Khủng hoảng Rohingya – Bài học cho Việt Nam

LTS: Tác giả so sánh câu chuyện người Rohingya đã sống định cư lâu đời ở Myanmar với tình trạng nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam, làm ăn sinh sống bất hợp pháp hiện nay, là một sự so sánh khập khiễng.

Từ thời xa xưa, khi người Trung Quốc chạy loạn sang Việt Nam định cư, họ đã trở thành người Việt gốc Hoa. Người Việt Nam không xem những người Hoa này là những người cư trú bất hợp pháp, nên không ai đòi đuổi họ về nước, như chính quyền Myanmar đang đối xử với người Rohingya.

Hàng trăm năm qua, những người cầm quyền ở Việt Nam trải qua bao nhiêu đời cũng đã công nhận những người Hoa đó là người Việt, họ mang quốc tịch Việt, cho tới giai đoạn cuối thập niên 1970s, sau khi những người CSVN chiếm miền Nam, xảy ra xung đột với người “đồng chí”, “anh em” cộng sản Trung Quốc, nên CSVN trục xuất những Hoa về nước, mà thế giới cho rằng, đó là một cuộc “thanh trừng sắc tộc”.

Tương tự, những người Hồi giáo Rohingya đã đến khu vực Arakan ở Myanmar định cư hàng trăm năm trước. Họ cũng giống như những người Việt gốc Hoa đến Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước, nhất là giai đoạn thế kỷ 17, khi nhà Minh sụp đổ, những người TQ không thần phục nhà Thanh, hàng loạt người rời bỏ quê hương, di cư sang VN và các nước khác, chọn vùng đất mới làm quê hương của mình.

Đề tài Rohingya là một đề tài cần phải có sự quan tâm ở tầm vóc quốc tế, hiện đang được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc đặc biệt chú ý. Chuyện đúng sai theo lý lẽ của mỗi bên, có lẽ không phải là chủ đề để quốc tế tranh luận, mà họ chỉ chú ý tới chiến dịch “thanh trừng sắc tộc” xảy ra đối với người Rohingya, đã gây nên “thảm họa nhân đạo” mà chúng ta đang chứng kiến trong nhiều tháng qua.

Bài học về cuộc khủng hoảng Rohingya dành cho tất cả các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có lẽ là tinh thần giải quyết mọi xung đột bằng phương pháp hòa bình, thay vì bạo lực.

Bài viết dưới đây của tác giả Lê Minh Sơn có một cái nhìn khác về vấn đề xung đột sắc tộc ở Myanmar. Trên tinh thần đa chiều, chúng tôi xin được đăng bài viết này, thể hiện ý kiến cá nhân của ông Lê Minh Sơn.

____

Lê Minh Sơn

27-9-2017

Vừa qua, hàng trăm ngàn người sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi đã từ Myanmar chạy nạn sang Bangladesh, quốc gia láng giềng của Myanmar, để tránh sự đàn áp của quân đội Myanmar. Theo Đài Pháp RFI ngày 23-9-2017, cho biết, ước tính đến nay đã có khoảng 420.000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh.

Một người phụ nữ Rohinya, ôm đứa con nhỏ từ Myanmar chạy qua biên giới Bangladesh, đang chờ nhận cứu trợ ở trại tị nạn Balukhali, Bangladesh hôm 25/9. Nguồn: AP/ PTI

Cuộc khủng hoảng này đã đưa đến hệ quả tệ hại cho Myanmar là phái đoàn của Ủy ban mậu dịch quốc tế của Nghị viện Châu Âu do ông Bernd Lange làm Chủ tịch, đã hoãn chuyến đi Myanmar để thảo luận về một Hiệp định đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Myanmar, vì ông cho rằng tình hình nhân quyền ở đây không cho phép thảo luận đạt kết quả.

Đến nay khủng hoảng Rohingya không còn là vấn đề nội bộ của Myanmar. Chính quyền Myanmar đang bị nhiều quốc gia lên án, mạnh mẽ nhất là các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni ở châu Á và ASEAN (Pakistan, Indonesia, Malaysia, Brunei). Ở Jakarta, thủ đô Indonesia đã nổ ra các cuộc biểu tình chống Myanmar. Tổng thống Indonesia là Yoko Widodo đã tham gia biểu tình. Một số nhóm Hồi giáo cực đoan đã công khai kêu gọi thánh chiến chống Myanmar. Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar bị dư luận nhiều nước chỉ trích là không bảo vệ người Hồi giáo Rohingya.

