72 năm, một chuỗi dài ‘bội ước’

Blog VOA

Bùi Tín

5-9-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.

Đã tròn 72 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám và ngày Tuyên Ngôn Độc lập 2/9/1945, đảng Cộng sản cướp chính quyền và giữ chính quyền cho riêng mình.

Cứ vào dịp này, báo chí chính thống của chế độ lại đua nhau kể lể thành tích vĩ đại của đảng mang tính chất lịch sử, hoàn thành cuộc Cách mạng dân tộc – dân chủ, đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ưu việt trong cả nước, thực hiện mục tiêu nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng, phát triển và hạnh phúc.

Đã đến lúc mỗi người dân Việt nhìn lại quá trình hơn 70 năm qua một cách trung thực, khoa học, có trách nhiệm, xem đất nước ta hiện nay thật sự ra sao và từ nay nên chọn con đường nào để xây dựng nước ta xứng đáng với một dân tộc có truyền thống kiên cường bất khuất, yêu tự do, dân chủ, giàu lòng nhân ái.

Lúc này, hơn lúc nào hết, cần chấm dứt kiểu tuyên truyền mị dân, lừa dân, nói lấy được, khoe khoang quá đáng kiểu đại ngôn, ngoa ngôn, tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, rất có hại, một kiểu ăn gian trâng tráo trên truyền thông độc thọai.

Cách tốt nhất năm nay để «kỷ niệm» xứng đáng 72 năm chuyên chính, đảng Cộng sản nên làm một cuộc xem xét lại mình cho thật thà, nghiêm chỉnh, tự chỉ ra những sai lầm khuyết điểm và thành khẩn sửa mình, tạ tội với dân tộc và toàn dân, sáng suốt đổi mới cung cách cầm quyền theo mô hình dân chủ thật sự, hội nhập hoàn toàn vào thế giới dân chủ văn minh, phát triển mạnh mẽ đất nước về mọi mặt, bù đắp lại những trì trệ thất bại và lạc hậu không đáng có trong suốt 72 năm qua.

Xin gợi ý cho cuộc kỉểm điểm cần thiết này về «những quả lừa dân lớn nhất»

và «một chuỗi dài bội ước» của đảng trong 72 năm toàn trị, để mỗi công dân ta cùng suy ngẫm, cũng để Bộ Chính trị và mỗi đảng viên cộng sản soi mình, theo đúng phương châm của đảng là «tự phê và phê bình là quy luật của phát triển, tiến bộ, như rửa mặt hàng ngày vậy.»

Một «bội ước» khổng lồ cần chỉ ra trước hết. Trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh có lời kết «Tòan thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.» Đây là lời thề Độc lập.

Khi ông tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cùng ông thủ tướng Đỗ Mười và nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 2 tháng 9/1990 sang Thành Đô/Trung Quốc để ký mật ước Trung- Việt – một mật ước không hề được báo cáo cho quốc hội và nhân dân, được coi là mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc mới kéo dài cho đến hôm nay, qua 5 đời Tổng bí Thư : Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng. Đó là gì nếu không phải là một sự bội ước đối với lời thề Độc lập nói trên của ông Hồ? Một sự từ bỏ độc lập dân tộc, một hành động bán nước rõ rệt, một trọng tội có thể xử tử hình?

Theo Hiệp Định Gieneve về đình chỉ chiến sự năm 1954, các bên cam kết ngừng bắn, «không trả thù những cá nhân đã hợp tác với đối phương,» sẽ tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7/1956, không dùng bạo lực vũ trang để thôn tính nhau. Khi không có Tổng tuyển cử, bên nào đã dấu quân ở miền Nam, không tập kết hết ra Bắc? còn ồ ạt đưa quân và vũ khí ngày càng nhiều qua khu phi quân sự vào phía đối phương, chủ động tạo nên cuộc chiến tranh quy mô mới? Đây cũng là một sự «bội ước lịch sử» nữa, gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, do đảng Cộng sản đóng vai chủ động gây chiến không thể chối tội được.

Theo Hiệp định Paris năm 1973, tại miền Nam có 2 vùng tập kết quân sự, sẽ có Tổng tuyển cử ở miền Nam; ngay sau ngừng bắn, 2 bên ở miền nam sẽ thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, cấm mọi hành động trả thù, phân biệt đối xử với những cá nhân hay tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; 2 bên sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc, tôn trọng lẫn nhau, không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải hòa hợp dân tộc. «Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN sẽ quyết định tương lai chính trị của mình qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ dưới sự quan sát quốc tế, cam kết tôn trọng ngừng bắn và giữ vững hòa bình ở miền Nam VN, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.» «Tái thống nhất VN từng bước trên cơ sở bàn bạc thỏa thuận, không bên nào cưỡng ép thôn tính bên kia.» Vậy ai đã cố tình không tập kết lực lượng vào vùng quy định, ai không tôn trọng việc ngừng bắn, ai bỏ qua việc hiệp thương lập Hội đồng Quốc gia hòa hợp và hòa giải dân tộc, và cuối cùng ai đã vi phạm cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và cố tình vi phạm cam kết tái thống nhất VN trên cơ sở bàn bạc thỏa thuận, không bên nào cưỡng ép tôn tính bên kia?

Rõ ràng đây là một chuỗi dài «bội ước,» chà đạp các điều cam kết ghi trên các thỏa ước quốc tế, bội ước cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN, bội ước cam kết tái thống nhất qua bàn bạc thỏa thuận, không bên nào cưỡng ép thôn tính bên kia, đánh lừa nhân dân ta, đánh lừa cả thế giới.

Đó là chưa kể những «bội ước khổng lồ» khác, như cam kết diệt tham nhũng đến cùng, khẩn trương xử công khai 12 vụ đại án, nhưng lại sợ đánh chuột vỡ bình, diệt hết tham nhũng thì còn có ai làm việc, là «ta đánh ta»…

Rồi cam kết xây dựng nền «pháp quyền nghiêm minh,» cải cách nền tư pháp công bằng độc lập, chỉ xử theo luật, nhưng trên thực tế là một nền tư pháp đảng trị, xử theo chỉ thị của Bộ chính trị, đảng ủy các cấp, phục vụ cuộc đấu tranh phe nhóm, xuất khẩu bạo lực qua hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dùng tòa án đảng trị để cướp của, hành hạ tàn ác doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, bị cả thế giới lên án chê trách.

Về mặt tư pháp, sự bội ước lớn nhất là cam kết «không để lọt kẻ gian, không làm oan người ngay» nhưng phương châm này đã bị phản bội, qua nền tư pháp xử án theo nhiều tốc độ, theo nhiều thước đo khác nhau, quá rộng lượng với các quan chức quan liêu nhũng lạm hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, quá tàn bạo nghiệt ngã bất công với các chiến sĩ dân chủ yêu nước thật lòng, thương dân thật bụng.

Nhân dịp kỷ niệm ngày 30/4 năm nay, Giáo sư TS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế tp Sài gòn đề nghị từ nay Ngày 30/4 là ngày Cầu siêu trong cả nước tưởng niệm mọi nạn nhân chiến tranh thuộc các phía, là ngày đảng Cộng sản công khai tạ tội với nhân dân về những chết chóc, đau khổ thiếu thốn chồng chất do đảng đã gây ra, quá sức chịu đựng của con người thuộc nhìều thế hệ. Một đảng viên lương thiện có dũng khí dám nói lên sự thật, dám thừa nhận sai lầm, bội ước của đảng, xứng đáng là tinh hoa trí thức của dân tộc.

Bình Luận từ Facebook