Bản tin ngày 3/9/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Báo Dân Việt: TQ diễn tập quân sự ngoài cửa vịnh Bắc bộ, ngư dân nghe ngóng. Bài báo đưa tin, Trung Quốc đang “diễn tập quân sự trên vùng biển Hoàng Sa“, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao quan ngại chuyện Trung Quốc “diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ“.

Hình ảnh TQ diễn tập ở Vịnh Bắc Bộ hồi tháng 8. Nguồn: East Pendulum

Ông Trần Văn Mười, chủ tàu vỏ sắt ĐNa 90777, cho biết, ngày 30/8, khi tàu của ông đang đánh bắt ở cách Đà Nẵng khoảng 80 hải lý về phía đông, “các thuyền trưởng gọi bằng ICOM báo về có rất đông tàu vỏ sắt của Trung Quốc trong khu vực. Họ dùng loa, hú còi, xịt vòi rồng đe dọa yêu cầu các tàu của dân mình rời khỏi khu vực đó. Nghe vậy tôi yêu cầu các thuyền trưởng di chuyển lên phía bắc khoảng 40 hải lý”.

Có bùa hộ mệnh đây rồi: Tặng 500 cờ Tổ quốc cho ngư dân huyện Nghi Lộc. Hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, cùng với UBND huyện Nghi Lộc, tặng cờ cho ngư dân. Các ngư dân treo cờ này lên tàu, khi ra khơi đánh bắt cá, chắc Trung Quốc sẽ sợ, không dám rượt đuổi nữa?!

Một bài dịch riêng cho Tiếng Dân của dịch giả Trung Nguyễn: Mỹ thách thức Trung Quốc bằng nhiều cuộc tuần tra hơn trong các vùng biển tranh chấp. Báo Wall Street Journal cho biết, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đã triển khai một kế hoạch tự do hàng hải, bằng cách tuần tra 2-3 lần trong vài tháng tới, để thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại các vùng đang tranh chấp ở Biển Đông.

Bài báo viết: “Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói về mục tiêu của Hoa Kỳ tại khu vực trong một bài diễn văn vào đầu năm, tại một cuộc hội thảo an ninh tại Singapore, tuyên bố rằng Washington có ‘cam kết lâu dài’ ở châu Á dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược và ‘các giá trị chung về con người tự do, thị trường tự do, và một đối tác kinh tế mạnh và năng động’.

Bài tóm lược: Mỹ lên kế hoạch tuần tra hàng hải ở Biển Đông thường xuyên hơn (BBC). – WSJ: Mỹ lên lịch tuần tra hàng hải thường xuyên hơn ở Biển Đông (VOA).

Mời đọc thêm: Ông Tập chỉ đạo công kích Phán quyết, Mỹ sẽ tuần tra Biển Đông 2-3 lần 1 tháng (GDVN). – Mỹ chính thức tăng cường tuần tra Biển Đông và phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc (Sputnik). Trung Quốc rầm rộ tập trận cách Đà Nẵng 75 hải lý, Mỹ tăng cường tuần tra biển Đông (TTVN). – Sự leo thang nguy hiểm trên Biển Đông (TN). – Philippines gặp đại diện các nước ASEAN và TQ để thảo luận COC (RFA).

Về tàu vỏ thép: Vụ thắng kiện “Tàu 67” ở Quảng Nam: Tàu tiền tỉ nằm bờ, ngư dân vá lưới thuê kiếm ăn từng bữa (LĐ). – Thêm gói tín dụng ưu đãi 300 tỷ đồng cho ngư dân vươn khơi bám biển (PLVN).

“Chào mừng” Quốc khánh 2-9

Tác giả Trung Nguyễn có bài viết riêng cho Tiếng Dân: Hãy áp dụng thông lệ quốc tế vào thể chế chính trị. Trong khi ĐCS Việt Nam đang chào mừng kỷ niệm 72 năm “cướp chính quyền” và Quốc khánh 2/9, thì ngoài biển khơi, Trung Cộng cũng “chào mừng” bằng cách tập trận ngay trong vùng biển đặc quyền kinh tế của VN, suốt từ tháng 8 tới đầu tháng 9.

