Trump gây ra xung đột bằng cách chơi trò hòa giải

Foreign Policy

Tác giả: Bill Hayton

Dịch giả: Trúc Lam

14-11-2017

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong một cuộc họp song phương ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/11/2017. Ảnh:Jim Watson / AFP / Getty Images.

Hoa Kỳ đang tạo ra những vấn đề [rắc rối] ở Châu Á, bằng cách đề nghị hòa giải những căng thẳng giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Donald Trump có ý gì khi ông ta đề nghị làm “trung gian” trong tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông? Hôm Chủ Nhật, trong chuyến thăm chính thức tới Hà Nội, Tổng thống Trump nói với người đồng nhiệm Việt Nam rằng: “Nếu tôi có thể giúp hòa giải hoặc phân xử, xin vui lòng cho tôi biết … Tôi là người làm trung gian rất tốt và là người phân xử rất giỏi“.

Lời nói này như tiếng chuông báo động ở Việt Nam, nơi nỗi sợ hãi trở thành đối tác bị tống xuất trong mối quan hệ G-2 giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc chỉ đứng sau những lo ngại về Hoa Kỳ được cho là có ý định lật đổ chế độ Cộng sản ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, nói: “Việt Nam hoan nghênh đề nghị này [của Trump], nhưng Trung Quốc thích các cơ chế song phương về các vấn đề Biển Đông”. Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài trong các tranh chấp trước đó, và ông Trung có lẽ đã nói thay các nhà hoạch định chính sách Việt Nam khi ông nói rằng “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không ủng hộ sáng kiến ​​của mình trừ khi đề nghị của Trump ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông“.

Thoạt nhìn thì thấy lời đề nghị làm “trung gian” trong tranh chấp Biển Đông rất là lạ. Trung Quốc không coi Hoa Kỳ là một nước trung lập giữa các tuyên bố lãnh thổ đối nghịch. Theo Wu Shicun, Chủ tịch Học viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia của Trung Quốc, đã phát biểu tại một hội nghị ở Haikou, Trung Quốc vào ngày 9 tháng 11, rằng: “Các vấn đề đáng kể như tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán trên biển chưa được giải quyết và vẫn đang phải đối mặt với sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ và Nhật Bản“.

Đây không phải là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ đề nghị hòa giải trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã gợi ý ý tưởng này vào năm 2010, nhưng không có gì xảy ra.

Nhưng điều có thể làm cho nhiều người mất ngủ là, liệu Trump và Trung Quốc đã có thỏa thuận riêng với nhau hay không? Mọi người đều biết rằng, ưu tiên hiện nay của Trump ở châu Á là giải trừ vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn. Họ tự hỏi, với cái giá nào mà Bắc Kinh nhận được từ Washington để tăng áp lực lên Bình Nhưỡng. Phải chăng một việc gây thêm một chút áp lực lên Hà Nội có phải là cái giá đổi chác cho một cuộc siết chặt trừng phạt nhỏ bên kia biên giới sông Yalu? (ND: Sông phân chia biên giới giữa Bắc Hàn và Trung Quốc)

Ưu tiên tương đối thấp đối về vấn đề Biển Đông trong bản tuyên bố chung của hai chính phủ – đó là điểm 13 trong số 14 điểm, nằm dưới cả chuyện đổi địa điểm mới của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội – có thể thấy Mỹ đã giảm tầm quan trọng của vấn đề [Biển Đông].

Không có bằng chứng nào cho thấy một thỏa thuận lớn trong kế hoạch, và sẽ có rất nhiều người ủng hộ Trump ở Washington nhiệt liệt tranh cãi, chống lại sự chịu đựng bất cứ hành động bành trướng nào ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong tâm trí của các chính phủ Đông Nam Á là sự nghi ngờ chiến lược của Mỹ ở khu vực mới có tên “Ấn Độ – Thái Bình Dương” có thể trở thành “Nghệ thuật của sự thương lượng” mà các chính phủ [Đông Nam Á] này phải trả giá.

Trung Quốc muốn gì từ sự dàn xếp như thế? Sau cùng, họ tìm kiếm sự công nhận của quốc tế đối với các yêu sách trên từng lãnh hải, lãnh thổ ở đường lưỡi bò mà họ đơn phương vẽ ra, cùng với “các quyền lịch sử” đối với tất cả các tài nguyên thiên nhiên bên trong đường lưỡi bò đó. Trong thời gian chờ đợi cho đến khi có được mọi thứ, Bắc Kinh có thể chuẩn bị để chấp nhận một cách hào phóng các biện pháp nửa vời – chẳng hạn như chấp nhận yêu cầu “khai thác chung”. Đây là hình thức mà Trung Quốc sử dụng để ép các nước Đông Nam Á đòi chủ quyền, chia sẻ cá, dầu, và khí đốt tự nhiên, nằm trong vùng kinh tế độc quyền mà các nước này sở hữu hợp pháp.

Nhưng những nội dung khác trong thông điệp của Trump là những tin vui cho người Việt Nam. Trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương hôm 10 tháng 11, ông nói: “Ở Mỹ, cũng giống như mọi quốc gia đã giành được độc lập và bảo vệ chủ quyền của mình, chúng tôi hiểu rằng chúng ta không có gì quý hơn là những quyền căn bản khi con người sinh ra, nền độc lập quý giá, và sự tự do của chúng ta”.  Trump có thể đã không nhận ra điều đó, nhưng người phụ tá viết lời phát biểu của ông ta, rõ ràng là đã lặp lại những lời của một vị lãnh đạo khác, của lãnh tụ Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, nói vào ngày 17 tháng 7 năm 1966: “Không gì quý hơn độc lập tự do”.

