Nguyễn Văn Tung
25-11-2017
Sáng ngày 17/11, tại hội trường Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đã gây choáng váng nghị trường với 3 câu hỏi trực diện: Một, yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone dùng vốn do nhà nước cấp để mua AVG? Hai, giá trị đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu? Ba, từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra mua hay không?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lảng tránh câu trả lời và nói là “đợi kết luận của Thanh tra Chính phủ rồi mới báo cáo”. Rõ ràng, bà Ngân chỉ là bù nhìn và đã không làm tốt vai trò điều hành phiên chất vấn của Quốc hội, bà này có biểu hiện bao che cho tham nhũng!
Do Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông đều lảng tránh việc trả lời ba câu hỏi nói trên của đại biểu Lê Thanh Vân, nên chúng tôi xin trả lời thay đến đại biểu Lê Thanh Vân và cử tri cả nước như sau:
Câu hỏi 1: Yêu cầu nào và dựa trên cơ sở nào mà Mobifone dùng vốn Nhà nước để mua AVG?
Việc Mobifone bỏ ra số tiền 8.900 tỷ đồng để mua 95% cổ phần AVG là do bọn lợi ích nhóm: Nguyễn Bắc Son (Nguyên Bộ Trưởng Bộ 4T), Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch AVG), Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh (Mobifone) bày trò lừa đảo Nhà nước để rút ruột hơn 6.000 tỷ đồng của Nhà nước để chia nhau.
Do công ty AVG bị thua lỗ bết bát quá nửa vốn điều lệ và bị Phạm Nhật Vũ rút ruột hết số vốn còn lại (qua việc mua cổ phần của Mai Lĩnh và An Viên BP với giá cao chót vót) vào cuối năm 2015 nên chúng bày ra trò lừa đảo nặn ra tình tiết công ty 8046 (Hồng Kông) đặt cọc 10 triệu USD, cố tình bỏ qua tình trạng AVG đã mất hết vốn, nhào nặn số liệu dự báo kinh doanh 5 năm để nâng giá trị AVG lên cao gấp 15 lần so với giá trị tài sản thực (giá trị tài sản thực của mảng truyền hình của AVG chỉ khoảng 600 tỷ, bán cho Mobifone với giá 8.900 tỷ đồng).
Yêu cầu này là từ Nguyễn Bắc Son (muốn làm cú chót để nghỉ hưu dưỡng già); Lê Nam Trà và Cao Duy Hải tích cực thi hành âm mưu của Son, Trà và Hải cũng khôn: vừa không bị mất chức và lại vừa được vài trăm tỷ đút túi; chỉ có Nhà nước và nhân dân là thiệt!
Câu hỏi 2: Giá trị đích thực, chính xác khi mua AVG là bao nhiêu?
Giá trị mua bán trong hợp đồng mua bán AVG giữa Mobifone và Phạm Nhật Vũ là 8.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị chính xác của AVG chỉ vào khoảng 800 tỷ đồng (Hội đồng định giá đã đưa ra mức giá thẩm định này vào tháng 5/2017).
Chúng tôi cũng đã có tính toán tỷ mỷ mức giá thực của AVG vào khoảng 800 tỷ đồng tại kỳ số 21, số 22 của loạt bài phóng sự AVG này.
Giá trị tài sản cố định mảng truyền hình của AVG (sau khi khấu hao) chỉ vào khoảng 600 tỷ đồng (giá trị ban đầu là 800 tỷ đồng). Phạm Nhật Vũ bán AVG cho Mobifone với mức giá 8.900 tỷ đồng, tức là gấp 15 lần giá trị tài sản thực.