Đảng và Nhà nước im lặng, Bộ Ngoại giao phản đối chiếu lệ, Quân đội Nhân dân Việt Nam không có bất kỳ phản ứng nào về việc Trung Cộng làm mưa làm gió ngay trong nhà mình. Nhân dịp này, tác giả phân tích những mặt vĩ mô của đất nước sau 72 năm: lãnh thổ, nhân dân, pháp luật, chính quyền.

Chọn ngày Quốc khánh 2/9: Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản. “Giáo sư Tương Lai mô tả, trong khi ông ‘kiên trì dấn thân’ vào cuộc đấu tranh làm thay đổi thực trạng của hệ tư tưởng giáo điều, bảo thủ đang dìm đất nước trong trì trệ lạc hậu, và ‘nhẫn nhục tiếp tục ở lại trong Đảng’ thì sự hậu thuẫn trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh đang thao túng Đảng khiến Đảng này ‘không còn gì là Đảng của Hồ Chí Minh nữa’.

Lễ Quốc khánh năm nay, Tạp chí Cộng Sản còn không thèm viết bài, chỉ mượn bài của TTXVN với bức hình bé xíu chụp ảnh lãnh đạo, nhìn không phân biệt được ai. Còn Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thì chỉ lào tèo vài mống, chắc chỉ mời mấy “người quen” đến làm màu, chụp ảnh để tuyên truyền?

Tác giả Linh Quang có bài: Kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 giữa một nhóm người Việt tụ tập với nhau tại Đại sứ quán Berlin. “Qua những hình ảnh và video clip tường thuật chính thức trên báo chí truyền thông ở Việt Nam cho thấy chỉ có vọn vẹn khoảng 40 người tham dự, tất cả đều là người Việt, không có một người Đức nào hoặc một người nước ngoài nào khác“.

Chuyện Quốc khánh 2-9 ở Đức, dịch giả Hùng Hà có bài dịch từ báo Taz: Quốc khánh Việt Nam: Ngờ vực ngày càng cao. Do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, căng thẳng ngoại giao giữa hai nước Đức – Việt, nên năm nay Đại sứ quán hủy bỏ buổi tiếp tân nhân dịp Quốc khánh.

Bài báo có đoạn: “Đại sứ quán Việt Nam rút khỏi cộng đồng người di dân. Vào ngày thứ Bảy hôm nay, ngày 02.09, là ngày Quốc khánh Việt Nam. Thường là, bên cạnh những yếu nhân của Đức còn có những người di dân có cống hiến được mời đến buổi lễ ở Đại sứ quán. Năm nay không có tiệc tùng gì. Đại sứ quán có nhiều việc bận bịu quá chăng?

Còn bản tin của VTV hôm 1/9 chiếu cảnh các lãnh đạo và cựu lãnh đạo Việt Nam “vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ“. Trong đoàn có cựu TBT Nông Đức Mạnh, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết,… nhưng không thấy có cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Có vẻ như tình hình kinh tế trong nước đang quá khó khăn, giặc bên ngoài thì tập trận bắn đạn thật “chào mừng” lễ quốc khánh, mối lo lắng về hai ông họ Trịnh… đã làm cho tinh thần các lãnh đạo càng thêm căng thẳng.

Báo Nhân Dân có bài của TS Nguyễn Mạnh Hà – Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tuyên ngôn Độc lập và giá trị lịch sử hôm nay. Bài viết có đoạn: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.

Chưa biết “giá trị nhân văn cao cả về quyền con người” có thật hay không, nhưng bản hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã bị GS Hoàng Xuân Phú bóc mẽ: Teo dần quyền con người trong Hiến pháp. Không những vậy, bản Hiến pháp này còn bị GS Phú điểm: Hai tử huyệt của chế độ, thì chắc không thể “sống mãi” được.

