Nguyễn Đình Cống
12-9-2017
Ngày 2/9/2017 GS Tương Lai tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản (ĐCS) của Nguyễn Phú Trọng và “tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh”. Điều này tạo ra dư luận ủng hộ và phản bác.
Tôi yêu mến và kính phục GS Tương Lai, tôi ủng hộ, đề cao quyết định của ông từ bỏ ĐCS, thông cảm và tôn trọng ý của ông trong việc tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao động, đặc biệt là việc đó làm cho lương tâm ông thanh thản. Thông cảm và tôn trọng vì trong nhiều năm trước đây tôi cũng có suy nghĩ như ông, nhưng nay tôi không đồng tình. Vì sao vậy? Vì gần đây tôi bỗng ngộ ra rằng trong nhận thức của mình về cộng sản có cái gì đó nhầm lẫn. Tôi xin trình bày sự nhầm lẫn đó để cho những ai quan tâm có thể trao đổi.
Tôi có nghiên cứu về các loại nhầm lẫn và nguyên nhân, trong đời tôi cũng phạm nhiều thứ nhầm lẫn khác nhau, nhưng xin gác lại các chuyện đó mà chỉ trình bày vài nhầm lẫn về CS. Thực ra không phải tự tôi phát hiện được toàn bộ các nhầm lẫn mà cũng nhờ tham khảo ý kiến của nhiều người khác.
Nhầm thứ nhất: Đảng, dù là CS hay Lao Động đều theo Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML), đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng và giành thắng lợi trong chiến tranh. Điều này làm tôi bị nhầm là nhờ CNML mà nhân dân ta giành được thắng lợi. Đúng là Đảng theo CNML, đúng là Đảng lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong chiến tranh, nhưng cho rằng nhờ CNML mà có thắng lợi như vậy là nhầm, là phạm vào lỗi ngụy biện kiểu “vượt qua” hoặc “ quy chụp”.
Để biết rõ nhầm ở đâu chỉ cần đừng vội tin, đừng vội nghe theo lời tuyên truyền mà phải dùng phương pháp “truy chứng”, lần lượt đặt ra và trả lời các câu hỏi liên tiếp: Bản chất CNML gồm những vấn đề gì (duy vật, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, công hữu tư liệu sản xuất…). Nói nhờ CNML, cụ thể là nhờ cái gì, như thế nào. Đảng đã vận dụng CNML cụ thể vào những việc gì (cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, công hữu ruộng đất, kinh tế quốc doanh …), kết quả cụ thể như thế nào (chủ yếu là thất bại). Vậy không nhờ CNML thì nhờ cái gì mà Đảng lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh. Điều này xin tạm để mọi người lý giải. Từ 1986, Đảng chủ trương cởi trói, mở cửa, đổi mới, miệng thì nói vận dụng sáng tạo CNML, thực chất là làm ngược lại với nó.
Trước đây tôi vẫn cho rằng dù sao CNML cũng có mục tiêu tốt đẹp, đáng trân trọng, dù sao nó cũng có đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội, cũng là một động lực làm cho chủ nghĩa tư bản phải tự biến đổi để phát triển như ngày nay. Đó là một sự nhầm lẫn giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất. Để vạch ra sự nhầm này cũng chỉ cần đặt ra và trả lời một số câu hỏi như: Sự phát triển của các nước Bắc Âu nhờ vào cái gì của CNML; tại sao Singapore rất phản đối CNML mà phát triển được như vậy. Phải chăng nhờ CNML mà khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay…
Xin lấy thí dụ: Một người mang ba lô đựng mấy quyển sách, đấy chiếc xe chở nặng trên đường gập gềnh, vừa đẩy xe, mồm nhẩm đọc vài câu trong sách. Có người đưa ra nhận xét “Người kia đẩy được chiếc xe nhờ mang ba lô và mồm nhẩm đọc”. Bạn nghĩ gì về nhận xét này?
Nhầm thứ 2: Đảng là một tổ chức, đảng viên là những con người cụ thể. Ảnh hưởng qua lại giữa con người và tổ chức là có, nhưng không hoàn toàn. Con người có nhiều đức tính khác nhau, tạm quy về 2 nhóm là tốt và xấu. Nhìn vào một đảng viên, thấy được cái tốt, cái xấu của họ. Hỏi rằng cái tốt ấy, cái xấu ấy do đâu mà có.