Những người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar chạy qua Bangladesh, giơ tay đón nhận thực phẩm cứu trợ từ các tổ chức cứu trợ gần trại tị nạn Balukhali, Bangladesh ngày 18/9/2017. Nguồn: AP/ Dar Yasin
  1. Tại sao xảy ra cuộc khủng hoảng Rohingya?

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cuộc khủng hoảng Rohingya gắn liền với di dân bất hợp pháp của người Rohingya, từ Bangladesh đến Myanmar. Mầm mống khủng hoảng đã có từ lâu. Người Rohingya là người theo Đạo Hồi, thuộc nhóm sắc tộc thiểu số từ Bangladesh di cư đến bang Arakan (còn gọi là bang Rakhine) của Myanmar, là quốc gia có 90% dân số theo Đạo Phật.

Năm 2014, người Rohingya chiếm 1/3 trong tổng dân số bang Arakan 3,2 triệu người. Họ không được Chính phủ Myanmar xét quốc tịch. Chính phủ Myanmar chỉ coi họ là những người lưu vong di cư từ Bangladesh, không có tổ quốc, không công nhận họ là một trong những dân tộc trong Liên bang Myanmar. Vì vậy người Rohingya không có sự bảo trợ hợp pháp của Chính quyền Myanmar.

Trước năm 2012, những dân quân Hồi giáo ở Arakan đã nhiều lần đốt phá làng mạc của người Phật giáo. Năm 2012 người Rohingya ở Arakan đã gây bạo loạn và một phụ nữ Phật giáo đã bị 3 người Rohingya hiếp chết. Từ đó, người Rohingya bị cộng đồng Phật giáo tẩy chay và trả thù. Sau vụ bạo loạn này, quân đội Myanmar ban hành thiết quân luật toàn bang Arakan. Nhiều người Rohingya đã phải bỏ làng mạc, chạy trốn khỏi Myanmar để thoát khỏi sự đàn áp của quân đội Myanmar.

Khủng hoảng lên tới đỉnh cao vào năm 1948, một tổ chức Hồi giáo của người Bangladesh di cư bất hợp pháp đến bang Arakan tuyên bố thành lập “một quốc gia tự do Hồi giáo” ở bang Arakan và tên Rohingya ra đời ở Arakan vào năm 1971. Việc này đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar nên không được Chính phủ Myanmar công nhận.

Ngày 25-8-2017, một tổ chức mang tên “Quân đội cứu quốc của người Rohingya”, viết tắt là ARSA đã tấn công giết chết 12 cảnh sát biên phòng của Myanmar. Từ ngày 25-8-2017 đã liên tiếp xảy ra 93 vụ bạo lực giữa hai bên là người Rohingya và quân đội Myanmar (1). Ngày 26-8-2017, Tướng Min Aung Hlaing Tư lệnh quân đôi Myanmar công bố quân đội đã phát hiện một hố chôn tập thể 28 tín đồ Phật giáo ở làng Kha Maung Saik và theo nhân chứng còn sống sót thì tội phạm giết người là người Hồi giáo Rohingya. Sau cuộc bạo loạn 25-8-2017, người Rohingya bị quân đội Myanmar gọi là những kẻ khủng bố và bị quân đội đàn áp, xua đuổi.

Theo Đài Pháp RFI ngày 23-9-2017, Thủ tướng Bangladesh là bà Sheikh Hasina cho biết, Bangladesh đang đón nhận lại khoảng 800.000 người Rohingya hồi hương. Bà cũng đã gián tiếp chỉ trích “lực lượng vũ trang ARSA của người Rohingya” đã gây ra đợt tấn công cảnh sát biên phòng Myanmar vào tháng 8-2017 là “những hành động bạo lực cực đoan”, tạo cơ hội cho quân đội Myanmar trả đũa. Bà kêu gọi Liên hiệp quốc gửi một phái bộ sang Myanmar thành lập và giám sát “một vùng an toàn” giữa Myanmar và Bangladesh, để tiếp nhận người Rohingya hồi hương. Bộ trưởng Bộ Truyền thông Bangladesh cho biết, Bangladesh đã cấm cung cấp dịch vụ điện thoại di động cho những người tị nạn Rohingya để ngăn ngừa khả năng kết nối các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Cũng theo RFI, đến ngày 23-9-2017 dòng người tị nạn Rohingya từ Myanmar sang Bangladesh đã ngừng. Liên Hiệp quốc và Bangladesh xác nhận hiện tượng này nhưng không giải thích.

