Hậu quả của việc Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Hiếu Bá Linh, biên dịch

7-10-2017

Ảnh chụp bài báo trên nhật báo TAZ của Đức

“Những cuộc đi thăm cấp cao”, như Bộ Ngoại giao Đức nói, tối thiểu là sẽ bị hạn chế trong tương lai. Đức sẽ không ký kết những dự án (viện trợ) mới, cho đến khi nào Hà Nội đáp ứng phù hợp những yêu cầu của phía Đức.

Nhật báo TAZ của Đức, ấn bản in – số ra cuối tuần 7./8.10.2017, cũng như bản điện tử online, đăng một bài báo nói về nguyên do tại sao chính phủ Đức quyết định đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và những hậu quả của nó, mới đây nhất là không còn miễn visa cho những nhà ngoại giao Việt Nam và những người mang hộ chiếu ngoại giao khi vào Đức.

Sau đây là bản dịch bài báo – bản điện tử online (so với ấn bản in, bản online đầy đủ có nhiều chi tiết hơn):

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin – Hà Nội, không thể như thế được

Vì Việt Nam không trao trả người đàn ông bị mật vụ nước này bắt cóc, nên Berlin đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược

Theo một Tuyên bố báo chí, về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, Chính phủ Liên bang Đức không còn yêu cầu cho Trịnh Xuân Thanh trở lại nước Đức, mà chỉ đòi hỏi một phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh (người đàn ông bị mật vụ Việt Nam bắt cóc) theo chuẩn mực nhà nước pháp quyền với sự tham dự của các quan sát viên quốc tế. Ngoài ra phải trừng phạt những người có trách nhiệm cũng như một lời xin lỗi của chính phủ Việt Nam và cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.

Nhưng Hà Nội đã không đáp ứng phù hợp, vì thế Đức đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia ở Đông Nam Á này.

Theo tường thuật trước đây của tờ TAZ, một cựu chính trị gia Việt Nam đã bị mật vụ nước này bắt cóc hồi cuối tháng 7, tại công viên Tiergarten Berlin, trước đó người này đã nộp đơn xin tỵ nạn. Một tuần sau, ông tái xuất hiện ở Hà Nội. Theo thông tin của phía Việt Nam đưa ra thì ông đã tự ra đầu thú trước cơ quan điều tra ở đó.

Hà Nội vẫn khăng khăng giải thích như thế với chính phủ Đức, mặc dù những dấu vết ở hiện trường cho thấy không phải là vậy. Hà Nội cáo buộc Trịnh Xuân Thanh biển thủ số tiền lớn hàng trăm triệu. Án tử hình vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.

Việc đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam có ý nghĩa gì? Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin không có câu trả lời chính thức cho câu hỏi trên. Tuy nhiên một viên chức cho biết, giờ đây những nhà ngoại giao Việt Nam cần phải có visa để vào nước Đức. Trước đây những nhà ngoại giao cũng như những người mang hộ chiếu ngoại giao được miễn visa khi vào Đức. Cả người bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – ông có hộ chiếu ngoại giao nhờ vào tư cách Đại biểu Quốc hội – lẫn ít nhất 3 nhân viên mật vụ từ Hà Nội đến Đức thực hiện vụ bắt cóc đều đã được hưởng lợi: miễn visa vào nước Đức.

Không có hạn chế đối với người dân bình thường

Tuy nhiên không có hạn chế visa đối với người dân bình thường. Bộ Ngoại giao Đức đã bác bỏ những tin tức trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt, mà đưa tin rằng những thanh niên trẻ muốn du học Đức, đến tháng giêng năm sau mới có thể nhận được lịch hẹn nộp đơn xin visa ở Đại sứ quán Đức.  Phía Đức đưa ra lời giải thích chính thức: Tình trạng này chỉ là do nhu cầu đăng ký lịch hẹn cao, cộng thêm việc thiếu nhân viên.

Theo như tờ TAZ có được tin từ Bộ Ngoại giao, những dự án (viện trợ) hợp tác phát triển nào đang tiến hành thì sẽ được thực hiện tiếp tục. Nhưng sẽ không ký kết những dự án (viện trợ) mới, cho đến khi nào Hà Nội đáp ứng phù hợp những yêu cầu của phía Đức. Dự án “Đối thoại nhà nước pháp quyền” cũng tương tự như vậy: những gì đã bắt đầu sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên sẽ không có các diễn đàn đối thoại nào được dự trù cho tương lai.

Những dự án lớn, được gọi là dự án hải đăng, về hợp tác kinh tế không bị ảnh hưởng bởi sự đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược. Siemens với sự hỗ trợ của nhà nước Đức đã nộp đơn tham gia đấu thầu đường xe điện ngầm ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi nhà Đức ở thành phố Hồ Chí Minh hầu như đã hoàn thành, đó là một tòa nhà đại diện, Tổng lãnh sự quán Đức và những doanh nghiệp khác nhau sẽ dời về đó, nó sẽ được tiến hành tiếp tục, tất nhiên sẽ không có lễ khai trương với sự tham dự của các quốc khách. “Những cuộc đi thăm cấp cao“, như Bộ Ngoại giao Đức nói, tối thiểu sẽ bị hạn chế trong tương lai.

Phát ngôn viên chính phủ Đức, Steffen Seibert giải thích rằng phía Việt Nam biết rõ, “họ có thể làm như thế nào để khôi phục mối quan hệ song phương, họ có thể làm như thế nào để chuộc lỗi thất tín và chà đạp luật pháp“. Tại Hà Nội có những lời lẽ thân thiện với giới chức Đức và chúc mừng bà thủ tướng Angela Merkel thắng cuộc bầu cử vừa qua, nhưng hoàn toàn im lặng không đá động đến vấn đề cốt lõi của nó.

Nguồn: http://taz.de/Aus-Berlin-verschleppter-Vietnamese/!5451739/

Bình Luận từ Facebook