Luật Khoa có bài: Ba lý do khiến Hiến pháp 1946 vẫn luôn hấp dẫn. Vì nó “Không có chữ ‘đảng’ trong Hiến pháp 1946và “Quyền công dân rõ ràng và không bị hạn chế”…

Tuần VietNamNet có bài của Nhị Lê, Phó TBT Tạp chí CS: Dân tộc ta đi không gì cản nổi! Trong bài có đoạn viết, “ngày 30-4-1975, đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,… quét sạch đế quốc Mỹ xâm lăng và bè lũ ngụy quyền của chúng, thu giang sơn về một mối, thống nhất nước nhà. Cả nước chung xây chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong những năm tháng hòa bình“.

Tác giả Đào Tiến Thi có bài: Những con đường trên mặt đất. Trong lúc Trung Cộng đang giương oai, giễu võ, tập trận ngoài Biển Đông, thì “bên thắng cuộc” vẫn gọi người anh em trong nhà là “ngụy” và sách vở, tài liệu trong nước vẫn bị kiểm duyệt chuyện chống Trung Quốc.

Báo Soha có bài: Hai cán bộ cấp cao TP.HCM xin thôi việc. Đó là ông Nguyễn Quý Hòa, sinh năm 1958, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và ông Tần Xuân Bảo, sinh năm 1958, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM. Được biết, hai vị trên được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang trao Quyết định “công chức thôi việc theo nguyện vọng“.

Nhân quyền ở Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa có bài: Tản mạn về anh Nguyễn Văn Túc. Theo ông Nghĩa, thì ông Túc “trải qua 2 trại giam: B14 và Ba Sao – Hà Nam, lại ăn thiếu, trả đủ 4 năm tù, sức khỏe của anh Túc gần như suy kiệt; bệnh tim tái phát và ra tù phải chạy chữa tốn nhiều tiền bạc của bà vợ nông dân chỉ còn sở hữu 3 sào ruộng“.

Ông Túc đã từng nói: “Đã nhận con đường này, phải coi thân mình là cái giẻ rách để chẳng tiếc, để mà dấn lên; phải coi cái danh của mình là giẻ rách để không phải tị bì với đồng ngũ…

Facebooker Phạm Thanh Nghiên viết: Công an Thái Bình đàn áp gia đình TNLT Nguyễn Văn Túc. Bà Bùi Thị Rề, vợ ông Túc kể: “Trong khi bắt ông Túc thì công an cũng canh gác nhà riêng của em gái ông là bà Nguyễn Thị Thành suốt 2 ngày nay trong khi bà Thành vắng nhà“.

Bà Rề cho biết, “hiện vẫn chưa liên lạc được với bà Nguyễn Thị Thành và gia đình bà rất lo cho sức khoẻ của bà Thành. Bắt ông Túc chưa đủ, công an Thái Bình còn đánh đập con trai ông, bắt em gái ông và khủng bố gia đình ông“.

VOA có bài: Việt Nam tiếp tục gia hạn tạm giam không xét xử ông Lưu Văn Vịnh. Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Vịnh cho VOA biết: “Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo rằng thời hạn tạm gian lần thứ hai được gia hạn từ ngày 4/7 cho đến 31/10/2017“.

Bà Thập nói: “Trong thời gian này thì họ không cho gặp mặt. Tôi có làm đơn yêu cầu được gặp mặt nhưng họ cứ viện lý do là ‘trong thời gian chưa kết thúc điều tra’ nên gia đình chưa được gặp mặt”.

Hôm 18/8, Viện Kiểm sát Thành phố HCM cho biết, sẽ không cung cấp các văn bản tố tụng về việc tạm giam đối với ông Vịnh cho bà Thập, “vì bà không thuộc trường hợp được cung cấp”.

