận thông tin được ghi rõ ở điều 25.
Hôm thứ Hai tuần này, nhà hoạt động bảo vệ môi trường Nguyễn Văn Hóa đã bị kết án bảy năm tù trong một phiên tòa xử nhanh tại tỉnh Hà Tĩnh. Hôm thứ Tư, tòa án đã bác bỏ kháng án của blogger Mẹ Nấm. Vài ngày trước đó luật sư của bà đã bị loại khỏi phiên tòa. Hồi tháng 6 năm 2017 Mẹ Nấm đã bị kết án 10 năm tù. Cả hai blogger đã viết blog về thảm họa môi trường do một nhà máy thép Đài Loan gây ra.
Rõ ràng nhà nước Việt Nam không đếm xỉa gì đến cuộc Đối thoại Nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội vào thứ Bảy (02.12.2017) sắp tới.
Kẻ thù của tự do báo chí
Trước khi vụ xét xử diễn ra, cô Anna Renzenbrink của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (PVKBG) ở Berlin thấy có ít hy vọng về kháng án của Mẹ Nấm. “Rất tiếc, triển vọng thành công trong kháng án là rất nhỏ hoặc là hoàn toàn không có”. Từ nhiều năm nay Việt Nam bị tổ chức PVKBG liệt vào hàng những quốc gia tồi tệ nhất thế giới về tự do báo chí. Hiện nay Việt Nam đứng hạng thứ 175 trong tổng số 180 nước. Có ít nhất 21 người hiện đang ngồi tù vì hành nghề báo chí.
Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng được tổ chức PVKBG đặc biệt nhắc tới. “Chúng tôi xếp Tổng bí thư đảng CSVN vào danh sách những kẻ thù lớn nhất của tự do báo chí trên toàn thế giới”. Trong danh sách này ngoài các tổ chức cực đoan và các cơ quan tình báo, còn có 35 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo hiện đang chống lại tự do báo chí hà khắc nhất như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Tổng thống Venezuela Maduro hay nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân (Kim Jong Un).
Một mặt đảng CSVN thực hiện việc kiểm soát các ý kiến (phổ biến trên báo chí) bằng cách kiểm soát tất cả các cơ sở truyền thông và mặt khác bằng cách hành động thật cứng rắn chống lại những tư tưởng đi ngược lại đường lối của nhà nước chẳng hạn như trên các mạng xã hội hoặc blog.
Báo chí bị nhà nước chỉ đạo
Nhiều báo chí truyền thông tại Việt Nam gắn liền với các cơ quan nhà nước. Đảng, quân đội và các bộ khác nhau đều có các đài phát thanh, tạp chí và trang web riêng của họ. Ngoài ra, tất cả các phương tiện truyền thông đều bị nhà nước kiểm soát. Tất cả các báo, tạp chí, nhà xuất bản, trang web cũng như đài truyền hình, đài phát thanh đều bị kiểm soát, nằm trong thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổ chức Freedom House (Úc) kết luận: “Trên hết, đảng CSVN coi các phương tiện truyền thông như là công cụ tuyên truyền các chính sách của đảng và nhà nước.”
Một phương tiện để giữ cho toàn bộ các phương tiện truyền thông đi đúng hướng là cuộc họp bắt buộc hàng tuần giữa các biên tập viên của các tòa soạn với những đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản để thảo luận về các bài báo đã được phát hành và các bài báo dự định sẽ ra trong tuần tới. Bằng cách này ý muốn và yêu cầu của đảng được thông báo, nhưng để cho các biên tập viên tự xử lý làm như thế nào. Giáo sư TS Zachary Abuza (Washington DC) viết trong một bài nghiên cứu của ông về tự do báo chí ở Việt Nam: “Mối đe dọa lớn nhất cho phương tiện truyền thông Việt Nam hiện tại không phải là kiểm duyệt trực tiếp bởi nhà nước mà là tự kiểm duyệt“.
Blogger là nguồn tin độc lập Theo nhận xét của giáo sư TS Zachary Azuba thì rất nhiều người Việt không tin tưởng vào báo chí quốc doanh, đó là lý do tại sao các cổng tin tức và blog không chính thức được nhiều người đọc và có ảnh hưởng đáng kể. Ông nói thêm: “Số lượng người viết blog không rõ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn con số của họ đã tăng lên từ năm 2005 và họ càng ngày càng có tiếng vì sự bất mãn của người dân đối với các chính sách của chính phủ và các bài tường thuật của báo chí quốc doanh “. Tuy nhiên, ông Azuba nói thêm, cũng có một số tác giả hành xử vô trách nhiệm như phát tán những tin giả trên mạng xã hội và blog. Nhưng thường thường người dân không có chọn lựa nào khác, cô Anna Renzenbrink (PVKBG) giải thích. “Blogger thường là nguồn tin độc lập duy nhất“.
Để ngăn chặn các ý kiến trên Internet đi ngược lại đường lối của nhà nước, chính phủ Việt Nam sử dụng các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự: điều 88 Tội tuyên truyền chống chính phủ, điều 79 Tội hoạt động lật đổ chính quyền, và điều 258 Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước. “Chính phủ Việt Nam sử dụng nhiều luật lệ mơ hồ và quy định để kiểm soát nội dung trên Internet“.
“Tuyên truyền của Tây phương”
Cả hai blogger Nguyễn Văn Hóa và Mẹ Nấm đều mắc phải tai ương với điều 88. Trong cả hai trường hợp, các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch đã phản đối. Họ phê bình sự hoang tưởng của chính phủ Việt Nam; các án tù cao và không chính đáng; những phiên xử không đáp ứng các tiêu chuẩn nhà nước pháp quyền. Các bị cáo thường bị giam giữ điều tra mà kéo dài nhiều tháng trời, các phiên tòa xét xử không công khai (không cho người vào dự kiến) và được thực hiện chóng vánh trong vòng một ngày.
Kể từ khi Nguyễn Phú Trọng nắm được quyền lực tại đại hội đảng CSVN vào mùa xuân năm 2016, thì tự do báo chí bị hạn chế nặng nề hơn nữa. Họ thường hay tìm cách chụp mũ những blogger và các nhà phê bình chế độ là gián điệp của tây phương. Đảng có nỗi lo sợ rất lớn về “diễn biến hòa bình” làm thay đổi chế độ do những nhân tố Tây phương gây ra. Do đó trên tạp chí An Ninh thường xuyên dành một mục cho đề tài này.