Cảm nghĩ về một lá đơn phản ánh cán bộ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến lợi ích của dân

Nguyễn Thiên Hà

9-11-2017

Liên quan đến sự việc một số công dân khiếu nại văn bản ban hành bởi Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TPHCM không cho họ nhập khẩu sách học Pháp Luân Công, trong khi các đơn khiếu nại của người dân là anh Trần Minh Phát và chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền chưa nhận được phản hồi từ Sở TTTT TPHCM thì vào ngày 09/11/2017, chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền tiếp tục chia sẻ trên mạng Đơn phản ánh người cán bộ tên là Trịnh Hữu Anh hiện đang giữ chức danh Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành của Sở TTTT TPHCM.

Khi nghiên cứu nội dung đơn, tôi nhận thấy ngoài việc phản ánh thái độ và năng lực xử lý khiếu nại của ông Trịnh Hữu Anh, chủ đơn chị Ngọc Hiền còn phản ánh người cán bộ này về quan điểm vô lý của ông trong việc thuận theo ý của Trung Quốc. Trong đó, chị đã đưa ra những thông tin, phân tích đáng lưu tâm khi khiếu nại cho quyền lợi của mình và chỉ ra những điểm chưa thỏa đáng trong cách mà ông Hữu Anh lý giải với chị rằng Trung Quốc không ủng hộ Pháp Luân Công nên không cho phép người dân nhập sách học môn này

Thông tin đáng chú ý đầu tiên được đề cập trong đơn đó là bản thân chính quyền Trung Quốc cũng không còn cấm xuất bản sách Chuyển Pháp Luân hướng dẫn học Pháp Luân Công nữa. Bằng chứng là người đứng đầu cơ quan xuất bản và phát hành của Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Thông cáo từ năm 2011 cho biết lệnh cấm xuất bản các sách Pháp Luân Công đã được bãi bỏ (chi tiết xem nội dung đơn bên dưới). Điều này đồng nghĩa với việc từ 6 năm nay, sách Pháp Luân Công về nguyên tắc đã được xuất bản ở đại lục. Như vậy, việc viện dẫn quan điểm của Trung Quốc về Pháp Luân Công nói trên đã không còn có giá trị, vì chính Trung Quốc cũng đã thay đổi quan điểm từ 2011 – thời điểm còn trước cả khi phe phái của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, kẻ chủ mưu bức hại Pháp Luân Công bị thanh trừng hàng loạt trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của chính quyền Tập Cận Bình.

Thông tin quan trọng thứ hai được chủ đơn đề cập đó là dù cho có rất nhiều điều không được ủng hộ dưới chế độ Trung Cộng, trong đó có sách của đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng trên thực tế, rất nhiều sách của ông vẫn được xuất bản tại Việt Nam. Nếu như vậy, trường hợp sách Chuyển Pháp Luân của môn Pháp Luân Công cũng phải được đối đãi tương tự, thậm chí là đơn giản hơn cả sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma bởi vì đích thân cơ quan chức năng của nhà nước Trung Quốc cho biết đã bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Chuyển Pháp Luân. Tiền lệ Việt Nam cho xuất bản sách của đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiếp tục phủ nhận vai trò của Trung Quốc trong việc ảnh hưởng đến những quyết định của Nhà nước Việt Nam liên quan đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân Việt Nam.

Thuận theo chắc gì đã sống, chống lại chưa chắc sẽ chết

Chính quyền Trung Quốc coi rất nhiều người là kẻ thù. Trong thời gian hoạt động của mình, Đảng Trung Cộng đã có lịch sử đàn áp nhiều nhóm tín ngưỡng và tôn giáo như Phật giáo Tây Tạng, Kitô giáo, giết hại những người bất đồng chính kiến… chứ không riêng gì Pháp Luân Công. Nhưng, có một quy luật tuyệt đối khách quan rằng không phải hễ chính quyền Trung Quốc ghét cái gì thì ở Việt Nam, người dân cũng phải…ghét theo. Thậm chí, không phải chính quyền Trung Quốc ghét cái gì thì người dân Trung Quốc cũng phải ghét theo. Quyền tự do lựa chọn điều gì phù hợp với mỗi một cá nhân không phải là thứ có thể thông qua vận động hay mua chuộc mà cải biến, nếu không thì đó chỉ là sự thoả hiệp ngắn hạn và sẽ sớm tan vỡ.

Ở Việt Nam, có một thực tế rõ như ban ngày đó là ngay cả có cố hết “năng lực thoả hiệp” có thể để vừa lòng anh bạn láng giềng hung hăng Trung Quốc thì cũng chẳng đem lại bất kỳ điều gì tốt đẹp cho đất nước Việt Nam mà chỉ thoả mãn thêm dã tâm của một chính quyền hung hãn luôn manh nha thả tàu ngầm lặn ngụp trong lãnh thổ biển đảo nước ta. Hơn nữa, cách thức vận động để thỏa hiệp không bao giờ có kết quả bền vững mà chỉ khiến cho bản thân bị thao túng và chi phối nhiều hơn nữa khi suốt ngày phải nghĩ cách đáp ứng những nhu cầu lố bịch.

Trong khi việc cố gắng “thuận theo” Trung Quốc không mang lại nổi những tháng ngày yên bình trên biển Đông thì việc “chống lại” ý muốn chủ quan của chính quyền này thông qua cho xuất bản nhiều sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma ở Việt Nam trong những năm qua lại không hề mang đến bất kỳ “hiểm hoạ” nào ngoài những cơ hội tiếp cận kiến thức bổ ích mới, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân. Vậy thì có nhất thiết phải “thuận theo” ý của chính quyền Trung Quốc nào đó không trong khi ngay cả đã có tiền lệ “chống lại” hẳn hoi mà chẳng có điều gì ghê gớm xảy ra? Câu hỏi này có lẽ đang “ngân vang” trong lòng nhiều người và hy vọng trong số đó có người cán bộ Phó phòng Xuất bản, In và Phát hành của Sở TTTT TPHCM. Nếu ông Trịnh Hữu Anh là một cán bộ cầu thị, biết tiếp thu ý kiến hợp tình hợp lý, biết lắng nghe và lựa chọn đúng đắn, thì tôi tin rằng ông có thể xử lý ổn thoả những quyết định sai pháp luật mà mình đã ban hành trước đây liên quan đến việc không cho dân nhập khẩu sách Chuyển Pháp Luân học Pháp Luân Công – những quyết định mà nguyên ban đầu được ông lý giải là do làm theo ý muốn của chính quyền Trung Quốc và từ 6 năm nay thì chính ý muốn đó cũng đã bị phủ nhận bởi chính chính quyền nước này.


Toàn bộ nội dung Đơn phản ánh cán bộ sở TTTT TPHCM của chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền: Cán bộ Việt Nam mang luật Trung Quốc áp dụng với người Việt Nam.

Bình Luận từ Facebook