  1. Phản ứng của các phía có liên quan ở Myanmar:

Người dân Myanmar: Cho đến nay, đối với cuộc khủng hoảng Rohingya, công luận trong nước Myanmar luôn luôn đứng về phía Chính phủ và quân đội Myanmar. Tư lệnh quân đội Myanmar là Min Aung Hlaing tuyên bố “Vấn đề người Rohingya là sự nghiệp của quốc gia” và kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại áp lực bên ngoài đòi Myanmar phải công nhận sắc tộc Rohingya là người Myanmar (1).

Quân đội Myanmar: Hiến pháp mới của Myanmar ban hành năm 2008 thay thế Hiến pháp 1988 vẫn do giới quân đội soạn thảo và đã được thông qua. Hiến pháp này vẫn quy định giới quân đội đương nhiên có một phần tư số ghế trong Quốc hội. Hiến pháp cũng hiến định cho giới quân nhân Myanmar một số quyền lực quan trọng: Tổng tư lệnh quân đội có quyền đề cử Bộ trưởng của 3 Bộ là Quốc phòng, Nội vụ và Phát triển biên giới. Tổng thống Myanmar hiện nay là Tổng thống dân cử nhưng một trong 2 Phó Tổng thống vừa đắc cử là Myint Swe, nguyên là một Trung tướng lục quân về hưu. Trước đây ông ta từng là giám đốc cơ quan an ninh của quân đội, rất ủng hộ chế độ độc tài chuyên chế. Hiến pháp 2008 còn có một quy định cực kỳ quan trọng: “Nếu Myanmar xảy ra chuyện gì căng thẳng, quân đội có quyền can thiệp và giành quyền lãnh đạo đất nước” (2).

Hội đồng An ninh quốc gia là Hội đồng đầy quyền lực ở Myanmar có 11 người thì 6 người thuộc giới quân đội. Đảng NLD của Bà Aung San Suu Kyi có 5 người. Giới quân đội chiếm đa số trong Hội đồng này nên họ có thể đề xuất tình trạng khẩn cấp vào bất cứ lúc nào và với bất kỳ lý do gì, nếu họ cảm thấy lợi ích của họ bị đe dọa. Hiến pháp 2008 cũng không quy định sự giám sát dân sự đối với quân đội nên nguy cơ chính trị ở Myanmar có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, vì vậy, theo BBC hồi tháng 5 năm 2008, cho rằng, “Hiến pháp 2008 chỉ cho người Myanmar hưởng chế độ nửa dân chủ”.

Giới quân đội Myanmar có quyền lực rất lớn nên vừa qua khi nói đến cuộc khủng hoảng Rohingya, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã công nhận một sự thật là “Ở Myanmar giới quân nhân vẫn nắm quyền lực quan trọng”, còn báo Pháp Figaro thì viết “Quân đội Myanmar luôn luôn rình rập cơ hội để chiếm lại quyền hành” (3).

Đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi: Trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8-11-2015, Liên minh quốc gia vì nền dân chủ (The National League for Democracy – gọi tắt là Đảng NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được số phiếu áp đảo. Sau đó NLD và bà Aung San Suu Kyi (gọi tắt là bà Suu Kyi) đã tham gia lãnh đạo và cầm quyền ở Myanmar. Bà Suu Kyi giữ 2 chức vụ trong Nội các là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, trên thực tế bà là Cố vấn của Nhà nước Myanmar. Bà Suu Kyi tham gia cầm quyền ở Myanmar trong tình trạng kinh tế của đất nước kiệt quệ, trong nước luôn luôn xảy ra mâu thuẫn giữa các sắc tộc thiểu số, giữa tín đồ Phật giáo và tín đồ Hồi giáo, giới quân nhân dựa vào Hiến pháp 2008 có rất nhiều quyền lực, trên thực tế họ không cần thỏa hiệp về chính trị với đảng NLD, vì thế con đường đi đến dân chủ và thịnh vượng của Myanmar có rất nhiều chông gai và cạm bẫy.

Ở Myanmar mối quan hệ giữa đảng NLD và giới quân đội (được gọi là Tatmadam) là một yếu tố quyết định sự chuyển tiếp từ nền độc tài quân sự sang nền dân chủ và phát triển. Nền dân chủ của Myanmar cần được thực hiện trong hòa bình. Điều này cũng phụ thuộc vào mối quan hệ giữa NLD và Tatmadam. Trong tình thế hiện nay, không có sự ủng hộ của giới quân đội thì NLD và bà Suu Kyi không có con đường nào để tiến bước (4). Tình thế này ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn quyết định chính trị của bà Suu Kyi. Chính vì vậy, trong việc xử lý khủng hoảng Rohingya, báo Pháp Figaro đã trích đăng phân tích của một Giáo sư đại học, cho rằng “Bà ấy (tức Suu Kyi) không thể cho phép mình đi sai một bước” (3).

