Đà Nẵng và Báo chí

FB Lê Trọng Vũ

27-11-2017

Cầu Rồng, một trong những biểu tượng của TP Đà Nẵng. Ảnh: internet

Đà Nẵng vừa khánh thành công viên tượng bên bờ sông Hàn để chào đón Apec nhưng nếu có kỷ lục về công viên nhỏ nhất thế giới thì khó đâu cạnh tranh được với nơi này: 3047 m2. Thật hài hước khi một thành phố đặt mục tiêu phát triển bền vững và luôn tự hào là đáng sống nhất mà mật độ cây xanh công cộng lại thuộc hàng thấp nhất cả nước, 0,6 m2/ người, chưa bằng 1/10 tiêu chuẩn của VN. Mảng xanh công cộng đúng nghĩa duy nhất ở ĐN là công viên 29/3 có từ sau 75 thì may mắn thoát khỏi số phận phân lô bán nền không phải từ lòng tốt của quan chức mà nhờ vào nhiều tiếng nói mạnh mẽ của người dân, còn số phận của Sơn Trà, lá phổi xanh quý giá của thành phố vẫn còn là một dấu chấm hỏi to tướng.

Quy hoạch đô thị là nghành chuyên môn cần sự đóng góp của nhiều nhà khoa học với tầm nhìn hàng chục năm. Nhưng không cần chuyên gia cũng thấy việc chọn lựa nơi làm việc của gần 1500 cán bộ ở khu trung tâm sẽ gây khó khăn cho giao thông nội đô ra sao. Không cần đến kiến thức chuyên môn cũng thấy, việc nhồi nhét trường học, bệnh viện vào trung tâm và “điều chỉnh quy hoạch” dựa vào các mối quan hệ, trước sau cũng gây quá tải cho hạ tầng.

Quy hoạch manh mún với tầm nhìn ngắn hạn đang khiến sau 20 năm xây dựng phát triển, Đà Nẵng gần như cạn kiệt quỹ đất. Vệt đất đẹp cuối cùng 7,5 ha bên bờ Tây sông Hàn của Tổng công ty đóng tàu Sông Thu cũng chung số phận xẻ thịt chia lô, gây bao tiếc nuối cho người dân địa phương. Đừng nói gì đến tương lai, ngay lúc này thật khó tìm ra một khu đất nào vài ha thuận lợi để làm công viên hay công trình phúc lợi phục vụ cho cộng đồng. Thử hỏi khi dân số tăng lên so với hiện nay, bài toán về đất đai đô thị sẽ được giải quyết như thế nào. Vì vậy, khát vọng Đà Nẵng hiện đại, văn minh ngang tầm khu vực như Singapore hay Hong Kong là điều không thể.

Quy hoạch với tư duy ăn xổi của trọc phú, nhìn đâu cũng thấy đất và chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ thiểu số đã khiến ĐN giờ phải loay hoay đi tìm giải pháp khắc phục cho ngay chính những “di sản” mà báo chí tung hô Bá Thanh nhiều nhất, là “tầm nhìn quy hoạch”.
Nếu không chịu soi lại mình và không sớm có những cuộc “đại phẫu” quyết liệt mà chỉ lo chia phe đấu đá, không sớm thì muộn, ĐN sẽ chẳng khác Hà Nội và TP HCM là bao ở khoảng… ô nhiễm và kẹt xe.

Apec chỉ là một diễn đàn kinh tế đa phương mỗi năm một lần, địa điểm đăng cai luân phiên trong 21 nền kinh tế thành viên nên tổ chức được Apec chẳng phải là thành tựu gì ghê gớm đáng để tự hào. Sau những lời có cánh của hệ thống truyền thông, ĐN vẫn phải đối mặt với những thách thức của chính mình, một đô thị không có bản sắc lại phát triển thiếu bền vững. Lẽ ra ở một nơi có mật độ nhà báo cao nhất nước như vậy, báo chí phải phát huy vai trò tiên phong trong công cuộc chống tham nhũng hoặc chí ít cũng cảnh báo được các chính sách sai lầm, đằng này báo chí lại chỉ luôn tìm cách huyễn hoặc nơi mình sinh sống, tô vẽ một cách lố bịch công trạng của lãnh đạo và ru ngủ dân chúng quên đi những thách thức mà tương lai họ sẽ phải đối mặt.

Mạng xã hội đang bùng nổ ở VN hơn bao giờ hết, trở thành phương tiện để báo chí dễ dàng truyền tải thông điệp đến bạn đọc, nhưng thay vì góp tiếng nói phản biện các vấn đề nhức nhối của xã hội, báo chí hoặc im lặng hoặc tiếp tay cho các thế lực tranh đoạt quyền lực. Có nhà báo tự hào vì luôn tránh né các đề tài chính trị, có nhà báo lại khoe các mối quan hệ gần gũi với chính quyền và luôn chọn đúng phe mạnh hơn để phò. Đu bám quyền lực đương nhiên có ngày trả giá bởi chính những quyền lực ấy, nhưng thưa các “nhà báo có thẻ”, chấp nhận làm công cụ cho các thế lực chính trị nghĩa là xa rời các nguyên tắc nghề nghiệp và quay lưng lại với những phận đời nổi trôi thì có gì mà tự hào?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Có biết vì sao ĐN có mật độ nhà báo cao nhất nước không? Đó là chính sách bịt miệng nhà báo của NBT. Cho nhà báo nhà đất , hộ khẩu để họ an cư lạc nghiệp và làm báo theo chỉ đạo của NBT. Vì vậy, thời đó ĐN và NBT được ca ngợi triệt để qua báo chí dư luận. Có tin gì xấu về ĐN thì chỉ đăng 1 kỳ rồi bỏ… NBT lấy của làng làm lệnh để sai bảo nhà báo. Quý vị hãy điểm mặt bọn nhà báo gia nô này là toàn bộ ở bốn phương đến cả!

  2. “chấp nhận làm công cụ cho các thế lực chính trị nghĩa là xa rời các nguyên tắc nghề nghiệp và quay lưng lại với những phận đời nổi trôi thì có gì mà tự hào?”

    Đáng chớ . Các trí thức (được/bị coi là) hàng đầu nhà mềnh vẫn tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao . Những ai khiêm tốn hơn thì khi giỗ chạp, các trí thức đương thời sẽ viết rằng họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, vì thế họ trở thành tấm gương sáng cho trí thức cả nước .

    Tự hào thế thì thôi lun!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây