Đối với công an phải kính trọng, lễ phép

Blog VOA

Trân Văn

29-9-2017

Công an tịch thu bong bóng nhân quyền mang đi. Hình minh họa. (Ảnh: Danlambao)

Cuối cùng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung – 21 tuổi và Ngô Thị Kiều – 16 tuổi cũng được Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM phóng thích.

Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào tại Việt Nam cũng có các trung tâm hỗ trơ xã hội, tại một số nơi, người ta không dùng hai chữ “hỗ trợ” mà gọi là “bảo trợ”. Dù “hỗ trợ” hay “bảo trợ” thì về tính chất những trung tâm này chẳng khác gì nhau – là chỗ giam giữ những người vô gia cư hoặc các cá nhân bị coi là “tệ nạn xã hội” như nghiện ma túy, mại dâm… Giá phải trả cho chỗ ở, miếng ăn mà các trung tâm “hỗ trợ” hay “bảo trợ” xã hội cung cấp là tự do tạm thời bị tước bỏ trong thời gian được “hỗ trợ” hay “bảo trợ”.

Theo báo chí Việt Nam thì Nhung và Kiều bị công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM tạm giữ trưa 18 tháng 9 vì… không có giấy tờ tùy thân. Đến chiều cả hai bị tống vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. Bất kể chủ quán cà phê xin bảo lãnh vì hai cô là người quen của họ, bất kể thân nhân của họ đã nộp cả bản gốc giấy tờ tùy thân lẫn xác nhận của chính quyền địa phương rằng họ có… hộ khẩu thường trú, cả hai vẫn phải chờ các bên liên quan “họp” xem có “thống nhất” về chuyện trả tự do hay không.

Câu chuyện hai thiếu nữ đi uống cà phê, không mang theo giấy tờ tùy thân nên bị tước đoạt tự do trong chín ngày làm dư luận dậy sóng. Công chúng gọi đó là “lạm quyền”, “lộng hành”, “man rợ” và giống như facebooker Đoàn Bảo Châu, nhiều người tâm sự rằng sự kiện vừa kể làm họ cảm thấy “điên hết cả người”.

Không ít người như Phạm Quang Khải nhận ra nguy cơ chính họ cũng có thể bị tạm giữ rồi bị tước đoạt tự do như Nhung và Kiều: Đi du lịch một mình, khách sạn tạm giữ chứng minh nhân dân, chỗ cho mướn xe thì tạm giữ, công an mà hỏi giấy tờ tùy thân thì… Cũng có facebooker như Ngoc Pham, hoang mang: Hình như xứ sở này đang bị ma ám nên mới xảy ra những chuyện chẳng bao giờ, chẳng có ai tin là thật!

Nguyễn Thu Trang kể trên facebook của cô rằng, hôm còn làm báo, cô từng cải trang, giả làm “gái hư” và thường xuyên bị công an bám theo, ép vào những chỗ tối tăm nhất để “kiểm tra giấy tờ” mà thực chất là buộc chi tiền. Bị dọa dẫm, sàm sỡ là chuyện xảy ra thường xuyên. Trong thời gian cải trang ấy, cô còn được một sĩ quan công an gạ gẫm – mời tham gia một tổ chức chuyên cung cấp gái mại dâm do chính sĩ quan này bảo kê. Các trung tâm hỗ trợ (bảo trợ) xã hội cũng chẳng tử tế gì hơn. Quanh đó luôn có rất nhiều người làm trung gian giữa thân nhân người đang bị cầm giữ với những cá nhân đang làm việc trong trung tâm. Ngoài chuyện phải trả tiền, nếu dễ coi, thân nhân còn phải hối lộ bằng chính thân xác của họ để người nhà được hưởng tự do.

***

Trước giờ, trụ sở nào của công an Việt Nam cũng trưng bày “Năm lời thề danh dự của Công an nhân dân”, “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Mười điều kỷ luật của công an nhân dân”.

Lời thề thứ ba trong “Năm lời thề danh dự của Công an nhân dân” là “Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Điều thứ ba trong “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân” là: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”.

Điều thứ năm trong “Mười điều kỷ luật của công an nhân dân” là: “Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân”.

Trong câu chuyện liên quan đến Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều, có một chi tiết mà cả báo giới lẫn nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam không lưu tâm đúng mức là Nhung và Kiều bị tống vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM không đơn thuần do không có giấy tờ tùy thân. Nguyên nhân chính khiến họ bị tước đoạt tự do suốt chín ngày là vì “không hợp tác với công an”.

Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch phường Tam Bình đã khẳng định cả trên văn bản lẫn khi trả lời phỏng vấn rằng, cả hai không chịu cung cấp thông tin về chỗ ở, số điện thoại liên lạc với thân nhân thành ra tống cả hai vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là “đúng qui định” và “đúng qui trình”.