Sau đó, Trump kết nối tình cảm này với câu chuyện về Hai Bà Trưng, mà những người yêu nước hiện đại ở Việt Nam kể lại, rằng [Hai Bà] đã chiến đấu chống lại Trung Quốc cách đây 2000 năm. Điều này, cùng với việc nhắc đến các quốc gia “không làm chư hầu cho nước nào”, nghe có vẻ như Mỹ ủng hộ Hà Nội tiếp tục không tuân theo Bắc Kinh.

Đối với Hà Nội, những điều mà Trump không nói ra cũng quan trọng. Ngoài một lưu ý ngắn về “các quyền cá nhân” (lạ là nó gắn với “tự do hàng hải và trên không”), [ông ta] không hề nói tới cải cách chính trị hay xã hội. Tuyên bố chung chính thức chỉ đưa ra một câu đơn điệu về “bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền”.

Trong chuyến thăm duy nhất tới Việt Nam khi còn là tổng thống hồi tháng 5 năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã tổ chức một bữa ăn tối với các nhà cải cách và những nhà bất đồng chính kiến ​​như Đỗ Nguyên Mai Khôi. Lần này, không có sự tiếp đãi như thế. Thay vào đó, cô Mai Khôi và nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​khác đã bị cảnh sát mặc thường phục ngăn không cho ra khỏi nhà và sau đó đã bị trục xuất khỏi ​​Hà Nội.

Sự thờ ơ đối với các vấn đề về quyền và sự quản trị đất nước, dường như là dấu hiệu riêng của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của ông Trump. Nó sẽ làm cho mối quan hệ ngoại giao với các chính quyền độc tài trở nên dễ dàng hơn, bất kể nó làm thất vọng một thế hệ công dân trẻ hơn, những người mà suốt những năm Obama cầm quyền, họ luôn tìm kiếm sự ủng hộ từ phía Mỹ cho khát vọng mở rộng các quyền tự do chính trị và xã hội.

Sự phá vỡ chủ yếu khác với chính phủ tiền nhiệm sẽ là thương mại. Trump đã nói rõ ở Đà Nẵng và Hà Nội, nơi ông ta có bài phát biểu kêu gọi “thương mại công bằng và hợp lý” và lên án thâm hụt thương mại thường xuyên của Hoa Kỳ với hầu hết các nước châu Á.

Đối với chính phủ Hà Nội, thặng dư mậu dịch trị giá 32 tỷ Mỹ kim của Việt Nam với Hoa Kỳ rất quan trọng để cân bằng thâm hụt thương mại trị giá 34 tỷ Mỹ kim với Trung Quốc. Nó không có động cơ để trao cho Trump những gì ông ta thực sự muốn – nhưng nó sẽ cung cấp một ít gia vị. Do đó mới có việc công bố bản ghi nhớ không ràng buộc về một số giao dịch lớn với các doanh nghiệp Mỹ và việc tái công bố một hợp đồng lớn về mua động cơ máy bay của hãng Pratt & Whitney.

Ở đây có sự chồng chéo giữa các vấn đề về quyền và thương mại. Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Obama thúc đẩy sẽ làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng xuất khẩu và mở rộng hơn. Cách tiếp cận song phương được Trump ưu tiên, sẽ mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn và doanh nghiệp nhà nước. Sự tham gia của Mỹ vào TPP sẽ khuyến khích dân chủ hoá theo cách mà chủ nghĩa song phương giữa nhà nước với nhà nước sẽ không xảy ra. Việt Nam là một trong 11 nước đang thúc đẩy TPP, nhưng nếu không có sự tham gia của Mỹ, một số biện pháp tự do hóa, chẳng hạn như cho phép các các công đoàn độc lập, sẽ bị hủy bỏ.

Một lĩnh vực rõ ràng liên tục với chính quyền thời Obama là quân đội. Nói về “trục”“cân bằng” đã qua đi, nhưng khát vọng triển khai thêm các lực lượng tới các khu vực biển Hoa Đông và Đông Nam Á vẫn tiếp tục. Trong tuyên bố chung của hai nước, Trump và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang mong muốn chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam vào năm 2018. Việt Nam sẽ tiếp tục chào đón các tàu chiến Mỹ cho tới khi Washington còn ngân sách để đóng tàu và triển khai chúng.

Điều đó sẽ được hầu hết các chính quyền Đông Nam Á lặng lẽ hoan nghênh, chính xác là vì nó kiểm soát Trung Quốc. Trong một hội nghị sau hội nghị, các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ ý tưởng rằng các nước Đông Nam Á thực sự mong muốn có sự hiện diện mạnh mẽ từ Hoa Kỳ để cân bằng các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ (tức Trung Quốc: ND) nhấn mạnh rằng, nếu Hoa Kỳ rút lui, mọi thứ sẽ yên tĩnh trong khu vực. Các nước như Việt Nam hiểu rất rõ sự “yên tĩnh” sẽ đưa đến kết cục như thế nào và [Việt Nam] đang làm hết sức mình để đảm bảo rằng, mình không phải là “chư hầu” của bất cứ nước nào.

Trên hết, tình tiết này dường như chứng tỏ rằng, thật khó để đưa ra chính sách đối ngoại mà không có kế hoạch rõ ràng. Những lời đề nghị ngẫu hứng này [của Trum] có khả năng gây xáo trộn và báo động hơn là trấn an. Các nhà ngoại giao Mỹ có lẽ sẽ phải mất thêm thời gian để làm giảm nhẹ ý kiến của Trump, giống như họ đã làm khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với Thượng viện rằng, ông sẽ từ chối Trung Quốc tiếp cận 7 căn cứ ở đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở Biển Đông. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính quyền mới của Mỹ đang phát triển một chính sách chặt chẽ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn như thế.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook