Qua sử chí Trung Quốc hãy tìm hiểu về chủ quyền nước này tại Biển Đông (phần III)

Hồ Bạch Thảo

16-9-2017

Tiếp theo phần Iphần II

III. Các đời Tuỳ, Đường.

1. Tuỳ Thư [隋書, Book of Sui ] do Nguỵ Trưng đời Đường soạn, trong phần Chí chép nhà Tuỳ đặt 190 quận; đảo Hải Nam được gọi là quận Châu Nhai, là đảo cực nam nước này, với chi tiết như sau, trong quyển 31:

– Quyển 31, Chí thứ 26: Địa lý hạ.

Quận Châu Nhai đời Lương gọi là Nhai Châu, có 10 huyện thống thuộc, 19. 500 hộ. Gồm: Nghĩa Luân kèm theo quận lỵ, Cảm Ân, Nhan Lô, Tỷ Thiện, Xương Hoá có núi Đằng Sơn; Cát An, Diên Đức, Ninh Viễn, Trừng Mại, Vũ Đức có núi Phù Sơn.

[珠崖郡梁置崖州。統縣十,戶一萬九千五百。

義倫帶郡。感恩顏盧毗善昌化有藤山。吉安延德寧遠澄邁武德有扶山]

Tiếp đến sách Tân Đường Thư [新唐書, New Book of Tang ] do Âu Dương Tu đời Tống soạn, trong quyển 43, phần Chí, ghi nhận vào thời Đường Túc Tông Càn Nguyên thứ nhất [758] lãnh thổ đảo Hải Nam được chia thành 5 châu, trực thuộc đạo Lĩnh Nam; với chi tiết như sau:

– Châu Nhai có 3 huyện: Xá Thành, Trừng Mại, Văn Xương.

– Châu Quỳnh có 5 huyện: Quỳnh Sơn, Lâm Cao, Tăng Khẩu, Lạc Hội, Nhan La.

– Châu Chấn có 5 huyện:Ninh Viễn, Diên Đức, Cát Dương, Lâm Xuyên, Lạc Đồn.

– Châu Đam có 5 huyện: Nghĩa Luân, Xương Hoá, Cảm Ân, Lạc Trường, Phú La.

– Châu Vạn An có 4 huyện:Vạn An, Lăng Thuỷ, Phú Vân, Bác Liêu.

Cả hai bộ cũng chỉ đề cập đến đảo Hải Nam là đảo duy nhất tại phương nam.

2. Trong NQNHSLHB Hàn Chấn Hoa cũng dẫn chứng Tuỳ Thư [隨書], nhưng với dụng ý khác, ông tránh phần Địa Lý Chí đề cập ở phần trên, chỉ trích dẫn đoạn văn về cuộc hành trình đến nước Xích Thố (1) của Sứ giả Thường Tuấn trong phần phần Liệt Truyện (2) như sau:

“Tháng 10 năm Ðại Nghiệp thứ 3 [607] bọn Thường Tuấn từ quận Nam Hải đáp thuyền, qua ngày đêm 2 tuần, gặp gió thuận đến đảo Tiêu Thạch Sơn, rồi qua đông nam ghé đến châu Lăng Già Bát Bạt Ða, phía tây đối diện với nước Lâm Ấp, tại đó có đền thờ thần.

大 業 三 年 十 月, 常 駿 等 自 南 海 郡 乘 舟,晝 夜 二 旬,每 值 便 風 至 焦 石 山,而 過 東 南,泊 陵 伽 鉢 拨 多 洲,西 與 林 邑 對,上 有 神 祠 焉”

Trong phần nhận xét (3) Hàn Chấn Hoa cho rằng địa danh “Tiêu Thạch” và Pracel của Tây phương nghĩa giống nhau, người Tây phương gọi Tây Sa [Hoàng Sa] là Pracel ; như vậy phái bộ Thường Tuấn đã đi qua đảo Tây Sa.

Hai địa danh nghĩa giống nhau như thế nào thì họ Hàn không hề giải thích; nhưng dù hai địa danh giống nhau cả âm lẫn nghĩa, cũng không thể đồng hóa làm một; bởi vậy cho Tiêu Thạch là Paracel là một điều vô lý. Ngoài ra lại còn đáng nói thêm, cho dù Thường Tuấn có thực sự đi qua đảo Paracel, cũng không thể vì lý do này mà có thể dành chủ quyền biển đảo cho Trung Quốc; vì chẳng lẽ người Trung Quốc bước chân đến đâu thì họ có chủ quyền đến đó?

3. Về đời Đường, Hàn Chấn Hoa trích một đoạn văn của Giả Ðam trong sách Quảng Châu Thông Hải Di Đạo [廣州通海夷道] đề cập đến địa danh Tượng Thạch như sau :

“Từ phía đông nam Quảng Châu hải hành 200 lý đến Ðồn Môn Sơn, lại dương buồm đi tiếp 2 ngày đến Cửu Châu Thạch,lại đi về phía nam 2 ngày đến Tượng Thạch, đi tiếp về phía tây nam 3 ngày đến núi Chiêm Bất Lao, núi tại phía đông nước Hoàn Vương 200 lý. ”

[廣 州 東 南 海 行 二 百 里, 至 屯 門 山,  乃 帆 風 西 行 二 日, 至 九 州 石, 又 南 二 日 至 象 石, 又 西 南 三 日 行 至 占 不 勞 山, 山 在 環 王 國 東 二 百 里 海 中.](4)

Mặc dầu địa danh Tượng Thạch nêu lên trong sử liệu này đã được học gỉả Phùng Thừa Quân 馮承鈞, một nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng vào tiền bán thế kỷ thứ 20, cho rằng đó là đảo Ðại Châu, sách xưa gọi là Ðộc Châu lãnh, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Hải Nam, và Hoàn Vương quốc là nước Chiêm Thành, Cửu Châu Thạch tức núi Thất Châu; nhưng họ Hàn vẫn khẳng định rằng Tượng Thạch là quần đảo Tây Sa [Paracel] mà không nêu lý do. Ý họ Hàn muốn chứng tỏ “Quảng Châu thông hải Di đạo” tức đường thông suốt từ Quảng Châu [Quảng Đông] đến các nước Di phương nam phải qua quần đảo Paracel. Điều này trái với lời cảnh cáo của các nhà hàng hải biển Đông, sách Đông Tây Dương Khảo [quyển 9, mục Châu Sư Khảo] của Trương Tiếp đời Minh báo động rằng khi thuyền đến Thất Châu Dương, phải lưu ý kim địa bàn đừng để chệch sang hướng đông, vì lỡ đâm vào Van Lý Thạch Đường [Paracel] sẽ gặp nguy hiểm:

Thuyền đi qua rất nguy hiểm, lệch sang hướng đông phạm vào Vạn Lý Thạch Ðường; nơi mà Quỳnh Chí [瓊志] chép là phía đông châu Vạn có biển Thạch Ðường, thuyền đến đó ít có chiếc nào thoát hiểm.

Chú thích:

  1. Nước Xích Thố: thuộc phía tây nước Mã Lai.
  2. Tuỳ Thư, quyển 82, Liệt Truyện quyển 47,
  3. Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 30.
  4. Ngã Quốc Nam Hải Chư Ðảo Sử Liệu Hối Biên [我國南海諸島史料滙编], sđd, trang 30.
Bình Luận từ Facebook