Tôi là thân hữu của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam

Nguyễn Đăng Quang

16-9-2017

Logo của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam

Nhân quyền là một giá trị phổ cập toàn cầu. Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do cố Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, được mở đầu bằng lời trích bất hủ từ 2 áng văn vĩ đại của nhân loại về Nhân quyền. Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791:

“Hỡi đồng bào cả nước,

“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi”.

Đó là lẽ phải không ai có thể chối cãi được.”

Liên Hợp Quốc (LHQ) ra đời ngày 24/10/1945, là tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, hiện có 193 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các nước độc lập và có chủ quyền trên thế giới. Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúng ta tham gia LHQ ngày 20/9/1977, là quốc gia thành viên thứ 153 của Tổ chức này. LHQ có một thiết chế rất quan trọng, đó là Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (The United Nations Human Rights Council). Đây là cơ chế thường trực trực thuộc Đại Hội đồng LHQ (The United Nations General Assembly). Tổ chức này có 47 thành viên được lần lượt lựa chọn trong tổng số 193 quốc gia thành viên của LHQ thông qua ứng cử và bầu cử. Từ sau khi gia nhập LHQ đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn và tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về nhân quyền của LHQ. Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền LHQ cho nhiệm kỳ 3 năm (2014, 2015 và 2016). Việt Nam đã thu hoạch được nhiều kinh nghiệm bổ ích và quý báu khi tham gia hoặc phê chuẩn các định chế và công ước quốc tế của LHQ về nhân quyền, đặc biệt 3 năm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Có lẽ do đã học hỏi và đúc rút được nhiều bài học quý giá qua những trải nghiệm thực tiễn về nhân quyền sau 40 năm là thành viên của LHQ, nên ngày 5/9/2017 vừa qua, Chính phủ VN đã chính thức phê duyệt Đề án đưa nội dung giảng dạy nhân quyền vào Chương trình Giáo dục Quốc gia. Theo lộ trình Đề án, từ nay đến năm 2025, 100% các trường trong hệ thống giáo dục quốc gia (từ Mẫu giáo đến Đại học) sẽ tổ chức giảng dạy về nội dung Quyền con người. Có nhiều quan điểm và đánh giá khác nhau về chủ trương này. Theo thiển ý của tôi, đây là hướng đi rất đúng, dù có hơi muộn. Vâng, tuy có muộn, song muộn còn hơn là không bao giờ. Đất nước muốn hùng mạnh, thì xã hội phải văn minh. Muốn xã hội văn minh, nhất thiết chúng ta phải có nền giáo dục tân tiến, hiện đại, nhân bản và đặc biệt phải hòa nhập với thế giới văn minh về lĩnh vực nhân quyền.

Tất cả chúng ta đều nhận thấy, gần nửa thế kỷ qua, nền giáo dục nước nhà đã xuống cấp trầm trọng. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến đất nước nghèo nàn, tụt hậu và lạc lõng trên thế giới. Đất nước và dân tộc Việt Nam ta không đáng phải như vậy. Lỗi này không phải do người dân, càng không phải là lỗi của các em học sinh, sinh viên. Vừa qua, Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam gửi thư mời tôi tham gia với tư cách một thân hữu của các em. Được biết, Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam được lập ra với mục tiêu cải cách học thuật, chống lạm thu trong nhà trường và thúc đẩy các giá trị nhân quyền trong giảng đường. Nhận thấy các tiêu chí này phù hợp với Chương trình giáo dục nói chung cũng như Đề án giảng dạy về Quyền con người nói riêng trong hệ thống giáo dục quốc gia vừa được Chính phủ phê duyệt, nên tôi đã hân hạnh và vui vẻ chấp nhận lời mời trở thành một thân hữu của các em.

Tác giả Nguyễn Đăng Quang.

Nghĩ lại, thấy thật là vui. Nay đã bước sang tuổi 76 mà vẫn được Hội Sinh viên Nhân quyền mời tham gia Hội với tư cách một thân hữu. Chẳng rõ có thể làm được những gì để giúp các em sinh viên đạt được tiêu chí của Hội là cải cách học thuật, chống lạm thu trong nhà trường và thúc đẩy các giá trị nhân quyền trong giảng đường hay không, nhưng trong lòng cảm thấy rất vui và hồ hởi, cảm thấy như trẻ lại và khỏe ra, chẳng khác nào như thời sôi nổi cách đây 55 năm khi đang là sinh viên Khoa Ngoại ngữ trường ĐHSP Hà Nội vậy.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Tất cả chúng ta đều nhận thấy, gần nửa thế kỷ qua, nền giáo dục nước nhà đã xuống cấp trầm trọng. Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến đất nước nghèo nàn, tụt hậu và lạc lõng trên thế giới. Đất nước và dân tộc Việt Nam ta không đáng phải như vậy. Lỗi này không phải do người dân, càng không phải là lỗi của các em học sinh, sinh viên”

    Cho tôi phản biện với tác giả .

    Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa do những trí thức lớn như Giáo sư Hoàng Tụy đặt nền móng, với uy tín của những trí thức lớn như Giáo sư Hoàng Tụy, thật là vô lý khi kết luận nền giáo dục nước nhà càng ngày càng xuống cấp . Tôi thì thấy nền giáo dục xã hội chủ nghĩa càng ngày càng đạt những đỉnh cao mới . Cách đánh giá bi quan của tác giả có thể xuất phát từ cái nhìn thiếu khách quan . Đúng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không bằng phẳng như chúng ta đã nghĩ, vì gặp phải nhiều khó khăn từ các thế lực thù địch, từ các yếu tố khách quan, từ thiên tai … nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, Đảng của Bác Hồ, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa do những trí thức lớn như Giáo sư Hoàng Tụy đặt nền móng đã đạt được nhiều thành quả khả quan, lấy ví dụ Hoàng Thị Nhật Lệ & nhóm dư luận viên là 1 thành quả rất đáng khích lệ & tự hào của nền giáo dục đó . Nền giáo dục đó cũng đào tạo ra biết bao nhiêu là Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ đang ngày đêm đóng góp cho những tờ báo có uy tín như Tạp Chí Cộng Sản & Nhân Dân, tạo được nhiều đập, lộn, đột phá trong tư duy, để từ 1 quốc gia Xã hội chủ nghĩa thực thụ, hôm nay chúng ta chỉ còn định hướng xã hội chủ nghĩa thôi . Nếu đó không phải là tiến bộ về mặt tư duy, tôi không biết những thứ khác .

    Đất nước & dân tộc Việt Nam ta rất xứng đáng được hưởng & có quyền tự hào về những thành quả đạt được ngày hôm nay . Tuy mạo muội phản biện, tôi vẫn luôn mong ước mọi người vẫn tưởng nhớ tới công lao của biết bao thế hệ đã hy sinh để ta có được ngày hôm nay, và cả những người đã tận tụy phục vụ Đảng, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao như các bác .

    Nếu có điều gì khiếm khuyết, đúng, lỗi này không phải do người dân, càng không phải là lỗi của các em học sinh, sinh viên . Lỗi là của những thế lực phản động quốc tế, đứng đầu là Đế quốc Mỹ đang lợi dụng những vấn đề như nhân quyền, tôn giáo để đánh phá đất nước, đánh phá nhằm xóa bỏ những thành quả cách mạng mà dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã giành được & gìn giữ suốt từ Cách mạng tháng 8 tới giờ . Tồi tệ hơn, chúng không từ bất cứ thủ đoạn xấu xa nào nhằm xóa bỏ lý tưởng Cộng Sản, lý tưởng Mác-Lê mà Bác Hồ đã lựa chọn cho đất nước & dân tộc . Chúng xuyên tạc di chúc của Bác Hồ, cố tình làm người dân quên đi ước muốn lớn nhất của Bác Hồ -còn lớn hơn cả ước muốn xâm lược miền Nam (in case chúng công nhận Việt Nam Cộng Hòa)- là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước tới đại đồng cùng với Trung Quốc . Bác Hồ đường đường là người Cộng Sản chân chính, trong ngôn ngữ dối trá của bọn chúng, Bác trở thành người Cộng Sản chân phụ, người Cộng Sản chân trong chân ngoài, phá nát lý luận chủ nghĩa Mác-Lê . Ôi, cái bọn đảng viên thoái hóa & dối trá ấy, chúng không từ 1 thủ đoạn đê hèn nào để hạ bệ Bác Hồ!

    Chính vì vậy, tôi mong bác, với tư cách là thân hữu của hội sinh viên nhân quyền, sẽ trở thành ngọn đuốc đưa ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, bao gồm lý tưởng Cộng Sản & chủ nghĩa Mác-Lê soi đường cho hội sinh viên nhân quyền . Mong lắm thay!

  2. Ma qủy thay đổi chiến thuật: Kể từ nay, mồm sẽ rao giảng nhân quyền cho , còn tay chân sẽ vẫn tiếp tục chà đạp, đàn áp nhân quyền.
    Chỉ có dân oan Đồng Tâm là mất “niền tin”.
    Còn các “trí thức xhcn” vì không oan, cho đến chết vẫn không mất “niềm tin” vào Chú Phỉnh (từ của ông TS Hồ Sĩ Phu).

Comments are closed.