David Nguyen
28-8-2017
Vụ việc liên quan tới Trịnh Xuân Thanh tiếp tục phát triển theo những chiều hướng mới mà khả năng xấu nhất thậm chí có thể gây tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc, làm uy tín và lòng tin bị đổ vỡ. Bộ Ngoại giao Séc đã cảnh cáo ĐSQ Việt Nam ở Praha về khả năng trục xuất, nếu chứng minh được quan chức ngoại giao nào biết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi hạ tuần tháng Bẩy.
Cuối tuần trước, truyền thông Cộng hòa Séc bắt đầu nói đến khả năng đối tượng 46 tuổi H.L.N. mà tóa án Praha đồng ý dẫn độ sang Đức để phục vụ công tác điều tra không nhất thiết là đầu mối duy nhất dẫn sang Cộng hòa Séc, bởi chắc chắn nhiều người khác đã tham gia vào hoạt động phạm pháp này. Hơn nữa, nhiều chi tiết cho thấy là người nói tiếng Việt cư trú ở Séc.
Tạp chí Respekt tương đối nghiêm túc và uy tín ở Cộng hòa Séc trong số ra mới nhất ngày 28 tháng Tám 2017 thậm chí khẳng định, rằng cảnh sát Cộng hòa Séc có thể đã trở thành nạn nhân âm mưu lừa đảo xảo quyệt của công an Việt Nam. Theo Respekt, cảnh sát điều tra cho rằng sau khi bị bắt cóc, mật vụ Việt Nam đã áp giải Trịnh Xuân Thanh vượt qua lãnh thổ nhiều quốc gia và chắc là tới Nga, tại đó đưa lên máy bay của Hàng không Việt Nam chở về nước.
Vụ bắt cóc xảy ra tại công viên Tiergarten đã có nhiều người chứng kiến, mô tả về những người đàn ông có vũ khí cưỡng bức đẩy Trịnh Xuân Thanh lên xe. Và tình tiết quan trọng nhất dĩ nhiên là biển số nhận dạng từ Cộng hòa Séc của chiếc xe Wolksvagen multivan. Ngay lập tức phía Đức đã yêu cầu chính quyền Séc hỗ trợ điều tra.
Cũng như người Đức, phụ trách điều tra không còn là những đơn vị cảnh sát thông thường nữa, mà đã phải chuyển giao cho các cơ quan đặc biệt chuyên trách. Tại Cộng hòa Séc hiện đang trong phạm vi xử lý của Trung tâm Quốc gia bài trừ tội phạm có tổ chức (NCOZ), cụ thể là chuyên ban tội phạm nói tiếng Việt.
Nguồn tin cậy từ cơ quan an ninh tiết lộ cho Respekt, rằng hiện nay chưa xác định rõ được nhóm tham gia bắt cóc lớn như thế nào và cả đã lưu trú bao lâu trên lãnh thổ CH Séc. Một trong những hướng điều tra, là những người này đã tới Cộng hòa Séc cách đây hai năm trong nhóm các công an Việt Nam mà chính quyền Séc đã mời sang để hỗ trợ quá trình đấu tranh với các băng nhóm tội phạm Việt Nam ở CH Séc.
Như đã biết, nhiệm vụ của các công an viên từ Việt Nam này chủ yếu nhằm vào cái gọi là mafia Việt Nam, tập trung hoạt động cả ở trong khu chợ đổ hàng Sapa nổi tiếng ở phường Praha- Libuš. Bởi các công an viên này có lợi thế hơn hẳn những đồng nghiệp Séc vì có thể dễ dàng thâm nhập tốt vào môi trường cũng như thiết lập quan hệ để thu thập thông tin. Với cảnh sát Séc theo lý thuyết đó là những cộng tác viên vô giá.
Nhưng nay các thám tử NCOZ đang phải xem xét lại toàn bộ, xem liệu trong nhóm công an này ngay từ đầu đã có mật vụ của Tổng cục 5 trà trộn và làm những nhiệm vụ mà phía chủ nhà không hề biết, những công việc không hề có trong thỏa thuận giữa hai nước. Theo NCOZ, có thể chính những mật vụ nằm vùng này là những yếu tố quan trọng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Mà nếu chuyện này là có, thì thực sự sẽ có thể coi là thảm họa cho lòng tin mà bao năm nay các cơ quan an ninh hai nước dầy công xây dựng. Và không chỉ giới hạn trong khía cạnh hợp tác cảnh sát, mà cả những nỗ lực hội nhập hay tham gia của những người nói tiếng Việt vào các cơ quan chính quyền cũng sẽ bị nhìn nhận với thái độ cảnh giác hơn rất nhiều như đối tác lật lọng tiềm năng.
Respekt cũng khẳng định, là bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc cũng đã có động thái can thiệp. Mới đây bộ Ngoại giao Séc đã triệu hồi đại diện đại sứ quán Việt Nam tới để chia sẻ, rằng nếu như xác minh thấy quan chức ngoại giao Việt Nam nào biết về vụ bắt cóc, sẽ thực hiện lập tức biện pháp như người Đức đã áp dụng, ra lệnh trục xuất như đối tượng không được hoan nghênh.
David Nguyen – Respekt ©Vietinfo