Thạch Đạt Lang
4-9-2017
Là một trí thức thật sự, từng giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước như Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, lại là tác giả nhiều bài báo, phát biểu về các chủ đề về văn hóa và xã hội của Việt Nam như phát triển, hội nhập, giáo dục, văn hóa… được đánh giá là sắc sảo, thẳng thắn trên các phương tiện truyền thông, chứng tỏ GS Tương Lai là người dầy công nghiên cứu, tìm hiểu sâu xa về xã hội cũng như lịch sử hình thành xã hội qua các thời kỳ.
Tôi không nghi ngờ gì tấm lòng yêu nước trung thực, nồng nàn của ông Tương Lai với đất nước, dân tộc. Tôi cũng không đánh giá những bài viết – phản biện lại đường lối, chính sách mà đảng CSVN hiện nay đang theo đuổi – những phản biện nhằm mục đích đưa Việt Nam ra khỏi cơn khủng hoảng về kinh tế, suy đồi về văn hóa, hỗn loạn trong quản trị, điều hành đất nước, xã hội điên đảo, mất niềm tin giữa người dân với chính quyền, với công an, quân đội và giữa người dân với nhau… có thật sự tác động hay ảnh hưởng gì đến độc giả hay những người lãnh đạo đảng và chế độ CS hiện nay hay không?
Tuy nhiên, bài viết của ông Tương Lai “Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh”, khiến tôi thật thất vọng. Sự thất vọng đó khiến tôi viết lên những dòng nhận định sau đây.
Bản tuyên bố của ông Tương Lai khá dài, tôi chỉ trích ra một vài đoạn, phân tích những mâu thuẫn mà ông Tương Lai mắc phải.
Trong tuyên bố của mình, ông Tương Lai nói rằng, ông dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng. Điều này khiến tôi vô cùng ngạc nhiên vì là lần đầu tiên nghe đến đảng Nguyễn Phú Trọng. Thú thật không biết đảng Nguyễn Phú Trọng là đảng nào, thành lập bao giờ, có bao nhiêu đảng viên, chủ trương, mục đích, cương lĩnh hoạt động ra sao? Tôi chỉ biết ông Trọng đang là Tổng Bí Thư của đảng CSVN.
Như thế, việc ông Tương Lai gọi ĐCSVN hiện nay là đảng Nguyễn Phú Trọng, theo tôi hiểu chỉ là một cách phủ nhận vai trò lãnh đạo đảng CSVN của ông Trọng. Vậy theo ông Tương Lai, khi quay về với đảng Lao Động của Hồ Chí Minh, ông muốn ai sẽ là người lãnh đạo của đảng HCM?
Là một nhà xã hội học dưới chế độ CS, chắc chắn ông Tương Lai phải đọc lịch sử thành lập ĐCSVN ít nhất là vài lần, chẳng những đọc mà còn đọc kỹ, nghiền ngẫm đến thuộc lòng lịch sử đảng. Do đó, không thể nói ông không biết rằng việc đổi tên đảng Cộng Sản Đông Dương thành Đảng Lao Động Việt Nam vào năm 1951 chỉ là một thủ đoạn chính trị của ông Hồ Chí Minh vì nhu cầu của tình hình trong nước.
Ngay từ ngày đầu thành lập cho đến tháng 10.1930, đảng CSVN mang tên đảng Cộng Sản Đông Dương là một bộ phận của Quốc Tế Cộng Sản, theo chủ nghĩa Marx-Engels-Lenin. Cương lĩnh và điều lệ đảng CSVN từ năm 1930 đến nay đã thay đổi tổng cộng 11 lần nhưng bản chất hoàn toàn không có gì khác biệt với nội dung ban đầu.
Cho dù tự tuyên bố giải tán vào tháng 11 năm 1945 rồi tái xuất hiện chính thức vào tháng 2.1951, cương lĩnh của đảng CSVN không hề thay đổi. Thử so sánh môt vài lần đổi tên và điều lệ, cương lĩnh sau khi thành lập đảng CSVN xem có gì khác biệt:
Năm 1930: “Đảng Cộng sản Đông Dương, đội tiền phong duy nhất của vô sản giai cấp, tranh đấu để thu phục đa số quần chúng vô sản, lãnh đạo nông dân lao động và tất thảy quần chúng lao động khác, chỉ huy họ làm cách mạng phản đế và điền địa (mưu cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập, dân cày được ruộng đất, các dân tộc thiểu số được giải phóng), lập chính quyền Xô viết công nông binh, đặng dự bị điều kiện tranh đấu thực hiện vô sản chuyên chính, kiến thiết xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đầu của cộng sản chủ nghĩa theo chương trình của Quốc tế Cộng sản”.
