Zimbabwe Và Bàn Tay Trung Quốc

Lê Minh Nguyên

26-11-2017

CTN Trung Quốc Tập Cận Bình và TT Robert Mugabe của Zimbabwe. Ảnh: Tân Hoa xã

Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi của Zimbabwe đã trị vì 37 năm, chính thức bị Quốc Hội hạ bệ hôm 24/11/2017 và phó tổng thống Emmerson Mnangagwa 75 tuổi lên làm tổng thống.

Ông Mnangagwa cũng là một sản phẩm từ đầu của chế độ, cùng trong đảng cầm quyền Zanu với ông Mugabe, cùng trãi qua 37 năm trong chính quyền và dùng an ninh, quân đội thẳng tay đàn áp đối lập đến độ ông được đặt cho biệt danh là “Cá Sấu” và được cho là người rất tàn bạo. Ông là một trong những đảng viên đầu tiên của đảng Zanu được đưa qua TQ để huấn luyện.

Lãnh tụ của đảng đối lập MDC (Phong Trào Thay Đổi Dân Chủ), ông Morgan Tsvangirai nghi ngờ ông Mnangagwa liệu có thể thay đổi được hai nét lớn là “văn hoá tham nhũng” và “văn hoá bạo lực” của chế độ.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Zimbabwe. TQ cũng đầu tư lớn ở Sudan, Zambia và gần như cả lục địa Phi Châu.

Ở Zimbabwe và nhiều nơi khác trên thế giới, Trung Quốc đang dần dần thay đổi phương pháp tiếp cận từ không can thiệp, chỉ quan tâm đến kinh doanh sang hướng can thiệp, được các nhà quan sát coi là đứng sau trong vụ hạ bệ tổng thống Mugabe.

Ngày 7/11 ông Mugabe cất chức phó tổng thống ông Mnangagwa để muốn đưa bà vợ trẻ Grace Mugabe 52 tuổi lên thay, chuẩn bị cho việc kế vị ông ta. Ông Mnangagwa đào tẩu qua Nam Phi hai tuần.

Ba ngày sau (ngày 10/11) tư lệnh quân đội Zimbabwe, ông Constantino Chiwenga viếng TQ, gặp ủy viên Quân Ủy TƯ kiêm Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc tướng Lý Tác Thành và Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn. Hai bên cam kết hai nước “sát cánh mưa nắng có nhau”. (http://cnn.it/2zlNNw5)

Bốn ngày sau chuyến viếng thăm TQ (tối 14/11) thì xe tăng của Lực Lượng Quốc Phòng Zimbabwe tiến vào thủ đô Harare.

Trên Hoàn Cầu Thời Báo của TQ hôm 16/11 nói rằng họ đã lo lắng cho sự an toàn lâu dài của đầu tư TQ ở Zimbabwe và sự thay đổi chính quyền ở Zimbabwe sẽ có lợi cho mối quan hệ của hai nước. (http://bit.ly/2Bn6iBU)

TQ cũng đang can thiệp vào Bangladesh và Miến Điện về vụ khủng hoảng người Rohingya, đưa ra kế hoạch 3-giai đoạn để đẩy hai bên giải quyết, và hai nước đã ký thoả thuận để cho hàng ngàn người Rohingya được hồi hương (http://reut.rs/2BlC1D9).

Thông cáo của bộ Quốc Phòng TQ hôm 22/11 cho biết trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh giữa tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện và tướng TQ Lý Tác Thành, TQ đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, TQ sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện (RFI 23/11/17).

TQ đã can thiệp mạnh mẽ vào Cam Bốt đến độ thủ tướng Hun Sen tự tin để thẳng thừng chỉ trích và xoay lưng với Hoa Kỳ. Hôm 19/11 ông Hun Sen đã lên tiếng thách thức và thúc giục HK hãy cắt mọi viện trợ cho nước ông, cùng bắt các nhà báo gởi bài cho đài RFA (VOA 19/11).

TQ bước từ giai đoạn ẩn mình chờ thời (thao quang dưỡng hối) của thời Đặng Tiểu Bình qua giai đoạn can thiệp chính trị vào nội bộ nước khác của thời Tập Cận Bình. Từ đó ta có thể rút ra hai nhận xét.