Trang Công giáo và Dân tộc có bài: Việt Nam có trường Cao đẳng thuộc Công giáo đầu tiên. “Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trực thuộc Tòa Giám mục Xuân Lộc, do các linh mục trong Ban Bác ái Xã Hội giáo phận quản lý đã chính thức đi vào hoạt động ở hệ trung cấp nghề năm 2012”.

Mời đọc thêm: Little Saigon: Tổng thống Tây Tạng thảo luận về nhân quyền Tây Tạng và Việt Nam (NV).

Vinh danh Xã hội Dân sự

Nhà báo Huy Đức có bài viết: Xã hội dân sự là một nhu cầu có thật & Nó chỉ thành công khi chúng ta làm thật. Tác giả cho biết: “Chương trình Sách Hóa Nông Thôn vừa được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh cho phần Thực hành tốt nhất của giải Xóa mù chữ. Xin chúc mừng các thành viên của Chương trình và cá nhân anh Nguyễn Quang Thạch. Những nỗ lực bền bỉ của anh Nguyễn Quang Thạch và những đóng góp âm thầm của các thành viên đã đạt được những thành tựu rất đáng ngưỡng mộ trên thực tế chứ không chỉ có các giải thưởng“.

Ông viết thêm: “Rất cảm phục khi nghe tin các anh vừa từ chối khoản gợi ý đóng góp rất lớn từ những gia đình tai tiếng. Đồng ý với chủ trương của anh Thạch là không sử dụng tiền bẩn. Các quan chức nào đã lấy tiền dân hãy khấu đầu tạ tội nộp lại cho dân, đừng đúc chuông, xây chùa hay rửa trong các chương trình xã hội“.

Báo Zing có bài: Sách hóa nông thôn đoạt giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ. Bà Becky Brasington Clark, Giám đốc bộ phận Xuất bản của Thư viện Quốc hội Mỹ (LOC) viết: “Thành công của các ông trong thực tiễn có tác dụng thúc đẩy việc xóa mù chữ là một mô hình có giá trị đối với các tổ chức khác đang tìm kiếm để sáng tạo những chương trình xóa mù chữ dựa trên bằng chứng thực tế”.

Trên trang Facebook của mình, ông Thạch viết: “Giúp cho tất cả trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe và đọc sách là mục tiêu của đời tôi”.

Bê bối ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN

Báo Pháp luật TP có bài: PVN để mất 800 tỉ đồng, ai chịu trách nhiệm? Dân chịu, vì có ai thừa nhận đâu: “HĐXX hỏi thanh tra NHNN đã thanh tra toàn diện OceanBank nhưng không chỉ ra sai phạm về chi lãi ngoài, điều này là cố tình bỏ qua hay do năng lực. Đại diện NHNN cho hay không tham gia trực tiếp thanh tra nên sẽ trả lời sau. HĐXX tiếp tục hỏi quá trình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đó có OceanBank, việc chi lãi ngoài đã kéo dài trong nhiều năm… Vị đại diện NHNN cũng xin trả lời sau“.

RFI có bài: Việt Nam bắt giữ nhân vật số hai của PetroVietnam. Bài báo cho rằng: “Với những vụ bắt giữ theo chỉ đạo này, Đảng Cộng sản Việt Nam dường như muốn khôi phục hình ảnh và uy tín đối với người dân. Nhưng chính sách chống tham nhũng này cũng nhằm mục tiêu loại trừ các đối thủ chính trị, vào lúc đương kim tổng bí thư đảng và lãnh đạo số một của Việt Nam sẽ sớm rút lui”.

Mời đọc thêm: Một loạt lãnh đạo PVN vừa bị bắt giam, họ là ai? (PLTP). – Phó Tổng giám đốc PVN nói gì trước khi bị bắt? (DT). – Phó Tổng Giám đốc PVN trong đại án Oceanbank khai gì tại tòa? (VOV). – Báo cáo: Ngân hàng Nhà nước vi phạm về giám sát, phòng chống tham nhũng (VOA).

Củi quá nhiều mà lò thì quá bé

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài: Làm sao chống hết tham nhũng? Ông Chênh viết: “Công cuộc chống tham nhũng cứu đảng của ông Nguyễn Phú Trọng từ hồi phát động đến nay mới bỏ tù được vài chục doanh nghiệp, chưa thấy ông đụng đến sợi lông chân nào của đám tham quan, trừ việc cách chức được một ông Đinh La Thăng, bộ chính trị, (vì lỗi của cái thời làm doanh nghiệp) và cách vài cái chức ‘nguyên’ tào lao của vài kẻ về hưu, còn lại chưa thấy bỏ tù một quan chức nào“.

Theo ông Chênh, phải áp dụng để vận hành thể chế dân chủ đa nguyên, xây dựng ra nhà nước tam quyền phân lập: “Chỉ ở thể chế đó, người dân mới thực sự kiểm soát quyền lực thông qua bầu cử, thông qua các tổ chức XHDS, thông qua các đàng phái đối lập, thông qua các cơ quan tư pháp độc lập với hành pháp. Không còn con đường nào khác. Đất nước đã đi vào con đường sai lầm gần hết một thế kỷ rồi. Đừng tiếp tục kéo dài thêm“.

Tiến sĩ… đại hạ giá!

Báo Tuổi Trẻ có bài: Lấy bằng tiến sĩ trong… 10 ngày. Ông P.Q.H., học tiến sĩ Trường ĐH công lập Tarlac, ngành quản trị kinh doanh từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2013. Trong hai năm đó, ông có hai chuyến “du học” ở Hong Kong và Philippines, thời gian tổng cộng 10 ngày, gồm cả thời gian đi lại. Và ông nhận được bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh!

Báo Đất Việt đưa tin: 50% tiến sĩ là công chức: Thành tích cao, hiệu quả…tệ!  PGS Nguyễn Văn Nam cho biết, khoảng 2-3 năm trước, con số tiến sĩ làm cán bộ, công chức khoảng 70%, chỉ có khoảng 30% GS, TS làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Hiện tại 50/50 là đã khá lắm rồi.

Ông Nam nêu ý kiến: “Họ cứ nghĩ có được hàm vị tiến sĩ thì sẽ biết cách ngoại giao, biết tiếp đón khách quốc tế… Việc phong hàm tiến sĩ cho những người không viết nổi văn bản, không thuyết trình được trước đám đông thì chẳng khác nào nghành giáo dục đang tự ‘đào gốc’ tiến sĩ“.

Mời đọc thêm: “Thị trường học vị” và hệ lụy (NLĐ). – Chưa có cơ sở khẳng định Việt Nam đang “bội thực” thạc sĩ, tiến sĩ (báo Quảng Ninh). – VN: Nhiều người không tin vào cải cách giáo dục (BBC).

Tăng thuế VAT để vơ vét

RFA có bài: Tăng thuế hay tận thu? Một người dân cho biết: Mục đích “cuối cùng của việc đánh thuế người dân là người trả số tiền thuế đó. Người tiêu thụ sản phẩm trên thị trường phải đón nhận mức giá đã bị đội thuế lên rồi. Họ phải chịu luôn. Theo tôi nghĩ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân”.

Nhân ngày Quốc khánh, cần đọc lại những điều ông Hồ Chí Minh nêu lên trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, lên án thực dân Pháp, rằng: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”.

Mời xem lại phóng sự của RFA về tăng thuế, ảnh hưởng ra sao với người dân:

Mời đọc thêm: Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tăng thuế đừng để ảnh hưởng tới người nghèo (GDVN). – Tăng thuế VAT doanh nghiệp thêm khó khăn (The Leader). – TS Vũ Thành Tự Anh phản bác lập luận ‘tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo’ (VNE).