Công ty chứng khoán Bản Việt đã định giá Mobifone vào năm 2015 vào khoảng 60.000 tỷ đồng (vốn điều lệ của Mobifone là 15.000 tỷ đồng, giá trị tài sản của Mobifone cũng khoảng). Như vậy, giá trị của Mobifone chỉ cao gấp 4 lần so với giá trị tài sản (?). Nghe nói, lúc đầu, “công chúa” và Phạm Nhật Vũ còn định ép Mobifone mua AVG rồi đổi lại thì Phạm Nhật Vũ được sở hữu 20% cổ phần của Mobifone (Nguyễn Bắc Son lúc đó còn định gấp rút cổ phần hóa xong Mobifone trong năm 2015)
Công ty truyền hình cáp VTV Cab chuẩn bị cổ phần hóa, được Kiểm toán Nhà nước định giá 4.200 tỷ đồng. Trong khi VTV Cab có quy mô và tình hình tài chính lành mạnh gấp 4 đến 5 lần so với công ty AVG.
Phạm Nhật Vũ được giữ lại khoảng 3.000 tỷ đồng, còn lại gần 6.000 tỷ đồng bị đem ra chia chác.
Câu hỏi 3: Từ ngày được Mobifone mua về đến nay, AVG hoạt động như thế nào, có tương xứng với giá trị đồng vốn bỏ ra không?
Mobifone bỏ ra 65% vốn điều lệ (8.900 tỷ đồng) để mua AVG, trong khi AVG chỉ đạt doanh thu thực khoảng 1.000 tỷ đồng/năm và mức lỗ thực khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Thực sự, AVG là gánh nặng của Mobifone. Hai năm nay, toàn bộ bộ máy kinh doanh của Mobifone phải chịu áp lực nuôi con nghiện AVG.
Năm 2016, Mobifone đã phải bù chéo lợi nhuận khoảng 250 tỷ đồng cho AVG (quảng cáo, dịch vụ GTGT, ôm đầu thu và thẻ dịch vụ truyền hình) nên AVG được Lê Nam Trà và Cao Duy Hải báo cáo lên cấp trên là “có lãi” khoảng 60 tỷ đồng.
Năm 2017, chỉ tiêu doanh thu của AVG khoảng 2.600 tỷ và lợi nhuận là 150 tỷ. Nghe nói, lãnh đạo và các đơn vị của Mobifone sợ bị đi tù cả lũ nên đã không dám làm trò chuyển lợi nhuận bù chéo cho AVG mạnh tay như năm 2016 nữa. Dự báo, lợi nhuận danh nghĩa năm nay của AVG chỉ khoảng một vài tỷ (so với hiệu quả dự báo năm 2017 tại phương án mua bán thì kết quả thực tế năm 2017 là thấp “một trời một vực”). AVG đang tiếp tục xuống dốc không phanh!
Hiện nay, chín công ty kinh doanh khu vực của Mobifone vẫn đang phải ôm rất nhiều hàng tồn của AVG (đầu thu, thẻ dịch vụ). AVG đang như tảng đá ngầm kéo con tàu Mobifone chậm lại phía sau trong cuộc đua với Viettel và VNPT.
Các nhà đầu tư nước ngoài thì đã lảng tránh Mobifone rất lâu rồi, họ chờ đợi câu trả lời từ Thanh tra Chính phủ.
Kiến nghị:
Tội lừa đảo, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng của Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng, Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh là rất rõ ràng. Đề nghị đồng chí Lê Minh Khái (Tân Tổng Thanh tra Chính phủ) trả lời 14 câu hỏi mà chúng tôi đã nêu ra với đoàn thanh tra tại bài số 20 của loạt phóng sự này.
Tại sao đồng chí Tổng bí thư, đồng chí Thủ tướng, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực không thể ra lệnh cho Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra mặc dù việc thanh tra Mobifone mua AVG đã kết thúc gần 10 tháng nay?
Vụ Mobifone mua AVG có phải là “vùng cấm” trong chống tham nhũng không, thưa đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thủ tướng?
____
Mời đọc lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG — Kỳ 23: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra — Kỳ 24: Đề nghị Tổng bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phải công bố kết luận trước Hội nghị Trung ương 6 (TD).