Đọc “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” của Phạm Thanh Nghiên

Thạch Đạt Lang

27-10-2017

Ảnh bìa sách: “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”, của Phạm Thanh Nghiên

Tôi biết đến quyển Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của Phạm Thanh Nghiên khi đọc lời giới thiệu của tác giả Đào Trường Phúc trên Đàn Chim Việt. Tò mò, tìm hiểu lý do nào khiến một cô gái ốm yếu, chưa bao giờ nặng đến 45 kg, cận thị nặng, bệnh tật dầm dề sau những năm tháng tù tội, bị hành hạ, đánh đập, tra tấn… vẫn ngẩng cao đầu, tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn mà không hề sợ hãi, chùn bước trước gông cùm, tù đày, bạo lực của kẻ thù – chế độ cộng sản Việt Nam – khiến tôi nhanh chóng đặt mua sách trên amazon.

Hai ngày sau, khi nhận được sách, chỉ mới đọc hết chương đầu với lời bộc bạch của Nghiên, tôi thấy mắt mình cay cay vì cảm nhận được chân tình, sự quả cảm của Nghiên qua những lời tự thuật. Thường, những người viết hồi ký chỉ khoe khoang những thành tích, chiến công của mình, hoặc chí ít nói về gia đình danh giá, xuất thân vọng tộc… ít người nói đến những khuyết điểm, thất bại của mình trong cuộc đời. Phạm Thanh Nghiên ngược lại, thú nhận một số những hành động (theo sự tự đánh giá bản thân) là lỗi lầm, thất bại của chính mình, những lỗi lầm, thất bại khó lòng sửa chữa, không thể tha thứ. Đó không phải là điều ai viết hồi ký cũng làm được.

Hơn thế nữa, Nghiên không phải là một người con nhà trâm anh thế phiệt, có địa vị, quyền lực hay giàu có, nổi tiếng tài ba trong một lãnh vực chuyên môn nào đó để được thiên hạ trọng vọng, kính nể. Nghiên chỉ là một cô gái nhỏ bé, yếu đuối ở độ tuổi 30, từng làm đủ nghề để mưu sinh, phụ mẹ mót than, quét rác… trước khi bước chân vào tù và từ đó trở nên nổi tiếng, được nhiều người, nhiều tổ chức trên thế giới biết đến, với những hành động quả cảm, can trường khi tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Một điểm đặc biệt khác là Phạm Thanh Nghiên cũng như thân phụ cô đã một thời yêu kính ông Hồ Chí Minh, ngay cả khi thân phụ cô phát giác ra sự tuyên truyền lừa bịp, gian dối, lưu manh của Hồ Chí Minh và đảng CSVN, dẹp bỏ bàn thờ đảng, ông Hồ đi thì cô vẫn tiếp tục tôn kính con người này, vẫn kẹp, giữ hình ảnh ông Hồ vào trong sách. Chỉ đến khi nhận ra được thực chất của xã hội VN dưới sự cai trị của đảng CS, hình tượng ông Hồ mới hoàn toàn sụp đổ trong tâm tưởng của Nghiên.

Đọc một cách chậm rãi, mất hơn nửa ngày tôi mới đọc hết 278 trang phần Việt ngữ với hình ảnh đính kèm cùng những lời bạt, giới thiệu, phi lộ của các nhà văn Vũ Thư Hiên, Đào Trường Phúc, Vũ Đông Hà, Nguyễn Xuân Nghĩa…

Viết lại những cảm nghĩ của mình sau khi đọc, tôi không có ý giới thiệu quyển hồi ký của Phạm Thanh Nghiên hay bàn đến giá trị của nó, bởi quyển sách tự nó đã có giá trị từ sự chân thật, lòng can đảm, ý chí bất khuất trước cường quyền, bạo lực, cũng như tình thương, lòng nhân ái, không hận thù, căm ghét những kẻ đã bắt giữ, hỏi cung, hành hạ, đánh đập, tra tấn mình.