Không rõ khi bị đưa vào trụ sở Công an phường Tam Bình, Nhung và Kiều có đọc qua, có tin công an phường Tam Bình sẽ thực thi “Năm lời thề danh dự của Công an nhân dân”, “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, “Mười điều kỷ luật của công an nhân dân” hay không nhưng rõ ràng hai cô không nhớ “kinh nghiệm” cần được rút ra và “bài học” cần phải thuộc lòng từ thực tế của xã hội Việt Nam, vốn ngược lại với những thứ mà công an nhân dân Việt Nam vẫn trưng bày ở khắp nơi ấy, đó là: “Đối với công an, nhân dân phải kính trọng, lễ phép”.

Luật pháp hiện hành tại Việt Nam không có qui định nào buộc công dân phải “hợp tác với công an” nhưng “không hợp tác với công an” sẽ tạo ra đủ thứ rắc rối.

Tại Việt Nam, những câu chuyện có tính chất như Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều đâu có hiếm. Chuyện gần nhất, ít người để ý, bận tâm còn tệ hơn nhiều.

Cách nay khoảng nửa năm, tối 10 tháng 3, sau khi lao vào dập ngọn lửa vừa bùng lên, có thể sẽ thiêu rụi một vựa ve chai ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Lê Ngọc Phượng, 30 tuổi, quay về nhà thay bộ quần áo đã sũng nước. Trên đường về, Phượng lỡ miệng, nặng lời với một sĩ quan công an phường khi viên sĩ quan này hỏi: Mày đốt nhà người ta à?…

Thay quần áo xong, Phượng quay lại hiện trường, dùng điện thoại chụp cảnh lực lượng cứu hỏa đang chữa cháy thì công an phường đột ngột xông tới, đánh Phượng gục xuống, còng tay, chở về trụ sở công an phường Ea Tam để… điều tra.

Trưa hôm sau, công an phường Ea Tam đưa biên bản về việc tạm giữ Phượng cho anh ký. Vì biên bản ghi rằng Phượng “không bị đánh đập” nên anh không ký. Công an phường Ea Tam bảo Phượng muốn được thả thì phải ký biên bản, nếu không đồng ý về chuyện “không bị đánh đập” thì có thể ghi ý kiến của anh ở cuối biên bản. Ký xong, Phượng chưa kịp viết ý kiến của mình vào cuối biên bản thì công an giựt biên bản lại.

Thay vì trả tự do cho Phượng, công an phường Ea Tam đã gọi xe chở Phượng tới… Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk. Tại đó, Phượng bị nhốt vào khu dành cho những người bị bệnh tâm thần!

Phượng bị nhốt ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk hai ngày thì gặp một nhóm từ thiện đến thăm và tặng quà cho những người đang bị cầm giữ. Anh đưa họ số điện thoại, địa chỉ nhờ họ thông báo cho gia đình. Khi gia đình Phượng liên lạc với Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk, họ chưng hửng bởi hồ sơ mà Công an phường Ea Tam lập để gửi Phượng vào đó, ghi rằng Phượng “không cha, không mẹ, không nơi cư trú, sống lang thang”!

Mẹ Phượng kể thêm với tờ Pháp Luật Việt Nam là trước khi được một cặp vợ chồng tốt bụng tìm tới tận nhà báo tin Phượng đang bị cầm giữ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Đắk Lắk, Công an phường Ea Tam có đến nhà, đưa cho bà một thông báo, cho biết công an bắt quả tang Phượng dùng ma túy nên cần chữ ký của bà để hoàn tất hồ sơ đưa Phượng đi cai nghiện…

Chủ vựa ve chai bị cháy tối hôm 10 tháng 3 khẳng định với tờ Pháp Luật Việt Nam là nếu không có Phượng báo cháy, giúp dập lửa, tiệm ve chai của ông đã cháy rụi. Ông đã hai lần tìm đến nhà Phượng để cảm ơn và hậu tạ nhưng Phượng không nhận. Chuyện Phượng với công an thì ông không rõ.

Theo kết quả giám định của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, Phượng bị đáng thủng màng nhĩ tai trái. Đến giờ, Phượng và gia đình vẫn đang khiếu nại.

Giống như Nhung và Kiều, Phượng gặp họa cũng chỉ vì thiếu kính trọng và lễ phép đối với công an. Đâu có ít công dân Việt Nam, khi công an nhân dân Việt Nam gọi mà không chịu “dạ”, bảo mà không thèm “vâng” đã rơi vào vào tình trạng “lúc đi vào, không ai đưa tiễn, lúc trở ra có sáu người khiêng”!

Bình Luận từ Facebook