Nguyễn Đình Cống
2-9-2017
Tháng 8/ 1945, chàng thanh niên Nghĩa là đại diện của Việt minh, sau này là thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bị Cộng sản bắt bỏ tù vì tội chống Đảng, chết trong nỗi ân hận vì chưa được minh oan.
Ngày 9 tháng 3 /1945 Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 vua Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Việt Nam độc lập, xóa bỏ mọi hiệp ước đã ký với Pháp trước đây. Tháng 4/ 1945 giải tán Triều đình phong kiến, thành lập Chính phủ với Thủ tướng Trần Trọng Kim và các Bộ trưởng, tạo lập thể chế Quân chủ lập hiến. Nhật muốn thành lập chính phủ thân với họ để chống lại Mỹ, nhưng Chính phủ ông Kim gồm những người trong tầng lớp trí thức tinh hoa, họ thật sự yêu nước, không chịu lệ thuộc vào Nhật, đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho dân tộc.
Bảo Đại và Trần Trọng Kim biết Việt Minh là một thế lực mạnh, rất muốn hợp tác và chuyển giao quyền lực trong hòa bình để tránh phải chém giết nhau. Từ tháng 5 đến tháng 8/ 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim đã 5 lần cử người từ Huế ra Hà Nội tìm gặp đại diện của Việt Minh để thương lượng, mời Việt Minh tham gia Chính quyền từ trung ương đến địa phương, nhưng cả 5 lần đại diện của Việt Minh đều kiên quyết không hợp tác.
Trong hồi ký “Một cơn gió bụi” ông Kim viết : “Đảng Việt Minh lúc ấy rất hoạt động, đánh huyện này, phá phủ kia, lính Bảo An ở các nơi, phần nhiều bị Việt Minh tuyên truyền, tuy chưa theo hẳn, nhưng không chống cự nữa. Nhân dân bấy giờ rất hoang mang, một đường có chính phủ quốc gia, nhưng vì thời gian eo hẹp, chưa kịp sắp đặt gì cả, công việc thấy có nhiều sự khốn khó mà thường nghe sự tuyên truyền của Việt Minh nói họ đã có các nước đồng minh giúp đỡ cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. Dân ta từ khi bị người Pháp sang cai trị, cứ khao khát độc lập, nay nghe Việt Minh nói như thế, ai nghe nói đảng Việt Minh lên cầm quyền, dân không phải đóng thuế nữa, được hoàn toàn tự do và có nhiều hạnh phúc, thành ra ai cũng tin theo. Ngay những đạo thanh niên tiền tuyến do Bộ Thanh Niên lập ra, cũng có ý ngả về Việt Minh.”
Lần cuối cùng đích thân Trần Trọng Kim gặp ông Lê Trọng Nghĩa, lúc đó là một cán bộ chủ chốt của VM ở Hà Nội. Sau đây là tóm lược cuộc trao đổi giữa 2 người, theo tường thuật của Trần Trọng Kim trong Hồi ký, được nhà sử học Phạm Cao Dương, viết, đăng trên Báo Tiếng Dân ngày 31/8/2017.
Trấn Trọng Kim nói: Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem chúng ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?
Lê Trọng Nghĩa nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.
Trần Trọng Kim: Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.
– Trần Trọng Kim: Theo ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.
Nói đến đây rồi Lê Trọng Nghĩa đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Trần Trọng Kim thấy thái độ người ấy như thế, biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.
Trần Trọng Kim nói: Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?
– Lê Trọng Nghĩa: Chúng tôi sẽ “cướp quyền” để tỏ cho các nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu cho ai nhường.
– Trần Trọng Kim: Các ông chắc là các nước đồng minh tin ở sức mạnh của các ông không?
– Lê Trọng Nghĩa: Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.
– Trần Trọng Kim: “Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử”.
Như vậy “Dành Độc lập” là khẩu hiệu nêu ra để tập hợp toàn dân đi theo, chỉ là mục tiêu trước mắt, còn mục tiêu lâu dài, mục đích cuối cùng là làm cách mạng vô sản và lập nền chuyên chính vô sản. Việt Minh đã chủ trương “cướp” chính quyền Trần Trọng Kim để dành độc quyền cai trị theo lề lối Cộng sản độc tài. Lê Trọng Nghĩa quá tin vào sự giúp đỡ của Đồng minh mà chủ yếu là của Mỹ. Anh ta không biết rằng Mỹ chỉ giúp Việt Minh chống Nhật và dành Độc lập. Khi Việt nam đã độc lập từ tháng 4/1945 và Nhật đã đầu hàng vào tháng 8/ 1945 thì Mỹ không thể nào tiếp tục giúp một tổ chức cộng sản. Hồ Chí Minh biết quan điểm của Mỹ nên đã tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản, nhưng lại rút vào bí mật. Mỹ phát hiện được mưu lược này nên đã không tiếp tục ủng hộ Việt Minh. Từ tháng 9 /1945 trở đi cho đến 1950 không có một nước đồng minh nào ủng hộ Việt Minh. Điều mà Lê Trọng Nghĩa và các lãnh đạo Việt Minh tin chắc trăm phần trăm trở thành vô nghĩa.
Lê Trọng Nghĩa, sau tháng 8/1945 đã giữ những cương vị quan trọng trong chính quyền và quân đội, được phong hàm Đại tá, chánh văn phòng Quân ủy trung ương, Cục trưởng cục quân báo, thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế rồi năm 1968 Nghĩa bị Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn bắt bỏ tù, không xét xử, bị tình nghi tham gia nhóm chống Đảng. Nhóm này có đến hàng trăm người, trong đó có những người nổi tiếng như Ung Văn Khiêm (Bộ trưởng Bộ ngoại giao), Hoàng Minh Chính (Viện trưởng Viện Triết học), Vũ Đình Huỳnh (Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao, nguyên thư ký riêng của Hồ Chí Minh), Đặng Kim Giang (Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Nông trường), Lê Hồng Hà (chánh văn phòng Bộ Công An), Nguyễn Kiến Giang (Phó giám đốc NXB Sự Thật), Vũ Thư Hiên (nhà văn) và nhiều người khác. Nhóm chống Đảng bị cho là theo đường lối xét lại của Khơ rút sốp (Tổng bí thư ĐCS Liên xô), chống lại đường lối của Mao Trạch Đông. Võ Nguyên Giáp cũng bị cho là có dính dáng đến nhóm này.
Những người bị bắt (thuộc nhóm chống Đảng) bị tra khảo với 3 câu hỏi chủ yếu:
1-Có nhận làm gián điệp cho Liên xô không.
2- Cấp trên của nhóm gồm những ai (gợi ý có phải Võ Nguyên Giáp không).
3- Đã từng liên lạc với những ai.
Những người bị bắt đều trả lời “KHÔNG” cho cả 3 câu. Không một ai, dù bị cực hình tra tấn vẫn không nhận lời buộc tội vu khống, họ thà bị giam cho đến chết chứ không nhận tội mà họ không phạm phải. Họ giữ được dũng khí. Không có chứng cứ buộc tội, cuối cùng Đảng phải thả họ ra.
Lê trọng Nghĩa được tha năm 1976. Cuối đời ông tỉnh ngộ ra, viết đơn trình bày cho Bộ Chính trị, nhưng đơn của ông không được trả lời, ông chết năm 2015, mang theo bao nỗi niềm chua xót.