Phạm Thanh Nghiên viết không phải để kể lể về tiểu sử hay khoe khoang thành tích tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền hoặc than thở về thời gian bị tù tội, đánh đập, cực khổ của mình. Nghiên chỉ kể lại những chuyện vụn vặt thường nhật xẩy ra trong đời tù, không có thứ tự thời gian. Mục đích của bài viết này, do đó chỉ thuật lại cho độc giả – những người không có điều kiện mua hay đọc trực tiếp tác phẩm của Phạm Thanh Nghiên – một vài chuyện trong đời người tù Phạm Thanh Nghiên dưới chế độ cộng sản VN.

Nói về cuộc sống không có nhân phẩm, cơ cực, tối tăm, đói khát, bệnh tật không có thuốc chữa, bị hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man trong tù cộng sản VN thì đã có nhiều người viết như các tác phẩm Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Trại Cải Tạo của Nguyễn Ngọc Ngạn, Thép Đen của Đặng Chí Bình… Tuy nhiên có những chuyện Phạm Thanh Nghiên kể lại mà ngay cả người viết bài này, dù đã ở tù cải tạo tập trung gần 3 năm sau ngày 30.04.1975 cũng không tưởng tượng nổi, chứ chưa nói đến người dân, những người chưa hề biết mùi tù cộng sản ra sao.

Ở các nước tự do, dân chủ Âu- Mỹ, việc xiềng chân được áp dụng trong khi di chuyển tù nhân nhưng chỉ đối với những phạm nhân mang tội giết người hoặc cực kỳ nguy hiểm, có thể có hành động bạo lực để vượt ngục. Chỉ riêng ở Viêt Nam, chế độ CSVN xiềng chân Phạm Thanh Nghiên – một cô gái tuổi 30, ốm yếu, phạm tội yêu nước, trong tay không một tấc sắt, chưa hề có một hành động bạo lực nào với bất cứ ai – từ trại tạm giam Trần Phú lên Thanh Hóa suốt mấy tiếng đồng hồ, áp giải Nghiên là 3 công an (trang 104- 107). Đó cũng không phải là lần đầu tiên Nghiên bị xiềng chân, ngay khi vào trại tạm giam, Phạm Thanh Nghiên đã bị xiềng chân lẫn tay khi đi hỏi cung đầu tiên (trang 66- 67).

Từ sự việc này, dễ dàng nhận thấy sự hèn hạ, đê tiện cũng như yếu đuối của chế độ cộng sản VN trước người tù chính trị. Họ sợ hãi điều gì khi đối diện với một cô gái yếu ớt, cận thị nặng, trói gà không chặt, nặng không quá 40 kg? Họ sợ lẽ phải và công lý, vì ngay cả khi bị xiềng cả tay lẫn chân, họ đã không khuất phục được Nghiên. Cô vẫn bông phèng (chữ Nghiên dùng, có nghĩa bỡn cợt) với công an áp giải mình (trang 65):

“-  Này anh! Giúp tôi môt việc được không?

– Việc gì chị?

– Nhờ anh đăng ký với kỷ lục ghi- nét (Guiness – văn khố ghi nhận những kỷ lục thế giới do con người đạt được trong tất cả các lãnh vực) công nhận tôi là người phụ nữ có cái lắc chân to độc nhất thế giới nhé”.

Sự bình thản, không giận dữ, hận thù, nóng nảy, bực tức của Nghiên đã khiến các điều tra viên của cộng sản đầu hàng:

– Chúng ta làm việc thôi chị Nghiên.

Tên Chiềm nhắc.

– Anh bảo gì cơ?

Vẻ ngoan ngoan lúc đầu của tôi khiến họ không chuẩn bị tâm lý đối phó với sự phản công.

– Chúng ta vào việc.

– Làm gì có chuyện ấy. Các anh nghĩ tôi sẽ làm việc với các anh trong tình trạng này sao?

– Đây là quy định của…

Không để anh ta nói hết câu, tôi ngắt lời:

– Là quy định của các anh thôi. Nguyên tắc của tôi là không làm việc với các anh trong tình trạng này.

Cuối cùng, một trong hai điều tra viên phải ra lệnh cho trực trại mở xiềng chân và thanh sắt chắn ngang ra:

– Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi cho phép các anh làm thế. Nếu việc này còn tái diễn thì các anh sẽ chỉ nhận được một sự duy nhất từ tôi, đó là sự im lặng. Các anh nhớ cho. (trang 67).

Một trong những nham hiểm cực kỳ của chế độ CS là gài ăng ten. Ăng ten thì ở đâu cũng có, ngoài đời là tổ trưởng, tổ phó an ninh, trong tù là bạn tù, những người được giam chung, họ còn được gọi là rích, ly, chó… Thủ đoạn gài ăng ten này khiến người tù nghi ngờ, đề phòng, thù ghét lẫn nhau, không khí nhà tù vì thế càng thêm ảm đạm, đen tối.

Những người nhận làm ăng ten cho công an theo dõi, báo cáo những điều nghe, thấy từ các bạn tù chung phòng hoặc được dàn dựng để biệt giam chung chỉ có hai người. Họ báo cáo những chuyện mà người tù có thể không khai với điều tra viên nhưng lại tâm sự với bạn tù, Họ làm như thế để đổi lấy những lợi ích cho bản thân như cho thăm nuôi lâu, rút ngắn thời gian giam giữ, nhận quà nhiều lần… Nhiều tù nhân mắc họa, khốn nạn, chết dở vì những lỗi lầm này.

Ngay trong ngày biệt giam đầu tiên, Nghiên đã nhận ra mình bị nhốt chung với môt ăng ten nhưng cô không quan tâm và tự đặt cho mình một phương châm sống trong tù: Hòa bình, thân thiện với tất cả mọi người. Có lẽ chính điều này đã cảm hóa được Luyến, người tù hình sự bị biệt giam chung với Nghiên. Luyến đã báo cáo nhiều điều về Nghiên cho công an nhưng cô không giận dữ cũng không trách cứ gì Luyến, cô luôn nghĩ rằng một người có chính nghĩa, đấu tranh công khai như cô không có điều gì bí mật để giấu giiếm hay tạo cơ hội cho người khác khai thác.

Một chuyện man rợ khác của chế độ CSVN là không phát băng vệ sinh cho nữ tù nhân. Nhiều nữ tù đã phải dùng những miếng vải vụn thay thế băng vệ sinh, sau đó đem đi giặt để dành sử dụng cho lần tới. Bất mãn vì sự vô nhân tính này, Nghiên đã đem vấn đề ra hỏi nhiều cai tù nhưng không nhận được câu trả lời.

Có những người nữ tù đã sợ hãi, tái mặt khi nghe Nghiên nói: “Nhà tù có bổn phận phải cấp băng vệ sinh cho chúng mình”. Họ khuyên Nghiên không nên đòi hỏi, thắc mắc chuyện đó: “Không có mày bọn tù vẫn thế, vẫn chịu khổ được, có ai chết đâu? Vả lại đòi cũng không được. Chả bao giờ chúng nó nhượng bộ”. Nghiên đã trả lời: “Đã đòi đâu mà nói không được? Các chị không cần, nhiều người khác cần”.

Cai tù cho ăng ten dò hỏi xem Nghiên định làm gì về vụ băng vệ sinh nhưng cô cứ lúc bông phèng, khi nghiêm túc, mọi người tưởng chuyện đã êm. Mấy tháng sau, bất ngờ một hôm được gia đình lên thăm, Nghiên thấy vui và trên đường từ phân trại ra gặp người nhà, Nghiên chợt hỏi người cai tù: “Hỏi thật nhé! Bây giờ có một tù nhân tuyệt thực cho đến chết để đòi được cấp băng vệ sinh thì sao nhỉ?

Câu hỏi đó đã khiến ban giám thị trại tù chột dạ, sau đó họ quyết định cấp băng vệ sinh cho các nữ tù. Tuy nhiên, với bản chất bất lương, gian manh cố hữu, ban giám thị trại tù lại cắt bớt phần giấy vệ sinh khiến những người nữ tù già không còn kinh nguyệt chới với vì họ không cần băng vệ sinh nữa nhưng lại mất đi phần giấy. Đúng là chuyện nửa khôi hài, nửa chua chát, đắng cay.

Tuy nhiên đối với các điều tra viên thì khác hẳn, dù không căm thù họ nhưng Nghiên luôn đốp chát, ăn miếng trả miếng khi cần thiết. Trong một lần đi cung, Nguyễn Thanh Dương, tên điều tra viên kiếm cách khủng bố tinh thần Nghiên bằng môt bài thơ. Biết Nghiên có một bà mẹ thật tuyệt vời và Nghiên rất thương yêu mẹ, Dương đã đọc bài thơ “Thư Gửi Thầy Mẹ” của Nguyễn Bính trong buổi hỏi cung (trang 98- 99):

“Ai về làng cũ hôm nay,

Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.