– Đối với cuộc khủng hoảng này, ngày 18-9-2017 bà Suu Kyi đã có bài phát biểu công khai đầu tiên rằng, Chính phủ Myanmar không từ chối sự giám sát quốc tế. Bà nói có nhũng thông tin sai lệch do những kẻ khủng bố đưa ra. Vì thế trước khi hành động xử lý cuộc khủng hoảng, Myanmar cần lắng nghe tất cả các cáo buộc và tất cả những bác bỏ cáo buộc và những bằng chứng xác thực. Bà Suu Kyi cũng lên án những hành vi vi phạm nhân quyền và cam kết sẽ đưa những người chịu trách nhiệm về vấn đề này ra Tòa (5).

  1. Phản ứng của quốc tế:

Châu Á: Sự phê phán chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với Chính quyền Myanmar và bà Suu Kyi đến từ một số quốc gia Hồi giáo dòng Sunni ở Châu Á và ASEAN. Một nữ công dân Pakistan tên là Malara Yousafzai đã gửi kiến nghi đến Ủy ban Nobel Hòa bình đòi hủy bỏ giải Nobel Hòa bình đã trao cho bà Suu Kyi. Một người họ Vương, tên Vương Thuyên, từ Paris (Pháp) đã tỏ phẫn nộ và quy tội bà Suu Kyi “Vì đam mê quyền lực đã quay mặt với thảm trạng của người Rohingya” (6)

Tổ chức bênh vực nhân quyền quốc tế HRW: Theo Đài Hoa kỳ VOA ngày 26-9-2017, HRW đã tố cáo trong vụ khủng hoảng Rohingya, Myanmar phạm vào “tội ác chống lại loài người”, vì theo HRW việc Myanmar trục xuất người Rohingya rời khỏi nơi cư trú của họ ở Arakan nằm trong số những tội ác chống lại loài người.

Người phát ngôn của Chính phủ Myanmar đã bác bỏ cáo buộc của HRW quy tội Myanmar chống lại loài người vì HRW không đưa ra được bằng chứng nào để kết luận là chống lại loài người, đồng thời Myanmar cũng bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp quốc quy tội Myanmar đã “thanh tẩy chủng tộc” chống người Hồi giáo Rohingya.

Phương Tây: Phản ứng của Phương Tây hòa dịu hơn so với phản ứng của các nước Hồi giáo Châu Á, có lẽ vì dân những nước này đã từng phải chịu những vụ khủng bố của những phần tử Hồi giáo cực đoan trà trộn trong những người di cư từ Trung Đông và từ châu Phi.

– Cựu Thủ tướng Úc Kenvin Ruud nói: “Rất nhiều nhà bình luận dường như quên rằng các tướng lĩnh Myanmar vẫn có quyền hiến định để lấy lại quyền kiểm soát Chính phủ bằng một cú đảo chính hợp pháp, nếu họ cho rằng trật tự đó cần phải được lập lại” (3).

– Nhà nghiên cứu Yeo Lay Hwee thuộc Viện quan hệ quốc tế Singapore nói: “Nhiều người đã từng trông đợi quá nhiều vào bà ấy (tức bà Suu Kyi). Bây giờ họ lại đả kích bà ấy không thương tiếc. Đó là một tầm nhìn quá ư lý tưởng, không đếm xỉa gì đến thực tế phức tạp ở đia bàn này (ý nói ở Myanmar)” (3).

Liên hiệp quốc: Theo RFI ngày 25-9-2017: Đối với cuộc khủng hoảng Rohingya, Liên Hiệp quốc không muốn đưa ra những kế hoạch dài hạn vì điều này có thể gửi đi một thông điệp chính trị rằng những người tỵ nạn sẽ có điều kiện ở lại đây lâu dài. Đó là điều mà Liên Hiệp quốc không muốn (7).

  1. Lập trường và thái độ của Chính phủ Myanmar:

– Sau cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Yangon, Chính phủ Myanmar tỏ ra sẵn lòng cho phép quốc tế tiếp cận cứu trợ nhân đạo và cung cấp thông tin cho các nước thành viên ASEAN về cuộc khủng hoảng Rohingya (8).

