9-11-2017
Khoảng 8.500 người Việt tại Hoa Kỳ có thể bị bắt, giam giữ và trục xuất về Việt Nam, các tổ chức hoạt động vì cộng đồng tại Hoa Kỳ cho biết.
Các tổ chức bắt đầu lo ngại khi có thông tin trong vài tháng gần đây, nhiều người đột nhiên bị bắt, giam giữ, điều chuyển và bị thẩm vấn để trục xuất về Việt Nam.
Con số người bị bắt giữ đã lên đến mức kỷ lục, NBC News dẫn lời bà Đinh Quyên, Chủ tịch Trung tâm Hành động Hỗ trợ Đông Nam Á (SEARAC).
Các tổ chức hoạt động vì cộng đồng ở Philadelphia, California, New York gần như đồng loạt đưa ra cảnh báo khẩn vào cuối tháng 10.
Gần 9.000 người có thể bị trục xuất
Cảnh báo khẩn của SEARAC hôm 30/10 ghi rằng: “Trong vài tuần gần đây, ICE [Cơ quan Kiểm sát Nhập cư và Hải quan] đã tái bắt giữ một số người Việt đã có lệnh trục xuất mà họ không thể trục xuất trước đây.”
Cảnh báo khẩn của SEARAC cho biết tổ chức này phát hiện hồi tháng 9 rằng Hoa Kỳ đã gửi hồ sơ của 95 cá nhân có thể bị trục xuất cho Hà Nội để chính quyền Việt Nam xem xét.
SEARAC cũng ghi nhận các trường hợp lẽ ra không thuộc đối tượng bị trục xuất nhưng vẫn bị bắt giữ trong thời gian vừa qua.
“Từ tháng 10 đến tháng 11, một phái đoàn quan chức Việt Nam sẽ đến Hoa Kỳ để tiến hành các cuộc phỏng vấn ở bang Georgia,” cảnh báo ghi thêm.
Cảnh báo kêu gọi cộng đồng chia sẻ rộng rãi và ngay lập tức liên hệ các tổ chức để được nhận hỗ trợ pháp lý.
Đối tượng nào có thể bị trục xuất?
Theo dữ liệu của Bộ Nội An Hoa Kỳ vào năm 2016, hiện có khoảng 8.560 người Việt có lệnh trục xuất nhưng vẫn sinh sống tại Mỹ. Lí do là vì từ sau chiến tranh, Việt Nam luôn từ chối tiếp nhận những người Việt bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ.
Theo Biên bản Ghi nhớ được hai nước ký hồi 2008, Hà Nội chỉ chính thức đồng ý tiếp nhận các cá nhân gốc Việt đến Hoa Kỳ sau năm 1995 – là năm hai nước bình thường hóa quan hệ.
Từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người Việt bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An.
“Kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ luôn nỗ lực tìm cách trục xuất càng nhiều người càng tốt,” ông Huỳnh Ngọc Diệu, người đứng đầu tổ chức VietUnity nói với BBC.
Tuy nhiên, “thường họ chỉ trục xuất người đến Hoa Kỳ sau 1995”, ông Diệu giải thích thêm.
Nay, đã có những trường hợp đến Hoa Kỳ từ trước 1995 nhưng vẫn bị bắt và giam giữ.
Trong số 95 hồ sơ bị chuyển cho phía Việt Nam hồi tháng 9, có ít nhất ba người đến Hoa Kỳ trước 1995, không thuộc đối tượng bị trục xuất theo thỏa thuận ký năm 2008, NBC dẫn lại thông tin của SEARAC.
Katrina Dizon Mariategue, nhân viên tư vấn Chính sách Nhập cư của SEARAC cho BBC biết tổ chức này bắt đầu phát hiện ra vụ việc sau khi một luật sư thông báo về việc một người Việt đến Hoa Kỳ trước 1995 bị bắt giữ và điều chuyển đến bang Georgia.
Bà Mariategue cho biết năm ngoái Hoa Kỳ trục xuất 35 người Việt; năm nay nếu 95 hồ sơ kia được tiếp nhận thì con số bị trục xuất sẽ tăng gấp 3 lần.
Trump sẽ nêu vấn đề với Việt Nam tại APEC?
Ông Huỳnh Ngọc Diệu, người hiện cũng đang làm việc cho phó thị trưởng thành phố San Jose, California, bình luận rằng chính phủ Trump “đã có một số hành động gây hại đến cộng đồng dân nhập cư.”
“Đây không phải là điều ngạc nhiên. Ông Trump muốn giới hạn nhập cư, muốn trục xuất dân nhập cư, và ông ấy ủng hộ dự luật RAISE Act,” ông Diệu nói.
“Bây giờ điều chúng tôi lo ngại nhất là chuyến thăm đến Việt Nam của Trump. Với số lượng người bị bắt giữ mang tính kỷ lục, đây là bằng chứng cho thấy chính phủ Trump đang nỗ lực khiến phía Việt Nam tiếp nhận thêm người bị trục xuất.”
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều gia đình, con cái phải rời xa cha mẹ. Đây là điều không ai mong muốn,” ông Diệu nói thêm.
Cùng mối quan ngại với ông Diệu, bà Mariategue nói rằng việc Hoa Kỳ muốn trục xuất cả những cá nhân tới Mỹ trước 1995 là một tín hiệu xấu.
Bà e rằng Washington đang tìm cách tái thỏa thuận hoặc mở rộng Biên bản Ghi nhớ năm 2008 để có thể trục xuất thêm người. “Nếu như vậy, có khả năng khoảng 9.000 người Việt sẽ bị ảnh hưởng,” bà Mariategue nói.
Tháng trước, chính phủ ông Trump đã ra lệnh trừng phạt đối với Campuchia và ba nước châu Phi khác vì đã không chịu tiếp nhận người bị trục xuất.
Cũng đồng tình với ông Diệu, bà Mariategue nói: “Chúng tôi lo ngại rằng ông ấy sẽ đặt vấn đề này với Việt Nam vì ông đã có những lời bình luận trong quá khứ về việc trừng phạt những nước không tiếp nhận người bị trục xuất.”
BBC đã liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội để xác nhận thông tin nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.