Trung Nguyễn
15-11-2017
Giấu đầu lòi đuôi
Mới đây, theo đài VOA tiếng Việt tường thuật, Tiến sỹ Vũ Cao Phan, cố vấn của Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cho biết: “bài học rút ra là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có nhượng bộ lẫn nhau trong vấn đề biên giới trên bộ mà công chúng hai nước đều không được biết (để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ tinh thần dân tộc).”
Theo tôi biết, đây là lần đầu tiên một học giả của nhà nước Việt Nam đã công khai chuyện nhà cầm quyền giấu hiệp định biên giới vì sợ … tinh thần dân tộc của người dân.
Nhân hội nghị APEC mới diễn ra tại Đà Nẵng, truyền thông cũng loan tin, lãnh đạo Việt Nam –Trung Quốc đã đạt được nhất trí về vấn đề kiểm soát bất đồng trên biển Đông, tăng cường hợp tác trên biển. Tuy nhiên, toàn dân Việt Nam không ai biết cụ thể của việc “nhất trí” này là gì.
Cùng với Mật nghị Thành Đô năm 1990 mà tin đồn râm ran trong dân chúng là các lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bán nước cho Trung Quốc vào năm 2020, vậy là có rất nhiều hiệp định với Trung Quốc mà dân Việt Nam phải chịu cảnh “ù ù cạc cạc”, không biết số phận lãnh thổ cũng như dân tộc sẽ như thế nào.
Chỉ riêng chuyện đảng cầm quyền phải giấu giếm người dân nội dung cụ thể của những hiệp định đó, đã cho thấy lợi ích của nhân dân, dân tộc, đất nước khác rất xa với lợi ích của giới lãnh đạo cộng sản. Lãnh đạo đảng cộng sản biết rằng họ không thể nào thuyết phục được người dân về lợi ích và sự cần thiết của các hiệp định đó.
Nội dung bất lợi của các hiệp định đó cũng có thể trở thành con tin để các lãnh đạo Trung Cộng khống chế lãnh đạo Việt Nam. Nếu Trung Cộng quyết định tiết lộ chúng thì việc toàn dân nổi dậy và không tha thứ cho giới lãnh đạo cộng sản là chuyện chắc chắn.
Vành đai Con đường có lợi cho Trung Quốc
Cũng trong hội nghị APEC, hôm 12/11, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chung Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc là một kế hoạch khổng lồ đầy tham vọng. Vành đai trên bộ nối Trung Quốc với Tây Âu thông qua Trung Á và Nga. Con đường trên biển nối Trung Quốc và châu Phi qua châu Âu và biển Đông.
Để thực hiện kế hoạch này, Trung Quốc sẽ hỗ trợ 65 quốc gia để xây đường bộ, đường sắt, cầu, khu công nghiệp,… với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới một ngàn tỷ đô-la.
Mục đích của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai – Con đường là thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía tây Trung Quốc vốn kém phát triển hơn nhiều so với các tỉnh phía đông giáp biển, đẩy hàng hóa tồn đọng của Trung Quốc đi do sản xuất thừa, khống chế các quốc gia khác về kinh tế và chính trị.
Lợi ích của Trung Quốc rất rõ, thế thì lợi ích của người dân Việt Nam nói riêng và của người dân các nước thuộc Vành đai – Con đường nói chung, như thế nào?
Bất lợi cho người dân Việt Nam
Chính các chuyên gia kinh tế trong nước đã cảnh báo từ lâu về việc nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc bị đội vốn, chậm tiến độ, kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, lao động chân tay giá rẻ Trung Quốc tràn sang Việt Nam, cộng với việc thâm hụt thương mại khiến Việt Nam ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, và hệ quả là Việt Nam ngày càng lệ thuộc Trung Quốc về chính trị. Chính lý thuyết của đảng cộng sản luôn rao giảng: “Kinh tế quyết định chính trị”.
Thử xem sẽ có người dân Việt Nam nào dám “liều mình” đi thử tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội xây bằng tiền vay và công nghệ của Trung Quốc?
Đó là ở Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, các khoản cho vay, đầu tư của Trung Quốc đang gây những ảnh hưởng tiêu cực tại nhiều nước khác.
Ở Indonesia, Trung Quốc đã thắng thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở quốc gia này vào năm 2015. Thế nhưng đến giờ này, tất cả chỉ là những hố đen do máy xúc đất chứ chưa thấy dấu vết gì của cái gọi là “đường sắt cao tốc” “made in China”.
Dự án đường sắt cao tốc đến Singapore qua Lào, Thái Lan và Malaysia cũng chịu số phận tương tự. Dù không có gì hiện thực cả nhưng những dự án như vậy để lại gánh nặng nợ rất lớn cho các quốc gia trong dự án.