Vơ vét để trả nợ

Blogger Hiệu Minh có bài: Nợ công của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tác giả cho biết: “Cách đây 10 năm (2007) nợ công của Việt Nam là 36 tỷ đô (43% GDP) chia đầu người là 311$ từ già tới trẻ. Vào ngày hôm nay quốc khánh, con số nợ công của Việt Nam là gần 95 tỷ (45% GDP) chia đầu người là 1039$, ‘tăng trưởng’ vay hàng năm 9,3%. Nếu vụ Trịnh Vĩnh Bình thắng 1,2 tỷ thì số nợ sẽ lên 96 tỷ“.

Và “GDP không tăng trưởng thì nợ công sẽ tăng lên. Một trong những kế lâu dài là tăng VAT vừa ló ra dân than thấu trời. GPD không tăng trưởng ở mức 6,7%-7% thì thu không đủ bù chi và cứ thế đi vay. Hàng năm chính phủ đặt ra chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,7% là vì lý do nợ công sắp lên trần 65% GDP. Nhưng mấy tay ở WB chỉ nhìn ra con số đó là 6,3% với cung cách làm ăn như hiện nay“.

Mời xem đồng hồ nợ công của Việt Nam, ảnh chụp lúc 15h05′ ngày 2/9/2017, giờ Cali, tức 7h05′ sáng ngày 3/9/2017, mỗi người dân, kể cả những đứa trể mới sinh ra, đang cõng trên vai gánh nợ là 2.317 Mỹ kim:

Bê bối vụ thuốc trị ung thư giả

Báo Người Lao Động có bài: Đắng chát lời bệnh nhân ung thư giữa “cơn bão” VN Pharma. Bài viết kể về những người bệnh ung thư, đã phải vất vả chống chọi lại căn bệnh quái ác, tìm đủ mọi cách để có tiền trị bệnh, bán nhà cửa, tài sản, vay mượn nợ…

Và bây giờ họ nhận thêm một nỗi buồn nữa khi biết rằng, những đồng tiền của họ chạy vào túi của những kẻ tham lam, không còn tính người, làm giàu trên căn bệnh và sinh mạng của họ. Chị Đồng Thị Luyện, một bệnh nhân ung thư ở quận 8, Sài Gòn, viết thư gửi tới bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:

Chúng tôi nhân danh và thay mặt cho hàng trăm ngàn bệnh nhân ung thư trên toàn Việt Nam yêu cầu thẩm tra lại toàn bộ sự việc, xét xử đúng người đúng tội và không dung túng cho tội ác. Hãy cho chúng tôi được thấy sự công bằng của cán cân công lý! Hãy bảo vệ chúng tôi, cho chúng tôi quyền được hy vọng và quyền được sống. Hãy cho chúng tôi niềm tin như chúng tôi vẫn hằng động viên nhau: Ung thư không phải là dấu chấm hết!

Mời đọc thêm: Mua thuốc nội về bóc tách, “mông má” thành thuốc ngoại (DT). – Sở Y tế TPHCM nói gì về 7 loại thuốc của Cty VN Pharma từng bị rút giấy phép? (LĐ). – Bác sĩ nước ngoài có nhận “hoa hồng” như vụ VN Pharma? (Infonet). – Lời gan ruột của viên thuốc ung thư giả: Sợ lộ em vợ làm “lính” ở VN Pharma! (Soha).

Thảm họa Formosa

Báo Tài nguyên & Môi trường có bài: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình: Hoàn thành dứt điểm bồi thường cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Bài báo cho biết, theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình:

Cho đến nay, các công việc đã đi vào giai đoạn kết thúc. Đời sống nhân dân 4 tỉnh đã ổn định; môi trường biển đã sạch trở lại như thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; du lịch tăng trưởng nhanh, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân đã ổn định và hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Nhân dân tin tưởng vào chính sách, điều hành của cơ quan các cấp“.