– Theo RFI 23-9-2017, Chính phủ Myanmar đã thông báo cho biết sẽ thành lập một nhóm làm việc để theo dõi diễn biến “chiến dịch hồi hương khẩn cấp những người Rohingya tị nạn sang Bangladesh”. Chiến dịch này được thực hiện với sự thỏa thuận phối hợp giữa hai chính quyền của Myanmar và Bangladesh.

  1. Bài học nào từ khủng hoảng Rohingya?

Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến khủng hoảng Rohingya sâu sắc như vừa qua là tổ chức Hồi giáo của người Rohingya di cư bất hợp pháp từ Bangladesh đến Arakan tuyên bố thành lập “một quốc gia tự do Hồi giáo” ngay trong lòng nước Myanmar. Điều này đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar nên không được Chính quyền Myanmar công nhận. Tiếp đó tổ chức này thành lập quân đội riêng, tấn công binh sĩ biên phòng và khủng bố thường dân Myanmar nên bị quân đội Myanmar đàn áp. Do sự kiện liên quan trực tiếp đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar nên công luận trong nước Myanmar đứng về phía Chính quyền và Quân đội Myanmar. Bà Suu Kyi là người đấu tranh cho nền dân chủ nhưng trước hết bà là công dân Myanmar. Bà Suu Kyi không thể đi ngược ý chí của toàn dân và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bà. Ở sự kiện này, người dân Myanmar, trong tình thế rất nghiệt ngã như thế đã  “phải lựa chọn một trong hai lợi ích của quốc gia là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc hay lợi ích sẽ được hưởng từ sự đầu tư của nước ngoài”, và họ đã lựa chọn đúng.

Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng Vịnh Bắc bộ, chúng ta đã “phải lựa chọn một trong hai lợi ích của quốc gia là giữ chủ quyền quốc gia hay giữ tình hữu nghị với người hàng xóm Trung Quốc”, và dân ta đã lựa chọn đúng.

Đến nay, theo báo Dân trí, Trung Quốc đã đầu tư vào 54/63 tỉnh và thành phố của Việt Nam, với khoảng 1.300 dự án, trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam, từ thuê đất trồng rừng gần biên giới phía bắc, đến những khu vực xung yếu về quốc phòng ở Đà Nẵng, rồi trên cao nguyên Tây Nguyên. Trung Quốc chẳng những đưa chuyên gia từ nước họ sang mà còn đưa cả công nhân phổ thông sang theo. Nhiều người trong họ có ý định lập nghiệp lâu dài, lấy vợ sinh con ở Việt Nam. Có những khu vực đã bị họ rào kín, tự coi như lãnh địa riêng của họ, công an Việt nam không được vào kiểm tra.

Cũng trong năm 2014, thế giới đã có bài học cảnh giác khi ông Putin lấy lý do bảo vệ kiều dân Nga để can thiệp quân sự vào Ukraina.

Khủng hoảng Rohingya lại cho chúng ta thêm một bài học là phải nhìn xa. Khi số lượng người Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam đủ đông và nếu ở một tình thế nào đó có lợi cho họ, họ diễn ra vở kịch Rohingya tương tự ở Arakan của Myanmar, chúng ta sẽ lại “phải lựa chọn một trong hai lợi ích của quốc gia là giữ toàn vẹn lãnh thổ hay giữ mối lợi do Trung Quốc đầu tư đem lại”, như Myanmar hiện đang lựa chọn. Liệu khi đó chúng ta có đủ trí khôn và dũng cảm để giữ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc như người Myanmar không?

_____

Tham khảo:

(1) Quân đội Myanmar gọi người Rohingya là ‘khủng bố’ (NNVN).

(2) Quốc hội Myanmar công bố danh sách Nội các mới (VOV).

(3) Miến Điện: Aung San Suu Kyi có thật là người “thủ đoạn”? (RFI).

(4) Liệu Myanmar có thể quản lý các nguy cơ hậu bầu cử? (NCBĐ).

(5) Bà Suu Kyi lên tiếng về cuộc khủng hoảng người Rohingya (NLĐ).

(6) Thảm trạng cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện (Myanmar) (blog Huỳnh Ngọc Chênh).

(7) Người tị nạn Rohingya ngừng chạy sang Bangladesh (RFI).

(8) ASEAN và cuộc khủng hoảng Rohingya (NCQT).

Bình Luận từ Facebook