Linh Quang
12-9-2017
Sau khi trang Thời Báo đăng bài viết đánh động dư luận và đăng bản dịch tiếng Đức, tờ tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã phải xóa bỏ trọn số báo 462 ra ngày 10.08.2017 vì trong đó đăng một bài báo nhục mạ Chính phủ Đức với tựa đề “Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?” của tác giả Vũ Hương.
Bài báo này đã phỉ báng một cách nặng nề khi ví Chính phủ Đức là một “lũ kền kền vô trách nhiệm”, hoặc thóa mạ là “những lang sói trong giới phản động ngoại quốc”, mạ lỵ báo chí truyền thông Đức là “các thế lực đen tối” hoặc “các thế lực thù địch” ám chỉ ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Gabriel là “mua phiếu … cho cuộc bầu cử vào thời gian vài tuần tới”, nhục mạ Bộ Ngoại giao Đức là “hồ đồ”, là “thần kinh” v.v.
Số báo 462 đã bị gỡ bỏ một cách âm thầm, không ai biết từ bao giờ. Hiện nay, nếu vào trang chủ của tờ Tờ Văn Nghệ TP. HCM và chọn xem báo giấy, thì sẽ thấy số báo 462 rõ ràng đã bị xóa bỏ, không còn trong danh sách các số báo nữa:
Ngoài ra, trước đây bài này còn được đăng riêng lẽ trong chuyên mục “Đối thoại Internet” (nằm trong phần “Nghiên cứu – Phê bình – Trao đổi”), nay cũng đã bị gỡ bỏ:
Điều đáng chú ý, ai đã chỉ đạo tờ Văn Nghệ TP. HCM, một tờ báo chính thống, cho đăng bài phỉ báng Bộ Ngoại giao Đức, trong lúc đang có những nỗ lực từ phía Việt Nam muốn đối thoại với phía Đức để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa hai nước Việt Nam và Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam bị de dọa. Việt Nam có thể bị Chính phủ Đức cắt viện trợ, Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU) có nguy cơ bị ngưng lại, không thành. Vụ bắt cóc này đã phá hoại các nỗ lực tìm kiếm bạn bè và tăng cường uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nhằm bảo vệ biển đảo trước sự đe dọa của Trung Quốc.Việt Nam có nguy cơ bị các nước Âu Mỹ cô lập.
Nếu nhìn về biển Đông, ai sẽ có lợi trong tình trạng này? Trung Quốc hay Việt Nam?
Nhưng bất chấp quyền lợi của đất nước, của dân tộc có thể bị tổn thuơng, bị thiệt hại ra rao, phe nhóm nào có ý đồ “đổ thêm dầu vào lửa”, thay vì tìm cách “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt?
Người có trách nhiệm trực tiếp với tờ báo là ông Nguyễn Chí Hiếu – Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP. HCM và cũng là một quan chức của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM – Từ bấy lâu nay ông đã thường xuyên cho đăng những bài đánh phá của Dư luận viên, điển hình là bài công kích GS Ngô Bảo Châu đã gây xôn xao dư luận cách đây không lâu, bài viết xúc phạm GS Ngô Bảo Châu bằng những lời lẽ thô bỉ, thóa mạ.
Thành Ủy và Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM là “cơ quan chủ quản” và cấp kinh phí hàng năm cho Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP. HCM. Căn cứ vào đường lối “đảng lãnh đạo toàn diện” và sự chỉ đạo của Thành ủy đối với đảng đoàn khối văn học nghệ thuật, thì ít nhất 2 quan chức cao cấp sau đây của Thành ủy TP. HCM có thể phải chịu trách nhiệm về “chỉ đạo” cho tờ báo:
Người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Thiện Nhân -Bí thư Thành ủy TP. HCM- là người từng tốt nghiệp đại học ở Đông Đức khi xưa và con trai ông cũng tốt nghiệp đại học CHLB Đức hiện nay. Mặc dù ông Nhân được cho là người có mong muốn hàn gắn, giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao với nước Đức, nhưng nếu trong thời gian sắp tới ông Nguyễn Chí Hiếu không bị cách chức, vẫn tiếp tục làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ TP. HCM, thì hoặc là ông Nhân không thể chối bỏ được trách nhiệm trong vụ này, hoặc là ông không có thực quyền.
– Bài viết đánh động dư luận về bài nhục mạ Bộ Ngoại giao Đức trên tờ Văn Nghệ TP. HCM, của tác giả Linh Quang: Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tờ Văn Nghệ TP. HCM đăng bài nhục mạ Bộ Ngoại giao Đức và bản dịch tiếng Đức bài báo “Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu?” ở cuối bài này.
____
Ghi chú: Lúc 1h10′ ngày 13/9/2017, Tiếng Dân thấy link của bài: Vụ Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú: Bộ Ngoại giao Đức hồ đồ hay mua phiếu? vẫn còn. Chúng tôi đã kiểm tra một lần nữa, và quý độc giả cũng có thể tự kiểm tra, đúng là báo giấy số 462 đã bị gỡ bỏ.
Theo đường link nêu trên thì bài vẫn ghi rõ là nằm trong mục “Đối thoại Internet”, ở trong phần “Nghiên cứu – Phê bình – Trao đổi”, nhưng khi vào xem mục này thì không tìm thấy bài này có trong đó hoặc không được hiển thị. Có lẽ link trực tiếp của bài viết mà mọi người thấy là do gỡ bỏ còn sót?