Năm 1951. “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam.
Đảng Lao động nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc lập và thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Không có gì mới, chỉ là những ngôn từ được viết khác đi, còn nội dung giống y chang, mục đích vẫn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đến đại hội đảng lần thứ 3 năm 1960 những chữ Engels, Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông bị hủy bỏ. Đến năm 1976, đảng Lao Động Việt Nam chính thức đổi tên thành Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong tất cả những lần đại hội, ĐCSVN chỉ thay đổi tên và một ít điều lệ trong cương lĩnh nhưng mục đích, chủ trương, chính sách, đường lối hoạt động của đảng không có gì mới.
Mãi đến năm 1986 vì sự sai lầm nặng nề trong các chính sách cải cách giá-lương-tiền đưa đến việc đổi tiền năm 1985, gây ra khủng hoảng kinh tế, đảng CSVN mới hoảng hốt đổi mới, thay đổi đường lối kinh tế, gia nhập nền kinh tế thị trường nhưng lại thòng thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chắc chắn không một kinh tế gia lỗi lạc nào trên thế giới có thể hiểu rõ hoặc giải thích “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là gì, vận hành ra sao”.
Đến khi chủ nghĩa CS sụp đổ trên toàn thế giới, bắt đầu ngay tại cái nôi của nó là Liên Xô, lan đến Đông Âu, đảng CSVN hoang mang, thấy rõ nguy cơ tan vỡ của chủ nghĩa Mác-Lê, vội vã ôm chân bọn bá quyền Bắc Kinh để tồn tại và để giữ vững độc quyền cai trị, liền chính thức đưa thêm tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong cương lĩnh của đảng năm 1991.
Khi quay trở lại với tư cách đảng viên đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh để tiếp tục chiến đấu, không thấy ông Tương Lai nói rõ là trở lại với đảng của Hồ Chí Minh vào thời điểm nào, năm 1930, 1951, 1960 hay 1991?
Xin đặt ra câu hỏi: Từ năm 1951 đến năm 1991 là 40 năm, tư tưởng Hồ Chí Minh nằm ở đâu trong suy nghĩ của ông Tương Lai và các lãnh đạo đảng CS qua nhiều thế hệ? Chẳng lẽ sau khi ông Hồ Chí Minh chết 22 năm (1969-1991), các đảng viên, lãnh đạo ĐCS mới chợt khám phá ra bác Hồ có tư tưởng vừa sâu, vừa dài? Và nếu ông Hồ quả thật có tư tưởng, thì lý do gì trong khi ông Hồ còn sống, tư tưởng này không hề được nghe ai nói đến hay truyền bá nó?
Trong bản tuyên bố, ông Tương Lai cho biết cách đây 15 năm, năm 2002 ông có viết một tiểu luận chính trị “Chân lý là cụ thể” để chứng minh rằng không có cái gọi là Chủ Nghĩa Mác-Lê Nin, chỉ là sản phẩm của Stalin được nhào nặn, thêm mắm muối, bột ngọt… nhập cảng từ Trung cộng với chủ nghĩa Mao được du nhập vào Việt Nam và xác định đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam để trù dập, bịt miệng, kết tội phản động những nghiên cứu khoa học từ thực tiễn Việt Nam và trên thế giới.
