Góp ý với Quốc hội về lương hưu

Giáng Kim Công

10-11-2017

Ngày 9/11 Quốc hội thảo luận khá sôi nổi về lương hưu. Trước đây (2014) tôi đã có bài góp ý kiến về bảo đảm công bằng, hợp lý trong lương hưu, nay xin nhắc lại và góp thêm.

Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ trợ cấp chính sách của VN đang gặp khó khăn, có thể thiếu tiền chi trả. Tại sao vậy? Nguyên nhân trước mắt là thu ít, chi nhiều. Tại sao lại chi nhiều? Một trong các lý do là chế độ chính sách có một số sơ hở, bị nhiều người lợi dụng. Tại sao chế độ có sơ hở? Tại vì người lập ra và người thông qua có trình độ kém. Tại sao trình độ kém? Tại vì… Tại sao có nhiều người lợi dụng? Tại vì… Tại sao lại thu được ít? Tại vì… Nên tìm cho ra nguyên nhân gốc gác, sâu xa, không nên chỉ dừng lại ở chỗ thu ít, chi nhiều.

Khi bàn về lương hưu phải nhìn kỹ từ cả 2 bên: nhận và trả. Tôi tiếp xúc với nhiều người nhận và phát hiện ra rằng, số đông hiểu sai và không ít người nhận sai lương hưu (có lợi cho người nhận và như vậy bị thiệt cho bên trả). Tôi hiều lương hưu gồm 2 phần. Phần cơ bản là của để dành (22% lương chính khi làm việc), gọi đó là A. Phần thêm là trợ cấp xã hội cho người lao động khi về già, gọi là B. Tổng số lương hưu được nhận cho đến lúc chết là: LH = A+B. Phần A là đương nhiên, phần B là trợ cấp nhân đạo, Người hiểu sai cho rằng toàn bộ LH là quyền đương nhiên của người đã từng làm việc trong các cơ quan nhà nước một số năm nào đó. Người nhận sai LH khi phần A của họ rất bé, phần B khá lớn trong lúc họ vẫn khỏe mạnh, vẫn giàu có và kiếm tiền tốt, chưa cần trợ cấp tuổi già. Đó là chưa kể một số đã có hành vi gian lận trong lúc làm việc cũng như khi tính và nhận lương hưu.

Thử lấy một dẫn chứng (hơi đặc biệt một chút, nhưng có thật và không hiếm). Cán bộ quân đội cấp tá, về hưu lúc 48 tuổi, sống đến 94 tuổi. Phần lương để dành (22%) tăng dần trong 25 năm, A= 600 triệu. Lương hưu lĩnh trong 46 năm là LH = 3800 triệu. Vậy B = 3200 triệu. Một GS về hưu năm 65 tuổi, chết khi 75 tuổi. A = 850 triệu. Tổng LH = 1080 triệu; B= 230 triệu. (Nếu vị GS chết trước 70 tuổi thì càng bị thiệt thòi). Riêng cách tính lương hưu hàng tháng cũng có sơ hở, vì thế có người chỉ được 1,3 triệu trong khi có người trên 100 triệu (Nếu tính B của người này thì phải đến hàng vài chục tỷ, trợ cấp xã hội quá lớn cho người đã quá giàu).

Việc tìm ra các sơ hở trong luật không quá khó, nhưng cần người có trí tuệ, có kinh nghiệm và trách nhiệm. Tôi chỉ tạm đóng góp một ý kiến về việc làm rõ A và B trong lương hưu. A phụ thuộc số năm trước khi nghỉ hưu, còn B phụ thuộc số năm sau đó. Tôi đề nghị không trả lương hưu hàng tháng cho đến hết đời mà có giới hạn trên. Đó là số tháng thực tế mà người lao động đã đóng bảo hiểm. Nếu sau thời gian đó mà người lao động còn sống thì họ sẽ được ưu tiên trong việc nhận trợ cấp xã hội cho người già. Thí dụ ông bộ đội nói trên, có 28 năm phục vụ trong quân đội, về hưu năm 48 tuổi, vậy ông có thể lĩnh lương hưu hàng tháng cho đến năm: 48+28= 76 tuổi. Từ 76 về sau, nếu ông giàu có thì không cần xin trợ cấp, còn khi ông gặp khó khăn sẽ được ưu tiên trợ cấp cho người già.

Tôi biết đề nghị trên đây làm thiệt cho một số người nhận nào đó nên sẽ bị phản đối. Tuy vậy thực hiện được sẽ công bằng hơn và có thể giúp bên trả giảm bớt khó khăn. Tôi đang là người nhận, tôi sẵn sàng ngừng lương hưu hàng tháng để xin trợ cấp sau khi đã nhận đủ lương hưu ở giới hạn trên.

Bình Luận từ Facebook