Nguyễn Đình Cống
28-11-2017
Vừa qua BauxiteVN và Báo Tiếng Dân đăng bài “Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân” của GS Tương Lai, nhân kỷ niệm lần 95 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau khi đọc kỹ bài viết, tôi tìm nghiên cứu lại bức thư nổi tiếng của ông Kiệt gửi Bộ Chính trị năm 1995. Tôi không có dịp gặp gỡ, trao đổi ý kiến với ông, chỉ biết cố Thủ tướng qua những việc làm, bài viết của ông, và qua các bài viết về ông. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây, một phần dựa vào các thông tin có hạn, phần khác dựa vào cảm nhận. Nếu nó đúng được chút nào mong được chia sẻ, nếu có chỗ nào chưa chính xác, mong được các vị hiểu rõ hơn, giúp cải chính.
Tôi thấy trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, ông Võ Văn Kiệt là một trong những người xuất sắc, có nhân cách và phẩm giá rất tốt. Sẽ là phúc lớn cho đất nước, dân tộc khi có được nhiều người như ông và những người như thế liên kết được lại với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp của trí tuệ và lòng nhân ái. Tiếc thay, đó chỉ mới là mơ ước.
Trí tuệ, sự dũng cảm, lòng nhân ái, sự bao dung của ông Sáu Dân-Võ Văn Kiệt đã được viết nhiều, đặc biệt là những bài của các anh Tương Lai, Nguyễn Trung, Việt Phương, tôi xin không nhắc lại, tôi tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính. Tôi chỉ muốn nêu một ý có tính cách phản biện để cùng nhau suy nghĩ.
Ông Kiệt là người yêu nước thương dân, có trí tuệ, tính trung thực và lòng dũng cảm. Ông đem theo những đức tính tốt đẹp ấy khi vào đảng. Là đảng viên, ông trung thành với Đảng, với Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), với con đường xây dựng CNXH. Ông nghĩ rằng sự lãnh đạo duy nhất của Đảng CSVN là một trong những điều kiện tiên quyết để giữ vững độc lập, để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Ông hơi khác với những người như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang v.v… Những người đó đã thấy rõ cái sai từ gốc của CNML. Còn ông chỉ mới thấy rất rõ những sai lầm của Đảng trong đường lối kinh tế, trong tổ chức và làm việc của hệ thống chính quyền, trong nhận định về tình hình thế giới v.v… Những sai lầm, những bất cập của Đảng do ông nêu ra đều rất đúng, nhưng ông mới chỉ dừng lại ở nguyên nhân gần, rõ ràng. Ông chưa truy nguyên đến tận gốc là sự độc tài toàn trị của Đảng theo đường lối vô sản chuyên chính của CNML. Vì vậy những ý kiến đề xuất của ông về hình thức là hay, là đúng, nhưng chưa chạm đến cái gốc, cái cốt lõi, vì thế nghe thì hay mà Bộ Chính trị không thể làm theo, và nếu có làm theo được thì cũng chỉ như mới chữa bệnh ngoài da.
Trong thời gian làm việc ở TP HCM, cũng như ở cương vị cao tại Chính phủ, ông Kiệt đã làm được nhiều việc tốt, ích quốc lợi dân, thể hiện tầm nhìn sáng suốt và bản lĩnh cao cường. Tầm nhìn ấy, bản lĩnh ấy được đánh giá cao so với nhiều lãnh đạo khác của Đảng. Tuy vậy nó vẫn bị hạn chế bởi ý thức hệ, bởi nhận thức nhầm về CNML. Bài viết của GS Tương Lai cho rằng, trong giai đoạn “Thế nước chông chênh…. Trĩu nặng nỗi lo đất nước trước nanh vuốt của kẻ thù …thế nước chưa bao giờ lâm vào tình cảnh ngặt nghèo như hiện nay…”. GS viết tiếp: “Và rồi, hôm nay ….những người yêu mến và thương nhớ ông lại nhắc đến cái điệp khúc ‘Giá như lúc này có ông Sáu Dân’, một điệp khúc như cứa vào gan ruột chúng ta khi cùng ngồi lại tưởng nhớ đến một người thuộc về loại người xưa nay hiếm”.
Vì quá thương tiếc và cảm phục mà những người yêu mến thốt ra “Giá như lúc này có ông Sáu Dân”. Đó là tình cảm chân thành, rất đáng trân quý, nhưng nhận định có lẽ hơi ảo tưởng. Phải chăng có ông Sáu Dân thì tình hình sẽ sáng sủa hơn. Tôi nghĩ, nếu có ông Sáu Dân thì có thêm một ngọn nến hoặc một ngọn đuốc thắp lên trong đêm để cùng hàng vạn, hàng triệu ngọn nến khác xua tan từng mảng bóng tối chứ cũng chưa đủ sức xoay chuyển tình thế. Tôi không biết vào cuối đời có lúc nào ông Kiệt nhận thức được cái gốc gác của mọi sai lầm nằm ở CNML hay không. Có lần đọc bài của GS Tương Lai thấy ông Kiệt có nghĩ đến việc lập một đảng mới. Nhưng nếu vẫn lập đảng theo đường lối CNML thì cũng không giải quyết được chuyện gì. Có lập đảng mới thì phải là một đảng chính trị không theo CNML.
Càng ngày ĐCSVN càng lộ rõ bản chất dối trá và tàn bạo. Để cứu nước, cần phải có đổi mới về chính trị, phải thay đổi độc tài toàn trị bằng thể chế dân chủ với tam quyền phân lập. Ông Võ Văn Kiệt hình như chưa nghĩ đến chuyện này. Khi viết thư gửi Bộ Chính trị vào tháng 8/1995 ông đang là Thủ tướng chính phủ, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, dưới thời TBT Đỗ Mười. Nhận xét rằng, lúc đương quyền cao chức trọng như thế mà ông buộc phải viết thư thì mới thấy tình thế éo le như thế nào. Ngoài việc ông Kiệt trung thành với CNML, tôi còn cảm nhận ông là người cán bộ rất giỏi trong phạm vi quyền hạn và tổ chức có sẵn. Ông chưa có cái nhìn vượt ra xa ngoài phạm vi đó. Nhưng hiện nay đất nước đang cần người thoát ra khỏi CNML và hoạt động để tạo ra tổ chức.
Thương tiếc Võ Văn Kiệt như một người con ưu tú của dân tộc, nhưng cũng nên thấy mặt hạn chế của ông vì khó thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử.
“tôi tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính”
Tớ cũng theo bác Nguyễn Đình Cống tin vào sự trung thực của những trí thức chân chính, nên những cái tên ô NĐC nêu ra, tớ hổng tin .
“Đó là tình cảm chân thành, rất đáng trân quý, nhưng nhận định có lẽ hơi ảo tưởng”
Vì ảo tưởng nên mới đáng trân quý
“Thương tiếc Võ Văn Kiệt như một người con ưu tú của dân tộc”
Nhưng không có ông thì vẫn tốt hơn .
“khó thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử”
“Hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử” là do những người như ông tạo ra . Từ 75-95 là 20 năm, và tới bây giờ luôn “hoàn cảnh trớ trêu” đó vẫn tồn tại . Ta cũng có thể nói được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Fook & đám đồng sự của họ “khó thoát ra khỏi hoàn cảnh trớ trêu của lịch sử”. Và 50-70 năm nữa, cái “hoàn cảnh trớ trêu” vẫn tiếp diễn . Ăn mày quá khứ lâu thế không biết! Mà quá khứ có đẹp đẽ gì đâu cho cam .