Ông Trương Lai đã tốn 10 năm để thu thập tư liệu, nghiên cứu biến chuyển xã hội, những thành tựu thực tế của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ông bắt đầu tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh vào năm 1992 sau khi khối cộng sản sụp đổ, điều đó có nghĩa là, nếu CS thế giới chưa sụp đổ thì tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ không có cơ duyên xuất hiện? Nhưng ai là người đầu tiên “phát hiện” ra tư tưởng Hồ Chí Minh? Không ai biết, không ai hay, không thấy tài liệu, sách vở nào nói tới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đột ngột xuất hiện trong cương lĩnh ĐCSVN vào năm 1991 để cứu đảng CSVN, như “một tia chớp sáng lòa”, như Phật Thích Ca hay Chú Giê-Su giáng trần để cứu rỗi chúng sinh. Từ đó giáo sư Tương Lai trở thành người học trò lỗi lạc đi truyền bá tư tưởng này với tiểu luận “Chân lý là cụ thể” nói trên. Tiếc thay tiểu luận không được nhiều người trong ĐCSVN hưởng ứng, chỉ có 2 người có phản hồi và trao đổi trực tiếp là ông Võ Văn Kiệt và tướng Võ Nguyên Giáp, theo ông Tương Lai.
Trong tiểu luận này, ông Tương Lai ca ngợi Hồ chí Minh rất lộ liễu, nhằm mục đích gì tôi không biết: “tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tích hợp và vận dụng nhuần nhuyễn những thành tựu của trí tuệ loài người, trong đó có Phật giáo, Khổng giáo từng hòa quyện với truyền thống dân tộc đã chìm sâu trong kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội Việt Nam và chủ nghĩa Mác”, mà quên đi rằng Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Cải Cách Ruộng Đất với hơn 100.000 người dân bị sát hại oan uổng, bao nhiêu nhân tài, tinh hoa của đất nước như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần… bị vùi dập, trấn áp trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm hay mấy triệu mạng thanh niên hai miền Nam Bắc hy sinh trong nội chiến 1954-1975, vì những điều hoang tưởng của chủ nghĩa CS.
Cũng theo lời ông Tương Lai: “Với Mác, Hồ Chí Minh đã thực hiện một tiếp biến, loại bỏ những sai lầm về lý thuyết, giữ lấy những giá trị bền vững qua kiểm nghiệm của thời gian, tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng đó vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam”.
Không thấy có sách vở, tài liệu, kết quả nào đã chứng tỏ rằng ông Hồ Chí Minh đã thực hiện được tiếp biến, loại bỏ những sai lầm về lý thuyết, giữ lấy giá trị bền vững qua kiểm nghiệm của thời gian hay vận dụng sáng tạo những tinh hoa tư tưởng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người của Việt Nam.
“Bằng cách đó, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ lịch sử giữa truyền thống và hiện đại trong thế kỷ XX”. Tại sao trong khi chính bản thân Hồ Chí Minh xác định, ông ta không hề có tư tưởng nào ngoài tư tưởng Marx-Lenin, thì có người lại ca ngợi rằng, tư tưởng của ông Hồ là sự gặp gỡ lịch sử giữa truyền thống và hiện đại trong thế kỷ XX?
Quan sát thực tế, có thể thấy rõ, không có thành quả về kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục, y tế… dưới chế độ cộng sản VN mấy chục năm qua, ngay cả khi ông Hồ còn sống, chứng minh được rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là cuộc gặp gỡ lịch sử nói trên.
Nói chuyện với một số người thân trong nước, họ cho rằng ông Tương Lai phải viết như thế để tranh thủ sự đồng tình của một số đảng viên còn phẩm chất, từ đó có thể tập trung được sức mạnh làm thay đổi tình hình từ trong nội bộ đảng CSVN, dẫn tới một cuộc cách mạng ôn hòa, thay đổi vận mệnh đất nước mà không phải đổ máu hay gây ra xáo trộn, khủng hoảng xã hội.
Tôi không tin điều này. Đất nước VN hiện tại đang có nguy cơ biến mất trên bản đồ thế giới, trở thành môt thuộc địa của Trung Cộng trong tương lai rất gần, mọi thay đổi có tính cách chắp vá đều không có hiệu quả, khó lòng cứu vãn được tình thế. Ông Tương Lai không phải là một tuyên giáo của đảng CS, ông là một nhà xã hội học, nghiên cứu phát triển thực tế của xã hội, nhưng làm gì có thực tế nào khác dưới chế độ CS ngoài thực tế mà người dân VN đang chứng kiến?
Tin tưởng vào những điều mình viết, nói ra và tìm cách truyền bá sâu rộng vào trong nội bộ đảng, trong dân chúng, tiếc thay, những điều GS Tương Lai viết và nói ra không được các đồng chí lãnh đạo trong đảng CS đón nhận, bởi vì họ biết đó chỉ là những chuyện phiếm, không thật.