Tôi vào đảng lúc gần 50 tuổi, tuy có nghi ngờ về CNML, nhưng thấy rằng trong đảng bộ có nhiều người tốt, đáng cho tôi học hỏi và cộng tác. Gần 80 tuổi tôi từ bỏ đảng khi khẳng định các sai lầm của CNML, trong khi những con người tốt ấy vẫn còn đó ở trong đảng. Trước đây tôi nhầm là nhờ Đảng mà một số đảng viên trở nên tốt đẹp. Thì ra không phải hoàn toàn như vậy. Thời kỳ Đảng còn bí mật, có một số người khi ở ngoài đảng chưa biết gì, chỉ có lòng hăng hái, khi vào Đảng, được huấn luyện về học thuyết và phương pháp công tác. Còn bản chất. Nếu có bản chất tốt, họ mang theo cái tốt ấy khi vào đảng và vẫn giữ lại được ít nhiều. Đảng tạo cho họ có cương vị, nhưng đồng thời cũng hạn chế phần nào những mặt tốt của họ và còn dạy cho họ những điều xấu về thù hận, về đấu đá, tạo cho họ những cơ hội để phát triển các thói xấu về đặc quyền đặc lợi. Câu nói: “Người ấy đảng viên nhưng mà tốt” phản ảnh một phần nào sự thật. Có không ít người bản chất là xấu, cơ hội, thậm chí ngu và tham, vào được trong đảng, tổ chức đảng tạo điều kiện và thời cơ cho những thói xấu đó phát triển.
Có một số ý kiến cho rằng về bản chất tổ chức CS là không thể cải tạo, điều ấy có thể đúng. Nhưng xét riêng từng đảng viên, tôi nhận ra rằng, trừ bọn cơ hội, còn khá nhiều đảng viên giữ được thiện chí, có thể tự cải tạo, được cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội.
Nhầm thứ 3: Đảng trước đây và đảng bây giờ. Nhạc phụ tôi vào Đảng năm 1936, mất năm 1997. Trong những năm cuối đời ông băn khoăn về sự mất lòng tin vào Đảng của dân nói chung và của con cháu ông nói riêng. Tôi đã nói với ông rằng, Đảng của ông và Đảng ngày nay tuy có cùng tên nhưng đã là 2 đảng khác nhau. Gần đây nghĩ lại tôi phát hiện ra nhầm lẫn.
Quả thật có sự khác nhau rất lớn, điều đó chủ yếu do đảng viên khác nhau chứ bản chất đảng không khác. Trước đây nhiều người ưu tú, vì được nghe tuyên truyền mục tiêu tốt đẹp mà vào Đảng. Họ hy sinh, phấn đấu cho điều tốt đẹp đó. Nhìn thấy những đảng viên như vậy cứ tưởng nhầm Đảng tốt. Nhưng không phải. Những cái tốt được phô ra bên ngoài ấy là hình thức, còn bản chất Đảng vẫn chủ trương đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính và trong sâu thẳm còn chứa đựng những mầm mống độc hại, nguy hiểm, chỉ tạm thời chưa thế hiện ra mà thôi. Ngày nay, phần lớn người vào đảng là bọn cơ hội, vào để tìm kiếm quyền lợi, chúng nó triệt để lợi dụng tổ chức của đảng để thực thi đường lối độc tài toàn trị.Bản chất của Đảng ngày nay và trước đây là giống nhau, nhưng bây giờ thể hiện ra rõ ràng hơn.
Đối với đất nước, sẽ rất tốt khi có những người thành lập được đảng chính trị đối lập. Hay nhất là một số đảng viên hiện nay tách ra thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Lao động, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội hoặc một tên gì khác. Có thể lấy tên Đảng Lao động nhưng không quay trở về vói cương lĩnh, đường lối của Đảng Lao động trước đây. Đảng mới lập phải là một đảng chính trị, có tổ chức, có cương lĩnh khác với đảng cách mạng. Cương lĩnh của đảng này phải là xây dựng thể chế chính trị dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập, kiên quyết từ bỏ CNML và con đường XHCN.
Kết luận: Người ta, kể cả các trí thức lớn, các nhà khoa học lỗi lạc cũng khó tránh khỏi một vài nhầm lẫn. Vấn đề quan trọng là làm sao để phát hiện ra nhầm lẫn và phát hiện được rồi thì xử lý như thế nào. Đó là một trong những vấn đề khó cho mỗi người.
Cái nhầm không nên có của người quân tử .
Trong một đời người , không ai tránh khỏi ít nhất một lần nhầm lẫn . Cái nhầm của người dân thường thường chỉ gây hại cho chính anh ta và có thể phản tỉnh để chuộc lỗi nhưng cái nhầm của lãnh tụ hoặc người lãnh đạo cấp cao của một đảng chính trị đã nắm quyền thì có thể gây hại cho cả một dân tộc trong nhiều thế hệ và không thể trốn tránh sự lên án của lịch sử
Người dân Việt Nam , nhất là người dân miền bắc không ai quên Đảng Lao động Việt Nam mà chủ tịch đảng là Hồ Chí Minh được khai sinh vào tháng 2 năm 1951 từ Đại hội 2 của Đảng cộng sản Đông Dương , có chung nhóm máu là Chủ nghĩa Mác – Lê nin . Mới lên 2 tuổi , từ năm 1953 , đảng này đã liên tiếp gây nhiều tội ác với dân . Có người đã lên án chủ nghĩa Mác-Lê nin là độc hại và khuyên ĐCSVN từ bỏ chủ nghĩa độc hại đó và từ bỏ tên D(CSVN , nhưng rồi lại chính người đó dự định thay ĐCSVN bằng ĐLĐVN của Hồ Chí Minh . Người ta có câu “ Quân tử phải nhất ngôn “ . Vậy dự định đó có phải là sự nhầm lẫn của người quân tử không ?
Muốn thành lập một đảng tử tế hơn ĐCSVN , người đứng ra thành lập phải kết nạp được những người tử tế và có tài . Nếu đảng đó không khác gì ĐLĐVN đã từng có nhiều tội ác với dân , liệu có thể tập họp được những người tử tế hay không .
Những người tử tế cũng không nên nhầm lẫn về chính trị . Thế hệ trước chúng ta đã từng nhầm lẫn và chúng ta nên lấy đó để răn mình . Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học và một chính trị gia nổi tiếng . Ông học ở Pháp , theo ông Hồ Chí Minh từ ngày thành lập nước VNDCCH , vào ĐCSĐD , từng giữ nhiều chức trách quan trọng : Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng ( 1947 ) , Chánh văn phòng Quân ủy trung ương ( 1948 ) , Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học nhà nước ( 1958 ) , Bộ trưởng Bộ Đại học của VNDCCH kiêm Hiệu trưởng trường Đại học bách khoa Hanoi ( 1965 ) . Ông là người chí công vô tư , trung thực , tận tụy với sự nghiệp đào tạo nhân tài . Chỉ vì nhân cách của ông là người thẳng thắn bảo vệ lẽ phải , bảo vệ người tốt mà ông phải rời Ủy ban khoa học nhà nước và rời Bộ Đại học . Ông tâm sự với người con trai “ Đời bố có những việc sống phải để bụng , chết phải đem theo “ (*) . Ông biết là ở cương vị của ông , ông cũng đã có sự nhầm lẫn . Chỉ có điều sự nhầm lẫn của ông chỉ đem lại nỗi buồn cho riêng ông chứ không gây hại cho người khác . Đó cũng là một bài học cho mọi người tử tế .
Trần Xuân Sinh .
Ghi chú : (*) Tạp chí Tác Phẩm mới 18/3/2017 “ Về Giáo sư Tạ Quang Bửu “.
Bổ sung vào cái nhầm thứ 3 của bác Cống : Ngày nay phần lớn bọn họ là cơ hội , triệt để vận dụng ” Tư bản luận ” của Marx , vào ĐCS để cố kiếm một cái ghế , nhanh chóng kiếm thật nhiều tiền làm vốn ( Marx nói vốn bằng tiền cũng là tư bản mà ) , tích cực tham gia nền kinh tế thị trường định hướng tư bản đỏ , do Tổng Trọng chủ biên ( điển hình là Hồ Thị Kim Thoa đấy ) . Bọn cơ hội này cứ bị dân chúng dần dần phát hiện vạch mặt chỉ tên . Nền kinh tế của đất nước thì bị chúng gặm nhấm thê thảm , ngày càng lụn bại , cử nhân thất nghiệp hàng đống , chỉ mong được cùng lao động tay nghề giỏi sang Hàn Quốc làm thuê . Thế nên Tổng Trong than phiền ” Hết thế kỷ này chưa chắc có cái chủ nghĩa xã hội ấy đâu ” . Thế mà ta một thời cũng tưởng rằng sẽ có cái XHCN đó . Cái nhầm ấy mới đau thấm tận xương tủy , bác Cống nhỉ ?
Rất cám ơn Bác Cống. Bác đã làm cho tôi sáng tỏ ở nhầm lẩn thứ 3 của bác