Còn ở châu Phi, các khoản cho vay, đầu tư của Trung Quốc đã vơ vét sạch tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, cướp đi việc làm của người dân châu Phi, gây nợ nần nghiêm trọng cho các quốc gia đó, khiến người châu Phi có ác cảm với người Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam nghĩ sao khi kẻ đang chiếm đóng lãnh hải của Việt Nam là Trung Quốc lại đang là chủ nợ của Việt Nam?
Giáo sư khoa chính trị học của đại học Phúc Đán Shen Dingli nhận định: “Trung Quốc đã thất bại trong tất cả các hồ sơ Biển Đông, Biển Hoa Đông, tranh chấp biên giới Trung-Ấn, mối quan hệ với Hàn Quốc, và với Triều Tiên. Tóm lại, chính sách ‘láng giếng tốt’ của Trung Quốc không được bất kỳ nước láng giềng tán thành.”
So sánh với Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai, các khoản viện trợ của Hoa Kỳ đã giúp các quốc gia Tây Âu đạt tới thịnh vượng thực sự. Qua đó lãnh đạo Việt Nam cũng nên có sự so sánh để chọn bạn mà chơi.
Thế [nợ] nước đang lên
Việc tăng cường hội nhập, thúc đẩy thương mại là điều tốt để hàng hóa “Made in Vietnam” có thể được bán trên khắp thế giới, đem lại thịnh vượng chắc chắn cho người dân. Nhìn từ quan điểm đó, sáng kiến Vành đai – Con đường là một cơ hội để hàng hóa Việt có thể vào thị trường đông hơn 1 tỷ dân của Trung Quốc cũng như các quốc gia nằm trong Vành đai – Con đường.
Nhưng với vị thế quốc gia đang nợ như chúa chổm, các doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc, thì Vành đai – Con đường là nguy cơ lớn cho nền độc lập và kinh tế của Việt Nam.
Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận tại Quốc hội vào năm ngoái, “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Quản lý nợ công không nước nào giống ta”.
Hệ quả là như tiến sỹ Vũ Quang Việt cho biết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn: “cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP”.
Giải pháp lâu dài
Về lâu dài, bất kể tình hình thế giới diễn biến như thế nào, Việt Nam cần trở thành một quốc gia thịnh vượng về kinh tế và hùng mạnh về quân sự để đủ sức bảo vệ nền độc lập.
Thể chế chính trị độc đảng toàn trị như hiện tại rõ ràng đã không thể làm được điều đó. Thậm chí các lãnh đạo cộng sản còn đang loay hoay với những việc rất căn bản như học tập đạo đức như thế nào, chống tham nhũng thế nào,… Còn các kế hoạch để công nghiệp hóa – hiện đại hóa thì không thấy nhắc tới nữa.
Chính các lãnh đạo cộng sản cũng công nhận nguồn lực Việt Nam rất lớn khi bao nhiêu năm qua tuyên truyền: Đất nước ta giàu đẹp, rừng vàng biển bạc, nhân dân ta anh hùng, cần cù, thông minh…
Tiếc thay, nguồn lực quốc gia đó lại chỉ làm giàu cho một thiểu số rất ít người nhưng lại là gánh nặng nợ nần lớn cho cả dân tộc.
Lời giải cho bài toán này không gì khác hơn là thể chế nhà nước pháp quyền với pháp luật chuẩn mực để người dân mạnh dạn kinh doanh chân chính, một bản hiến pháp chuẩn mực đảm bảo quyền làm chủ bình đẳng của người dân để mọi người, kể cả Việt kiều, cùng tham gia vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, và chính sách đoàn kết quốc gia, trung thực với lịch sử nhưng bao dung, tha thứ để đi tới.
Lãnh đạo chính trực nào dám mạnh dạn nắm bắt nhu cầu quốc gia và khát vọng cháy bỏng này của người dân Việt Nam? Đó là cơ hội rất lớn cho lãnh đạo quốc gia đi vào lịch sử dân tộc.
Tất nhiên là không nên đợi chuyển động từ giới lãnh đạo, mỗi người Việt Nam đã ý thức được vấn đề chính trị – kinh tế – xã hội của quốc gia thì hãy đứng lại với nhau, là người Việt đoàn kết để chủ động cùng nhau thực hiện niềm tin xác quyết “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực”.
Tham khảo: Học giả Việt Nam trấn an Trung Quốc về quan hệ với Mỹ — Đánh giá nền ngoại giao “đại cường quốc” của Bắc Kinh (VOA).
© Copyright Tiếng Dân