Không có chiến lược, chính sách, đường lối hoạt động nào của chế độ CSVN trong suốt 72 năm qua phát xuất từ Tư Tưởng Hồ Chí Minh. Tất cả đều, một là rập khuôn theo các chính sách, đường lối của Mao Trạch Đông, hai là bắt chước y như Liên Xô.
Ban tuyên giáo CSVN dựng lên Tư tưởng Hồ Chí Minh như một tấm bình phong để ĐCS tiếp tục độc quyền cai trị đất nước và ông Tương Lai bập vào đó như một cơ hội để nghiền ngẫm, nghiên cứu mong được trọng dụng. Tiếc thay họ đã phớt lờ ông vì biết rõ ông Hồ Chí Minh chẳng có tư tưởng gì.
Ông Hà Sĩ Phu, tức tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ, năm 1988 đã viết tham luận Dắt Tay Nhau Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ, bài tham luận không hề được chính thức phổ biến hay đăng tải trên bất cứ tờ báo nào trong nước, chỉ được tác giả phổ biến, chuyền tay nhau trong vòng thân hữu, bạn bè – vạch ra những nghịch lý của chủ nghĩa CS – mà tác giả đã bị không biết bao nhiêu là công kích, đã phá, vu khống, chụp mũ từ báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân… khiến cho cuộc sống của tác giả điêu đứng trong một thời gian khá dài.
Hai năm sau, 1990 chủ nghĩa CS tan rã ở Đông Âu và Liên Xô chứng tỏ ông Hà Sĩ Phu đã tiên đoán được chủ thuyết CS hoang tưởng của Marx sẽ sụp đổ. Thế mà gần 30 năm sau, khi chủ nghĩa CS bị chôn vùi nơi sinh ra nó, giáo sư Tương Lai vẫn rị mọ, loay hoay truyền bá chủ thuyết này sau khi gắn thêm cho nó Tư Tưởng Hồ Chí Minh.
Chế độ CSVN đã mục rữa toàn bộ, mọi sự thay đổi dù cho có bị tác động trong nội bộ đảng, chính quyền hay ảnh hưởng bên ngoài, đều không thể cứu vãn được tình thế. Khi tính cách độc đảng, độc quyền lãnh đạo đất nước vẫn tồn tại với điều 4 hiến pháp thì đảng Lao Động của Hồ Chí Minh hay đảng CS của Nguyễn Phú Trọng chẳng khác gì nhau.
Từ bỏ đảng CSVN của Nguyễn Phú Trọng để trở lại chiến đấu cùng với đảng Lao Động Hồ Chí Minh, phải chăng ông Tương Lai muốn quay về với quá khứ để giữ vững chế độ?
© Copyright Tiếng Dân
Ông Tương Lai dù muốn phục hoạt cái thây ma “tư tưởng Hồ Chí Minh” một cách thành tâm hay chỉ là giả vờ nói thế để lôi kéo những thành phần cs lừng khừng và còn trung thành với “bác hồ” vào công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách cai trị của bè phái độc tài cs Nguyễn Phú Trọng cũng không quang minh chính đại cho lắm. Không lẽ ông lại rập khuôn “đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ chống Pháp của Việt Minh” năm nào? Thay vì được khai dân trí để thấy đâu là chính đâu là tà, người dân lại được một phen vào vai những con cừu cho các ông đạt được mục đích?
Hãy “thông cảm” cho ông Tương Lai, ông chỉ làm được như thế vì nhiều lẽ, lẽ thứ nhất ông cần giữ “thủ cấp” để sống thoi thóp trong những ngày tàn này, lẽ thứ hai, quan trọng hơn, ông không đủ can đảm từ bỏ quá khứ của chính ông, ông vẫn còn vương vấn những niềm tự hào “chói sáng” trong những năm tháng ông giữ chức vụ không cao lắm, nhưng phần nào đã gây nên sự tha hóa của nền văn hóa xã hội hôm nay.
Đó là chuyện đáng buồn.
Cái xấu hôm nay là do kẻ khác tạo nên, còn ta, ta vẫn trong sáng.
Có đúng vậy không?
Không đúng.