Con đi mười mấy năm trời,

Một thân, một bóng, nửa đời gió sương…”

Dương đọc hết bài thơ, sau đó đã ví von bài thơ hợp với hoàn cảnh của Nghiên khi nhấn mạnh hai câu:

“Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi

Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư”

Nguyễn Thanh Dương nghĩ rằng mình đã đánh một đòn chí mạng vào tinh thần của Nghiên nhưng anh ta đã lầm. Nghiên bình tĩnh đáp trả ngay lập tức, không chờ sự đồng ý của công an Dương, đọc ngay bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ:

“Gặm một mối căm hờn trong củi sắt

Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ

Dương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm”…

Chỉ mới đọc được 4 câu, tên điều tra viên đã không dằn được cơn thịnh nộ, gầm lên: “Chị thôi đi”. Buổi hỏi cung chấm dứt bằng câu hăm dọa: “Chị cũng thú vị đấy. Để xem chị còn hiên ngang được bao lâu”.

Con người Phạm Thanh Nghiên, bên cạnh sự đối đầu không khoan nhượng với cán bộ công an, điều tra viên chế độ cộng sản, còn có một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm sâu đậm, thương yêu không những chỉ với dân tộc, đất nước, bạn tù mà kể cả loài vật cũng thế. Một chuyện tiêu biểu là tình thương đối với con mèo Bim Bô, người bạn thân thiết nhất của Nghiên trong tù. Chủ con mèo vốn là một cặp vợ chồng cai tù phụ trách khu căng tin trong trại nhưng không mấy khi chăm sóc, nâng niu, vuốt ve nó.

Tên Bim Bô do Nghiên đặt cho con mèo ngay khi thấy nó lần đầu tiên, cái tên bật ra như một tia chớp, không suy nghĩ, không tìm kiếm. Trước đó con mèo không có tên. Từ khi có tên, mỗi lần Nghiên gọi, dù đang lang thang ở đâu, con mèo vẫn vội vã quay lại với Nghiên khiến cho cả trại tù ngạc nhiên, kể cả hai vợ chồng cai tù coi căng tin, chủ thật sự của con mèo. Bất cứ người tù nào khác tìm cách dụ dỗ Bim Bô lại gần đều thất bại.

Nhưng tình bạn giữa Nghiên và Bim Bô không kéo dài lâu. Khi có phái đoàn ở bộ công an xuống thanh tra trại, con mèo bị giám thị trại giết chết, để làm thịt đãi phái đoàn. Khi nghe tin, Nghiên đả bủn rủn tay chân, đi không vững, sau đó ôm mặt khóc rưng rức.

Còn nhiều chuyện khác nữa rất cảm động như chuyện Mẹ Con Thằng Khoai Tây, Ba Sao Chi Mộ… Nhưng chỉ mới đọc qua vài mẫu chuyện vụn vặt theo lời tự thuật, tôi hiểu tại sao chế độ CSVN lại sợ hãi Phạm Thanh Nghiên, chẳng qua Nghiên có những thứ mà người CSVN hiện nay rất thiếu thốn, đó là lòng yêu nước, tình thương, nhân cách, niềm tin vào lẽ phải, công lý… khiến cho mọi nhân viên điều tra, cán bộ công an, cai tù… đều đuối lý, gục mặt khi tranh luận với Nghiên.

Vừa định kết thúc bài viết thì nhận được tin Phan Kim Khánh, một sinh viên trẻ năm thứ ba của đại học Thái Nguyên vừa bị tòa án Thái Nguyên kết án 6 năm tù, 4 năm quản chế vì tội yêu nước… không xin phép chế độ cộng sản, tức là vi phạm điều 88 bộ luật hình sự.

Lại một lần nữa, chế độ CSVN lộ rõ sự yếu đuối, hèn hạ, vô nhân của họ khi dùng bạo lực, nhà tù để đàn áp lòng yêu nước chân chính, dập tắt những tiếng nói đòi hỏi tự do, dân chủ, công bằng cho xã hội.

Bình Luận từ Facebook