Chính sách đất đai nhiều bất cập

BBC có bài của LS Ngô Ngọc Trai: Điều gì đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam? Tác giả viết: “Tôi cho rằng thực tế đang tồn tại một quy định chính sách quản lý đất đai sai trái, trói buộc sức sản xuất của nông dân, đang âm ỉ đốt lên những ngọn lửa bất đồng phản kháng ở nông thôn“.

Và “việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp.” Bởi vì “Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình“.

Việt Nam khởi công nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên

Trên trang nhà Tập đoàn Vingroup đăng tải thông tin: Vingroup công bố sản xuất ô tô, xe máy tiêu chuẩn Châu Âu – Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).

Vigroup cho biết: “Mục tiêu của VINFAST là trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, sản phẩm chủ lực là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện thân thiện với môi trường“.

Nhà báo Bạch Hoàn có bài: Vẫn còn chỗ cho một giấc mơ… Tác giả viết: “Hôm nay, xin được tiếp tục câu chuyện công nghiệp ô tô. Đó là câu hỏi, có nên tiếp tục đeo đuổi giấc mơ có một ngành công nghiệp ô tô thực sự hay không?

Theo bà Hoàn: “Thái Lan đã có 60 năm phát triển công nghiệp ô tô. Việt Nam thất bại trong 25 năm qua. Nhưng nếu bây giờ, các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế hành động bằng bằng tinh thần vì một mục tiêu tối thượng là sự phát triển của đất nước, bằng trách nhiệm phải làm thì sẽ vẫn còn chỗ cho một ước mơ“.

Mời đọc thêm: Tham vọng đáng… hoài nghi (FB Mai Quốc Ấn). – 3,5 tỉ USD của Vingroup và “giấc mơ chế tạo xe hơi Made in Vietnam” (NQL). – Vingroup sẽ ra mắt ôtô thương hiệu Việt 2 năm tới (Zing). – Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam (LĐ). – Thủ tướng: Ôtô không chỉ là ôtô, mà còn là thương hiệu quốc gia (TBKTVN).

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn

Cuộc tập trận Mỹ – Hàn thường niên kéo dài 10 ngày đã kết thúc hôm 31/8 nhưng có vẻ chú Ủn vẫn chưa chịu lép vế và hôm nay đáp trả với một chiêu võ mồm: Bắc Hàn phát hành tem mừng vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo.

Trong khi đó, theo báo Washington Post, liên minh với Nam Hàn để đối phó với Bắc Hàn có nguy cơ rạn nứt khi Tổng thống Trump đang sửa soạn cho việc rút lui khỏi Hiệp ước Thương mại Tự do Mỹ – Hàn.

Căng thẳng Mỹ – Nga

Chuyện căng thẳng Mỹ – Nga vẫn bánh ít đi bánh quy lại. Sau khi Mỹ ra lệnh trục xuất các nhân viên ngoại giao và loan báo, Mỹ sẽ lục soát lãnh sự quán Nga ở San Fransisco, Nga liền đáp trả: Nga triệu tập nhà ngoại giao Mỹ phản đối kế hoạch khám xét cơ sở ngoại giao.

VOA cho biết: “Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu tập ông Anthony F. Godfrey, phó trưởng sứ bộ của Đại sứ quán Mỹ tại Moscow về kế hoạch “khám xét bất hợp pháp” nhắm vào một tòa nhà ngoại giao của Nga ở Washington, dự kiến đóng cửa vào ngày thứ Bảy”.

Mời đọc thêm: Matxcơva chỉ trích Mỹ khám xét tòa lãnh sự Nga tại San Francisco (RFI).

Xóa bỏ “di sản cộng sản”

RFI có bài: Ukraina tiếp tục thanh toán di sản Liên Xô. Khi một quốc gia thoát khỏi sự cai trị cộng sản thì không còn ai muốn giữ lại bất kỳ “di tích lịch sử” nào của một thời kỳ đen tối của đất nước nữa.