Ở Zimbabwe, dù ông Mnangagwa có hứa hẹn một cuộc bầu cử “tự do” vào năm 2018, nhưng với bàn tay lông lá của TQ đứng sau thò vào, với hồ sơ “Cá Sấu” tàn bạo của ông Mnangagwa, với đảng cầm quyền Zanu vẫn cai trị thì khó có thể tin rằng Zimbabwe có được một cuộc bầu cử thật sự dân chủ, nó chỉ là chế độ Mugabe mà không có Mugabe. Cái ưu điểm của một cuộc chính biến không gây đổ máu này sẽ không có giá trị gì nếu vựa lúa mì không phục hồi và chính trị không có dân chủ, nó chỉ là một dạng thuộc địa mới cho TQ khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như khai thác thị trường tiêu thụ.

Nhận xét thứ hai là Việt Nam rồi cũng sẽ đi vào vết chân của Zimbabwe và Cam Bốt khi vẫn không chuyển qua dân chủ để huy động sức dân và ý chí độc lập của dân tộc. TQ rất dễ thao túng một nhóm nhỏ độc tài, nhưng không dễ thao túng cả một dân tộc. Khi hiệp ước biên giới 1999, hiệp ước vịnh Bắc Bộ năm 2000 đã ký sau gần hai thập niên vẫn còn giữ trong bí mật, không đưa ra được một bản đồ thì kẻ mạnh luôn luôn thắng vì kẻ yếu quá cô đơn, không có dân hậu thuẩn.

Chưa có chỉ dấu nào cho thấy chính quyền CSVN có thực tâm thay đổi đất nước qua dân chủ. Ông TBT Nguyễn Phú Trọng thừa nhận lý tưởng Mác-Lê đã hết hấp dẫn qua câu “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”, nhưng không vì thế mà ông muốn thay đổi qua dân chủ, mà sắp đi theo con đường Trung Quốc đã đi là “ái quốc” (Giấc Mơ TQ, Đại Hán, xây đảo, lấn chiếm…) để ông có thể mị dân.

Cách đây hơn 10 năm anh Nguỵ Kinh Sinh từng nhắc nhở là chúng ta nên tranh đấu bằng ngọn cờ dân chủ, còn ái quốc thì chúng ta đều có thừa nhưng CS giựt ngọn cờ này đi rất dễ và chúng ta sẽ không giữ nỗi vì bộ máy chính quyền với biết bao nhiêu phương tiện đang nằm trong tay họ.

Không khí đang có vẻ như sắp tới đây phong trào ái quốc sẽ ào ào thổi đến để cuốn hút giới tranh đấu và quần chúng bên ngoài (trong nước CS không dám và cũng không cho dân dám bày tỏ lòng ái quốc vì sợ TQ bóp mũi) và những người tranh đấu ở hải ngoại nếu không khéo sẽ tiêu thụ năng lực của mình ra ngoài hồng tâm của tranh đấu dân chủ.

Một nhà trí thức trong nước vừa viết trên Facebook dự báo rằng “ĐCS chuyển đổi thành một đảng dân tộc chủ nghĩa, bán phần hoặc toàn phần, là khả năng như là tất yếu. Song song đó, thể chế chính trị có thể biến đổi từ độc tài chuyên chế sang dân chủ giả hiệu…Đấy là khả năng xảy ra cao nhất…”

Thay vì xây dựng phong trào tranh đấu dân chủ, nếu không khéo, chúng ta sẽ đi vào mê cung chống Trung Cộng và lấy đó làm hồng tâm.

Dĩ nhiên, chúng ta dứt khoát chống TQ bá quyền lấn đất, lấn biển, lấn kinh tế thương mại VN, nhưng đó là ưu tiên thứ hai bên cạnh hồng tâm.

Cho nên, dấy lên một phong trào cách mạng dân chủ do quần chúng đứng lên là điều chúng ta cần nên nghĩ đến để vận động, để xúc tác cho nó trở thành hiện thực.

Lê Minh Nguyên

Bình Luận từ Facebook