Bài viết có đoạn:Từ các thành phố đến vùng nông thôn, các cơ quan chính quyền mới thân châu Âu đang xóa đi các biểu tượng của ký ức Liên Xô sau khi thông qua bộ luật về ký ức hồi tháng 4/2015. Chính sách phi cộng sản đã hạ 1500 bức tượng Lênin và đặt tên lại 22 000 đường phố. Một chương trình được tiến hành rầm rộ, nhưng không diễn ra nhẹ nhàng”.

Bạo lực ở Rakhine

Khủng hoảng sắc tộc ở Myanma tại tiểu bang Rakhin vẫn chưa thuyên giảm: Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt. VOA dẫn nguồn từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết, ngôi làng Chein Khar Li, thuộc thị xã Rathedaung, có 700 căn nhà bị phá hủy. Ông Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói: “Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy“.

Người Rohingya là người thiểu số theo đạo Hồi, đa số sống ở tiểu bang Rakhine, nằm phía Tây của Myanma. Cho tới nay, người Rohinga vẫn chưa được chính phủ Myanma công nhận và vẫn còn bị coi là những người tỵ nạn từ Bangladesh tới. Do không được luật pháp bảo vệ, nên người Rohingya thường bị cảnh sát, quân đội, cũng như khối đa số người dân theo Phật Giáo sách nhiễu, hành hạ. Đây chính là một trong những hình ảnh bi đát của viễn cảnh bị mất nước trên chính quê hương của mình.

Thêm tin về Rakhine: Miến Điện tiêu diệt phiến quân Rohingya, gần 400 người chết (NV). Cảnh sát Bangladesh cho người tỵ nạn qua biên giới (BBC). – Miến Điện : Tổng thư ký LHQ kêu gọi tránh thảm họa nhân đạo (RFI).

Không phải Đông y lúc nào cũng hiệu nghiệm

RFI đưa tin: Chữa ung thư bằng đông y làm tăng nguy cơ tử vong. Hậu quả của sự tin tưởng vào Đông y của Steve Jobs, người sáng lập Apple, được RFI kể lại: Tháng 10/2003, khi phát hiện một khối u ở tụy tạng có khả năng chữa khỏi, các bác sĩ đề nghị mổ khẩn cấp, nhưng Steve Jobs từ chối. Dù người thân phản đối, ông tự chữa trị bằng đông dược và các phương pháp khác như châm cứu, dùng thực phẩm sạch và các viên nang chứa tinh chất thực vật, thậm chí cầu viện cả thầy pháp. Đến 2004, khối u đã di căn. Jobs rốt cuộc chấp nhận phẫu thuật, nhưng đã quá trễ”.

Và: “Tuần báo The Economist cũng báo động mối nguy hiểm của đông y, đang được Trung Quốc rầm rộ quảng bá theo chỉ thị của Tập Cận Bình. Số bệnh viện đông y tại Trung Quốc từ 2.500 năm 2013 đã tăng lên 4.000 năm 2015, số lương y được cấp phép tăng 50%, lên trên 450.000 người. Chính quyền Trung Quốc còn lợi dụng mạng lưới các Viện Khổng Tử để xúc tiến đông y tại Anh, Mỹ và nhiều nước khác”.

Mời đọc thêm tin quốc tế: Gọng kềm Trung Quốc siết chặt quanh Hồng Kông (RFI). – Trung Quốc cải tổ quân đội trước Đại Hội Đảng (RFI). – UNICEF: 16 triệu trẻ em Nam Á bị ảnh hưởng bởi lũ lụt thảm khốc (VOA). – Các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba bị « tổn thương não » do « tấn công thính giác » (RFI). – Chi tiết vụ nhân viên ngoại giao Mỹ bị ‘tấn công âm thanh’ ở Cuba (BBC).

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây